Uống bột sắn dây mỗi ngày có tốt không? Uống như thế nào là tốt nhất?
Ngày 17/11/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Trong đời sống hàng ngày, nhiều người tìm đến các loại thực phẩm chức năng hay thảo dược tự nhiên để cải thiện sức khỏe. Một trong những món ăn dân gian phổ biến được biết đến với nhiều công dụng tốt cho cơ thể là bột sắn dây. Vậy uống bột sắn dây mỗi ngày có tốt không? Đây là câu hỏi mà nhiều người vẫn còn băn khoăn khi lựa chọn sử dụng loại thực phẩm này trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày.
Bột sắn dây, với thành phần tự nhiên từ củ sắn dây, từ lâu đã được biết đến như một vị thuốc dân gian có nhiều tác dụng đối với sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về những lợi ích cũng như tác hại tiềm ẩn khi sử dụng bột sắn dây mỗi ngày. Liệu việc uống bột sắn dây mỗi ngày có tốt không hay sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường? Chúng ta cùng tìm hiểu để có cái nhìn toàn diện hơn về loại thực phẩm này.
Lợi ích của bột sắn dây là gì?
Dưới đây là tác dụng sức khỏe nổi bật khi uống bột sắn dây:
Giảm cân hiệu quả
Bột sắn dây chứa một loại carbohydrate đặc biệt gọi là tinh bột kháng, mà cơ thể không thể phân hủy để sử dụng làm năng lượng. Tinh bột này không tiêu hóa ở ruột non mà di chuyển xuống ruột già, nơi nó được lên men bởi hệ vi khuẩn có lợi. Quá trình lên men tạo ra các axit béo chuỗi ngắn như acetate, propionate và butyrate, giúp tăng cường trao đổi chất, giảm viêm và hỗ trợ cảm giác no lâu hơn. Nhờ đó, uống bột sắn dây giúp bạn hạn chế việc nạp quá nhiều thức ăn vào cơ thể, từ đó hỗ trợ giảm cân hiệu quả.
Giải nhiệt cơ thể
Bột sắn dây có tác dụng làm mát tự nhiên, giúp giảm cảm giác nóng bức trong những ngày oi ả. Nhờ vào khả năng hấp thụ nước tốt, bột sắn dây có thể giải nhiệt cơ thể, đặc biệt trong những trường hợp như sốt, viêm họng, nhiệt miệng hay mụn nhọt. Các khoáng chất có trong sắn dây cũng hỗ trợ điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, làm mát từ bên trong.
Cải thiện quá trình trao đổi chất
Uống bột sắn dây giúp làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn và cải thiện độ nhạy của tế bào đối với insulin. Điều này giúp cơ thể trao đổi chất hiệu quả hơn, đồng thời ngăn ngừa các bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa như béo phì, tiểu đường và các bệnh tim mạch.
Cải thiện sức khỏe đường ruột
Tinh bột kháng trong bột sắn dây không bị tiêu hóa ở ruột non mà xuống ruột già để lên men, thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có lợi. Việc này không chỉ hỗ trợ quá trình tiêu hóa mà còn giúp tăng cường sức khỏe đường ruột, phòng ngừa các vấn đề liên quan đến rối loạn tiêu hóa và bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh liên quan đến vệ sinh đường ruột.
Uống bột sắn dây mỗi ngày có tốt không?
Uống bột sắn dây mỗi ngày có tốt không là câu hỏi thắc mắc của nhiều người. Sắn dây có tính hàn, vì vậy nó có tác dụng giải nhiệt rất tốt. Tuy nhiên, không nên lạm dụng quá mức loại thực phẩm này chỉ với mong muốn giải quyết cảm giác nóng bức trong cơ thể. Chính tính hàn của sắn dây có thể khiến bụng dễ bị đầy hơi, khó tiêu. Đặc biệt, trẻ nhỏ, người có sức khỏe yếu, huyết áp thấp, hoặc những người mới hồi phục sau bệnh nếu uống quá nhiều bột sắn dây sẽ dễ gặp phải tình trạng đau bụng quặn từng cơn hoặc tiêu chảy.
Vì vậy, mỗi ngày chỉ nên uống một ly nước pha sắn dây và không nên sử dụng liên tục trong nhiều ngày. Cần có những khoảng thời gian nghỉ để dạ dày có thể phục hồi và hấp thụ tốt các dưỡng chất từ các bữa ăn. Khi thời tiết nóng và cơ thể phải vận động nhiều, chỉ cần bổ sung đủ nước và điện giải nếu cơ thể mất nhiều mồ hôi hoặc nước tiểu. Bên cạnh đó, hãy thay đổi khẩu vị với các thức uống thiên nhiên khác, thay vì chỉ dùng sắn dây liên tục.
Tác hại của sắn dây
Bên cạnh những lợi ích mà sắn dây mang lại, nếu không sử dụng đúng cách, sắn dây có thể gây ra một số tác hại như:
Tổn thương gan
Một nghiên cứu khoa học được công bố trên Pubmed đã tiến hành thí nghiệm trên chuột trong 4 tuần để đánh giá độc tính gan do chiết xuất từ rễ sắn dây. Kết quả cho thấy, sau khi chuột được điều trị bằng chiết xuất từ rễ sắn dây, các chỉ số ALT và AST huyết thanh tăng cao, cùng với những thay đổi mô bệnh học ở gan. Điều này cho thấy sắn dây có thể gây độc cho gan nếu sử dụng lâu dài với liều lượng cao. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe, chúng ta không nên lạm dụng bột sắn dây mà cần thay đổi đa dạng các loại thức uống khác để đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ.
Thận trọng với phụ nữ có thai
Bột sắn dây có thể được sử dụng cho bà bầu, đặc biệt là trong những ngày nóng, khi cơ thể thai phụ cần làm mát. Tuy nhiên, do tính hàn của sắn dây, nếu uống quá nhiều có thể gây đầy bụng, khó tiêu và ảnh hưởng đến khả năng hấp thu dưỡng chất cần thiết cho thai nhi. Hơn nữa, sắn dây có thể làm tăng co bóp tử cung, gây nguy cơ động thai. Vì vậy, phụ nữ mang thai nên tham khảo ý kiến bác sĩ và chỉ sử dụng bột sắn dây một cách cẩn trọng và không nên lạm dụng.
Làm giảm hiệu quả của thuốc điều trị đái tháo đường
Puerarin, một hoạt chất có trong rễ sắn dây, có tác dụng làm giảm đường huyết, cải thiện tình trạng kháng insulin và bảo vệ chức năng tuyến tụy. Tuy nhiên, điều này cũng có thể dẫn đến tương tác với thuốc điều trị tiểu đường. Do đó, những người bệnh tiểu đường đang sử dụng thuốc điều trị cần thận trọng khi kết hợp với bột sắn dây để tránh tác dụng phụ không mong muốn. Mặc dù các nghiên cứu khoa học còn hạn chế, vậy nên việc tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia y học cổ truyền là rất quan trọng để đảm bảo cho sức khỏe một cách an toàn.
Bột sắn dây nên được dùng như thế nào?
Uống bột sắn dây vào ban đêm, đặc biệt là sát giờ ngủ có thể khiến hệ tiêu hóa phải làm việc liên tục, gây áp lực cho dạ dày và làm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nếu thực hiện lâu dài. Vì vậy, thời điểm lý tưởng để uống bột sắn dây là sau bữa ăn trưa hoặc tối, tốt nhất là khoảng 30 phút đến 1 giờ sau khi ăn.
Việc uống bột sắn dây sống hay chín phụ thuộc vào sở thích cá nhân, cơ địa mỗi người và mục đích sử dụng. Dưới đây là một số điểm cần lưu ý để bạn đưa ra quyết định phù hợp:
Bột sắn dây sống: Cung cấp nhiều dưỡng chất vì không bị phá hủy do nhiệt độ cao. Tuy nhiên, có thể gây cảm giác khó chịu đối với một số người do vị ngọt đậm và kết cấu hơi nhão của bột sắn dây sống.
Bột sắn dây chín: Dễ tiêu hóa hơn và có vị ngọt nhẹ, dễ uống hơn so với dạng sống. Việc chế biến chín giúp loại bỏ một số enzyme có thể gây ra khó chịu hoặc phản ứng dị ứng đối với một số người.
Uống bột sắn dây mỗi ngày có tốt không là câu hỏi mà nhiều người vẫn băn khoăn. Mặc dù bột sắn dây mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, như giải nhiệt, hỗ trợ tiêu hóa và giảm cân, nhưng nếu lạm dụng hoặc sử dụng không đúng cách, nó cũng có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn, như đầy bụng, khó tiêu, hay ảnh hưởng đến gan. Do đó, để đảm bảo an toàn và phát huy tối đa tác dụng của bột sắn dây, bạn nên sử dụng với liều lượng hợp lý, kết hợp với một chế độ ăn uống cân bằng và tham khảo ý kiến chuyên gia y tế khi cần thiết. Chỉ khi sử dụng đúng cách, bột sắn dây mới thực sự là một thức uống bổ ích cho sức khỏe.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.