Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Suy tim phải là gì? Những điều cần biết về suy tim phải

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tim khỏe mạnh có chức năng bơm máu để cung cấp cho toàn bộ cơ thể. Nhưng khi bạn bị suy tim, các cơ tim sẽ yếu dần, không thể bơm đủ lượng máu cho cơ thể. Suy tim là một trong những lý do chính khiến những người từ 65 tuổi trở lên phải nhập viện. Nó có thể xảy ra ở tim phải hoặc tim trái.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Suy tim phải là gì?

Khi tim hoạt động bình thường, nó sẽ bơm máu giàu oxy qua phổi và đến toàn bộ cơ thể. Tâm thất trái cung cấp phần lớn sức bơm của tim. Vì vậy, khi bạn bị suy tim trái, tim không thể bơm đủ máu đến cơ thể.

Tâm thất phải vận chuyển máu giàu CO2 từ tim trở lại phổi để được trao đổi oxy. Vì vậy, khi bạn bị suy tim phải, buồng tim bên phải mất khả năng bơm máu và máu sẽ bị ứ trệ ngược vào tĩnh mạch. Điều này khiến cho chân, mắt cá chân và bụng của bạn phù lên.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của suy tim phải

Dấu hiệu chính của suy tim phải là sự tích tụ dịch dẫn đến phù, ở:

  • Bàn chân, mắt cá chân và cẳng chân;
  • Vùng lưng dưới;
  • Đường tiêu hóa và gan (gây cổ trướng).

Các dấu hiệu khác bao gồm:

  • Khó thở;
  • Đau ngực và khó chịu;
  • Tim đập nhanh.

Dịch tích tụ ở gan hoặc dạ dày của bạn có thể gây ra:

Một khi tình trạng suy tim phải trở nên nặng hơn, bạn cũng có thể bị sụt cân và giảm khối lượng cơ.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh suy tim phải

Các biến chứng của suy tim phải có thể bao gồm:

  • Đau thắt ngực: Đau ở ngực có thể lan lên hàm, cổ là do thiếu máu cơ tim.
  • Rung nhĩ: Nhịp tim không đều có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ và huyết khối.
  • Suy nhược: Sụt cân không chủ ý ít nhất 7,5% trọng lượng bình thường trong vòng sáu tháng có thể đe dọa tính mạng nếu không được bổ sung dinh dưỡng.
  • Các vấn đề về van tim: Áp lực ở tim tăng lên có thể làm cản trở quá trình vận chuyển máu trong tim.
  • Nhồi máu cơ tim: Cơ tim bị tổn thương vĩnh viễn do thiếu máu đến tim trong một thời gian dài.
  • Suy giảm chức năng thận: Chức năng thận giảm thường gặp ở người bệnh suy tim phải. Có thể dẫn đến suy thận cần điều trị lọc máu.
  • Tổn thương gan: Dịch ứ đọng từ tim gây áp lực lên gan, có thể gây xơ sẹo, khiến gan khó hoạt động bình thường hơn.
ST phải 4.jpeg
Suy tim phải có thể gây ra biến chứng suy thận

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy gọi hoặc đến cấp cứu gần nhất nếu bạn:

  • Đau ngực kèm khó thở đột ngột;
  • Ho ra đàm trắng hoặc bọt hồng kèm theo khó thở nhiều;
  • Ngất xỉu;
  • Nhịp tim nhanh hoặc không đều.

Hãy đến khám bác sĩ nếu bạn:

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến suy tim phải

Các nguyên nhân gây suy tim phải được chia thành ba nhóm:

Tăng áp động mạch phổi:

Tăng áp động mạch phổi là tăng áp lực thành mạch trong động mạch phổi. Nó có thể dẫn đến suy tim phải vì thành tim phải mỏng và tương đối kém hiệu quả khi bơm trong điều kiện áp lực cao.

Tăng áp động mạch phổi liên quan đến suy tim phải có thể do:

  • Suy tim trái: Cái gọi là suy tim “điển hình” gây tăng áp lực trong hệ thống mạch máu phổi và cuối cùng có thể ảnh hưởng đến tim phải. Trên thực tế, có thể nói rằng suy tim phải là hậu quả phổ biến và tự nhiên của bệnh suy tim trái kéo dài hoặc do điều trị kém.
  • Thuyên tắc phổi: Thuyên tắc phổi nhánh lớn có thể làm tăng áp động mạch phổi lên mức rất cao. Thuyên tắc phổi nhỏ hơn, tái phát có thể làm tăng dần áp lực động mạch phổi và do đó có thể gây ra tình trạng suy tim phải.
  • Bệnh phổi mạn tính: Các dạng bệnh phổi mạn tính, đặc biệt là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, có thể gây tăng áp động mạch phổi và suy tim phải.
  • Hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS): Tình trạng này có thể gây ra một dạng tăng áp động mạch phổi và suy tim phải cấp tính.
  • Bệnh tim bẩm sinh: Thông liên nhĩ và thông liên thất có thể gây tăng áp động mạch phổi và suy tim phải.

Các nguyên nhân tiềm ẩn khác của tăng áp động mạch phổi bao gồm tăng áp động mạch phổi nguyên phát, xơ cứng bì, sarcoidosis hoặc các dạng viêm mạch khác ảnh hưởng đến phổi.

Bệnh hở van tim:

Bất kỳ loại bệnh van tim nào gây ra tăng áp lực lên tim phải hoặc cản trở dòng máu qua tim phải đều có thể gây ra suy tim phải, bao gồm:

  • Hở van ba lá và van động mạch phổi do tăng áp động mạch phổi;
  • Hẹp van ba lá hoặc van động mạch phổi do bệnh tim bẩm sinh hoặc thấp tim ảnh hưởng đến các bộ phận khác của tim.
  • Hẹp van hai lá là nguyên nhân phổ biến gây suy tim phải, máu từ phổi trở về nhĩ trái có xu hướng bị chặn lại khi hẹp van hai lá, dẫn đến tăng áp lực mạch máu trong phổi, cuối cùng gây ra tăng áp động mạch phổi và suy tim phải.

Nhồi máu cơ tim thất phải:

Những người bị nhồi máu cơ tim có thể bị tổn thương cơ ở tâm thất phải, gây ra suy tim phải.

ST phải 5.jpg
Nhồi máu cơ tim có thể là nguyên nhân gây ra suy tim phải

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc suy tim phải?

  • Người trên 65 tuổi.
  • Dị tật tim bẩm sinh.
  • Người mắc các vấn đề về tim mạch,...

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc suy tim phải

Các yếu tố nguy cơ của suy tim phải có thể bao gồm:

  • Tuổi: Đàn ông trong độ tuổi từ 50 – 70 thường bị suy tim phải nếu có tiền căn nhồi máu cơ tim.
  • Dị tật tim bẩm sinh: Dị tật tim cấu trúc có thể ngăn cản sự lưu thông máu ở tim.
  • Bệnh mạn tính: Các bệnh về phổi như COPD hoặc xơ phổi, đái tháo đường, HIV, bệnh tim mạn tính, cường giáp, suy giáp có thể dẫn đến suy tim phải.
  • Nhịp tim không đều: Nhịp tim bất thường, đặc biệt nếu nhịp tim nhanh, có thể làm suy yếu cơ tim.
  • Suy tim trái: Thất trái yếu không bơm máu đi khắp cơ thể một cách hiệu quả, và cuối cùng làm tổn thương phần bên phải của tim.
  • Shunt trái – phải: Một chỗ thông bất thường giữa bên phải và bên trái của tim khiến lượng máu của thất phải bị quá tải.
  • Bệnh phổi: Thuyên tắc phổi hoặc tăng áp động mạch phổi có thể làm tăng nguy cơ suy tim phải.
  • Màng ngoài tim co thắt: Viêm làm cho màng ngoài tim bị sẹo, dày lên và thắt chặt cơ tim.
  • Nhồi máu cơ tim trước đây: Tổn thương cơ tim có thể ảnh hưởng đến khả năng bơm máu hiệu quả.
  • Một số loại thuốc hóa trị và đái tháo đường: Một số loại thuốc đã được phát hiện là làm tăng nguy cơ suy tim phải.
  • Bệnh van tim: Tổn thương hoặc khiếm khuyết ở một trong bốn van tim có thể ngăn cản tim bơm máu hiệu quả.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán suy tim phải

Để chẩn đoán suy tim, bác sĩ sẽ:

  • Hỏi bạn về các triệu chứng: Thông thường, điều này có thể đủ để bác sĩ nghi ngờ bạn bị suy tim.
  • Thực hiện thăm khám: Bác sĩ sẽ đo mạch và huyết áp, nghe tim và phổi của bạn và tìm kiếm các dấu hiệu phù nề.

Bác sĩ sẽ kiểm tra chức năng tim của bạn bằng cách đề nghị:

  • Chụp X-quang ngực;
  • Điện tâm đồ (ECG);
  • Siêu âm tim;
  • Xét nghiệm máu, đặc biệt là natriuretic peptide (NP).

Để xác nhận chẩn đoán suy tim hoặc loại trừ nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng của bạn, bạn có thể cần được:

  • MRI;
  • CT scan;
  • Chụp mạch vành;
  • Nghiệm pháp gắng sức;
  • Nghiệm pháp gắng sức hạt nhân.
ST phải 6.jpeg
Bác sĩ thực hiện thăm khám tim cho người bệnh

Phương pháp điều trị suy tim phải hiệu quả

Kế hoạch điều trị suy tim phải có thể bao gồm dùng thuốc, thay đổi lối sống, thiết bị và/hoặc phẫu thuật.

Thuốc được kê đơn để cải thiện chức năng tim, điều trị các triệu chứng như rối loạn nhịp tim, huyết áp cao và tụ dịch để:

  • Giảm tình trạng giữ nước và mất kali;
  • Giãn mạch máu bị thu hẹp để cải thiện lưu lượng máu;
  • Giảm huyết áp và làm chậm nhịp nhanh;
  • Tăng lưu lượng máu đi khắp cơ thể và giảm phù;
  • Giảm tụ dịch bằng cách lợi tiểu;
  • Phòng ngừa huyết khối;
  • Giảm mỡ máu.

Bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc cụ thể:

  • Thuốc chẹn beta: Những loại thuốc này làm chậm nhịp tim để tim bạn không hoạt động mạnh.
  • Thuốc lợi tiểu: Những thuốc này giúp loại bỏ natri và nước dư thừa trong cơ thể bạn.
  • Digoxin: Thuốc này làm tăng khả năng bơm máu của tim.
  • Thuốc giãn mạch: Những loại thuốc này làm giãn mạch máu của bạn.

Nếu thuốc không hiệu quả trong việc kiểm soát suy tim phải hoặc nếu các triệu chứng trở nên trầm trọng thì có thể cần phải cấy ghép thiết bị hỗ trợ tâm thất hoặc ghép tim.

  • Thiết bị hỗ trợ tâm thất (VAD): Thiết bị này có thể được cấy ghép để giúp tim bơm máu hiệu quả hơn.
  • Phẫu thuật ghép tim: Phẫu thuật này được thực hiện khi tất cả các phương pháp điều trị suy tim phải khác đều thất bại. Trái tim bị tổn thương sẽ được phẫu thuật thay thế bằng một trái tim khỏe mạnh từ người hiến tặng.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của suy tim phải

Chế độ sinh hoạt:

Thay đổi lối sống có thể giúp cải thiện các triệu chứng của bạn và làm chậm sự tiến triển của bệnh, bằng cách thực hiện các bước sau:

  • Bỏ hút thuốc lá;
  • Giữ cân nặng khỏe mạnh;
  • Theo dõi lượng nước nạp vào cơ thể hàng ngày;
  • Quản lý căng thẳng, như tập yoga, thiền hoặc các kỹ thuật quản lý căng thẳng khác.
  • Tập thể dục thường xuyên. Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu thói quen tập thể dục mới nếu bạn chưa từng hoạt động thể chất trước đây.
  • Ngủ nhiều vào ban đêm.

Luôn quan tâm sức khỏe của bản thân:

  • Theo dõi triệu chứng. Nếu có bất cứ triệu chứng nào thay đổi hoặc mới xuất hiện, hãy nói với bác sĩ của bạn.
  • Thường xuyên theo dõi huyết áp tại nhà.
  • Tiêm phòng tất cả các loại vắc xin theo mùa được khuyến cáo, chẳng hạn như vắc xin ngừa COVID-19, viêm phổi và cúm.

Chế độ dinh dưỡng:

Thực hiện chế độ ăn uống tốt cho hệ tim mạch. Chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ có thể giúp bạn xây dựng một kế hoạch ăn uống lành mạnh và đầy đủ.

Tránh hoặc hạn chế:

  • Uống rượu;
  • Caffein.
ST phải 7.jpeg
Người bệnh suy tim phải nên tiêm ngừa vắc xin theo khuyến cáo

Phương pháp phòng ngừa suy tim phải hiệu quả

Không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa suy tim phải. Nhưng nếu bạn điều trị sớm những nguyên nhân có thể gây suy tim, bạn có thể phòng ngừa:

  • Nhịp tim bất thường;
  • Uống rượu nhiều;
  • Thiếu máu;
  • Bệnh mạch vành;
  • Bệnh van tim;
  • Tăng huyết áp;
  • Béo phì;
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn;
  • Bệnh tuyến giáp.
Nguồn tham khảo
  1. Right-Sided Heart Failure: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21494-right-sided-heart-failure
  2. What Is Right-side Heart Failure?: https://www.webmd.com/heart-disease/heart-failure/right-sided-heart-failure
  3. RIGHT-SIDED HEART FAILURE: https://www.baptisthealth.com/care-services/conditions-treatments/rightsided-heart-failure
  4. What Is Right-Sided Heart Failur: https://www.verywellhealth.com/right-sided-heart-failure-causes-and-treatment-4141662
  5. Right heart failure: Causes and management: https://www.uptodate.com/contents/right-heart-failure-causes-and-management

Các bệnh liên quan

  1. Rong kinh tiền mãn kinh

  2. Xơ cứng bì toàn thể

  3. Não chấn thương mãn tính

  4. Bệnh Dirofilariasis

  5. Ung thư lá lách

  6. Suy tim giai đoạn cuối

  7. sa tinh hoàn

  8. Nhiễm khuẩn Listeria

  9. Suy tim sung huyết

  10. Suy tủy xương