Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh Beryllium là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh Beryllium cấp tính và mạn tính là bệnh lý gây ra do hít phải bụi hoặc khói từ các hợp chất và sản phẩm chứa berili (Be). Bệnh Beryllium cấp tính hiện nay rất hiếm. Bệnh Beryllium mạn tính được đặc trưng bởi sự hình thành các u hạt khắp cơ thể, đặc biệt là ở phổi, hạch bạch huyết trong lồng ngực và da. Chẩn đoán bệnh dựa vào bệnh sử, xét nghiệm tăng sinh tế bào lympho beryllium và sinh thiết, điều trị bằng corticosteroid.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh Beryllium là gì?

Hít phải berili (Be) có liên quan đến hai hội chứng bệnh ở phổi, đó là viêm phổi do hóa chất cấp tính (bệnh Beryllium cấp tính) và bệnh u hạt ở phổi được gọi là bệnh Beryllium mạn tính (hay bệnh berylliosis).

Bệnh Beryllium cấp tính

Kim loại Be hoạt đột như một chất kích thích hóa học trực tiếp, gây ra phản ứng viêm không đặc hiệu (viêm phổi cấp tính do hóa chất). Tuy nhiên, nhờ các biện pháp vệ sinh công nghiệp được cải thiện, bệnh Beryllium cấp tính hầu như đã biến mất, các ca bệnh phổ biến từ năm 1940 đến 1970 và nhiều trường hợp tiến triển từ bệnh Beryllium cấp tính thành mạn tính.

Bệnh Beryllium mạn tính

Hiện nay bệnh Beryllium mạn tính vẫn tiếp tục xuất hiện trong các ngành công nghiệp và chế biến berili. Phơi nhiễm berili có thể xảy ra trong một số ngành công nghiệp như:

  • Hàng không vũ trụ;
  • Quốc phòng;
  • Gia công kim loại;
  • Sản xuất tái chế điện tử;
  • Sản xuất hợp kim/ thiết bị nha khoa.

Về mặt lâm sàng, bệnh tương tự như các bệnh u hạt khác, ví dụ như bệnh sarcoidosis. Các dấu hiệu có thể bao gồm ho, khó thở, mệt mỏi, sụt cân… Một số công nhân có thể phát triển các triệu chứng nghiêm trọng rất nhanh, trong khi một số người khác có thể không gặp triệu chứng nào cho đến nhiều tháng hay nhiều năm tiếp xúc với berili.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Beryllium

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Beryllium có thể bao gồm:

Bệnh Beryllium cấp tính

Bệnh Beryllium cấp tính được phân biệt với bệnh Beryllium mạn tính dựa trên tiền sử phơi nhiễm với berili ở mức độ rất cao, sau đó khởi phát các triệu chứng:

  • Ho khan;
  • Khó thở, tiến triển khi gắng sức;
  • Viêm kết mạc;
  • Viêm da;
  • Viêm họng;
  • Viêm thanh khí phế quản;
  • Kết quả chụp X-quang bất thường trong vòng 1 đến 3 tuần sau khi phơi nhiễm.

Bệnh Beryllium mạn tính

Trong bệnh Beryllium mạn tính, các dấu hiệu và triệu chứng xuất hiện ít nhất 1 năm. Và biểu hiện lâm sàng có thể từ không có triệu chứng, cho đến các dấu hiệu như:

  • Ho khan;
  • Khó thở;
  • Mệt mỏi;
  • Sụt cân;
  • Sốt;
  • Đổ mồ hôi vào ban đêm.
Bệnh Beryllium là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Đổ mồ hôi đêm có thể là một triệu chứng của bệnh Beryllium

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Beryllium

Tiên lượng lâu dài của bệnh Beryllium mạn tính là rất kém. Các biến chứng có thể gặp là:

  • Suy giảm chức năng phổi;
  • Tổn thương khoang màng phổi;
  • Tràn khí màng phổi;
  • Nhiễm trùng đường hô hấp.

Vì sự tồn tại của berili trong phổi nhiều năm, ngay cả khi ngừng phơi nhiễm, nên diễn tiến tự nhiên của bệnh đặc trưng bởi sự suy giảm dần dần chức năng phổi. Với ⅓ số người bệnh sẽ diễn tiến đến suy hô hấp giai đoạn cuối nếu không được điều trị.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu gặp bất kỳ các dấu hiệu nào nghi ngờ mắc bệnh Beryllium, bạn hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa hô hấp để có thể được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Trong trường hợp có phơi nhiễm, hoặc làm công việc trong môi trường nguy cơ cao phơi nhiễm với berili, bạn cũng nên gặp bác sĩ để được khám và tư vấn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh Beryllium

Bệnh Beryllium mạn tính là một bệnh phổi mắc phải do nghề nghiệp tiếp xúc với berili. Phơi nhiễm berili là nguyên nhân phổ biến gây bệnh, chủ yếu là do hít phải khói hoặc bụi berili, nhưng cũng có thể thông qua việc tiếp xúc với da bị tổn thương. Các dạng vô cơ của berili được đào thải nhanh chóng, nhưng các hạt vô cơ không thể hòa tan và tồn tại trong cơ thể nhiều năm.

Việc nhạy cảm với berili cũng cần thiết cho sự phát triển của bệnh, nhưng không phải tất cả các cá nhân nhạy cảm với berili đều mắc bệnh Beryllium. Cả yếu tố di truyền và mức độ phơi nhiễm cao đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh Beryllium, tuy nhiên, dường như chỉ có yếu tố di truyền là liên quan đến sự nhạy cảm berili. Trong các công nhân được chẩn đoán bệnh Beryllium, có một số kiểu gen đặc biệt ở các đối tượng này (ví dụ như gen có chứa alen E69).

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bệnh Beryllium?

Các nghiên cứu dài hạn được xác định rằng, khoảng 11% công nhân tiếp xúc với berili đã phát triển bệnh Beryllium. Các báo cáo cho thấy tỷ lệ mắc bệnh là ở mọi lứa tuổi, từ trẻ em cho đến người già, nam và nữ cũng bị ảnh hưởng như nhau. Như vậy, các đối tượng nguy cơ mắc bệnh chủ yếu là do nghề nghiệp phơi nhiễm với berili.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Beryllium

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Beryllium:

  • Làm trong các ngành công nghiệp có sử dụng berili như xưởng máy kim loại, điện tử, công nghiệp quốc phòng, các công ty khai thác berili.
  • Làm trong các ngành công nghiệp khác có nguy cơ như gốm sứ, ô tô, hàng không vũ trụ, chế tạo đồ trang sức, thiết bị nha khoa/ hợp kim và máy tính.
  • Khuynh hướng di truyền cũng có liên quan đến việc nhạy cảm berili và tăng nguy cơ mắc bệnh.
Bệnh Beryllium là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Khuynh hướng di truyền có liên quan đến tăng khả năng nhạy cảm berili

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh Beryllium

Chẩn đoán bệnh Beryllium dựa trên:

  • Bệnh sử (bác sĩ sẽ hỏi và khám bệnh);
  • Xét nghiệm tăng sinh tế bào lympho Beryllium (sử dụng máu hoặc dịch rửa phế quản phế nang);
  • Chụp X-quang hoặc CT scan ngực.

Chẩn đoán bệnh Beryllium sẽ phụ thuộc vào tiền sử phơi nhiễm với berili, các triệu chứng lâm sàng phù hợp và xét nghiệm tăng sinh tế bào lympho Beryllium được thực hiện trên máu hoặc dịch rửa phế quản phế nang, hoặc cả 2.

Chẩn đoán bệnh khi:

  • Có 2 kết quả xét nghiệm tăng sinh tế bào lympho Beryllium bất thường;
  • Hoặc có 1 kết quả bất thường và 1 kết quả gần ranh giới bất thường;
  • Hoặc có 1 kết quả bất thường từ dịch rửa phế quản phế nang.

Chụp X-quang ngực có thể bình thường hoặc cho thấy thâm nhiễm lan tỏa dạng nốt, dạng lưới hoặc có hình ảnh kính mờ. Thường thấy có bệnh lý hạch rốn phổi giống như trong bệnh sarcoidosis. CT scan độ phân giải cao sẽ nhạy hơn X-quang, tuy nhiên, vẫn có các trường hợp bệnh được chứng minh bằng kết quả sinh thiết trên các đối tượng có xét nghiệm hình ảnh học bình thường.

Bệnh Beryllium là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
CT scan có độ phân giải cao và nhạy hơn X-quang trong việc chẩn đoán bệnh Beryllium

Phương pháp điều trị bệnh Beryllium

Mục tiêu điều trị bệnh Beryllium là giảm các triệu chứng và làm chậm sự diễn tiến của bệnh vì không có cách điều trị dứt điểm. Như đã đề cập ở trên, bệnh vẫn sẽ có thể tiếp diễn mặc dù ngừng tiếp xúc với berili, tuy nhiên, ngừng tiếp xúc vẫn là một điều trị được chấp nhận.

Bệnh Beryllium cấp tính

Trong bệnh Beryllium cấp tính, phổi thường bị phù nề và xuất huyết. Thông khí cơ học (như thở máy) là cần thiết ở những người bệnh bị ảnh hưởng nặng.

Bệnh Beryllium mạn tính

Đối với bệnh Beryllium mạn tính, trong giai đoạn đầu có thể người bệnh không có triệu chứng gì. Việc điều trị lúc này chủ yếu là tái khám định kỳ, theo dõi bằng cách hỏi và khám bệnh, xét nghiệm chức năng phổi và chụp X-quang ngực.

Sau khi xuất hiện triệu chứng hoặc xuất hiện bất thường đáng kể trong các xét nghiệm chức năng hô hấp. Oxy liệu pháp và corticosteroid đường uống sẽ được bắt đầu sử dụng, cũng như kết hợp với các liệu pháp khác nếu cần.

Corticosteroid là thuốc được lựa chọn để điều trị bệnh Beryllium mạn tính. Thuốc thường được khởi đầu với liều cao và thời gian điều trị thường kéo dài vài tháng cho đến khi người bệnh thấy triệu chứng thuyên giảm. Sau khi giảm triệu chứng, việc giảm liều steroid là cần thiết để ngăn ngừa các tác dụng phụ.

Những người bệnh không đáp ứng với steroid sẽ được dùng các thuốc ức chế miễn dịch khác như methotrexate và azathioprine. Methotrexate điều trị hàng tuần sẽ được dùng cùng với acid folic. Tổng phân tích tế bào máu và xét nghiệm chức năng gan nên được lặp lại mỗi 8 đến 12 tuần để kiểm tra khi dùng thuốc.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh Beryllium

Chế độ sinh hoạt:

Để hạn chế diễn tiến bệnh, bạn nên thực hiện các việc sau:

  • Ngừng tiếp xúc với berili: Mặc dù vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy việc ngừng tiếp xúc berili sẽ làm chậm diễn tiến bệnh, tuy nhiên đây vẫn được xem là một phương pháp điều trị được chấp nhận.
  • Theo dõi và tái khám định kỳ: Sau khi được chẩn đoán bệnh Beryllium mạn tính, người bệnh nên được theo dõi định kỳ suốt đời bằng cách khám thực thể, xét nghiệm khí máu động mạch, xét nghiệm chức năng phổi và chụp X-quang.
  • Tiêm ngừa: Tất cả người bệnh nên được tiêm phòng bệnh cúm, phế cầu khuẩn.
  • Ngưng hút thuốc lá: Bạn nên hạn chế tiếp xúc với khói thuốc và ngưng hút thuốc lá.
Bệnh Beryllium là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Tất cả các người bệnh beryllium nên được tiêm ngừa cúm và phế cầu

Chế độ dinh dưỡng:

Tham khảo ý kiến của bác sĩ và chuyên gia để có thể được tư vấn một chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.

Phương pháp phòng ngừa bệnh Beryllium hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh Beryllium một cách hiệu quả, nếu bạn làm trong các ngành công nghiệp có tiếp xúc với berili, nên yêu cầu đeo khẩu trang và mặc quần áo dài tay phù hợp. Đồng thời, một số ngành nghề cho công nhân đi khám ngực hàng năm, và bạn có thể nên cân nhắc thay đổi nghề nghiệp nếu mức độ phơi nhiễm cao.

Đối với các cơ sở làm việc, nên được yêu cầu các biện pháp kiểm soát như thực hành thông gió, rào chắn để hạn chế phơi nhiễm. Cung cấp các thiết bị bảo hộ như mặt nạ phòng độc. Đào tạo công nhân về mối nguy hiểm của berili là yêu cầu được kiểm tra y tế để theo dõi nếu công nhân bị phơi nhiễm.

Nguồn tham khảo
  1. Beryllium Disease https://www.msdmanuals.com/professional/pulmonary-disorders/environmental-pulmonary-diseases/beryllium-disease
  2. Berrylliosis https://emedicine.medscape.com/article/296759-overview
  3. Berylliosis https://www.sciencedirect.com/topics/nursing-and-health-professions/berylliosis
  4. Berylliosis https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK470364/
  5. Chronic Beryllium Disease: https://www.cdc.gov/niosh/learning/b-reader/clinical/lung/6.html

Các bệnh liên quan

  1. Đau nhức toàn thân

  2. ép tim

  3. U xơ tuyến vú

  4. Ngộ độc Carbon Monoxide

  5. Tứ chứng Fallot

  6. Còn ống động mạch

  7. Viêm phổi do Pneumocystis jirovecii

  8. Trào ngược dạ dày

  9. Co thắt thực quản

  10. Nhiễm nấm Histoplasma