Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày nguy hiểm như thế nào?

Ngày 28/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày là tình trạng khi có các vết loét xuất hiện trên niêm mạc dạ dày tại vị trí bờ cong nhỏ. Đây là một vị trí khá phổ biến trong các trường hợp viêm loét dạ dày và thường xảy ra do đặc điểm về giải phẫu, nơi mà dạ dày tiếp xúc nhiều với thức ăn. Khi dạ dày bị viêm loét, nó gây ra các cơn đau ở vùng thượng vị và có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống nếu không được can thiệp và điều trị kịp thời.

Viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày là một bệnh lý có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, những tổn thương tại vị trí bờ cong nhỏ có thể lan rộng theo thời gian và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh lý này trong bài viết ngay sau đây.

Giải phẫu dạ dày

Dạ dày là một trong các cơ quan quan trọng thuộc hệ thống tiêu hóa của con người, nằm trong ổ bụng, giữa thực quản và tá tràng. Vị trí của dạ dày được bao quanh bởi nhiều cơ quan và bộ phận khác nhau:

  • Phía trên của dạ dày là thực quản;
  • Phía trước của dạ dày là cơ hoành, thành bụng trước, thùy trái gan và túi mật;
  • Phía sau của dạ dày là tuyến tụy, thận trái, tuyến thượng thận trái, gan, động mạch lách và mạc treo đại tràng ngang.

Dạ dày có hình dạng giống một túi chữ “J” với hai bờ cong:

  • Bờ cong nhỏ ở vị trí trung tâm thượng vị, có chiều dài ngắn hơn và hình dạng lõm;
  • Bờ cong lớn nằm ở phía bên ngoài về phía bên trái của ổ bụng, có chiều dài hơn và hình dạng lồi.
Viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày nguy hiểm như thế nào? 2
Giải phẫu dạ dày

Bên trong dạ dày không có sự phân chia rõ ràng thành các phần khác nhau, nhưng có thể được mô tả thành một số phần:

  • Tâm vị: Là vị trí nơi thực quản kết nối với dạ dày;
  • Đáy vị: Phần mở rộng phía trên dạ dày;
  • Thân vị: Chiếm phần lớn thể tích dạ dày;
  • Hang vị: Phần bắt đầu thu hẹp lại của dạ dày;
  • Môn vị: Nơi kết thúc của dạ dày và nối tiếp với tá tràng.

Viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày là gì?

So với bờ cong lớn, viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày phổ biến hơn. Đặc biệt, hai vị trí trên bờ cong nhỏ có tần suất bị viêm loét cao nhất là đoạn tâm vị và đoạn môn vị, trong khi các vị trí khác trên bờ cong nhỏ ít gặp viêm loét hơn.

Sự khác biệt này có thể được giải thích bằng cấu trúc giải phẫu của dạ dày, đặc biệt là dạ dày bờ cong nhỏ. Dạ dày bờ cong nhỏ có một cấu trúc túi hình nghiêng hơn về phía bờ cong lớn. Thực phẩm di chuyển xuống dạ dày từ thực quản có xu hướng tiếp xúc nhiều hơn với bờ cong nhỏ, đặc biệt là ở đoạn tâm vị và đoạn môn vị. Khi thực phẩm tiếp xúc nhiều với vùng này, dạ dày phải hoạt động mạnh hơn để tiêu hóa thức ăn và điều này làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày tại các vị trí này. Ngoài ra, khả năng tự lành vết loét tại đây cũng kém hơn, do đó các yếu tố bảo vệ không thể làm lành vết thương một cách hiệu quả.

Viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày nguy hiểm như thế nào? 3
Loét bờ cong nhỏ thường phổ biến hơn loét bờ cong lớn

Triệu chứng của viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày

Dù viêm loét dạ dày xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên dạ dày, triệu chứng của chúng sẽ thường giống nhau. Các triệu chứng này bao gồm:

  • Đau hoặc khó chịu ở vùng thượng vị;
  • Cảm giác trở nên khó chịu sau khi ăn;
  • Buồn nôn;
  • Nôn mửa;
  • Đầy hơi;
  • No sớm.

Ở một số trường hợp, viêm loét dạ dày có thể không gây ra triệu chứng. Điều này có thể xảy ra khi dạ dày đã bị tổn thương nhưng vẫn có các cơ chế bảo vệ nội tại để ngăn chặn việc loét trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, có trường hợp xảy ra các biến chứng nặng như xuất huyết đường tiêu hóa trên với các biểu hiện phân đen, nôn ra máu hay bã màu cà phê, thủng dạ dày và ung thư dạ dày.

Viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày nguy hiểm như thế nào? 4
Biến chứng của loét dạ dày

Nguyên nhân gây ra viêm loét dạ dày ở bờ cong nhỏ dạ dày

Bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể bị viêm loét dạ dày, nhưng thường gặp nhất là người trưởng thành. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm loét dạ dày và chúng cũng cũng góp phần làm cho tình trạng viêm loét tại bờ cong nhỏ trở nên nặng hơn. Các nguyên nhân này gây tổn thương hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày, làm cho axit trong dạ dày tấn công và gây viêm niêm mạc dạ dày lâu ngày, cuối cùng dẫn đến viêm loét. Các yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày bao gồm:

  • Nhiễm khuẩn: Một trong những nguyên nhân phổ biến gây viêm dạ dày là nhiễm khuẩn bởi vi khuẩn Helicobacter pylori (HP). Tuy nhiên, chỉ một số người bị nhiễm trùng mới phát triển thành viêm loét dạ dày là do di truyền hoặc thói quen hút thuốc lá, chế độ ăn uống không lành mạnh.
  • Sử dụng các loại thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau NSAID và thuốc giảm đau gây nghiện có thể gây viêm dạ dày cấp tính và viêm dạ dày mãn tính nếu sử dụng thường xuyên hoặc quá mức. Bởi vì khi sử dụng quá nhiều, các loại thuốc này sẽ làm suy giảm các yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày.
  • Tuổi cao: Người cao tuổi có nguy cơ cao hơn bị viêm dạ dày do niêm mạc dạ dày mỏng dần theo tuổi. Họ cũng dễ bị nhiễm khuẩn H. pylori và các rối loạn tiêu hóa hơn so với người trẻ.
  • Người nghiện rượu, uống rượu quá mức: Rượu có thể gây kích ứng và ăn mòn niêm mạc dạ dày, khiến dạ dày dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với dịch tiêu hóa. Do đó, uống quá nhiều rượu có thể gây viêm dạ dày cấp tính.
  • Stress: Các tình trạng căng thẳng nghiêm trọng như sau phẫu thuật lớn, chấn thương hoặc nhiễm trùng nặng có thể gây viêm dạ dày cấp tính.
  • Tự miễn: Phản ứng tự miễn dịch sai lệch có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Các tế bào miễn dịch tấn công chất bảo vệ niêm mạc dạ dày, gây viêm loét.
Viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày nguy hiểm như thế nào? 5
Vi khuẩn HP và NSAID là nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày

Hướng dẫn cách điều trị viêm loét dạ dày

Để điều trị viêm loét dạ dày hiệu quả thường phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể và triệu chứng của bệnh. Dưới đây là các phương pháp điều trị thường được sử dụng:

  • Ngừng sử dụng các tác nhân gây viêm dạ dày: Nếu viêm dạ dày cấp tính xuất phát từ việc sử dụng các chất gây viêm như thuốc chống viêm không steroid hoặc rượu, việc ngừng sử dụng hoặc giảm lượng tiêu thụ của chúng có thể giúp giảm triệu chứng và cho phép dạ dày tự lành.
  • Sử dụng thuốc kháng sinh để tiêu diệt H. pylori: Nếu viêm dạ dày do nhiễm khuẩn Helicobacter pylori, bác sĩ có thể kê đơn một kháng sinh hoặc kết hợp nhiều loại kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Việc sử dụng kháng sinh thường kéo dài từ 7 đến 14 ngày để đảm bảo khả năng diệt vi khuẩn hiệu quả.
  • Sử dụng thuốc để giảm axit dạ dày: Có hai loại thuốc thông dụng để kiểm soát lượng axit trong dạ dày là thuốc ức chế bơm proton (PPIs) giúp ngăn chặn tế bào dạ dày sản xuất axit dạ dày và thuốc chặn axit (H2-blockers) giúp làm giảm axit dạ dày bằng cách ngăn chặn hoạt động của các tế bào sản xuất axit.
  • Thuốc trung hòa axit dạ dày: Thuốc trung hòa axit dạ dày giúp làm dịu triệu chứng đau và đầy hơi. Điều này có thể giúp giảm triệu chứng nhanh chóng.
  • Ngoài việc sử dụng thuốc, thay đổi lối sống và thói quen ăn uống cũng quan trọng trong việc quản lý viêm loét dạ dày:
  • Chia bữa ăn thành nhiều phần nhỏ, không nên ăn quá no trong một lần.
  • Hạn chế tiêu thụ thực phẩm có vị cay, axit, thức ăn chiên hoặc nhiều dầu mỡ, vì chúng có thể làm tăng triệu chứng viêm dạ dày.
  • Tránh uống rượu do rượu có thể kích thích dạ dày và gây tổn thương niêm mạc dạ dày.
  • Hạn chế sử dụng thuốc giảm đau. Nếu cần dùng thuốc giảm đau, hãy sử dụng những loại an toàn cho dạ dày.
Viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày nguy hiểm như thế nào? 6
Những thực phẩm tốt cho viêm loét dạ dày

Việc thực hiện các biện pháp điều trị và thay đổi lối sống dự kiến sẽ giúp cải thiện triệu chứng và ngăn chặn việc tái phát của viêm loét dạ dày. Bệnh nhân nên thảo luận với bác sĩ để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp và theo dõi sát sao theo hướng dẫn.

Tóm lại, viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày là một bệnh phổ biến trên đường tiêu hóa. Dù bất kể ở vị trí tổn thương nào, việc điều trị dựa vào nguyên nhân cụ thể và kết hợp với việc thay đổi lối sống và ăn uống là quan trọng để bảo vệ sức khỏe dạ dày. Cần liên hệ với bác sĩ để lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp và tuân thủ theo hướng dẫn là cách tốt nhất để kiểm soát và ngăn chặn bệnh lý này.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm