Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm lợi loét hoại tử cấp: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và điều trị

Ngày 07/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Có nhiều bệnh lý về răng miệng gây biến chứng nguy hiểm mà bạn không thể chủ quan, một trong số đó là viêm lợi loét hoại tử cấp. Nhà thuốc Long Châu sẽ gửi đến bạn thông tin về căn bệnh ảnh hưởng đến lợi và biện pháp điều trị đề phòng biến chứng không mong muốn.

Viêm lợi là tình trạng mà bất kỳ ai cũng phải trải qua một lần trong đời và sẽ tự khỏi nếu mắc bệnh nhẹ. Trong trường hợp nặng, bệnh sẽ tiến triển nặng dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như lở loét, hoại tử. Bài viết này giúp bạn có thêm kiến thức về bệnh viêm lợi loét hoại tử cấp cùng triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị.

Tổng quan về bệnh viêm lợi loét hoại tử cấp

Viêm lợi loét hoại tử cấp là căn bệnh khởi phát do vi khuẩn tích tụ trong khoang miệng lâu ngày, không được loại bỏ gây ra viêm nướu. Viêm nướu diễn ra trong thời gian dài sẽ làm cấu trúc nướu bị hoại tử. Đây là biến chứng của tình trạng viêm nướu thông thường và khá nguy hiểm, khiến sức khỏe bệnh nhân giảm sút nghiêm trọng.

Viêm lợi loét hoại tử cấp: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và điều trị 1
Viêm nướu loét hoại tử là biến chứng của bệnh viêm nướu

Các đối tượng dễ mắc phải viêm nướu hoại tử lở loét là thanh thiếu niên và tỷ lệ người mắc bệnh khá thấp, chỉ khoảng 1% dân số. Đa phần bệnh diễn ra ở các khu vực chưa có điều kiện sống tốt và chế độ dưỡng chất không được đảm bảo. Ngoài ra, người có hệ miễn dịch suy giảm, bệnh nhân HIV hoặc người có tiền sử viêm lợi cũng dễ mắc bệnh.

Nguyên nhân gây viêm lợi loét hoại tử cấp có thể kể đến là:

  • Thức ăn thừa, mảng bám ở chân răng, kẽ răng không được làm sạch lâu ngày dẫn đến viêm nướu;
  • Chế độ ăn uống mất cân bằng;
  • Biến chứng của tiểu đường;
  • Căng thẳng, lo âu kéo dài;
  • Nghiện thuốc lá;
  • Từng bị viêm nhiễm vòm họng, khoang miệng;
  • Hệ miễn dịch yếu.

Dấu hiệu cảnh báo viêm loét nướu hoại tử cấp

Cũng như những biểu hiện khi bị viêm nướu thông thường nhưng viêm lợi loét hoại tử cấp có mức độ nghiêm trọng cao, bệnh tiến triển với tốc độ nhanh. Bạn có thể nhận ra bản thân đang bị bệnh với các dấu hiệu dưới đây:

  • Nướu răng bị đau nhức ở một vùng cụ thể hoặc bị đau lan rộng ở nhiều khu vực trong khoang miệng;
  • Cơn đau ngày một tăng và dữ dội, tiến triển nhanh, đau bất ngờ;
  • Mô nướu có dấu hiệu hoại tử;
  • Vùng nướu hoặc kẽ răng có màu xám hoặc màu vàng;
  • Xuất hiện nốt nhỏ, bắt đầu bị lở loét ở giữa các kẽ răng;
  • Đột ngột bị chảy máu chân răng hoặc do va chạm;
  • Hơi thở có mùi hôi;
  • Cử động hàm hoặc nhai thức ăn làm cho vết thương bị lở loét, đau đớn;
  • Sốt, mệt mỏi;
  • Sưng hạch bạch huyết vùng cổ.
Viêm lợi loét hoại tử cấp: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và điều trị 2
Chảy máu chân răng là một dấu hiệu khi bị viêm lợi loét hoại tử cấp

Khi có hơn 3 triệu chứng trong các dấu hiệu nêu trên, bạn đã có khả năng cao bị viêm nướu nặng và đang biến chứng hoại tử. Để tránh bệnh nặng hơn, bạn cần nhanh chóng đến cơ sở nha khoa, bệnh viện răng hàm mặt uy tín để được bác sĩ chuyên khoa điều trị kịp thời, đúng cách.

Biến chứng khi bị viêm lợi hoại tử lở loét

Nếu để viêm lợi loét hoại tử cấp diễn ra lâu ngày không điều trị, người bệnh sẽ phải đối mặt với những biến chứng nghiêm trọng:

  • Mô nướu, vùng má, môi bị hủy hoại, thậm chí lan ra vùng xương hàm;
  • Dây chằng và xương ổ răng bị tiêu biến gây bào mòn, hoại tử chân răng, răng lung lay, mất răng vĩnh viễn;
  • Dễ bị chảy máu chân răng dù chỉ tác động nhẹ như ăn uống, đánh răng, dùng chỉ nha khoa… khiến cuộc sống hàng ngày gặp bất lợi;
  • Vi khuẩn len lỏi vào hệ tuần hoàn tạo thành cục máu đông tác động trực tiếp đến tim mạch;
  • Vi khuẩn tập trung nhiều tại vùng răng bị viêm nhiễm, có thể gây nhiễm trùng máu;
  • Mẹ bầu bị biến chứng viêm nướu dễ sinh non, em bé nhẹ cân.

Đa phần nguyên nhân gây nên các biến chứng trên là do bệnh viêm nướu không được điều trị đúng cách và kịp thời, không được chẩn đoán chính xác bệnh. Ở lần bệnh trước, người bệnh không được loại bỏ sạch sẽ các mô hoại tử khiến bệnh tái phát và làm lan rộng ổ viêm nhiễm. Bên cạnh đó, việc không tuân thủ hướng dẫn chăm sóc răng miệng của nha sĩ sau khi điều trị cũng làm bệnh tái đi tái lại nhiều lần và ngày một nặng.

Viêm lợi loét hoại tử cấp: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và điều trị 3
Mẹ bầu bị biến chứng viêm loét nướu dễ sinh non

Biện pháp điều trị viêm lợi loét hoại tử cấp

Nếu càng phát hiện và xử lý sớm, bệnh nhân sẽ hạn chế được nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe. Trên thực tế, viêm lợi loét hoại tử cấp có thể được chữa khỏi nếu được can thiệp bằng các biện pháp chuyên môn.

Tùy thuộc vào từng giai đoạn mà nha sĩ sẽ có cách điều trị, khắc phục tình trạng viêm lợi biến chứng khác nhau. Cụ thể:

Giai đoạn 1

Mục tiêu điều trị của giai đoạn đầu của biến chứng viêm lợi là làm giảm nhẹ cơn đau nhức, đồng thời ngăn chặn vết loét lan rộng. Bác sĩ sẽ dùng dụng cụ siêu âm hoặc biện pháp hóa học với mục đích loại bỏ triệt để phần nướu hoại tử. Quá trình này đòi hỏi người bệnh phải dùng thuốc giảm đau. Nếu người bệnh bị viêm nhiễm nổi hạch, sốt, có hệ miễn dịch kém thì bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh đường uống.

Giai đoạn 2

Giai đoạn này chủ yếu điều trị để ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm lan rộng. Bác sĩ sẽ tiến hành:

  • Làm sạch cao răng và các mảng bám;
  • Hướng dẫn người bệnh thực hiện vệ sinh răng miệng, xây dựng thực đơn ăn uống đầy đủ dưỡng chất ngay tại nhà;
  • Kê toa gồm thuốc súc miệng kháng khuẩn cho bệnh nhân sử dụng hàng ngày.

Giai đoạn 3

Trong trường hợp bệnh tình trở nên nghiêm trọng, nha sĩ sẽ cân nhắc áp dụng biện pháp phẫu thuật với mục đích làm sạch, bù đắp khoảng trống bị hở ở giữa các chân răng. Đối với răng thật, bệnh nhân được điều trị bảo tồn bằng cách trám, hàn hoặc bọc răng sứ.

Viêm lợi loét hoại tử cấp: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và điều trị 4
Phẫu thuật răng là biện pháp điều trị viêm nướu hoại tử giai đoạn 3

Giai đoạn 4

Vào giai đoạn này, bệnh nhân cần chú trọng chăm sóc sức khỏe của răng miệng sau cuộc phẫu thuật. Bạn hãy tuân theo hướng dẫn từ nha sĩ nhằm vệ sinh răng, kiểm soát các triệu chứng viêm nướu lở loét, theo dõi để phòng ngừa bệnh tái phát.

Song song đó, bạn có thể dùng dung dịch chứa hydrogen peroxide để súc miệng, làm dịu cơn đau và diệt khuẩn. Nhằm hạn chế viêm lợi loét hoại tử cấp tái phát, bệnh nhân cần chú trọng chế độ ăn giàu các dưỡng chất, canxi để răng chắc khỏe. Việc vệ sinh răng miệng đúng cách, sử dụng chỉ nha khoa, máy tăm nước sẽ giúp các ngóc ngách trong khoang miệng được làm sạch kỹ hơn. Mỗi 6 tháng một lần, bạn hãy đến nha sĩ để khám răng định kỳ nhằm phát hiện và điều trị bệnh sớm.

Mong rằng những chia sẻ trên đã giúp bạn hiểu thêm về căn bệnh viêm lợi loét hoại tử cấp. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường về viêm lợi, bạn hãy đến nha sĩ để được thăm khám và hướng dẫn đúng cách, tránh chủ quan để bảo vệ sức khỏe răng miệng nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm