Viêm phổi thùy ở trẻ em: Dấu hiệu nhận biết, phương pháp điều trị và biện pháp phòng ngừa
Ngày 23/07/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Viêm phổi thùy là một bệnh lý có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, đặc biệt là trẻ nhỏ. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong năm và có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là đe dọa đến tính mạng. Vậy bệnh viêm phổi thùy ở trẻ em xảy ra như thế nào?
Việc nhận biết sớm các triệu chứng bệnh viêm phổi thùy ở trẻ em sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị và hạn chế được những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Trong bài viết dưới đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ với bạn đọc những thông tin về dấu hiệu, phương pháp điều trị và biện pháp phòng ngừa bệnh viêm phổi thùy ở trẻ nhỏ.
Bệnh viêm phổi thùy ở trẻ em
Viêm phổi thùy là một tình trạng tổn thương viêm nhiễm xảy ra ở các nhu mô phổi, bao gồm túi phế nang, ống phế nang, tiểu phế quản tận cùng… ở một hoặc cả hai bên phổi. Đây là một dạng của bệnh lý viêm phổi.
Bệnh viêm phổi thùy có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, trong đó có cả trẻ em. Trẻ em thường có sức đề kháng còn yếu nên dễ mắc phải căn bệnh này.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm phổi thùy nói chung và viêm phổi thùy ở trẻ em nói riêng được xác định là do:
Vi khuẩn: Phổ biến nhất là phế cầu. Ngoài ra còn có các loại vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu, hemophilus influenza, mycoplasma pneumoniae, legionella pneumophila.
Mắc phải một số bệnh lý ở đường hô hấp trên như viêm xoang, viêm mũi họng, viêm amidan.
Dấu hiệu nhận biết viêm phổi thùy ở trẻ em
Bệnh viêm phổi thùy ở trẻ em tiến triển theo 3 giai đoạn với các triệu chứng như sau:
Giai đoạn khởi phát: Các dấu hiệu của viêm phổi thùy ở trẻ thường rất ít và khá mờ nhạt ở giai đoạn này. Tuy nhiên, trẻ cũng thường có một triệu chứng như đau tức ngực, sốt cao đột ngột, ho khan, khó thở, người rét run, rối loạn tiêu hóa hoặc lên cơn co giật toàn thân…
Giai đoạn toàn phát: Sau khoảng 3 ngày khi xuất hiện dấu hiệu khởi phát bệnh, trẻ sẽ xuất hiện thêm những triệu chứng nghiêm trọng hơn như sốt cao liên tục từ 29 - 40 độ C, quấy khóc, nôn mửa, biếng ăn, đau bụng, ho khan, ho có đờm đặc màu gỉ sắt, nước tiểu ít và sẫm màu.
Giai đoạn lui bệnh: Ở những trẻ có sức đề kháng tốt, được điều trị sớm, đúng cách thì tình trạng bệnh có thể giảm dần và lành bệnh sau 7 - 10 ngày. Lúc này, nhiệt độ cơ thể trẻ giảm dần, nước tiểu tăng nhiều hơn, bé ăn ngon miệng hơn, đờm loãng, khó thở và đau tức ngực giảm dần.
Tuy nhiên, nếu trẻ bị viêm phổi thùy không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như: Xẹp thùy phổi, áp xe phổi, tràn dịch màng phổi, viêm mủ màng phổi, viêm màng não, viêm màng trong tim, viêm nội nhãn, viêm phúc mạc, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết…
Do đó, khi thấy trẻ xuất hiện một trong các biểu hiện như sốt cao kéo dài, rút lõm lồng ngực, cơ thể tím tái, đau tức ngực, thở khò khè, khó thở,... cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất đề được thăm khám và điều trị kịp thời.
Chẩn đoán và điều trị viêm phổi thùy ở trẻ như thế nào?
Bệnh viêm phổi thùy ở trẻ em cần được chẩn đoán và điều trị sớm nhằm hạn chế những biến chứng có thể xảy ra, giúp trẻ mau lành bệnh. Dưới đây là biện pháp chẩn đoán và phương pháp điều trị bệnh, cụ thể như sau:
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ dựa vào những biểu hiện lâm sàng cùng với kết quả của các xét nghiệm cận lâm sàng sau đây để đưa ra chẩn đoán chính xác bệnh viêm phổi thùy như:
Xét nghiệm máu: Nhằm kiểm tra các chỉ số viêm CRP, Procalcitonin…
Xét nghiệm đờm: Nhằm tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
Chụp X-quang phổi: Bác sĩ sẽ thông qua hình ảnh X-quang phổi để xác định các vấn đề trên đường hô hấp.
Chụp CT phổi: Bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán viêm phổi thùy khi thấy xuất hiện một đám mờ khu trú trên toàn bộ thùy phổi hoặc tình trạng xẹp phổi.
Phương pháp điều trị
Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phương hướng điều trị phù hợp với từng người bệnh, cụ thể như sau:
Đối với những trẻ có sức đề kháng tốt và bệnh đang ở giai đoạn khởi phát chưa rõ triệu chứng thì bé chỉ cần điều trị hỗ trợ bằng cách:
Bù nước và điện giải: Cho trẻ uống nhiều nước ấm, nước ép hoa quả để vừa bù nước và bổ sung thêm các loại vitamin có lợi cho sức khỏe.
Chế độ ăn uống: Cho trẻ ăn những loại thực phẩm dễ tiêu hóa và đầy đủ chất như súp, cháo dinh dưỡng…
Nghỉ ngơi: Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn trong phòng yên tĩnh, thông thoáng.
Đối với những trẻ bị viêm phổi thùy đang diễn biến nặng với các dấu hiệu đặc trưng như ho, sốt, đau tức ngực… thì cần điều trị triệu chứng như:
Hạ sốt: Khi trẻ sốt nhẹ thì cha mẹ nên cho trẻ mặc quần áo mỏng, thấm hút mồ hôi tốt, chườm ấm cho bé. Trong trường hợp sốt trên 38,5°C, cha mẹ hãy cho con uống thuốc hạ sốt theo liều lượng được chỉ định, đồng thời áp dụng một số biện pháp hạ sốt được nên trên.
Làm sạch đờm trong phổi: Cho trẻ uống thuốc giúp giảm ho và tiêu đờm theo chỉ định của bác sĩ cùng với các biện pháp vật lý để đẩy đờm ra ngoài.
Trẻ có thể được chỉ định áp dụng liệu pháp oxy để duy trì lượng oxy thiết yếu cho cơ thể.
Biện pháp phòng tránh viêm phổi thùy ở trẻ em
Dưới đây là một số biện pháp giúp trẻ phòng tránh bệnh viêm phổi thùy, cụ thể là:
Cha mẹ nên giữ ấm cho cơ thể của trẻ khi thời tiết lạnh, đặc biệt là các vị trí như cổ, ngực. Đồng thời, cho trẻ mặc đồ thông thoáng vào mùa hè.
Giữ môi trường sống luôn được sạch sẽ, tránh cho trẻ tiếp xúc với hóa chất, khói bụi, khói thuốc lá.
Cho trẻ điều trị sớm và dứt điểm các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp trên như viêm tai giữa, viêm họng, viêm amidan, viêm họng, viêm VA và viêm phế quản.
Cho trẻ đi thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các triệu chứng nghi ngờ viêm phổi, viêm phế quản. Từ đó, điều trị kịp thời, đúng cách và phòng tránh được những biến chứng nghiêm trọng.
Tóm lại, tình trạng viêm phổi thùy ở trẻ em là một bệnh lý khá phổ biến và có thể gây ra nhiều triệu chứng, biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, việc nắm rõ các dấu hiệu nhận biết cũng như biện pháp phòng tránh là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho con trẻ.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm