Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Viêm cầu thận cấp ở trẻ em bao lâu thì khỏi?

Ngày 20/05/2024
Kích thước chữ

Viêm cầu thận cấp ở trẻ em là một tình trạng y tế nghiêm trọng trong đó các cầu thận, bộ phận lọc máu nhỏ trong thận, bị viêm đột ngột. Viêm cầu thận cấp ở trẻ em bao lâu thì khỏi chắc hẳn đang là thắc mắc của nhiều phụ huynh.

Viêm cầu thận cấp ở trẻ em là bệnh lý cấp tính, xảy ra nhanh chóng và có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho thận nếu không được điều trị kịp thời. Các triệu chứng của viêm cầu thận cấp có thể xuất hiện đột ngột và bao gồm phù toàn thân (sưng), tiểu ít hoặc vô niệu (không có nước tiểu), tiểu máu (nước tiểu màu hồng hoặc đỏ do có máu), và cao huyết áp. Vậy viêm cầu thận cấp ở trẻ em bao lâu thì khỏi?

Thông tin bệnh viêm cầu thận cấp ở trẻ em

Viêm cầu thận cấp là một bệnh lý gây tổn thương thận một cách đột ngột và nghiêm trọng. Ở trẻ em, nguyên nhân thường gặp là do nhiễm liên cầu khuẩn sau viêm nhiễm vùng hầu - họng, nhiễm khuẩn ngoài da, hoặc thậm chí không rõ nguồn gốc nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, một số bệnh lý khác cũng có thể gây ra viêm cầu thận cấp, như lupus ban đỏ hệ thống và bệnh Scholein-Henoch.

viem-cau-than-cap-o-tre-em-bao-lau-thi-khoi 1.jpg
Viêm cầu thận cấp là một bệnh lý gây tổn thương thận

Sau khi trẻ bị nhiễm trùng ở cơ quan khác, nếu có kèm theo tổn thương cầu thận, bệnh có thể khởi phát một cách đột ngột. Dấu hiệu ban đầu thường là phù toàn thân, tuy nhiên, cha mẹ có thể nhầm lẫn với việc trẻ tăng cân hoặc trở nên mập hơn. Ngoài ra, trẻ còn có thể biểu hiện tiểu ít, vô niệu hoàn toàn, hoặc tiểu máu, tiểu đục do thải ra đạm qua nước tiểu. Khi đưa trẻ mắc viêm cầu thận ở trẻ em đến khám, các bác sĩ sẽ phát hiện trẻ bị tăng huyết áp cùng với các chỉ số xét nghiệm bất thường, cho thấy chức năng thận bị suy giảm nghiêm trọng.

Viêm cầu thận cấp là một tình trạng y tế khẩn cấp. Trẻ cần được nhập viện để theo dõi sát sao và điều trị tích cực. Quá trình điều trị có thể bao gồm việc sử dụng thuốc để kiểm soát huyết áp và giảm phù nề, cũng như các biện pháp hỗ trợ chức năng thận. Trong các trường hợp nghiêm trọng, trẻ có thể cần phải chạy thận nhân tạo để duy trì chức năng thận trong thời gian chờ đợi thận hồi phục.

Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng để tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Cha mẹ cần chú ý đến các dấu hiệu bất thường ở trẻ, đặc biệt là sau khi trẻ bị nhiễm trùng ở các cơ quan khác. Nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu phù, tiểu ít, tiểu máu hoặc tiểu đục, cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và điều trị.

Viêm cầu thận cấp ở trẻ em bao lâu thì khỏi?

Viêm cầu thận cấp ở trẻ em thường có tiên lượng khá tốt, đặc biệt khi được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Tại các trung tâm y tế có khả năng theo dõi và cấp cứu đầy đủ, kể cả sử dụng máy lọc thận nhân tạo khi cần thiết, tỷ lệ trẻ khỏi bệnh hoàn toàn lên đến trên 90%. Các triệu chứng cấp tính như phù toàn thân, tiểu ít hoặc vô niệu, và cao huyết áp thường cải thiện trong tuần đầu tiên. Sang tuần tiếp theo, nếu các rối loạn do tổn thương thận cấp đáp ứng tốt với thuốc, trẻ có thể được xem xét xuất viện. Tuy nhiên, việc theo dõi ngoại trú vẫn cần thiết vì protein và hồng cầu trong nước tiểu có thể biến mất muộn hơn, trong một đến hai tuần kế tiếp.

Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám và xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra hồng cầu và protein mỗi tháng một lần trong sáu tháng đầu tiên. Nếu kết quả âm tính, thời gian tái khám và xét nghiệm có thể được giãn cách ra mỗi ba tháng trong hai năm tiếp theo. Chỉ khi kết quả âm tính qua hai lần liên tiếp, mới có thể ngừng theo dõi. Nếu phát hiện các trường hợp bất thường, cần tích cực tìm nguyên nhân khác gây viêm cầu thận hoặc nghi ngờ tổn thương thận mạn tính kéo dài.

Tuy nhiên, nếu viêm cầu thận diễn tiến tối cấp và các biến chứng suy thận cấp tính, tăng huyết áp cấp cứu không được can thiệp kịp thời, trẻ sẽ có nguy cơ tử vong rất cao ngay trong tuần lễ đầu tiên. Do đó, khi trẻ có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Hy vọng qua nội dung bài viết đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc viêm cầu thận cấp ở trẻ em bao lâu thì khỏi? Ngoài ra, việc phòng ngừa viêm cầu thận cấp cũng rất quan trọng. Cha mẹ nên giữ vệ sinh cho trẻ, đảm bảo trẻ được tiêm phòng đầy đủ và có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Đồng thời, việc theo dõi sức khỏe định kỳ và đưa trẻ đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường để bảo vệ sức khỏe thận của trẻ.

Phương pháp điều trị viêm cầu thận cấp ở trẻ em

Do những biến chứng nguy hiểm mà viêm cầu thận cấp gây ra, việc điều trị ở trẻ em cần được tiến hành thận trọng và phối hợp nhiều yếu tố khác nhau.

Trong trường hợp viêm cầu thận cấp hậu nhiễm liên cầu khuẩn, điều trị nhiễm trùng do Streptococcus là điều quan trọng hàng đầu. Các kháng sinh như Cephalosporin và Penicillin thuộc nhóm β-Lactam thường được sử dụng để hạn chế sự lan truyền của vi khuẩn. Nếu tình trạng nặng, việc sử dụng liệu pháp kháng sinh phối hợp giữa Penicillin và một kháng sinh khác nên được quyết định sớm ngay từ đầu.

Bên cạnh việc sử dụng kháng sinh, điều trị các triệu chứng và kiểm soát biến chứng cũng đóng vai trò quan trọng. Kiểm soát huyết áp là một trong những yếu tố chính, đặc biệt là khi huyết áp của trẻ quá cao hoặc có các tổn thương cơ quan đích do tăng huyết áp gây ra trên tim, não, và phổi. Sử dụng thêm lợi tiểu giúp tăng lượng nước tiểu, giảm phù, qua đó hạ huyết áp, giảm kali máu, điều chỉnh toan kiềm, và cải thiện chức năng thận. Việc điều chỉnh các rối loạn điện giải như tăng kali máu cũng cần được thực hiện, cùng với việc kiểm soát tan máu để ngăn ngừa hạ canxi máu và hạ natri máu.

Trong trường hợp các phương pháp điều trị thông thường không mang lại hiệu quả, trẻ có thể cần thẩm phân phúc mạc hoặc lọc máu ngoài thận (thận nhân tạo) để cải thiện tình trạng lâm sàng và kết quả xét nghiệm.

Ngoài ra, các biện pháp điều trị không dùng thuốc cũng rất quan trọng trong việc giúp bệnh mau hồi phục. Trẻ cần được nghỉ ngơi tại giường hoặc chỉ vận động nhẹ nhàng, tránh chơi đùa chạy nhảy để giảm bớt căng thẳng cho thận. Chế độ ăn uống cũng cần được điều chỉnh, với việc hạn chế tối đa lượng muối tiêu thụ nhằm giúp cơ thể thải nước hiệu quả và giảm phù. Hạn chế lượng nước uống vào cũng là một biện pháp quan trọng để giảm gánh nặng cho thận.

viem-cau-than-cap-o-tre-em-bao-lau-thi-khoi 3.jpg
Hạn chế tối đa lượng muối tiêu thụ nhằm giúp cơ thể thải nước và giảm phù

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin