Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Xét nghiệm dị nguyên là gì? Khi nào cần xét nghiệm dị nguyên?

Ngày 22/11/2023
Kích thước chữ

Tránh hoặc giảm thiểu các dị nguyên gây dị ứng là một phần quan trọng trong việc kiểm soát dị ứng và hen suyễn. Xét nghiệm dị nguyên bằng cách sử dụng xét nghiệm lẩy da hoặc xét nghiệm máu để tìm IgE đặc hiệu với dị nguyên, giúp bác sĩ xác nhận các dị nguyên gây dị ứng để có thể đưa ra lời khuyên thích hợp.

Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về xét nghiệm dị nguyên, các loại xét nghiệm dị nguyên phổ biến và khi nào cần làm xét nghiệm dị nguyên. Đồng thời nhận thức được một số rủi ro cũng như lưu ý khi thực hiện xét nghiệm này.

Dị nguyên là gì?

Dị nguyên là chất gây ra phản ứng dị ứng với cơ thể. Các chất gây phản ứng dị ứng có thể là thực phẩm (như hải sản, lúa mì, đậu nành), thuốc, hóa chất, bụi, phấn hoa, một loại côn trùng cụ thể, và nhiều nguyên nhân khác. Việc xác định chất gây phản ứng dị ứng thông qua các xét nghiệm dị nguyên và điều trị phù hợp dựa trên hướng dẫn của bác sĩ là quan trọng để kiểm soát phản ứng dị ứng.

Xét nghiệm dị nguyên là gì? Khi nào cần xét nghiệm dị nguyên? 1
Dị nguyên là chất gây ra phản ứng dị ứng với cơ thể, bao gồm bụi, phấn hoa, lông thú cưng, hải sản

Xét nghiệm dị nguyên là gì?

Hệ thống miễn dịch là hàng rào bảo vệ tự nhiên của cơ thể người. Dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng thái quá với dị nguyên. Hệ thống miễn dịch phản ứng bằng cách giải phóng histamin và các chất hóa học khác vào máu, gây ra các triệu chứng có thể gây kích ứng da, xoang hoặc hệ tiêu hóa.

Xét nghiệm dị nguyên là một loại xét nghiệm dùng để xác định liệu có tồn tại phản ứng dị ứng đối với một chất kích thích cụ thể hay không. Xét nghiệm này nhằm giúp xác định chất gây dị ứng và xác nhận việc một người có dị ứng đối với chất này hay không. Tùy thuộc vào phản ứng dị ứng mà bác sĩ sẽ chỉ định loại xét nghiệm dị nguyên người bệnh cần thực hiện.

Các loại xét nghiệm dị nguyên phổ biến

Test lẩy da

Test lẩy da kiểm tra các phản ứng dị ứng ngay lập tức với tối đa 50 dị nguyên khác nhau cùng một lúc. Thử nghiệm này thường được thực hiện để xác định dị ứng với phấn hoa, nấm mốc, lông thú cưng, mạt bụi và thực phẩm. Ở người lớn, xét nghiệm thường được thực hiện ở cẳng tay. Trẻ em có thể được kiểm tra ở phần lưng trên.

Sau khi làm sạch vị trí xét nghiệm bằng cồn, điều dưỡng sẽ vẽ những vết nhỏ trên da của người bệnh và bôi một giọt dị nguyên bên cạnh mỗi vết đó. Sau đó sẽ sử dụng một mũi kim để chích các chất chiết xuất vào bề mặt da, kim sẽ được thay mới cho mỗi dị nguyên.

Để xem da người bệnh có phản ứng bình thường hay không, hai chất bổ sung sẽ được cào vào bề mặt:

  • Histamin: Ở hầu hết mọi người, chất này gây ra phản ứng trên da. Nếu người bệnh không phản ứng với histamin, xét nghiệm dị ứng da có thể không cho thấy tình trạng dị ứng ngay cả khi mắc phải.
  • Glycerin hoặc nước muối: Ở hầu hết mọi người, những chất này không gây ra bất kỳ phản ứng nào. Nếu người bệnh phản ứng với glycerin hoặc nước muối, họ có thể có làn da nhạy cảm. Kết quả xét nghiệm sẽ cần được giải thích một cách thận trọng để tránh chẩn đoán dị ứng sai.

Khoảng 15 phút sau khi chích da, điều dưỡng quan sát da người bệnh xem có dấu hiệu dị ứng hay không. Nếu người bệnh bị dị ứng với một trong những chất được thử nghiệm, trên da sẽ nổi lên một vết sưng tấy, đỏ, ngứa (mụn mẩn) có thể trông giống như vết muỗi đốt. Sau đó, điều dưỡng sẽ đo kích thước vết sưng và ghi lại kết quả.

Xét nghiệm dị nguyên là gì? Khi nào cần xét nghiệm dị nguyên? 2
Test lẩy da là xét nghiệm thường được sử dụng nhất để xét nghiệm dị nguyên

Test áp bì

Xét nghiệm này xác định nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc. Bác sĩ sẽ chỉ định nhỏ một giọt chất gây dị ứng lên da trên cánh tay của người bệnh và dùng băng che vùng đó lại hoặc có thể dán một miếng băng có chứa dị nguyên và để trong vòng 48 đến 96 giờ. Sau đó, bác sĩ sẽ tháo băng để kiểm tra xem da của người bệnh có bị phát ban hoặc phản ứng khác không.

Test nội bì

Xét nghiệm này được thực hiện nếu kết quả xét nghiệm lẩy da là âm tính hoặc không thuyết phục. Điều dưỡng tiêm một lượng nhỏ chất gây dị ứng vào lớp ngoài của da (biểu bì). Xét nghiệm này kiểm tra dị ứng với các chất kích thích trong không khí, thuốc và vết đốt của côn trùng.

Xét nghiệm máu (IgE)

Mẫu máu của người bệnh sẽ được đến phòng xét nghiệm. Phòng xét nghiệm thêm chất gây dị ứng vào mẫu máu và đo nồng độ kháng thể IgE trong đó. Xét nghiệm máu có thể có tỷ lệ dương tính giả cao hơn.

Test khẳng định

Xét nghiệm này được diễn ra dưới sự giám sát trực tiếp của nhân viên y tế, được thực hiện ở những người bị nghi ngờ dị ứng thực phẩm hoặc thuốc khi ăn một lượng nhỏ chất gây dị ứng. Cần giám sát y tế bởi nếu người bệnh bị sốc phản vệ, bác sĩ sẽ nhanh chóng tiêm epinephrine để ngăn chặn phản ứng.

Khi nào nên xét nghiệm dị nguyên?

Nên xét nghiệm dị nguyên khi người bệnh xảy ra phản ứng dị ứng khi tiếp xúc dị nguyên. Các triệu chứng dị ứng sẽ khác nhau tùy thuộc vào những gì người bệnh bị dị ứng và cách người bệnh tiếp xúc.

Nếu người bệnh bị phản ứng dị ứng nhẹ, các triệu chứng phổ biến có thể là:

  • Ngứa, chảy nước mắt;
  • Hắt xì;
  • Ngứa, chảy nước mũi;
  • Cảm thấy mệt mỏi;
  • Phát ban và nổi mề đay.

Các triệu chứng dị ứng thực phẩm có thể bao gồm:

  • Ngứa ran trong miệng;
  • Sưng môi, lưỡi, mặt hoặc cổ họng;
  • Phát ban;
  • Đau bụng, nôn mửa hoặc tiêu chảy;
  • Sốc phản vệ.

Phản ứng dị ứng với vết đốt của côn trùng có thể gây ra bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Sưng, đỏ và đau ở vị trí vết đốt;
  • Ngứa hoặc phát ban;
  • Khó chịu hoặc tức ngực;
  • Ho;
  • Sốc phản vệ.

Phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể gây ra các vấn đề như:

  • Đau bụng, tiêu chảy;
  • Ho, tức ngực;
  • Khó thở hoặc khó nuốt;
  • Chóng mặt;
  • Sưng mặt, mắt hoặc lưỡi;
  • Sốc phản vệ.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nào, người bệnh nên xét nghiệm dị nguyên ngay.

Xét nghiệm dị nguyên là gì? Khi nào cần xét nghiệm dị nguyên? 3
Ngứa, phát ban da, nổi mề đay là những triệu chứng dị ứng điển hình

Xét nghiệm dị nguyên có an toàn không?

Xét nghiệm dị nguyên có thể dẫn đến ngứa nhẹ, đỏ và sưng da. Đôi khi, những vết sưng nhỏ giống như mụn nước xuất hiện trên da. Những triệu chứng này thường hết trong vài giờ nhưng có thể kéo dài vài ngày. Kem bôi steroid nhẹ có thể làm giảm bớt các triệu chứng này.

Trong một số trường hợp hiếm hoi, xét nghiệm dị nguyên tạo ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng ngay lập tức cần được chăm sóc y tế. Đó là lý do tại sao xét nghiệm dị ứng nên được tiến hành tại phòng khám có đầy đủ thuốc và thiết bị, bao gồm cả epinephrine để điều trị sốc phản vệ, một phản ứng dị ứng cấp tính có khả năng đe dọa tính mạng. Hãy gọi cho bác sĩ ngay nếu bị phản ứng nặng ngay sau khi rời phòng khám.

Xét nghiệm dị nguyên là gì? Khi nào cần xét nghiệm dị nguyên? 4
Hiếm khi xét nghiệm dị nguyên tạo ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng cần chăm sóc y tế

Xét nghiệm dị nguyên cần lưu ý gì?

Trước khi xét nghiệm dị nguyên, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về lối sống, tiền sử dị ứng, tiền sử dùng thuốc, tiền sử gia đình, cũng như dấu hiệu và triệu chứng bệnh.

Nhiều trường hợp bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh ngưng dùng một số loại thuốc trước khi xét nghiệm dị nguyên vì chúng có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Do đó, người bệnh cần thông tin đến bác sĩ tất cả các loại thuốc đang dùng hoặc đã dùng gần đây.

  • Thuốc kháng histamin kê đơn và không kê đơn;
  • Một số loại thuốc điều trị chứng ợ nóng, chẳng hạn như famotidin;
  • Thuốc benzodiazepin;
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng;
  • Corticosteroid toàn thân.

Như vậy, xét nghiệm dị nguyên nhằm xác định các chất gây dị ứng như nấm mốc, lông thú cưng, ong đốt và đậu phộng, thức ăn có thể gây dị ứng. Trong quá trình xét nghiệm, người bệnh sẽ tiếp xúc với nhiều dị nguyên khác nhau để kiểm tra các vết sưng, đỏ, phát ban trên da hoặc xét nghiệm IgE trong máu. Kết quả có thể giúp người bệnh thực hiện các bước để quản lý dị ứng.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin