Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Xét nghiệm HDL cholesterol là gì? Khi nào cần thực hiện loại xét nghiệm này?

Ngày 23/04/2024
Kích thước chữ

Cholesterol là một thành phần quan trọng giúp cơ thể tạo ra màng tế bào, nhiều loại hormon và vitamin D. Có hai nhóm cấu tạo chứa cholesterol chính trong cơ thể thường được quan tâm là LDL cholesterol và HDL cholesterol. Trong đó, thành phần HDL cholesterol giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ mắc phải những bệnh lý về tim mạch. Vậy xét nghiệm HDL cholesterol là gì?

HDL cholesterol hay còn được gọi là “cholesterol tốt”, với khả năng thu gom lượng cholesterol dư thừa trong tuần hoàn ngoại vi trở về lại gan. Mức HDL cholesterol thấp trong máu có thể liên quan tăng nguy cơ mắc các bệnh lý hoặc biến cố về tim mạch. Vì thế một số trường hợp nhất định sẽ cần được chỉ định thực hiện xét nghiệm này. Vậy xét nghiệm HDL cholesterol là gì? Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết sau đây.

Tìm hiểu chung về cholesterol và phân loại

Cholesterol là gì?

Cholesterol là một loại chất béo trong máu, được hấp thu từ hai nguồn là thực phẩm và do gan tự tổng hợp. Các chất béo như cholesterol không tan trong nước, do vậy sẽ không tự lưu thông trong tuần hoàn máu được. Vì thế, lipoprotein là sự kết hợp giữa lipid (chất béo) và protein, giúp các phần tử chất béo có thể di chuyển dễ dàng trong tuần hoàn máu, đến các mô đích thực hiện vai trò tổng hợp và trao đổi chất.

Phân loại đối với cholesterol

Có hai loại lipoprotein chính thực hiện chức năng liên quan đến vận chuyển cholesterol trong cơ thể như sau:

  • LDL cholesterol (lipoprotein mật độ thấp), còn được gọi là “cholesterol xấu”, được tạo thành chủ yếu từ cholesterol. Loại lipoprotein này cung cấp cho hầu hết nhu cầu về cholesterol của các tế bào trong cơ thể, để hỗ trợ các chức năng quan trọng (ví dụ như hình thành màng tế bào và sản xuất hormon). Tuy nhiên, mức LDL cholesterol quá cao lại gây hại cho sức khỏe, vì có thể làm tăng nguy cơ tạo nên các mảng lắng đọng trong lòng mạch, gây xơ vữa động mạch;
  • HDL cholesterol (lipoprotein mật độ cao), còn được gọi là “cholesterol tốt”, đây là lipoprotein có tỷ trọng cao vì thành phần chủ yếu là protein. Loại lipoprotein này giúp loại bỏ lượng cholesterol dư thừa bằng cách vận chuyển cholesterol trở lại gan, để tiến hành quá trình loại bỏ ra khỏi cơ thể. Mức HDL cholesterol duy trì trên ngưỡng khuyến cáo có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim do xơ vữa động mạch.
xet-nghiem-hdl-cholesterol-la-gi-khi-nao-can-thuc-hien-loai-xet-nghiem-nay 1
Mức LDL cholesterol cao có thể liên quan đến nguy cơ xơ vữa động mạch

Mục đích của xét nghiệm HDL cholesterol là gì?

Xét nghiệm HDL cholesterol giúp đo lường lượng HDL cholesterol trong máu, thường được chỉ định trong những lần kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ. Bên cạnh đó, HDL cholesterol cũng thường được kiểm tra cùng với các chỉ số khác về lipid máu như chỉ số cholesterol toàn phần, LDL cholesterol và triglyceride. 

Dựa trên kết quả về những chỉ số này, bác sĩ sẽ có cơ sở để chẩn đoán tình trạng rối loạn lipid máu và tầm soát nguy cơ phát triển bệnh tim mạch. Từ đó, người bệnh sẽ được áp dụng các phương pháp điều trị như điều chỉnh lối sống hoặc dùng thuốc. Xét nghiệm HDL cholesterol cũng được sử dụng để theo dõi hiệu quả của quá trình điều trị rối loạn lipid máu.

Chỉ số HDL cholesterol theo khuyến cáo hoặc các nghiên cứu cho thấy có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và mạch máu từ mức 60 mg/dL trở lên. Tuy nhiên, mặc dù được gọi là “cholesterol tốt” nhưng không có nghĩa mức HDL càng cao sẽ càng tốt. Lý do là vì đối với trường hợp mức HDL quá cao, vẫn chưa có cơ sở rõ ràng để khẳng định sẽ đem lại lợi ích cho sức khỏe.

Trường hợp nồng độ HDL cholesterol thấp kết hợp với mức LDL cholesterol máu tăng cao, nguy cơ về xơ vữa động mạch hoặc mắc các bệnh về tim mạch là rất đáng quan ngại.

xet-nghiem-hdl-cholesterol-la-gi-khi-nao-can-thuc-hien-loai-xet-nghiem-nay 2
Xét nghiệm hdl cholesterol là gì?

Ai cần làm xét nghiệm HDL cholesterol?

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), bất kỳ ai trên 20 tuổi và không có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim nên kiểm tra lipid máu trong những lần khám sức khỏe định kỳ, bao gồm chỉ số HDL cholesterol. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cũng khuyến nghị trẻ em từ 9 – 11 tuổi và thanh niên từ 17 – 21 tuổi nên thực hiện xét nghiệm này.

Một số đối tượng cần thực hiện xét nghiệm HDL cholesterol thường xuyên hơn khi hiện diện các yếu tố nguy cơ sau đây:

  • Hút thuốc lá;
  • Béo phì;
  • Tăng huyết áp;
  • Đái tháo đường;
  • Nam giới trên 45 tuổi và nữ giới 55 tuổi;
  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh tim sớm hoặc bản thân đang mắc bệnh về tim mạch;
  • Ngoài ra, những người đã được chẩn đoán rối loạn lipid máu cần được xét nghiệm sau 3 - 6 tháng để theo dõi hiệu quả của phương pháp điều trị.
xet-nghiem-hdl-cholesterol-la-gi-khi-nao-can-thuc-hien-loai-xet-nghiem-nay 3
Xét nghiệm HDL cholesterol được thực hiện ở người có tiền sử gia đình bị bệnh tim mạch sớm

Lưu ý khi thực hiện xét nghiệm HDL là gì?

Một lưu ý quan trọng đối với xét nghiệm llipid máu đó là thời gian nhịn ăn trước khi lấy mẫu. Người bệnh thường được yêu cầu nhịn ăn (không ăn hay uống bất cứ thứ gì ngoài nước lọc) trước đó ít nhất 8 giờ, để đảm bảo thu được kết quả chính xác nhất.

Xét nghiệm máu trong trường hợp xác định HDL cholesterol khá dễ thực hiện, nhanh chóng, an toàn và ít nguy cơ gặp các biến chứng. Thông thường, người bệnh chỉ cảm thấy đau nhói nhẹ, chảy một ít máu hoặc xuất hiện vết bầm ở vị trí đâm kim, nhưng sẽ dần biến mất sau đó.

xet-nghiem-hdl-cholesterol-la-gi-khi-nao-can-thuc-hien-loai-xet-nghiem-nay 4
Lưu ý về thời điểm nhịn ăn trước khi tiến hành xét nghiệm HDL cholesterol

Nên thay đổi lối sống như thế nào khi HDL cholesterol thấp?

Đối với tình trạng chỉ số HDL cholesterol thấp, tùy vào từng trường hợp mà mỗi người sẽ có những lựa chọn điều trị khác nhau. Phần lớn, bước đầu người bệnh sẽ được hướng dẫn về thay đổi lối sống trước khi chọn liệu pháp dùng thuốc. Sau đây là một số gợi ý về lối sống lành mạnh giúp cải thiện mức HDL cholesterol cho cơ thể.

  • Hạn chế thức ăn chứa nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, muối và đường hóa học;
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ tự nhiên để bổ sung chất xơ hòa tan cho cơ thể;
  • Ăn thực phẩm giàu chất béo không bão hòa hay còn gọi là chất béo “tốt”, có thể tìm thấy trong các loại thực phẩm như quả bơ, cá béo, dầu thực vật (dầu ô liu, dầu đậu nành);
  • Duy trì cân nặng hợp lý, kết hợp hoạt động thể chất thường xuyên. Tuy nhiên, cần lưu ý chọn những bộ môn thể thao hoặc bài tập có cường độ phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi người;
  • Bỏ thuốc lá và hạn chế rượu bia để giảm thiểu những tác hại lên sức khỏe tim mạch.

Nhìn chung, HDL cholesterol là một trong những chỉ số liên quan đến các vấn đề về rối loạn lipid máu. Xét nghiệm HDL cholesterol thường được quan tâm và kiểm tra định kỳ ở cả những người khỏe mạnh, từ đó giúp chúng ta có kế hoạch thay đổi lối sống phù hợp hơn. Bài viết trên vừa giải đáp cho thắc mắc xét nghiệm HDL cholesterol là gì, hy vọng có thể bổ sung thêm kiến thức bổ ích cho bạn đọc. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin