Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Tổn thương thận cấp (AKI) nguyên nhân do đâu?

Ngày 26/05/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tổn thương thận cấp (AKI) là căn bệnh nguy hiểm vì nó làm suy giảm chức năng thận, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Theo dõi bài viết dưới đây để có thêm kiến thức về căn bệnh này nhằm phát hiện và chữa trị bệnh kịp thời nhé.

Tổn thương thận cấp (AKI) là tình trạng suy giảm đột ngột các chức năng của thận, hay còn được biết đến với tên gọi là suy thận. Tổn thương thận cấp thường bắt gặp cùng với một bệnh lý khác. Hãy cùng Long Châu theo dõi bài viết dưới đây để có cái nhìn tổng quan nhất về căn bệnh tổn thương thận cấp, chức năng thận, nguyên nhân và phân loại của tổn thương thận cấp.

Thận của chúng ta có chức năng gì?

Lọc máu

Thận có thể lọc từ 150 - 200 lít máu thông qua các đơn vị nephron. Mỗi nephron có chứa một mạng lưới mao mạch, tại đây sẽ lọc các chất thải (urea, creatine, nước dư thừa và muối) trong máu. Tiếp theo, máu sẽ tiếp tục đi qua hệ thống ống thận để hấp thụ lại những dưỡng chất còn sót lại vào cơ thể. Những chất không cần thiết sẽ đi theo hệ thống ống thận và thành nước tiểu để đào thải ra ngoài.

Cân bằng điện giải

Trong quá trình lọc máu, thận cũng sẽ cân bằng các chất điện giải như kali, natri và phốt pho. Khi chất lọc đi qua ống thận, các chất điện giải sẽ được tái hấp thụ hoặc tiếp tục đi theo nước tiểu ra ngoài dựa theo nhu cầu của cơ thể.

Duy trì độ pH máu

Thận sẽ duy trì độ pH của máu bằng cách điều chỉnh lượng bicarbonate và acid. Khi máu đi qua thận, acid được tiết vào nước tiểu, còn bicarbonate sẽ được hấp thụ lại vào máu.

Điều hòa huyết áp

Thận có vai trò giúp điều hòa huyết áp bằng cách điều chỉnh lượng nước và muối trong cơ thể. Nếu huyết áp giảm, thận sẽ giảm lượng nước và muối tiết ra, giúp tăng lượng máu trong cơ thể, làm tăng huyết áp. Khi huyết áp tăng, thận sẽ tiết ra nhiều nước và muối hơn, nhằm giúp giảm lượng máu trong cơ thể, làm giảm huyết áp.

Bài tiết các hợp chất có hoạt tính

Khi lưu thông qua thận, thuốc hoặc độc tố từ thực phẩm sẽ được lọc khỏi máu tại cầu thận. Tiếp đó, các chất này tiếp tục di chuyển xuống ống thận, các chất này không được tái hấp thụ vào máu mà đi theo nước tiểu đến bàng quang và được đào thải khỏi cơ thể. Nhờ đó cơ chế này mà thận loại bỏ các chất gây hại hoặc không cần thiết khỏi cơ thể.

Tổn thương thận cấp (AKI) nguyên nhân do đâu? 2
Thận là một trong những cơ quan có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể

Tổn thương thận cấp (AKI) là gì?

Tổn thương thận cấp là tình trạng suy giảm chức năng thận đột ngột gây mất cân bằng muối và điện giải trong cơ thể. Bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt. Nếu tình trạng này kéo dài có thể gây ra quá tải muối hoặc toan chuyển hóa, ảnh hưởng đến hoạt động của hầu hết các cơ quan trong cơ thể như tim, phổi, não,...

Nguyên nhân dẫn đến suy thận cấp (AKI)

Tổn thương thận cấp (AKI) và sự phục hồi sau tổn thương của thận có cơ chế khá phức tạp và mỗi nhóm nguyên nhân có những đặc trưng khác nhau. Một vài yếu tố trọng tâm dẫn đến rối loạn chức năng thận cấp là do sự thiếu máu thận cục bộ và sự sản sinh của các chất độc với thận đến từ hậu quả của sự co mạch, kích hoạt quá trình viêm và tổn thương nội mô. Tính nhạy cảm sẽ xuất phát từ mối liên quan của ống thận trong tủy thận và cấu trúc mạch máu dẫn đến tăng cường tính nhạy cảm để khắc phục lưu lượng máu đến thận. Ngoài ra, bởi vì ống thận cũng tập trung nhiều chất được tái hấp thu từ ống lumen và nồng độ từ các chất này có thể đạt ngưỡng độc tính với các tế bào biểu mô xung quanh. Chính sự tổn thương thận cấp (AKI) thường xuyên sẽ dễ tích tụ những tổn thương dẫn đến tiến triển thành bệnh thận mạn giai đoạn cuối.

Sự tương tác giữa tổn thương cấp và mạn tính trong bệnh thận cũng góp phần bởi cơ chế tự hồi phục mạnh mẽ của thận nhưng thường thì khả năng này không giống nhau ở tất cả các trường hợp bệnh.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị tổn thương thận cấp (AKI):

  • Trường hợp mắc các bệnh lý nền đang điều trị nội trú hay thậm chí là có chế độ chăm sóc đặc biệt. Những trường hợp nổi bật như tiểu đường, suy gan, suy tim.
  • Bệnh nhân trên 65 tuổi.
  • Các trường hợp bị nhiễm trùng như nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng đường tiểu hoặc nhiễm trùng da.
  • Người bệnh đang điều trị bù dịch hoặc mất nước.
  • Các trường hợp bệnh thận mạn tính hoặc trước đó đã từng bị tổn thương thận cấp.
Tổn thương thận cấp (AKI) nguyên nhân do đâu? 3
Độ tuổi cao cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh

Phân loại tổn thương thận cấp (AKI)

Phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và vị trí xảy ra mà AKI có thể phân thành 3 loại như sau:

Tổn thương trước thận

Do thận có sự đáp ứng với tình trạng giảm thể tích dịch, giãn mạch, giảm cung lượng tim, co tiểu động mạch đến và giãn tiểu mạch đi.

  • Bệnh van tim, suy tim, thuyên tắc mạch phổi, nhồi máu cơ tim cấp gây giảm cung lượng tim.
  • Giảm thể tích dịch bởi tác dụng của thuốc lợi tiểu hoặc người bệnh bị nôn ói nhiều, xuất huyết, tiêu chảy, bỏng, viêm tuỵ cấp, mắc hội chứng Steven Johnson.
  • Giãn mạch vì nhiễm trùng hoặc sốc phản vệ.
  • Giãn tiểu động mạch đi do suy tim, nhiễm trùng, suy gan.

Tổn thương tại thận

Tổn thương ở thận sẽ bao gồm tại cầu thận và mao mạch.

  • Tổn thương cầu thận do hội chứng Goodpasture, viêm cầu thận xuất phát từ Lupus ban đỏ hệ thống, tăng sinh màng nguyên phát hoặc viêm cầu thận hậu nhiễm.
  • Mao mạch thận bị tác động do huyết khối dẫn đến thuyên tắc mạch máu nhỏ, mạch thận, bệnh đông máu nội mạch lan tỏa, cao huyết áp ác tính hoặc tiền sản giật.

Tổn thương sau thận

Các tổn thương sau thận có thể xảy ra do mất nước, xuất huyết nặng, nhiễm trùng, tăng huyết áp, thuốc cản quang hoặc các bệnh lý tại thận.

Tổn thương thận cấp (AKI) nguyên nhân do đâu? 4
Phân loại của tổn thương thận cấp sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân

Tóm lại, hãy chú trọng đến những biểu hiện của cơ thể bởi vì tổn thương thận cấp (AKI) là một căn bệnh nguy hiểm. Đây là căn bệnh cần được phát hiện và điều trị kịp thời nhằm giảm tỷ lệ tử vong và nâng cao tỷ lệ chức năng thận trở về trạng thái bình thường. Nên sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng theo hướng dẫn của chuyên gia y tế để tránh làm tổn thương đến thận.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường đại học Võ Trường Toản. Nhiều năm làm việc trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin