1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Vi khuẩn liên cầu lợn lây sang người như thế nào?

Khánh Vy

21/07/2025
Kích thước chữ

Gần đây, một chùm ca bệnh nghi nhiễm liên cầu lợn ghi nhận tại tỉnh Hưng Yên, trong đó có hai người tử vong sau khi ăn tiết canh, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ lây truyền bệnh từ thực phẩm không đảm bảo an toàn. Liên cầu lợn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về con đường lây nhiễm, giúp bạn trả lời cho câu hỏi: Vi khuẩn liên cầu lợn lây sang người như thế nào?

Gần đây, một chùm ca bệnh nghi nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn được ghi nhận tại xã Quỳnh An, tỉnh Hưng Yên, đã làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng về căn bệnh nguy hiểm này. Theo báo cáo từ Bệnh viện Bạch Mai, ba trường hợp nghi mắc liên cầu lợn đã được tiếp nhận, trong đó có hai người tử vong sau khi ăn tiết canh lợn. Sự việc cho thấy mức độ nghiêm trọng của bệnh lý này cũng như sự cần thiết phải nâng cao nhận thức về phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Vi khuẩn liên cầu lợn lây sang người như thế nào?

Bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn Streptococcus suis (liên cầu lợn) gây ra. Đây là loại vi khuẩn thường cư trú ở đường hô hấp, đường tiêu hóa và cơ quan sinh dục của lợn. Khi lợn mắc bệnh, vi khuẩn này có thể lây sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết hoặc mô bệnh của lợn, đặc biệt là khi có vết thương hở trên da. Ngoài ra, việc tiêu thụ thịt lợn chưa nấu chín, đặc biệt là tiết canh hoặc phủ tạng chế biến tái sống, là con đường phổ biến dẫn đến lây nhiễm.

Chùm ca bệnh tại xã Quỳnh An là minh chứng rõ ràng cho nguy cơ lây lan từ thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Các bệnh nhân đều có tiền sử tiếp xúc và ăn uống cùng với hai người đã tử vong, với biểu hiện ban đầu là sốt và tiêu chảy. Sau đó, bệnh nhanh chóng diễn tiến nặng, dẫn đến tử vong.

Vi khuẩn liên cầu lợn lây sang người như thế nào? 1
Vi khuẩn liên cầu lợn lây sang người thông qua máu, dịch tiết hoặc mô bệnh của lợn

Biểu hiện và mức độ nguy hiểm của bệnh

Liên cầu lợn là bệnh có thể gây hậu quả nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bệnh có hai thể lâm sàng chính là viêm màng não và sốc nhiễm khuẩn.

Ở thể viêm màng não, bệnh nhân thường có các biểu hiện như sốt cao, đau đầu dữ dội, cứng gáy, buồn nôn và có thể dẫn đến giảm hoặc mất thính lực vĩnh viễn.

Trong khi đó, thể sốc nhiễm khuẩn tiến triển nhanh và nguy hiểm hơn, với các triệu chứng như phát ban xuất huyết, rối loạn đông máu nội mạch rải rác và suy đa cơ quan. Tỷ lệ tử vong dao động từ 5% đến 20%, tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng và khả năng đáp ứng điều trị.

Vi khuẩn liên cầu lợn lây sang người như thế nào? 2
Nhiễm liên cầu lợn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mắc

Hành động khẩn cấp từ cơ quan y tế

Trước tình hình trên, ngày 17/7, Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hưng Yên yêu cầu triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh liên cầu lợn lây sang người. Trong đó, nhấn mạnh cần điều tra và xử lý triệt để ổ dịch tại địa phương.

Bộ Y tế đề nghị mở rộng công tác giám sát, phát hiện sớm các ca nghi nhiễm tại bệnh viện, đặc biệt chú ý các bệnh nhân có triệu chứng nhiễm liên cầu lợn và yếu tố dịch tễ liên quan. Cần lấy mẫu xét nghiệm để xác định chẩn đoán và điều trị kịp thời nhằm hạn chế tử vong.

Đồng thời, Sở Y tế cần phối hợp với cơ quan thú y giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, đặc biệt là các bệnh có thể thúc đẩy sự bùng phát của liên cầu lợn như dịch tai xanh.

Vi khuẩn liên cầu lợn lây sang người như thế nào? 3
Cần giám sát chặt chẽ đàn lợn có dấu hiệu bệnh

Hướng dẫn phòng bệnh liên cầu lợn từ Bộ Y tế

Để ngăn chặn nguy cơ lây lan, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh liên cầu lợn như sau:

  • Không giết mổ hay tiêu thụ lợn mắc bệnh hoặc đã chết.
  • Tuyệt đối không ăn tiết canh, thịt sống, hoặc nội tạng lợn chưa nấu chín kỹ.
  • Chỉ sử dụng thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng và đã qua kiểm dịch thú y.
  • Người làm việc trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ, chế biến lợn cần sử dụng đầy đủ phương tiện bảo hộ như găng tay, khẩu trang, ủng, kính bảo hộ.
  • Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi tiếp xúc với lợn hoặc sản phẩm từ lợn.
  • Với những người có vết thương hở trên da, cần tránh tiếp xúc trực tiếp với thịt lợn sống. Nếu bắt buộc, cần băng kín vết thương và sử dụng chất sát khuẩn sau khi tiếp xúc.
  • Đảm bảo vệ sinh dụng cụ nhà bếp, khu vực chăn nuôi và thực hiện vệ sinh thú y thường xuyên.
  • Khi có biểu hiện nghi ngờ như sốt cao đột ngột, đau đầu, tiêu chảy, nhất là có tiền sử tiếp xúc với lợn bệnh hoặc ăn thịt lợn chưa nấu chín, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Vi khuẩn liên cầu lợn lây sang người như thế nào? 4
Chỉ sử dụng thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng để phòng ngừa liên cầu lợn

Bệnh liên cầu lợn ở người là một mối nguy hiểm tiềm tàng nếu không được kiểm soát hiệu quả từ khâu chăn nuôi, giết mổ đến tiêu dùng. Việc nâng cao ý thức cộng đồng trong ăn uống và vệ sinh, cùng với giám sát chặt chẽ từ ngành y tế và thú y, là yếu tố then chốt giúp phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Mong rằng bài viết trên của Nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn trả lời được thắc mắc "Vi khuẩn liên cầu lợn lây sang người như thế nào?".

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin