Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Mang thai

Bà bầu bị cảm lạnh có sao không? Cách xử trí khi bà bầu bị cảm lạnh

Ngày 30/08/2024
Kích thước chữ

Mang thai là giai đoạn đặc biệt nhạy cảm đối với sức khỏe của người mẹ, trong đó các vấn đề về sức khỏe dù nhỏ cũng có thể khiến mẹ bầu lo lắng. Cảm lạnh là một trong những tình trạng thường gặp, nhưng lại gây không ít băn khoăn vì những lo ngại về ảnh hưởng đến thai nhi. Liệu bà bầu bị cảm lạnh có sao không?

Mặc dù cảm lạnh không phải là bệnh nghiêm trọng, nhưng việc nhiễm bệnh trong thời kỳ mang thai khiến nhiều người lo sợ về những tác động tiêu cực có thể xảy ra với con yêu. Vậy bà bầu bị cảm lạnh có sao không? Những biện pháp nào mẹ bầu nên áp dụng để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và bé?

Triệu chứng mẹ bầu bị cảm lạnh

Cảm lạnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với sự xâm nhập của virus, chứ không phải do chính virus trực tiếp gây ra. Tuy nhiên, các triệu chứng của cảm lạnh có thể khiến bà bầu cảm thấy khó chịu và cần chú ý để tránh nhầm lẫn với các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Bà bầu bị cảm lạnh có sao không? 1
Phụ nữ trong giai đoạn mang thai có hệ miễn dịch suy giảm do thay đổi vì vậy dễ mắc cảm lạnh

Phụ nữ mang thai có thể bị cảm lạnh khi hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức với virus, dẫn đến một loạt triệu chứng. Một trong những dấu hiệu thường gặp là sốt cao, thường dao động trong khoảng 38 - 39 độ C. Đi kèm với sốt là cảm giác rét run, ớn lạnh, làm cho bà bầu cảm thấy khó chịu và yếu sức. Đau đầu và mệt mỏi cũng là những triệu chứng phổ biến, khiến người bệnh cảm thấy kiệt sức và cần nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường.

Ngoài ra, cảm lạnh còn có thể kèm theo các triệu chứng như đau họng, ho khan hoặc ho có đờm, làm tăng thêm sự khó chịu cho bà bầu. Các biểu hiện về hô hấp như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi cũng thường xuất hiện, gây khó khăn trong việc thở và làm gián đoạn giấc ngủ. Cảm giác đau nhức cơ bắp và ăn không ngon miệng cũng có thể xảy ra, làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng cần thiết cho mẹ và bé.

Cảm lạnh ở phụ nữ mang thai chủ yếu do hệ miễn dịch suy giảm vì sự thay đổi hormone trong cơ thể. Khi mang thai, đặc biệt là trong giai đoạn đầu, cơ thể người mẹ phải thích nghi với sự phát triển của thai nhi, làm suy yếu hệ miễn dịch và tăng nguy cơ mắc bệnh. Một số nguyên nhân cụ thể gây cảm lạnh ở bà bầu bao gồm:

  • Không giữ ấm cơ thể: Mặc không đủ ấm trong thời tiết lạnh dễ dẫn đến nhiễm lạnh.
  • Tắm khuya hoặc dùng nước lạnh: Làm giảm nhiệt độ cơ thể, dễ bị cảm.
  • Thời tiết thay đổi đột ngột: Giao mùa khiến cơ thể khó thích nghi, dễ bị cảm.
  • Sốc nhiệt: Di chuyển giữa nhiệt độ trong phòng điều hòa và ngoài trời gây sốc nhiệt.
  • Ô nhiễm môi trường: Khói bụi, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ viêm nhiễm đường hô hấp.
  • Lây nhiễm từ người khác: Tiếp xúc với người bệnh qua các hoạt động hàng ngày.
Bà bầu bị cảm lạnh có sao không? 2
Các mẹ thường rất lo lắng rằng bà bầu bị cảm lạnh có sao không? Và cần điều trị như thế nào?

Trong quá trình mang thai, các mẹ thường rất lo lắng các vấn đề có thể ảnh hưởng đến thai nhi, vì vậy thường thắc mắc rằng liệu bà bầu bị cảm lạnh có sao không? Việc nhận biết và xử lý đúng cách các triệu chứng cảm lạnh là quan trọng để giúp bà bầu duy trì sức khỏe tốt trong suốt thai kỳ. Nếu các triệu chứng kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, bà bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Bà bầu bị cảm lạnh có sao không?

Phụ nữ mang thai bị cảm lạnh hoặc cúm, đặc biệt là khi kèm theo sốt, có thể liên quan đến nguy cơ gia tăng một số dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Các dị tật này có thể bao gồm suy nhược, bệnh gai cột sống, sứt môi hở hàm ếch, viêm đại tràng co thắt và suy thận hai bên. Tuy nhiên, nếu cảm lạnh hoặc cúm không kèm sốt, khả năng sinh con bị dị tật bẩm sinh không tăng lên.

Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng nếu phụ nữ mang thai bị sốt trong giai đoạn giữa thai kỳ, nguy cơ thai nhi mắc bệnh tự kỷ có thể tăng lên 40%. Nếu bị sốt sau tuần thứ 12 của thai kỳ, nguy cơ này có thể tăng gấp 3 lần. Trong 3 tháng đầu thai kỳ, tỷ lệ mắc tự kỷ tăng 34% nếu người mẹ bị sốt, và tăng 15% trong ba tháng cuối thai kỳ. Nguy cơ còn cao hơn nếu sốt kéo dài hoặc xảy ra nhiều lần sau tuần thứ 12, đặc biệt là nếu sốt ba lần trở lên sau ba tháng đầu thì nguy cơ mắc tự kỷ có thể cao hơn gấp 3 lần.

Bà bầu bị cảm lạnh có sao không? 3
Khi cảm lạnh có sốt kéo dài cần lưu ý trẻ sinh ra có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tự kỷ

Các nhà nghiên cứu cho rằng sốt có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của thai nhi do phản ứng của cơ thể đối với nhiễm trùng gây sốt. Khi hệ miễn dịch của người mẹ phản ứng, có thể làm tăng nguy cơ bệnh tật ở trẻ sơ sinh, bao gồm cả bệnh tự kỷ. Ngoài ra, mức độ phơi nhiễm với virus và vi khuẩn trong thai kỳ còn ảnh hưởng đến môi trường nội tại của người mẹ, tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và dị ứng cho trẻ khi lớn lên.

Những đứa trẻ này cũng dễ bị nhạy cảm với các chất gây dị ứng từ môi trường xung quanh như bụi và lông thú cưng, do khả năng dị ứng và hen suyễn có thể được di truyền. Vì vậy, để trả lời cho câu hỏi bà bầu bị cảm lạnh có sao không? Thì có thể là có nên việc theo dõi và quản lý sức khỏe của mẹ trong thai kỳ, bao gồm việc tránh sốt và nhiễm trùng, là rất quan trọng để giảm thiểu các nguy cơ tiềm ẩn cho thai nhi.

Cách điều trị khi bà bầu bị cảm lạnh

Phụ nữ mang thai bị cảm lạnh có thể áp dụng các biện pháp tại nhà để giảm nhẹ triệu chứng mà không cần dùng thuốc:

  • Nghỉ ngơi đầy đủ: Việc nghỉ ngơi giúp cơ thể tập trung vào việc phục hồi, đặc biệt quan trọng khi hệ miễn dịch đang suy yếu.
  • Nằm ngửa, đầu kê cao: Tư thế này giúp thông thoáng đường thở và giảm nghẹt mũi, giúp bà bầu thở dễ dàng hơn.
  • Uống nhiều nước: Bổ sung đủ nước, nước trái cây và sinh tố không chỉ giúp giữ ẩm mà còn cung cấp dinh dưỡng cần thiết khi bà bầu chán ăn.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm: Máy tạo độ ẩm giúp duy trì độ ẩm không khí, giảm nghẹt mũi và làm dịu cổ họng.
  • Chườm ấm: Chườm ấm lên đầu, xoang và vai có thể giảm đau và giảm nghẹt mũi hiệu quả.
Bà bầu bị cảm lạnh có sao không? 4
Chườm ấm là một liệu pháp hiệu quả để hạ sốt khi cảm lạnh

Mặc dù cảm lạnh thường tự khỏi, trong một số trường hợp, có thể sử dụng thuốc không kê đơn (OTC) để giảm triệu chứng. Tuy nhiên, việc dùng thuốc cần được cân nhắc kỹ lưỡng và luôn tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.

  • Thuốc giảm đau, hạ sốt: Acetaminophen (Paracetamol) là lựa chọn an toàn để giảm đau và hạ sốt cho bà bầu. Tuy nhiên, nên sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất và luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
  • Thuốc giảm ho: Các thuốc giảm ho chứa dextromethorphan và guaifenesin thường an toàn nếu dùng đúng liều lượng. Tuy nhiên, bà bầu nên ưu tiên các phương pháp tự nhiên như viên ngậm thảo dược hoặc tinh dầu bạc hà để giảm ho và đau họng trước khi sử dụng thuốc.
  • Thuốc kháng histamin: Một số loại thuốc kháng histamin như diphenhydramine, clorpheniramin, loratadin và cetirizine được coi là an toàn cho phụ nữ mang thai để giảm triệu chứng dị ứng như sổ mũi, chảy nước mắt, hoặc hắt hơi.
  • Thuốc thông mũi: Các nghiên cứu chưa khẳng định được độ an toàn của thuốc thông mũi trong thai kỳ. Một số thuốc như pseudoephedrine và phenylephrine có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, do đó cần tránh hoặc chỉ dùng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Thay vào đó, thuốc xịt mũi và miếng dán mũi bằng nước muối là lựa chọn an toàn hơn để giảm nghẹt mũi.
Bà bầu bị cảm lạnh có sao không? 5
Nếu cần thiết phải dùng đến thuốc cần có sự tư vấn và kê toa từ bác sĩ

Bài viết đã trả lời cho câu hỏi bà bầu bị cảm lạnh có sao không? Cảm lạnh là một bệnh lý phổ biến và thường không quá nghiêm trọng, nhưng khi xảy ra trong thai kỳ, mẹ bầu cần đặc biệt chú ý để bảo vệ sức khỏe cho cả mình và thai nhi. Việc nắm rõ các biện pháp phòng tránh, điều trị an toàn và nhận biết dấu hiệu cần thăm khám kịp thời sẽ giúp mẹ bầu vượt qua những lo lắng không đáng có.

Xem thêm: Trẻ bị cảm lạnh đau bụng có nguy hiểm không?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin