Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Viêm khớp cùng chậu có nên đi bộ không?

Ngày 31/08/2023
Kích thước chữ

Viêm khớp cùng chậu không còn là căn bệnh quá hiếm gặp, không chỉ gây nhiều đau đớn, khó chịu cho người bệnh mà còn ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Vậy viêm khớp cùng chậu có nên đi bộ không? Hãy cùng tìm lời giải đáp bạn nhé!

Khi bị viêm khớp cùng chậu, người bệnh có nên vận động hay thực hiện các bộ môn thể dục nhẹ nhàng như đi bộ hay không là điều mà không ít người băn khoăn. Liệu có gây ảnh hưởng tiêu cực gì đến quá trình chữa trị bệnh? Trong khuôn khổ bài viết này, những phân tích, lý giải từ chuyên gia sẽ giúp bạn giải đáp viêm khớp cùng chậu có nên đi bộ không?

Viêm khớp cùng chậu là bệnh gì?

Khớp cùng chậu là vị trí khớp xương cùng (phần cuối hình tam giác của cột sống) kết nối xương sống và xương chậu ở gần hông. Khi vùng khớp này có phản ứng viêm được xem là viêm khớp cùng chậu. Đây được xác định là nguyên nhân chính gây nên viêm cột sống dính khớp.

Người bệnh khi gặp tình trạng này thường có dấu hiệu đau ở vùng cùng cụt, mông, hông, đùi, lưng dưới, có thể kéo dài xuống một hoặc cả hai chân, bàn chân, khó thực hiện các động tác cúi, ngửa, xoay,… Tại vùng khớp bị viêm có thể thấy dấu hiệu sưng, nóng đỏ và đau buốt.

Điều đáng nói là dấu hiệu này thường tương tự như triệu chứng của bệnh đau thần kinh tọa, viêm khớp cột sống, thoát vị đĩa đệm,... Cho nên, nhiều người bệnh thường không thực hiện các giải pháp thăm khám đầy đủ, từ đó dẫn đến chẩn đoán và thực hiện điều trị sai phương pháp.

Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này thường do nhiều yếu tố, trong đó phổ biến nhất là do thoái hóa ở những người lớn tuổi, chấn thương gây tác động lên khớp xương cùng chậu và những dây chằng xung quanh, bị viêm khớp trước đó gây nên tình trạng đứt dây chằng, bào mòn và hư hại khớp cột sống hoặc phụ nữ mang thai có sự thay đổi, rối loạn nội tiết tố.

viem-khop-cung-chau-co-nen-di-bo-hay-khong-1.jpg
Viêm khớp cùng chậu gây nhiều đau đớn, khó chịu cho người bệnh

Viêm khớp cùng chậu có nên đi bộ không?

Khi bị viêm khớp cùng chậu có nên đi bộ không là câu hỏi được nhiều bệnh nhân đặt ra. Theo các chuyên gia sức khỏe, đi bộ là một sự vận động tích cực, rất có lợi cho các khớp xương. Sự chuyển động đều đặn của đôi chân sẽ giúp cho các sụn khớp trên toàn cơ thể được hoạt hoá, khớp được bôi trơn, giảm tình trạng khô khớp, hạn chế tình trạng viêm khớp và cứng khớp. 

Hơn nữa, thói quen đi bộ còn giúp cơ thể giảm cân nặng, giảm áp lực trên hệ thống xương khớp. Đối với người bệnh bị viêm khớp cùng chậu, đi bộ hợp lý còn giúp làm dịu các cơn đau một cách đáng kể. Do đó, với câu hỏi trên thì câu trả lời là người bị viêm khớp cùng chậu nên thực hiện đi bộ hằng ngày bạn nhé!

Tuy nhiên, việc đi bộ chỉ phát huy tác dụng khi đúng thời gian, đúng phương pháp, nếu không sẽ gây ra tác dụng ngược, làm cho cơn đau viêm khớp nặng nề hơn. Vậy cách đi bộ hợp lý cho người bị viêm khớp cùng chậu là như thế nào? Một số lưu ý dưới đây bạn có thể tham khảo và áp dụng:

  • Đầu tiên, bạn cần xác định tình trạng viêm của cơ thể, nếu các khớp đang sưng, đau, nóng đỏ thì bạn chưa nên đi vội.
  • Khi vùng khớp đã bớt sưng, đau, bạn có thể thực hiện đi bộ tốc độ chậm trong khoảng 20 phút trong những buổi đầu tiên. Bạn lưu ý cần khởi động nhẹ nhàng để làm nóng cơ thể khoảng 10 - 15 phút trước khi đi bộ nhé!
  • Khi cơ thể quen dần và không cảm thấy đau nhiều, bạn có thể thử tăng tốc và kéo dài thời gian đi bộ. Tuy nhiên, thời gian đi bộ nên hạn chế trong khoảng từ 30 - 45 phút, có thể chia thành hai thời điểm vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ. Khi cảm thấy đau, bạn nên dừng lại ngay.
  • Bạn nên chuẩn bị một đôi giày đi bộ thoải mái, chất liệu mềm, nhẹ, chống trơn trượt. Đoạn đường đi bộ phải bằng phẳng, không mấp mô, không khí trong lành, có nhiều bóng cây râm mát.
viem-khop-cung-chau-co-nen-di-bo-hay-khong-2.jpg
Viêm khớp cùng chậu có nên đi bộ không là câu hỏi nhiều người thắc mắc

Một số bài tập hỗ trợ điều trị viêm khớp cùng chậu

Ngoài đi bộ, thực hiện các bài tập thể dục khác để giúp phục hồi vận động và giảm đau được xem là cách chữa viêm khớp cùng chậu tại nhà rất tốt. Dưới đây là một số bài tập bạn có thể tự thực hiện tại nhà hoặc nhờ sự hỗ trợ của chuyên gia:

Bài tập chim bồ câu: Với bài tập này, bạn ngồi trên thảm, sau đó chân trái gập gối co lại, chân phải duỗi thẳng về phía sau. Bạn từ từ đưa tay trái vòng qua eo đằng sau và giữ lấy hông, tay phải vòng qua giữ đầu ngón chân phải. Bạn cần hạ thấp ngực xuống sàn nhà rồi từ từ nâng người lên và thực hiện tương tự với bên còn lại. Bài tập này được đánh giá là có thể hỗ trợ trị đau nhức xương khớp tại nhà nhờ tác dụng mở rộng khớp hông và háng, giảm bớt cơn đau, tăng sự linh hoạt của cơ xương chậu.

Bài tập đứa trẻ hạnh phúc: Bạn nằm ngửa trên sàn, hai chân đưa lên trên, hai tay ôm lấy hai bàn chân sao cho phần đùi song song với sàn và áp sát thân, hai ống chân tạo thành góc 90 độ so với đùi. Sau đó, bạn từ từ mở hai chân ra sao cho phần xương cùng chậu cảm thấy căng giãn hết cỡ. Bạn giữ nguyên tư thế mở chân trong khoảng 15 giây rồi khép lại. Động tác này sẽ giúp khớp háng, hông và đùi được mở rộng, thư giãn phần lưng dưới, xương cùng và gân kheo.

Bài tập vũ công: Với bài tập này, bạn đứng thẳng trên sàn nhà rồi đá chân trái về phía sau, tay trái giữ lấy bàn chân trái. Bạn lấy chân phải làm trụ, giữ thẳng, tay phải giơ lên cao rồi từ từ đổ người về phía trước sao cho lưng và khớp háng căng. Bạn giữ nguyên tư thể khoảng 15 giây rồi đổi bên. Bài tập này sẽ làm tăng sức mạnh của hông, khớp xương cùng chậu, mắt cá chân và cả lưng, giúp cơ thể linh hoạt và vận động dễ dàng hơn.

Bài tập nằm ngửa kéo chân: Bạn hãy chuẩn bị một đoạn dây vải dài khoảng 1m rồi nằm thẳng trên sàn. Bạn đưa chân trái lên cao, vòng dây vải qua bàn chân trái và kéo căng dây bằng hai tay, giữ nguyên tư thế khoảng 20 giây rồi đổi bên. Bài tập này tác động lên bắp chân, đùi và khớp háng, giúp giảm đau hông và lưng rất hiệu quả.

viem-khop-cung-chau-co-nen-di-bo-hay-khong-3.jpg
Bài tập nằm ngửa kéo chân rất tốt cho bệnh nhân bị viêm khớp cùng chậu

Như vậy, với các thông tin trên, bài viết đã giúp bạn có lời giải đáp cho băn khoăn “viêm khớp cùng chậu có nên đi bộ không” cũng như gợi ý một số bài tập khác tốt cho việc điều trị bệnh viêm khớp cùng chậu. Ngoài việc vận động hợp lý, đúng cách, bạn cũng nên chú ý đến chế độ ăn uống, tham khảo thêm người bị viêm khớp nên ăn gì và kiêng gì để bệnh sớm được khắc phục hiệu quả nhé!

Xem thêm: Viêm khớp cấp tính: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin