Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Trẻ bị cảm lạnh đau bụng có nguy hiểm không?

Ngày 30/08/2024
Kích thước chữ

Nhiều trẻ bị cảm lạnh đau bụng khiến ba mẹ lo lắng. Mặc dù đây không phải là một biểu hiện quá nghiêm trọng nhưng nếu không được chăm sóc đúng cách, tình trạng này có thể khiến trẻ mệt mỏi và khó chịu. Để giúp trẻ vượt qua giai đoạn này một cách nhẹ nhàng, ba mẹ cần hiểu rõ nguyên nhân và biết cách xử lý phù hợp, đồng thời theo dõi tình trạng của con để đảm bảo sức khỏe cho trẻ.

Trẻ bị cảm lạnh đau bụng là triệu chứng khá phổ biến và thường không gây nguy hiểm nếu được xử lý đúng cách. Điều quan trọng là ba mẹ cần biết cách chăm sóc và theo dõi trẻ để đảm bảo con nhanh chóng hồi phục mà không gặp biến chứng nào.

Bệnh cảm lạnh ở trẻ em là gì?

Cảm lạnh là một bệnh viêm đường hô hấp trên do virus gây ra, có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi nhưng đặc biệt phổ biến ở trẻ em. Một đứa trẻ có thể bị cảm lạnh hơn 8 lần mỗi năm, đặc biệt là khi thời tiết chuyển lạnh vào mùa thu và mùa đông. Dù hầu hết các trường hợp cảm lạnh chỉ gây triệu chứng nhẹ nhưng những biểu hiện khó chịu này khiến trẻ mệt mỏi và ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như việc học tập. Nếu không được chăm sóc cẩn thận, bệnh có thể trở nặng và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Trẻ bị cảm lạnh đau bụng có nguy hiểm không? 1
Một đứa trẻ có thể bị cảm lạnh hơn 8 lần mỗi năm

Hiện tại, không có thuốc đặc trị hay vắc xin phòng ngừa tuyệt đối cho bệnh cảm lạnh. Vì vậy, ba mẹ cần chủ động thực hiện các biện pháp tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch cho trẻ. Ngoài ra, khi trẻ có dấu hiệu cảm lạnh, ba mẹ cần quan sát kỹ và áp dụng các phương pháp điều trị hỗ trợ kịp thời.

Nguyên nhân khiến trẻ bị cảm lạnh

Có hơn 200 chủng virus có thể gây ra cảm lạnh ở trẻ, trong đó Rhinovirus là phổ biến nhất. Các virus này lây lan chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp. Trẻ có thể nhiễm virus khi tiếp xúc với các giọt bắn chứa virus từ người bệnh khi ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị lây nhiễm khi chạm tay vào các bề mặt đã bị nhiễm virus và sau đó chạm lên mắt, mũi hoặc miệng của mình.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ cảm lạnh ở trẻ bao gồm:

  • Hệ miễn dịch suy yếu hoặc mắc các bệnh gây suy giảm miễn dịch.
  • Tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động.
  • Sống trong môi trường ô nhiễm hoặc ẩm thấp.
  • Không được giữ ấm đúng cách trong mùa lạnh.
  • Dị ứng thời tiết.
  • Thường xuyên đến những nơi đông người như trường học hoặc nhà trẻ.
Trẻ bị cảm lạnh đau bụng có nguy hiểm không? 2
Có nhiều nguyên nhân có thể khiến trẻ bị cảm lạnh

Những dấu hiệu khi trẻ bị cảm lạnh

Thông thường, sau khi nhiễm virus từ 1 - 3 ngày, trẻ bị cảm lạnh sẽ bắt đầu có những triệu chứng rõ rệt. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, các triệu chứng có thể khác nhau nhưng thường bao gồm:

  • Nghẹt mũi, chảy nước mũi;
  • Ngứa cổ họng, đau họng, hắt hơi, ho;
  • Mệt mỏi, đau nhức toàn thân;
  • Sốt nhẹ;
  • Một số trẻ bị cảm lạnh đau bụng do rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy hoặc nôn mửa.

Trẻ bị cảm lạnh đau bụng có nguy hiểm không?

Trẻ bị cảm lạnh đau bụng thường không quá nguy hiểm, vì vậy ba mẹ không nên quá lo lắng. Để giảm bớt cảm giác khó chịu cho trẻ, ba mẹ có thể chườm ấm lên bụng và cho trẻ uống nước gừng ấm pha thêm chút muối. Đồng thời, đảm bảo trẻ được ăn uống đủ dinh dưỡng và nghỉ ngơi đầy đủ. Tuy nhiên, nếu cơn đau bụng kéo dài hoặc kèm theo các triệu chứng như nôn mửa, mệt mỏi, ba mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ kiểm tra và điều trị kịp thời.

Trẻ bị cảm lạnh đau bụng có nguy hiểm không? 3
Trẻ bị cảm lạnh đau bụng thường không quá nguy hiểm nên ba mẹ không cần quá lo lắng

Điều trị cảm lạnh ở trẻ em

Cảm lạnh ở trẻ em thường được chăm sóc và điều trị tại nhà nhưng nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng, ba mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra và hỗ trợ y tế kịp thời. Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm như xét nghiệm dịch hầu họng hoặc chụp X-quang để loại trừ các bệnh khác.

Các phương pháp điều trị cảm lạnh chủ yếu tập trung vào việc giảm nhẹ triệu chứng, giúp trẻ thoải mái hơn. Một số cách chăm sóc khi trẻ bị cảm lạnh bao gồm:

  • Cho trẻ nghỉ ngơi đầy đủ để phục hồi nhanh hơn.
  • Đảm bảo trẻ uống đủ nước, có thể cho trẻ uống nước ấm hoặc dung dịch điện giải.
  • Làm ẩm không khí và giữ không gian thông thoáng.
  • Vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý.
  • Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa và tránh thực phẩm dầu mỡ, chế biến sẵn.
  • Tắm bằng nước ấm để giữ ấm cho trẻ.
  • Bổ sung vitamin tự nhiên thông qua các loại trái cây, rau củ giàu vitamin.

Đối với các triệu chứng như ho, sổ mũi, nhức đầu, ba mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng các loại thuốc phù hợp với liều lượng an toàn. Đặc biệt, cần tránh tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh vì cảm lạnh do virus gây ra không đáp ứng với kháng sinh và có thể dẫn đến kháng kháng sinh và các tác dụng phụ khác.

Trẻ bị cảm lạnh đau bụng có nguy hiểm không? 4
Khi bị cảm lạnh nên cho trẻ uống đủ nước, có thể uống nước ấm hoặc dung dịch điện giải

Khi trẻ bị cảm lạnh đau bụng, việc chăm sóc đúng cách là yếu tố then chốt giúp trẻ nhanh chóng hồi phục. Dù tình trạng này thường không quá nguy hiểm nhưng ba mẹ cần chú ý theo dõi kỹ các dấu hiệu của con và có biện pháp can thiệp kịp thời nếu cần. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin