Creatine là một chất bổ sung phổ biến, đặc biệt trong cộng đồng thể thao và những người tập luyện sức mạnh, nhờ khả năng hỗ trợ tăng cường hiệu suất và sức mạnh cơ bắp. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích này, một câu hỏi thường gặp là liệu việc sử dụng creatine có gây rụng tóc hay không?
Đi kèm với sự phổ biến sử dụng creatine là một số lo ngại về các tác dụng phụ tiềm ẩn của creatine, trong đó có vấn đề rụng tóc. Nhiều người tự hỏi liệu uống creatine gây rụng tóc hoặc thậm chí gây hói đầu? Bài viết này sẽ tìm hiểu sâu hơn về mối liên hệ giữa creatine và tình trạng này, cùng những yếu tố có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tóc của bạn khi sử dụng chất creatine.
Creatine là gì?
Trước khi giải đáp cho thắc mắc uống creatine gây rụng tóc có đúng không, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu một số thông tin về creatine. Creatine là một dưỡng chất tự nhiên có trong cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ bắp. Khi được hấp thu vào cơ thể, creatine chuyển đổi thành creatine phosphate, một hợp chất hữu cơ.
Quá trình này giúp tái tạo adenosine triphosphate (ATP) - nguồn năng lượng chính cho hoạt động cơ bắp. Creatine phosphate cung cấp phân tử phốt phát cho ADP (adenosine-diphosphate), giúp tái tạo lại ATP, hỗ trợ duy trì và tăng cường hiệu suất hoạt động của cơ bắp trong các hoạt động cần nhiều năng lượng như co cơ.
Creatine có thể được bổ sung qua chế độ ăn uống, đặc biệt từ các nguồn thực phẩm như thịt và cá. Cơ thể cũng có khả năng tự sản xuất một lượng nhỏ creatine từ các axit amin arginine, glycine và methionine. Creatine mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, nhưng hiệu quả của nó phụ thuộc vào các yếu tố như tuổi tác, mức độ hoạt động thể chất, chế độ ăn uống và các loại hình thể thao mà người dùng tham gia:
Cải thiện sức mạnh cơ bắp ở người lớn tuổi: Các nghiên cứu cho thấy creatine có thể giúp cải thiện sức mạnh cơ bắp ở người lớn tuổi khi được sử dụng đều đặn. Để đạt hiệu quả, việc bổ sung creatine cần được duy trì liên tục và kết hợp với chế độ luyện tập phù hợp.
Tăng cường hiệu suất thể thao: Creatine có khả năng cải thiện hiệu suất thể thao, đặc biệt là trong các hoạt động yêu cầu sự bùng nổ như nhảy cao, cử tạ, hoặc đá bóng. Tuy nhiên, tác dụng của creatine có thể khác nhau tùy thuộc vào liều lượng sử dụng, thể trạng và loại hình thể thao.
Hỗ trợ cho các rối loạn chuyển hóa creatine: Một số người mắc các rối loạn chuyển hóa creatine, khiến cơ thể không thể sản xuất đủ creatine cần thiết, gây ra các triệu chứng như giảm chức năng tinh thần, co giật, tự kỷ, và các vấn đề vận động. Bổ sung creatine hàng ngày trong tối đa 3 năm có thể giúp tăng mức độ creatine trong não của trẻ em và thanh niên mắc phải các rối loạn này, cải thiện chức năng tinh thần và vận động. Tuy nhiên, creatine không có hiệu quả đối với một số trường hợp khác do vấn đề vận chuyển creatine trong cơ thể.
Tăng sức mạnh cơ bắp: Creatine có khả năng cải thiện sức mạnh cơ bắp, nhưng mức độ hiệu quả có thể thay đổi. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng creatine giúp cải thiện sức mạnh một cách khiêm tốn, và tác dụng này ít rõ rệt hơn ở người già và trẻ nhỏ.
Cải thiện tình trạng lão hóa da: Một số nghiên cứu sơ bộ cho thấy rằng kem chứa creatine và các thành phần khác có thể giúp giảm nếp nhăn và chảy xệ da khi được thoa lên mặt mỗi ngày trong 6 tuần. Creatine kết hợp với axit folic cũng có thể giúp cải thiện tổn thương da do ánh nắng mặt trời.
Việc sử dụng creatine khá phổ biến trong nhiều trường hợp đặc biệt là đối với những người muốn tăng cường cơ bắp, vậy câu hỏi nhiều người thắc mắc rằng liệu uống creatine gây rụng tóc có đúng hay không? Chúng ta hãy cùng giải đáp ở nội dung tiếp theo.
Uống creatine gây rụng tóc có đúng không?
Hiện nay, chưa có nhiều bằng chứng khoa học khẳng định việc bổ sung creatine là nguyên nhân chính gây ra rụng tóc. Tuy nhiên, một số nghiên cứu nhỏ cho thấy creatine có thể làm tăng mức Dihydrotestosterone (DHT) - một loại hormone liên quan đến rụng tóc.
DHT là một dẫn xuất của testosterone, một hormone quan trọng ảnh hưởng đến chức năng sinh lý, phát triển cơ bắp và mọc lông trên cơ thể. Trong nang tóc, DHT có thể gắn kết với các thụ thể đặc biệt, làm thu ngắn chu kỳ phát triển của tóc, dẫn đến tình trạng tóc rụng nhanh hơn và mọc lại ít hơn. Nếu điều này kéo dài, tóc có thể trở nên mỏng đi và dần dẫn đến hói đầu, đặc biệt ở những người có khuynh hướng di truyền nhạy cảm với DHT.
Một nghiên cứu năm 2009 cho thấy khi sử dụng liều cao creatine (25g/ngày) trong 7 ngày đầu và sau đó giảm liều (5g/ngày), mức DHT tăng lên khoảng 50% trong giai đoạn nạp và 40% trong giai đoạn duy trì, trong khi mức testosterone không thay đổi. Tuy nhiên, nghiên cứu này không đánh giá cụ thể tình trạng rụng tóc của người tham gia, nên không thể khẳng định chắc chắn mối quan hệ giữa creatine và rụng tóc.
Thực tế, nhiều người bổ sung creatine mà không gặp tình trạng rụng tóc hoặc chỉ rụng không đáng kể. Việc creatine có gây rụng tóc hay không phụ thuộc vào cơ địa, di truyền, và các yếu tố khác như thói quen sinh hoạt và dinh dưỡng. Vì vậy, nếu bạn lo lắng về tác động của creatine đến tóc, nên tham khảo ý kiến chuyên gia y tế.
Mặc dù creatine có thể làm tăng DHT, nhưng chưa có đủ bằng chứng để khẳng định rằng nó là nguyên nhân chính gây rụng tóc. Việc rụng tóc có thể do nhiều yếu tố khác nhau, không chỉ liên quan đến việc bổ sung creatine.
Một số tác dụng phụ khi uống creatine
Ngoài khả năng gián tiếp gây rụng tóc ở một số người do tăng hormone DHT, creatine còn có thể gây ra một số tác dụng phụ tiềm ẩn như sau:
Gây tăng cân: Creatine có đặc tính hút nước, do đó có thể làm tăng cân tạm thời từ 1-3 kg trong vài tuần đầu sử dụng. Bạn cũng cần uống nhiều nước khi bổ sung creatine, góp phần làm tăng lượng nước trong cơ thể.
Rối loạn tiêu hóa: Dùng quá nhiều creatine có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa như tiêu chảy và khó chịu dạ dày.
Mất nước và chuột rút: Mặc dù có lo ngại rằng creatine có thể gây mất nước và chuột rút do hút nước, các nghiên cứu khoa học đã bác bỏ điều này. Trái lại, việc bổ sung creatine có thể giúp giảm chuột rút trong một số trường hợp.
Ảnh hưởng đến thận: Creatine có thể làm tăng nhẹ mức creatinine - một chỉ số thường dùng để chẩn đoán các vấn đề về thận. Creatine không nên được sử dụng nếu bạn có tiền sử bệnh thận hoặc các bệnh lý khác như tiểu đường, vốn có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về thận.
Có một số lo ngại rằng creatine có thể làm tăng tình trạng hưng cảm ở những người mắc rối loạn lưỡng cực, do đó những người trong nhóm này cũng cần cẩn trọng khi sử dụng. Phụ nữ mang thai và cho con bú cũng được khuyến cáo không nên dùng creatine, vì chưa có đủ nghiên cứu xác định sự an toàn của creatine trong các trường hợp này.
Ngoài ra, bạn cần lưu ý rằng việc kết hợp caffeine và creatine có thể khiến tình trạng bệnh Parkinson trở nên nghiêm trọng hơn, do đó những người mắc bệnh này nên tránh sử dụng đồng thời cả hai chất.
Mặc dù có một số bằng chứng cho thấy uống creatine gây rụng tóc gián tiếp do làm tăng mức DHT, tác động này không xảy ra đối với tất cả mọi người và còn phụ thuộc vào cơ địa, di truyền và nhiều yếu tố khác. Quan trọng hơn, chưa có đủ nghiên cứu khẳng định creatine là nguyên nhân trực tiếp gây rụng tóc. Nếu bạn lo lắng về tác động của creatine đối với tóc hoặc có tiền sử gia đình bị rụng tóc, hãy cân nhắc kỹ trước khi bổ sung, hoặc tham khảo ý kiến chuyên gia y tế để đưa ra quyết định phù hợp với sức khỏe của mình.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.