Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Trẻ 8 tháng bị táo bón – Những điều mẹ cần biết

Ngày 06/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tình trạng táo bón là một vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ở độ tuổi 8 tháng, hệ tiêu hóa đang trong giai đoạn phát triển nên có thể gặp phải một số khó khăn trong việc tiêu hóa thức ăn. Vậy khi nhận thấy trẻ 8 tháng bị táo bón thì mẹ cần phải làm gì?

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp để giảm thiểu tình trạng trẻ 8 tháng bị táo bón để đảm bảo trẻ có đường tiêu hoá khoẻ mạnh. Hãy cùng khám phá qua bài viết này bạn nhé!

Tìm hiểu tình trạng trẻ 8 tháng bị táo bón

Biểu hiện khi bé 8 tháng bị táo bón

Mặc dù không quá nguy hiểm nhưng tình trạng táo bón ở trẻ 8 tháng tuổi có thể gây ra nhiều tác động xấu tới sức khỏe tổng thể. Ngoài việc làm bé trở nên khó chịu, không muốn ăn uống, tình trạng táo bón thường khiến cho  việc sinh hoạt, vui chơi hàng ngày của bé bị ảnh hưởng. Đáng chú ý, tình trạng táo bón kéo dài có thể gây ra các tổn thương đến hậu môn và trực tràng, rối loạn toàn thân cũng như các vấn đề sức khỏe như trĩ, biếng ăn và suy dinh dưỡng.

Vì vậy, việc nhận biết kịp thời các dấu hiệu táo bón ở trẻ 8 tháng tuổi và thực hiện các biện pháp can thiệp là điều vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số dấu hiệu điển hình mà cha mẹ không nên bỏ qua:

  • Bé bị táo bón thường hay quấy khóc, trở nên biếng ăn, khó chịu. Các triệu chứng này thường được kèm theo với sự căng chướng bụng, khả năng tiêu hóa thực phẩm kém, không thoải mái trong quá trình ăn uống.
  • Số lần bé đi ngoài giảm đi đáng kể. Trẻ thông thường sẽ có từ 5-7 lần đi tiêu trong một tuần. Tuy nhiên, tình trạng táo bón khiến số lần này giảm xuống còn 3 lần hoặc ít hơn, đồng thời gặp khó khăn, đau đớn khi đi tiêu. Tình trạng này thường xuất phát từ việc phân ứ đọng trong đường ruột trở nên khô và cứng, dẫn đến việc bé phải rặn mạnh để đi tiêu.
  • Bé có thể gặp vấn đề về tiêu hóa và thường có triệu chứng chướng bụng, khó chịu.
Trẻ 8 tháng bị táo bón – Những điều mẹ cần biết 1
Táo bón khiến trẻ khó chịu, quấy khóc

Trẻ 8 tháng bị táo bón do nguyên nhân nào?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bé 8 tháng bị táo bón bao gồm:

  • Hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện: Trẻ 8 tháng bắt đầu tiến hành ăn dặm, tuy nhiên, hệ tiêu hóa vẫn chưa hoàn toàn thích nghi với việc chuyển từ sữa mẹ sang thực phẩm rắn. 
  • Chế độ dinh dưỡng thiếu cân bằng: Thiếu các nhóm chất cần thiết như chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin, khoáng chất, đặc biệt là việc thiếu nguồn thực phẩm cung cấp chất xơ tự nhiên như rau xanh và trái cây.
  • Thiếu nước: Thiếu nước cũng có thể dẫn đến tình trạng táo bón ở trẻ 8 tháng, đặc biệt là khi bé đã bắt đầu tiến hành ăn dặm. Trong giai đoạn này, việc cung cấp đủ nước cho bé cũng là một điều rất quan trọng.
  • Pha sữa công thức sai cách: Việc pha sữa công thức không đúng tỷ lệ hoặc quá đặc làm cho hệ tiêu hóa của trẻ bị quá tải, không hấp thụ hết chất dinh dưỡng từ đó góp phần gây ra tình trạng táo bón.
  • Trẻ lười vận động: Hoạt động thể chất và chế độ dinh dưỡng cân đối được coi là hai yếu tố quan trọng giúp bé phát triển mạnh mẽ và hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả. Vì vậy, trẻ lười vận động sẽ làm chậm nhu động ruột và dễ bị táo bón. 

Ngoài các nguyên nhân trên, một số bệnh lý khác như đại tràng phình lớn, tổn thương bẩm sinh trên đại tràng hay thậm chí các bệnh ốm sốt có thể cũng góp phần gây ra vấn đề táo bón ở bé 8 tháng.

Trẻ 8 tháng bị táo bón – Những điều mẹ cần biết 2
Trẻ uống sữa công thức quá đặc cũng có thể là nguyên nhân gây táo bón

Cách trị táo bón cho trẻ 8 tháng tuổi

Mặc dù táo bón không được xem là một vấn đề bệnh lý đe dọa sức khỏe tức thì ở trẻ 8 tháng tuổi, tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, nó có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển hàng ngày của bé và thậm chí gây ra một số biến chứng về sức khỏe. Vì vậy, ngay khi nhận thấy một số dấu hiệu cho thấy trẻ 8 tháng bị táo bón, việc điều trị cần được thực hiện một cách kịp thời.

Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho bé 8 tháng bị táo bón là một biện pháp quan trọng. Chế độ ăn cân đối, bổ sung đủ chất dinh dưỡng và chất xơ từ rau xanh, trái cây tươi sẽ giúp cải thiện tình trạng táo bón.

Nếu bé dùng sữa công thức, hãy xem xét việc đổi sang loại sữa phù hợp để giúp cải thiện tình trạng táo bón.

Cung cấp đủ nước cho bé 8 tháng tuổi là một phần quan trọng để phòng và trị táo bón. Ba mẹ có thể cho bé uống nước lọc, nước canh, súp và nước ép trái cây tươi đều được.

Khuyến khích bé vận động nhẹ nhàng để thúc đẩy quá trình tiêu hóa. Mẹ nên tạo cơ hội cho bé bò, tập đi, thậm chí thực hiện một số động tác đạp xe đạp trên giường.

Thực hiện massage bụng và tắm / ngâm mông trong nước ấm hàng ngày có thể giúp cải thiện tình trạng táo bón ở bé 8 tháng.

Một số mẹ sử dụng men vi sinh để giải quyết tình trạng táo bón. Tuy nhiên, việc này cần phải được hỏi ý kiến chuyên gia để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Trẻ 8 tháng bị táo bón – Những điều mẹ cần biết 3
Bổ sung đủ nước cho trẻ giúp cải thiện tình trạng táo bón

Thực đơn cho bé 8 tháng bị táo bón

Khi bé 8 tháng gặp tình trạng táo bón, cha mẹ nên chuẩn bị các loại thực phẩm thích hợp giúp cải thiện tình trạng này, bao gồm:

  • Rau lá xanh như cải bó xôi, súp lơ xanh...
  • Trái cây, quả mọng như chuối, bưởi, táo, nho, dâu tây, việt quất, kiwi, quả sung...
  • Các loại hạt như hạnh nhân, hạt chia, hạt hồ đào, hạt lanh, hạt óc chó, đậu lăng, đậu hà lan...
  • Sữa chua.

Ngoài ra, bố mẹ cần đảm bảo bé uống đủ nước, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày. Đối với trẻ mới bắt đầu ăn dặm, thay vì cho bé ăn bột gạo, có thể thử cho bé ăn bột ngũ cốc để tạo điều kiện tốt hơn cho đường ruột của bé hoạt động hiệu quả hơn.

Trẻ 8 tháng bị táo bón – Những điều mẹ cần biết 4
Lưu ý các thực phẩm trong chế độ ăn dặm của trẻ

Hy vọng thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng trẻ 8 tháng bị táo bón. Cha mẹ cần lưu ý chế độ ăn và giúp trẻ vận động hợp lý để tăng cường hoạt động hệ tiêu hoá. Tuy nhiên, nếu tình trạng táo bón vẫn không được cải thiện, cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm