Trẻ bị co giật do đâu? Cách phòng tránh co giật ở trẻ
Ngày 16/10/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Nguyên nhân thường thấy dẫn đến tình trạng co giật ở trẻ em là do sốt cao. Tuy nhiên, co giật cũng có thể đến từ những nguyên nhân khác, trong một số trường hợp, co giật có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nếu không được xử trí kịp thời và đúng cách. Trên thực tế, chưa có cách phòng tránh co giật ở trẻ đặc hiệu. Vậy nên, bố mẹ cần lưu ý đến các nguyên nhân có thể dẫn đến co giật ở trẻ em, từ đó giảm thiểu nguy cơ gây nên tình trạng này.
Co giật là một trạng thái cấp cứu thần kinh thường gặp ở trẻ em, hiện tượng này có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo đó, việc chẩn đoán nguyên nhân co giật ở trẻ em một cách chính xác là điều kiện tiên quyết để điều trị cũng như phòng tránh co giật ở trẻ một cách hiệu quả.
Trẻ bị co giật do đâu?
Co giật là một rối loạn thần kinh về mặt ý thức, hành vi, vận động và cảm giác thường gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi. Bên cạnh đó, khoảng 10% trẻ em có hiện tượng co giật cho đến 16 tuổi.
Một số nguyên nhân dẫn đến co giật ở trẻ có thể kể đến như:
Nhiễm trùng: Một số bệnh lý như áp xe não, viêm não, viêm màng não hay nhiễm ký sinh trùng trong não đều có thể khiến trẻ bị co giật.
Bệnh thần kinh: Các bệnh liên quan đến thần kinh như sang chấn lúc sinh, dị tật hệ thần kinh bẩm sinh, thoái hóa não hay thiếu oxy não cục bộ cũng có thể gây nên các cơn co giật ở trẻ em.
Rối loạn chuyển hóa: Những rối loạn chuyển hóa ở trẻ em như tăng CO2 máu, hạ canxi máu, hạ đường huyết, thiếu oxy máu, bất thường chuyển hóa bẩm sinh hay thiếu pyridoxine đều có thể khiến trẻ gặp một loạt các vấn đề như lờ đờ, nôn ói, sốt, tiêu chảy, thậm chí nhiều trường hợp còn hôn mê, co giật.
Có các chấn thương hay bất thường ở mạch máu: Một số bệnh lý có thể gây ra các cơn co giật ở trẻ có thể kể đến như: Tai biến mạch máu não, chấn thương não hay xuất huyết nội sọ…
Ngộ độc: Các tình trạng ngộ độc rượu, ngộ độc thuốc chống dị ứng, thuốc gây nghiện hay khí độc đều có thể gây ra phản ứng co giật.
Bố mẹ cần làm gì khi trẻ co giật?
Tình trạng co giật ở trẻ thường có những đặc điểm sau:
Co giật lan tỏa, thông thường, trẻ sẽ bị giật cơ;
Co giật biểu hiện thành từng cơn ngắn, đôi khi không điển hình;
Bố mẹ khi nhận thấy con có biểu hiện co giật thì cần thực hiện những việc dưới đây:
Bình tĩnh đưa trẻ ra khỏi nơi nguy hiểm, đồng thời hạn chế đến tối thiểu những nguy cơ có thể khiến trẻ bị tổn thương. Nếu trẻ chỉ bị co giật do sốt cao, bố mẹ không nhất thiết phải đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra bởi vì thông thường, tiên lượng sẽ nhẹ và không ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ về sau. Lúc này, bố mẹ chỉ cần sử dụng các biện pháp để hạ nhiệt cho trẻ.
Tuyệt đối không cố gắng mở miệng trẻ hay cho bất kỳ vật gì cứng vào miệng vì có thể làm gãy răng của trẻ. Thay vào đó, bố mẹ có thể chèn gạc mềm hoặc vải sạch vào miệng để hạn chế trẻ cắn vào lưỡi.
Cho trẻ nằm nghiêng về một phía, chú ý đến đường thở của trẻ, tuyệt đối tránh tình trạng tắc nghẽn đường thở nếu trẻ nôn ói. Bố mẹ cũng nên nới lỏng hoặc cởi bỏ bớt quần áo cho trẻ.
Tuyệt đối không tự ý cho trẻ sử dụng thuốc an thần mà chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Sau cơn co giật, bố mẹ có thể đưa trẻ đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế gần nhất để thăm khám, chẩn đoán nguyên nhân co giật để có hướng điều trị thích hợp, tránh tình trạng co giật xảy ra vào những lần sau.
Bên cạnh việc xử trí tình trạng co giật ở trẻ, bố mẹ cần lưu ý trả lời những câu hỏi sau để có thể cung cấp thêm thông tin cho bác sĩ, tạo điều kiện cho quá trình thăm khám thuận tiện hơn:
Triệu chứng co giật ở trẻ diễn ra lan tỏa hay cục bộ? Thời gian co giật kéo dài trong bao lâu? Trẻ xuất hiện bao nhiêu cơn co giật trước khi đến bệnh viện? Nhiệt độ cơ thể và ý thức của trẻ như thế nào?
Trẻ có tiền sử co giật trước kia không? Có liên quan đến bệnh lý nào không?
Tinh thần của trẻ trước và sau cơn co giật như thế nào?
Trẻ có xuất hiện tình trạng nôn hay đau ở đâu không?
Trẻ có tiền sử bệnh lý, chấn thương nào trước đó không?
Trẻ có uống nhầm bất kỳ loại thuốc nào hay không?
Nhìn chung, trẻ bị co giật không phải là trường hợp hiếm gặp. Tuy nhiên, quý phụ huynh cần bình tĩnh, không hoảng loạn để có phương án xử lý nhanh chóng, kịp thời đồng thời cho trẻ thăm khám để xác định nguyên nhân co giật, từ đó có cách phòng tránh co giật ở trẻ, đồng thời đưa ra phương án điều trị thích hợp.
Phòng tránh co giật ở trẻ
Trên thực tế, hiện nay, co giật ở trẻ em chưa có cách phòng tránh đặc hiệu. Do đó, cách phòng tránh co giật ở trẻ chủ yếu vẫn đến từ việc giảm thiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này. Cụ thể, bố mẹ cần lưu ý:
Trong trường hợp trẻ cao, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, bố mẹ cần sử dụng các phương pháp hạ nhiệt an toàn như cho trẻ uống nhiều nước, có thể uống thêm các loại nước hoa quả như cam, bưởi để tăng cường vitamin C. Đồng thời có thể chườm trán bằng khăn mát, lau người bằng nước ấm và cho trẻ uống thuốc hạ sốt.
Tình trạng mất nước và thiếu điện giải cũng có thể gây ra co giật. Vậy nên bố mẹ cần chú ý bổ sung thêm cho trẻ bằng đường uống, tiêm hoặc truyền nước.
Nếu trẻ đã có tiền sử động kinh, bố mẹ cần theo dõi một cách sát sao và có lộ trình điều trị thích hợp. Tuyệt đối không ngừng sử dụng thuốc kháng động kinh một cách đột ngột vì có thể khiến cho tình trạng bệnh thêm nguy kịch.
Bên cạnh đó, chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ cũng có thể ảnh hưởng đến cơn co giật. Do đó, bố mẹ cần lưu ý: Bổ sung nhóm thực phẩm giàu protein và canxi trong chế độ ăn của trẻ, có thể cho trẻ ăn nhiều thịt nạc, tôm, cua, hải sản và trứng; đồng thời khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh và chất xơ hòa tan trong rau bina, súp lơ, cải xoăn, mâm xôi, rau cải bắp hay các loại hoa quả như cam, bưởi…; bên cạnh đó, cần hạn chế sử dụng những loại thực phẩm chứa nhiều đường, mì chính, các chất phụ gia hay các loại nước ngọt có ga và đồ ăn nhanh; bố mẹ cần tập cho trẻ thói quen sống khoa học như đi ngủ đúng giờ, không thức khuya, hạn chế tiếp xúc với các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, tivi…
Tóm lại, co giật ở trẻ em không phải là hiện tượng hiếm gặp. Mức độ nguy hiểm của tình trạng này còn tùy thuộc vào các nguyên nhân gây nên cơn co giật. Tuy nhiên, co giật khi đi kèm với hiện tượng sốt thì có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nhiễm trùng nặng như viêm màng não hay viêm não… Do đó, nếu trẻ có hiện tượng co giật khi sốt, bố mẹ cần đưa trẻ đi khám ở cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ kiểm tra và có phác đồ điều trị kịp thời, đồng thời có các biện pháp phòng tránh co giật ở trẻ.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương
Đã kiểm duyệt nội dung
Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.