Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Vai trò surfactant trong điều trị tình trạng suy hô hấp sơ sinh

Ngày 04/03/2024
Kích thước chữ

Đối với những trẻ sinh non, sự thiếu hụt của surfactant tiên phát có thể gây nên hội chứng suy hô hấp. Đối với trường hợp này, bác sĩ thường chỉ định bơm surfactant để điều trị. Vậy vai trò surfactant trong điều trị tình trạng suy hô hấp sơ sinh là gì?

Surfactant có vai trò làm giảm sức căng bề mặt, đồng thời duy trì được sự ổn định của phế nang và ngăn ngừa các phế nang bị xẹp ở cuối thì thở ra. Với những trẻ sinh non thiếu tháng, sau một thời gian, các phế nang này sẽ bị xẹp do thiếu surfactant, từ đó gây nên hội chứng suy hô hấp. Vậy cần lưu ý gì khi dùng surfactant điều trị suy hô hấp?

Surfactant được chỉ định trong trường hợp nào?

Surfactant là hoạt chất được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Hội chứng suy hô hấp cấp hay bệnh màng trong: Sử dụng trong điều trị bệnh, điều trị dự phòng, điều trị nhắc lại;
  • Ngưng thở không đáp ứng với phương pháp hỗ trợ thở CPAP (continuous positive airway pressure);
  • Nhu cầu FiO2 lớn hơn hoặc bằng 40%/CPAP (trẻ từ 26 tuần tuổi trở lên);
  • Nhu cầu FiO2 lớn hơn hoặc bằng 30%/CPAP (trẻ <26 tuần tuần tuổi trở lên);
  • Điều trị tình trạng suy hô hấp do trẻ em hít phải phân su nặng (MAP lớn hơn 10-12 cmH2O, FiO2 lớn hơn 50%);
  • Cân nhắc điều trị trong các trường hợp như: Viêm phổi nặng, xuất huyết phổi.
surfactant 1
Surfactant là hoạt chất được chỉ định trong trường hợp suy hô hấp cấp

Vai trò surfactant trong điều trị tình trạng suy hô hấp sơ sinh

Bơm surfactant thường được chỉ định để điều trị trường hợp suy hô hấp ở trẻ sinh non thiếu tháng. Surfactant là hoạt chất cần thiết cho các hoạt động của phổi ở trẻ sau sinh. Tuy nhiên khi trẻ sinh non, hệ thống enzym xúc tác quá trình tổng hợp ra hoạt chất surfactant bởi tế bào II chưa được phát triển hoàn chỉnh. Vì thế, những trẻ này dễ xảy ra trường hợp suy hô hấp.

Có hai trường hợp thiếu surfactant là tiên phát và trường hợp thứ phát:

  • Thiếu surfactant tiên phát: Trẻ sinh mổ, trẻ sinh non, bé trai, bé sinh đôi thứ hai, chủng tộc có da trắng.
  • Thiếu surfactant thứ phát: Trẻ bị ngạt, trẻ bị xuất huyết phổi hoặc viêm phổi, trẻ ngộ độc oxygen hoặc hít phân su, mẹ bị tiểu đường.

Trẻ sinh non mắc hội chứng suy hô hấp thường được điều trị với phương pháp bổ sung hợp chất surfactant. Trước đây, các bác sĩ thường sử dụng kỹ thuật bơm hợp chất surfactant này qua nội khí quản và cho bé thở máy. Ngày nay, kỹ thuật bơm surfactant để điều trị suy hô hấp ở trẻ sơ sinh ít xâm lấn và đang ngày càng phổ biến. Nếu nhận thấy trẻ có dấu hiệu suy hô hấp, nên kiểm tra và cân nhắc dùng surfactant điều trị sớm.

Cụ thể, nên cân nhắc áp dụng phương pháp surfactant để điều trị cho bệnh nhi từ 26 tuần tuổi trở xuống khi FiO2 lớn hơn 0,30 và đối với bệnh nhi lớn hơn 26 tuần FiO2 lớn hơn 0,40. Nếu nhận thấy tình trạng suy hô hấp tiến triển, nên cân nhắc sử dụng phương pháp surfactant liều thứ 2 hoặc có thể là liều thứ 3. Hiện tại, có nhiều phương pháp thực hiện bơm surfactant khác nhau, cần cân nhắc lựa chọn phù hợp tùy theo từng trường hợp cụ thể.

surfactant 2
Surfactant là hoạt chất cần thiết cho các hoạt động của phổi ở trẻ sau sinh

Các bước thực hiện liệu pháp

Phương pháp dùng surfactant để điều trị tình trạng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh bao gồm:

Bơm curosurf

Thực hiện bơm curosurf theo các bước sau:

  • Vệ sinh tay, đội mũ, đeo khẩu trang, mặc áo, đeo găng tay vô khuẩn.
  • Cắt ống sonde với độ dài xác định, ngắn hơn so với ống nội khí quản khoảng từ 0,5 đến 1 cm.
  • Lấy thuốc vào xi lanh và nối xi lanh chứa thuốc này với ống sonde. Sau đó, bơm curosurf từ từ vào sonde nhằm đẩy hết không khí trong sonde ra bên ngoài.
  • Cần một nhân viên y tế hỗ trợ tháo máy thở khỏi ống nội khí quản để trong lúc đó, bác sĩ có thể cho sonde đã chứa curosurf vào bên trong ống nội khí quản. Khi bơm thuốc, cần thao tác nhanh trong vòng 2 đến 3 giây.
  • Khi rút ống sonde ra, nối lại ống nội khí quản với máy thở, đồng thời chỉnh áp lực ở mức vừa đủ để đẩy hết thuốc vào trong phổi. Không thực hiện hút nội khí quản trong một giờ đầu sau khi bơm hoạt chất surfactant, trừ trường hợp nhận thấy trẻ có các dấu hiệu tắc nghẽn ở đường thở.
  • Từ 1 đến 2 giờ sau khi bơm thuốc, kiểm tra khí máu và 2 đến 6 giờ sau khi bơm thuốc, thực hiện X-quang.
  • Điều chỉnh máy thở phù hợp, duy trì mức PaO2 lớn hơn 55 mmHg, PCO2 từ 35 đến 45 mmHg và pH lớn hơn 7,3.

Bơm newfactan và surfactant

Các bước thực hiện giống như bơm curosurf, tuy nhiên, surfactant có thể tích lớn, vì thế, cần lưu ý một vài điều sau:

  • Phải pha thuốc newfactan và alvofact theo đúng hướng dẫn riêng của từng loại, thuốc surfanta ở dạng hỗn dịch, không cần pha. Lần lượt chia thuốc trên vào trong 3 xi lanh.
  • Lần lượt bơm thuốc ở 3 tư thế gồm tư thế bệnh nhi nằm ngửa, tư thế nghiêng phải và tư thế nghiêng trái. Với mỗi tư thế, thực hiện bơm thuốc qua ống nội khí quản với thao tác nhanh từ 2 đến 3 giây. Sau đó, chờ khoảng 30 giây đến 2 phút hoặc chờ đến khi trẻ ổn định rồi mới thực hiện bơm lượt tiếp theo.

Cần lưu ý gì khi thực hiện liệu pháp?

Khi thực hiện kỹ thuật bơm surfactant, cần lưu ý một vài điều sau:

  • Sau khi bơm thuốc, không thực hiện hút đờm nội khí quản trong vòng 1 giờ đầu (trừ khi có các dấu hiệu tắc nghẽn đường thở biểu hiện rõ ràng).
  • Cần điều chỉnh thông số máy cho phù hợp để hạn chế tình trạng tràn khí màng phổi và tổn thương phổi bởi surfactant có thể cải thiện thể tích của phổi và độ đàn hồi.
  • Sau khi sử dụng surfactant, tránh trường hợp gây đỉnh tăng oxy máu bằng việc giảm nhanh FiO2.
surfactant 3
Cần điều chỉnh thông số máy cho phù hợp để hạn chế tình trạng tràn khí màng phổi

Biến chứng có thể xảy ra khi dùng liệu pháp surfactant và cách xử trí

Bên cạnh những lợi ích mà phương pháp surfactant mang lại, bạn cần đề phòng các biến chứng xảy ra trong và sau khi bơm surfactant như sau:

Trong khi bơm surfactant

Một số biến chứng có thể gặp phải trong khi bơm surfactant:

  • Giảm bão hòa lượng O2: Biến chứng này thường thoáng qua, lúc này cần tạm ngừng bơm surfactant hoặc tăng áp lực máy thở, tăng tạm thời chỉ số FiO2.
  • Nhịp tim chậm: Ngừng thao tác bơm surfactant bởi biến chứng này có thể liên quan tới sự kích thích dây thần kinh phế vị hoặc giảm bão hòa O2.
  • Tăng PCO2: Biến chứng này xảy ra do tắc nghẽn tạm thời đường thở bởi surfactant.
  • Rò rỉ surfactant: Rò rỉ xung quanh vị trí đặt ống nội khí quản vào trong hầu họng do ống nội khí quản có kích thước quá nhỏ.
  • Thuốc chỉ di chuyển vào một phổi: Nguyên nhân do trẻ nằm ở tư thế chưa đúng hoặc do ống nội khí quản chỉ đi vào một nhánh phế quản chính bên phải.

Sau khi bơm surfactant

Sau khi bơm surfactant, trẻ có thể gặp phải một số tình trạng như:

  • Hạ huyết áp: Do lượng thể tích giảm, ống động mạch lớn và suy giảm chức năng cơ tim. Phương pháp xử lý là dùng NaCl 0,9%: 10ml/kg bolus để điều trị, nếu thất bại, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thêm thuốc vận mạch.
  • Tràn khí màng phổi: Biến chứng này xảy ra do thuốc chỉ đi vào một phổi, cần thực hiện chọc hút khí qua da hoặc tiến hành mở dẫn lưu màng phổi tối thiểu hút khí liên tục.
  • Chảy máu phổi: Nguyên nhân do ống động mạch có kích thước lớn, cần tăng HFO hoặc PEEP và bơm surfactant. Đồng thời truyền plasma tươi 10-15ml/kg, truyền tiểu cầu, sau đó đóng ống động mạch.
surfactant 4
Cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín để hạn chế biến chứng không mong muốn xảy ra

Nếu không đạt tiêu chuẩn chăm sóc, kỹ thuật bơm surfactant sẽ khó thực hiện. Vì thế, khi thực hiện phương pháp này, bố mẹ nên lựa chọn cho con cơ sở y tế uy tín với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, tay nghề cao. Cần đảm bảo thực hiện đúng kỹ thuật đặt nội khí quản, đặt máy thở, xử lý tốt tình huống cấp cứu hô hấp tuần hoàn và xử trí tốt trường hợp tràn khí màng phổi ở bệnh nhi.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin