Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Viêm khớp vảy nến ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ của người bệnh?

Ngày 11/04/2024
Kích thước chữ

Viêm khớp vảy nến được biết đến là một dạng của bệnh viêm khớp mạn tính, gây ra các tổn thương trên mô và khớp. Vậy cụ thể bệnh viêm khớp vảy nến ảnh hưởng như thế nào? Làm thế nào để phòng ngừa hiệu quả bệnh viêm khớp vảy nến?

Viêm khớp vảy nến là một bệnh lý tự miễn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan trong cơ thể. Vì vậy, việc chẩn đoán chính xác cũng như điều trị đúng cách sẽ giúp bệnh nhân phòng ngừa được nhiều biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra. Hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ nói rõ về vấn đề bệnh viêm khớp vảy nến ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ của người bệnh.

Viêm khớp vảy nến là bệnh gì?

Trước khi tìm hiểu về sự ảnh hưởng của bệnh viêm khớp vảy nến tới sức khoẻ của người bệnh, Nhà thuốc Long Châu sẽ cung cấp những thông tin cơ bản nhất để giúp bạn đọc hiểu rõ về căn bệnh viêm khớp vảy nến này.

Theo đó, viêm khớp vảy nến (PsA) là một dạng của bệnh viêm khớp gây ra các triệu chứng ở khớp và da. Hầu hết các ca bệnh thường bị viêm da vảy nến trước khi xuất hiện triệu chứng của viêm khớp. Đây là một bệnh lý tự miễn xảy ra khi các mô hay tế bào khoẻ mạnh bị tấn công bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể, từ đó gây ra tình trạng viêm nhiễm ở các khớp và kích thích tế bào da tăng sinh một cách bất thường.

Viêm khớp vảy nến là bệnh lý mạn tính và có xu hướng trở nên nghiêm trọng theo thời gian nếu không được điều trị sớm. Bệnh thường xảy ra ở nhóm tuổi từ 30 - 50 và có tỷ lệ mắc bệnh tương đương nhau ở cả 2 giới.

Viêm khớp vảy nến có tính di truyền. Theo thống kê, có đến 40% người mắc phải bệnh viêm khớp vảy nến có người thân trong gia đình mắc phải căn bệnh này hoặc bệnh viêm khớp. Ngoài ra, theo các chuyên gia, các yếu tố khác như vi khuẩn, virus, hoá chất, chất phóng xạ… được cho là tác nhân khiến cho hệ thống miễn dịch tấn công lại các mô khoẻ mạnh của cơ thể. Vậy viêm khớp vảy nến ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe người bệnh?

Viêm khớp vảy nến ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ của người bệnh? 1
Bệnh viêm khớp vảy nến có tính di truyền

Viêm khớp vảy nến ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe người bệnh?

Bệnh viêm khớp vảy nến ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe của người mắc phải? Được biết viêm khớp vảy nến là một căn bệnh tự miễn nên gây ra nhiều tác động xấu đến các cơ quan trong cơ thể (đặc biệt là hệ xương khớp) và được biểu hiện qua các triệu chứng như sau:

  • Viêm khớp: Mức độ viêm có thể từ nhẹ đến rất nặng với các biểu hiện như sưng, đau và cứng khớp. Điển hình là các khớp ngón tay và ngón chân, từ đó dẫn đến biến dạng tay chân.
  • Đau và hạn chế vận động của các khớp cột sống và khớp cùng chậu.
  • Viêm đa khớp.
  • Viêm dính khớp cột sống: Khiến người bệnh bị đau lưng, đặc biệt là khi cử động.
  • Đau ở vị trí gân và dây chằng bám vào xương ở chi dưới, xảy ra trong trường hợp viêm khớp chân vảy nến.
  • Viêm khớp đối xứng hoặc không đối xứng ở 1 hoặc 2 bên của cơ thể.
  • Tổn thương da: Xuất hiện các vết hoặc mảng đỏ trên vùng da bị viêm, thậm chí có những mảng bị bong tróc và có màu trắng đục như nến. Các vị trí có thể bị tổn thương như da đầu, mặt trước của tay và chân, dưới vú, trong rốn hoặc khe mông.
  • Móng tay, móng chân bị tổn thương và móng có thể bị thay đổi màu sắc, dày móng hoặc bong móng….
  • Viêm mống mắt, viêm kết mạc mắt.
  • Viêm loét miệng, loét niệu đạo.
Viêm khớp vảy nến ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ của người bệnh? 2
Viêm khớp vảy nến ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe người bệnh

Ngoài ra, bệnh viêm khớp vảy nến còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trên các cơ quan khác như:

  • Hệ thống miễn dịch: Viêm khớp vảy nến là một dạng bệnh tự miễn, gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ miễn dịch cơ thể. Từ đó, hệ miễn dịch tự tấn công lại các cấu trúc khoẻ mạnh của cơ thể, điển hình là các khớp, gân hay các điểm bám vào xương của dây chằng.
  • Hệ cơ xương: Viêm khớp vảy nến ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ của người bệnh? Người mắc phải căn bệnh này thường phải đối mặt với tình trạng viêm, sưng, đau và cứng các khớp, từ đó gây khó khăn trong hoạt động di chuyển. Sau một khoảng thời gian nhất định, bệnh có thể gây mòn xương, làm ảnh hưởng đến các gân và dây chằng xung quanh xương.
  • Thị lực: Bệnh viêm khớp vảy nến có thể làm giảm thị lực của người bệnh, thậm chí có một số trường hợp bị mất thị lực nếu bệnh không được phát hiện và điều trị sớm.
  • Hệ tiêu hoá: Tình trạng viêm khớp vảy nến có thể dẫn đến các vấn đề liên quan đến hệ tiêu hoá như viêm ruột, viêm đại tràng, tiêu chảy, bệnh Crohn
  • Hệ hô hấp: Viêm khớp vảy nến có thể gây ảnh hưởng xấu đến phổi với các bệnh lý như viêm phổi mô kẽ, từ đó khiến người bệnh gặp phải nhiều triệu chứng khác như khó thở, đau đớn và mệt mỏi.
  • Hệ tim mạch: Xảy ra các tổn thương trên các mạch máu xuất phát từ căn bệnh viêm khớp vảy nến. Theo thời gian, thành mạch máu bị dày và cứng, từ đó làm tăng nguy cơ đột quỵ, cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, tăng cholesterol trong máu hay hở van động mạch chủ
  • Sức khoẻ tâm thần: Bên cạnh việc gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ thể chất, bệnh viêm khớp vảy nến còn là một nguyên nhân dẫn đến tâm lý lo lắng, tự ti và trầm cảm ở người bệnh.
Viêm khớp vảy nến ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ của người bệnh? 3
Viêm khớp vảy nến có thể gây mất thị lực ở người bệnh

Làm thế nào để phòng ngừa bệnh viêm khớp vảy nến?

Như vậy, bệnh viêm khớp vảy nến gây ảnh hưởng đến hầu hết các hệ cơ quan khác trên cơ thể nếu không được điều trị sớm. Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu để trị căn bệnh này, các phương pháp điều trị chỉ có tác dụng làm thuyên giảm triệu chứng bệnh và ngăn ngừa biến chứng nhưng lại gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên có lối sống lành mạnh trong cuộc sống hàng ngày. Bạn có thể tham khảo một số biện pháp sau đây:

  • Duy trì thói quen tập thể dục - thể thao phù hợp với hệ cơ xương khớp. Các bộ môn ít tạo áp lực lên các khớp, tăng độ linh hoạt của khớp và tăng cường sức mạnh cơ bắp như đi bộ, bơi lội, đạp xe, tập yoga…
  • Duy trì cân nặng hợp lý để tránh tình trạng quá tải cho hệ xương khớp, từ đó giúp cho xương khớp trở nên linh hoạt hơn và giảm nhẹ các cơn đau nhức tại khớp. Bạn có thể duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp bằng cách thực hiện chế độ ăn uống ít calo, ăn nhiều rau củ quả tươi… kết hợp với việc tập luyện đều đặn.
  • Bảo vệ các khớp xương trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày bằng cách thay đổi cách thực hiện công việc, tránh các hoạt động có tác động tiêu cực đến hệ xương khớp…
  • Sử dụng túi chườm lạnh hoặc chườm nóng lên các khớp và cơ bắp khoảng 20 - 30 phút/lần, vài lần/ngày để giúp cơ bắp được thư giãn và giảm đau nhức hiệu quả.
  • Có chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý. Không làm việc liên tục trong thời gian dài hoặc tập luyện quá sức, bởi điều này có thể khiến cho cơ thể cũng như hệ xương khớp trở nên mệt mỏi, đau đớn hơn. Do đó, bạn cần có những khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý giữa các hoạt động này.
  • Loại bỏ các thói quen xấu có hại cho cơ thể cũng như gây hại cho khớp như không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng bia rượu… Tránh căng thẳng, stress kéo dài để hạn chế bùng phát các cơn đau khớp.
  • Thăm khám sức khoẻ định kỳ 2 lần/năm để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý về xương khớp.
Viêm khớp vảy nến ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ của người bệnh? 4
Duy trì cân nặng hợp lý là một biện pháp phòng ngừa bệnh viêm khớp vảy nến hiệu quả

Viêm khớp vảy nến là bệnh lý tự miễn gây ra nhiều triệu chứng và biến chứng nguy hiểm cho sức khoẻ của người bệnh, thậm chí gây ra các tổn thương vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời. Hiện nay chưa có thuốc điều trị khỏi hẳn căn bệnh này nên việc thực hiện các phòng ngừa bệnh là điều rất cần thiết. Hy vọng bạn đọc đã nắm được bệnh viêm khớp vảy nến ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ của bệnh nhân thông qua bài viết trên.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin