Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Triệu chứng viêm khớp dạng thấp là gì?

Ngày 13/04/2024
Kích thước chữ

Bệnh viêm khớp dạng thấp là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến ở người trưởng thành. Đây là một bệnh lý mạn tính liên quan đến hệ miễn dịch. Khi bệnh tiến triển, xương và khớp bị tổn thương nghiêm trọng hơn, có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác như tổn thương mắt, da, tim, phổi, hệ thống mạch máu. Người bệnh cần phát hiện và điều trị kịp thời nhằm kiểm soát các triệu chứng, ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Vậy triệu chứng viêm khớp dạng thấp là gì?

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về bệnh viêm khớp dạng thấp, từ nguyên nhân, triệu chứng đến cách điều trị bệnh. Đồng thời, xem xét triệu chứng bệnh với các bệnh lý liên quan nhằm giúp chẩn đoán chính xác. Nếu quan tâm, hãy cùng tìm hiểu ngay qua bài viết “Triệu chứng viêm khớp dạng thấp” bạn nhé!

Tổng quan về bệnh lý viêm khớp dạng thấp

Tìm hiểu về viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một loại bệnh viêm khớp tự miễn mạn tính, xuất phát từ tổn thương của màng hoạt dịch trong khớp. Đây là một bệnh lý phổ biến, thường gặp nhiều ở phụ nữ hơn so với nam giới, đặc biệt là ở tuổi trung niên, bệnh có các dấu hiệu nhận biết (lâm sàng và cận lâm sàng) rõ ràng.

Bệnh tự miễn này xảy ra khi hệ thống miễn dịch – có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống lại sự tấn công của vi khuẩn hoặc virus gặp vấn đề khiến chúng tấn công các mô lành trong cơ thể. Kết quả là gây ra viêm bao hoạt dịch, làm cho các khớp trở nên sưng, đỏ, nóng và đau. Người bệnh có nguy cơ bị tàn phế, tổn thương các cơ quan khác như mắt, tim, phổi, da, mạch máu.

Bệnh này thường ảnh hưởng đến các khớp đối xứng trong cơ thể như cả hai bàn tay, cả hai cổ tay hoặc cả hai đầu gối, đây là đặc điểm phân biệt với các loại viêm khớp khác. Nếu viêm khớp xuất hiện ở nhiều khớp (thông thường từ 4 - 5 vị trí), thì được xem là viêm đa khớp dạng thấp.

trieu-chung-viem-khop-dang-thap-la-gi 1
Viêm khớp dạng thấp là một loại bệnh viêm khớp tự miễn mạn tính

Viêm khớp dạng thấp do nguyên nhân nào gây ra?

Bệnh viêm khớp dạng thấp gây ra bởi hệ thống tự miễn trong cơ thể mỗi người. Đến nay, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra rằng yếu tố di truyền có liên quan đến quá trình này. Một số gen di truyền, mặc dù không gây ra bệnh trực tiếp, nhưng khiến người mang gen đó trở nên nhạy cảm hơn với các tác động từ môi trường bên ngoài, làm cho họ dễ bị tấn công bởi vi khuẩn và virus hơn, đồng thời là yếu tố khởi đầu cho sự tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp.

Triệu chứng viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp tiến triển qua các giai đoạn nào?

Viêm khớp dạng thấp tiến triển qua 4 giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn 1: Trong giai đoạn này, viêm màng bao quanh khớp gây sưng và đau. Các tế bào miễn dịch tập trung đến vùng bị viêm, làm tăng lượng tế bào trong dịch khớp.
  • Giai đoạn 2: Mô xương bắt đầu phát triển và chiếm không gian trong khoang khớp cũng như trên bề mặt sụn, sau đó phá hủy sụn khớp. Kết quả là các khớp thu nhỏ lại do mất sụn, nhưng chưa xuất hiện dị dạng khớp trong giai đoạn này.
  • Giai đoạn 3: Trong giai đoạn này, viêm khớp dạng thấp trở nên nặng hơn, xương dưới sụn lộ ra gây đau nhức, khó di chuyển và có cảm giác cứng khớp vào buổi sáng. Đồng thời, có thể xuất hiện các dạng biến dạng khớp hoặc các nốt sần.
  • Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn nặng nhất của bệnh, khi phần khớp bị tổn thương không còn viêm mà thay vào đó hình thành mô xơ và xương chùng. Kết quả là người bệnh không thể cử động được các khớp.
trieu-chung-viem-khop-dang-thap-la-gi 2
Viêm khớp dạng thấp tiến triển qua 4 giai đoạn

Triệu chứng viêm khớp dạng thấp

Triệu chứng viêm khớp dạng thấp rất đa dạng và phụ thuộc vào các giai đoạn tiến triển của bệnh. Nhìn chung, triệu chứng viêm khớp dạng thấp bao gồm các triệu chứng tại khớp, toàn thân và ở các cơ quan khác.

Triệu chứng tại khớp:

  • Cứng khớp: Thường xuất hiện vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và kéo dài khoảng một giờ.
  • Sưng khớp: Khớp sưng phù lên hoặc có thể tụ dịch nhiều hơn.
  • Nóng da: Vùng da của khớp viêm có thể ấm hơn vùng da xung quanh.
  • Đỏ da: Da vùng khớp bị viêm có thể có màu đậm hơn so với vùng da xung quanh.
  • Đau: Đây là triệu chứng dễ nhận biết nhất, do tình trạng viêm làm cho các khớp trở nên nhạy cảm và căng đau.

Triệu chứng toàn thân: 

  • Mệt mỏi, trì trệ.
  • Chán ăn, suy nhược, có thể dẫn đến sụt cân.
  • Đau nhức mỏi cơ toàn thân.

Triệu chứng ở các cơ quan khác:

  • Nốt thấp (hạt hay cục) nổi gồ lên mặt da, có đặc điểm là chắc, không di động, không đau, dính vào nền xương ở dưới.
  • Viêm màng phổi, có thể không có triệu chứng nhưng đôi khi gây thở ngắn cần phải điều trị.
  • Ảnh hưởng lên thanh quản gây khàn giọng.
  • Viêm màng ngoài tim, thường không có triệu chứng nhưng có thể gây thở ngắn, đau ngực.
  • Mắt đỏ, đau mắt hoặc khô mắt, xuất hiện ở khoảng dưới 5% số người bệnh.
trieu-chung-viem-khop-dang-thap-la-gi 3
Viêm khớp dạng thấp có thể gây chán ăn, suy nhược cơ thể

Những lưu ý khi chăm sóc và điều trị viêm khớp dạng thấp

Điều trị bệnh lý viêm khớp dạng thấp

Bác sĩ thường chỉ định điều trị nhằm cải thiện triệu chứng viêm khớp dạng thấp, giảm tổn thương xương khớp, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng điều trị sớm bằng thuốc chống thấp khớp giúp kiểm soát bệnh và duy trì chức năng khớp tốt hơn. Điều trị viêm khớp dạng thấp bao gồm:

Điều trị bằng thuốc:

  • Thuốc chống viêm không Steroid NSAID như Naproxen, Ibuprofen giúp giảm đau, giảm viêm.
  • Corticosteroid như prednisone giúp giảm đau, viêm và làm chậm tổn thương khớp.
  • Thuốc chống thấp khớp như Methotrexate giúp ngăn ngừa tổn thương khớp vĩnh viễn.
  • Thuốc sinh học được chỉ định khi các loại thuốc khác không hiệu quả.

Phẫu thuật:

  • Trong trường hợp không đáp ứng điều trị thuốc, phẫu thuật có thể được xem xét để khắc phục tổn thương khớp, giúp khôi phục chức năng và giảm đau.
  • Các phương pháp phẫu thuật bao gồm phẫu thuật nội soi, chỉnh trục, sửa chữa gân hoặc thay thế toàn bộ khớp.

Điều trị hỗ trợ:

  • Sử dụng dụng cụ hỗ trợ đi lại để giảm gánh nặng cho khớp.
  • Thực hiện bài tập vật lý trị liệu và tập vận động để phục hồi chức năng xương khớp, chống co rút gân, teo cơ, dính khớp.
trieu-chung-viem-khop-dang-thap-la-gi 4
Điều trị sớm bằng thuốc thấp khớp có hiệu quả kiểm soát bệnh tốt

Chăm sóc sau điều trị viêm khớp dạng thấp

  • Hiểu rõ tình trạng và triệu chứng viêm khớp dạng thấp để có thể hỗ trợ họ một cách tốt nhất, như giúp họ trong việc ăn uống, vệ sinh cá nhân, thay quần áo tùy thuộc vào phạm vi tổn thương khớp của họ.
  • Biết khi nào cần giúp đỡ và khi nào không nên, khuyến khích họ tự làm những việc mà họ có thể tự làm, đồng thời hỗ trợ khi cần thiết.
  • Hỗ trợ quản lý thuốc, đặc biệt là nếu họ gặp khó khăn trong việc nhớ lịch uống thuốc và liều lượng.
  • Khuyến khích, hỗ trợ người bệnh tập thể dục đều đặn, giúp họ thực hiện các bài tập đúng cách, đặc biệt sau khi phẫu thuật thay khớp.
  • Về chế độ ăn uống nên ưu tiên các loại thực phẩm giảm viêm như ngũ cốc nguyên hạt, rau cải và trái cây, thịt gà không da, cá, dầu thực vật, dầu ô liu.

Hy vọng rằng bạn đã có thông tin hữu ích về triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Viêm khớp dạng thấp không chỉ gây đau đớn mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Tuy nhiên, thông qua hiểu biết và chăm sóc đúng cách, chúng ta có thể giúp người bệnh kiểm soát triệu chứng bệnh.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin