Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Khó thở, hụt hơi: Nguyên nhân, điều trị, chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Một nghiên cứu tại Đức năm 2016 báo cáo rằng có 25% trong tổng số trường hợp đến khoa cấp cứu do khó thở. Khó thở kèm hụt hơi là cảm giác khó khăn khi bạn không thể hít thở đủ lượng không khí. Các vấn đề bệnh lý tại tim hoặc phổi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến triệu chứng này.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Khó thở, hụt hơi là gì?

Khó thở (Dyspnea), một số người mô tả là hụt hơi hoặc thở nông (Shortness of breath), là một thuật ngữ y khoa chỉ một triệu chứng không đau nhưng người bệnh cảm giác không thoải mái khi hít thở và nó không phù hợp với mức độ gắng sức (không hoạt động hoặc hoạt động nhẹ nhưng khó thở). Đây là một triệu chứng cảnh báo của bệnh lý tại tim hoặc phổi.

Khó thở cấp tính có thể xuất hiện đột ngột và không kéo dài quá lâu (vài giờ đến vài ngày), khi nguyên nhân được giải quyết người bệnh có thể không còn khó thở. Dị ứng, tâm lý lo lắng, hoạt động thể chất và một số bệnh lý cấp tính như đau thắt ngực, viêm phổi, thuyên tắc phổi,... có thể gây khó thở cấp tính.

Khó thở mạn tính là tình trạng khó thở kéo dài (vài tuần hoặc lâu hơn) hoặc khó thở tái phát liên tục. Các bệnh lý như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy tim có thể gây khó thở mạn tính. Lối sống ít vận động cũng có thể khiến bạn cảm thấy khó thở khi phải hoạt động thể lực quá sức vì cơ thể cần tiêu thụ oxy nhiều. 

Triệu chứng

Triệu chứng của khó thở, hụt hơi

Mỗi người có thể mô tả cảm giác khó thở khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Khó thở, hụt hơi thường đi kèm với một số triệu chứng khác. Các dấu hiệu cho thấy một người đang có tình trạng khó thở, bao gồm:

  • Khó thở sau khi gắng sức;
  • Nặng ngực hoặc tức ngực;
  • Thở nhanh và nông;
  • Cảm giác nghẹt thở hoặc lồng ngực bị bóp nghẹt;
  • Tim đập nhanh;
  • Khò khè hoặc tiếng thở ồn ào;
  • Ho khan, ho đờm hoặc ho đờm bọt hồng.
Khó thở, hụt hơi: Nguyên nhân, điều trị, chế độ sinh hoạt và phòng ngừa 2
Khó thở kèm nặng ngực là triệu chứng của khó thở, hụt hơi

Biến chứng của khó thở, hụt hơi

Khó thở có thể liên quan đến tình trạng thiếu oxy trong máu hoặc trong mô tế bào. Điều này có thể dẫn đến rối loạn ý thức và các tình trạng nghiêm trọng khác, ảnh hưởng nặng nề đến hai bộ phận cần oxy nhất là não và tim. Nếu khó thở, hụt hơi kéo dài chứng tỏ các bệnh lý nền của bạn đang không được kiểm soát tốt và có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khó thở, hụt hơi xảy ra đột ngột hoặc kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng khác có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nặng đang diễn ra. Nếu bạn hoặc người thân có những triệu chứng cảnh báo sau, hãy đến ngay cơ sở y tế uy tín gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời:

  • Khó thở đột ngột;
  • Khó thở nhiều, cảm giác nghẹt thở;
  • Khó thở sau khi đã nghỉ ngơi 30 phút kể từ khi vận động;
  • Da, môi hoặc móng tay tím tái;
  • Đau ngực hoặc nặng ngực;
  • Khó thở kèm buồn nôn.
Khó thở, hụt hơi: Nguyên nhân, điều trị, chế độ sinh hoạt và phòng ngừa 3
Khó thở thường xuyên khiến cơ thể mệt mỏi

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến khó thở, hụt hơi

Không phải tất cả các trường hợp khó thở, hụt hơi đều tồn tại một bệnh lý nào đó trong cơ thể. Một người có thể cảm thấy khó thở sau khi tập luyện thể thao ở cường độ cao hoặc khi di chuyển tới lên độ cao nhất định hoặc khi nhiệt độ môi trường thay đổi lớn. Tuy nhiên, nếu bạn không có những tác động kể trên mà vẫn khó thở, hãy lưu ý đến các vấn đề sức khỏe.

Nếu tình trạng khó thở bắt đầu đột ngột thì đó là trường hợp khó thở cấp tính. Những nguyên nhân cần biết là:

  • Căng thẳng quá mức;
  • Cơn hen phế quản cấp tính;
  • Viêm phổi, viêm màng phổi hoặc viêm phế quản cấp;
  • COVID-19;
  • Dị vật đường thở;
  • Chấn thương ngực;
  • Phản ứng dị ứng hoặc sốc phản vệ;
  • Thiếu máu, đặc biệt là thiếu máu do thiếu sắt;
  • Tiếp xúc với carbon monoxide (ngộ độc do khói than hoặc khói hỏa hoạn,...);
  • Suy tim, đặc biệt là phù phổi cấp;
  • Tăng áp động mạch phổi;
  • Hạ huyết áp;
  • Thuyên tắc phổi;
  • Xẹp phổi (do dị vật, khối u, tràn dịch hoặc tràn khí màng phổi,...);
  • Thoát vị hoành (dạ dày hoặc cơ quan khác trong ổ bụng đi qua lỗ thực quản chui vào lồng ngực;
  • Bệnh đa xơ cứng.
Khó thở, hụt hơi: Nguyên nhân, điều trị, chế độ sinh hoạt và phòng ngừa 4
Viêm phổi gây khó thở cấp tính

Khó thở cũng có thể kéo dài dai dẳng, tình trạng này được gọi là khó thở mạn tính. Các nguyên nhân bao gồm:

  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD);
  • Viêm màng ngoài tim, viêm nội tâm mạc hoặc bệnh cơ tim;
  • Béo phì;
  • Xơ phổi vô căn gây xơ hóa nhu mô phổi.
  • Ung thư phổi;
  • Lao phổi;
  • Bệnh sarcoidosis, với viêm u hạt ở nhu mô phổi;
  • Hậu COVID-19.

Các chất ô nhiễm môi trường có thể gây ra những cơn khó thở hoặc làm tăng nguy cơ mắc triệu chứng này. Bao gồm:

  • Hút thuốc lá (thụ động hoặc chủ động);
  • Hít phải hóa chất và khói;
  • Sống hoặc làm việc trong điều kiện bụi bặm hoặc nấm mốc.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải khó thở, hụt hơi?

Dưới đây là một số đối tượng có nguy cơ mắc phải khó thở, hụt hơi:

  • Béo phì hoặc lối sống tĩnh tại ít vận động thể thao;
  • Mắc một số bệnh lý như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi, dị ứng, bệnh tim mạch,...
  • Người gặp phải các tình trạng về tâm lý như rối loạn lo âu, hoảng loạn hay các rối loạn tâm thần kinh khác.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải khó thở, hụt hơi

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tình trạng khó thở, hụt hơi, bao gồm:

  • Thói quen hút thuốc lá;
  • Môi trường sống và làm việc nhiều bụi bẩn, ẩm ướt, không vệ sinh;
  • Sống tại nơi có lượng oxy không khí thấp (cao nguyên, miền núi), nơi có nhiệt độ khắc nghiệt.
Khó thở, hụt hơi: Nguyên nhân, điều trị, chế độ sinh hoạt và phòng ngừa 5
Hút thuốc lá tăng nguy cơ khó thở

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán khó thở, hụt hơi

Để chẩn đoán nguyên nhân gây khó thở, bác sĩ sẽ tiến hành khai thác bệnh sử, tiền căn bản thân và gia đình, nghề nghiệp, môi trường sống và các yếu tố nguy cơ. Sau đó, bác sĩ thực hiện một số kiểm tra như khám tổng quát về sinh hiệu, đầu mặt cổ, ngực, bụng, cơ xương khớp,... để khảo sát các tổn thương thực thể đang có.

Các xét nghiệm chẩn đoán khó thở, hụt hơi

Một số cận lâm sàng bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện bao gồm:

  • Chụp X-quang ngực thẳng, chụp cắt lớp vi tính (CT scan) hoặc các xét nghiệm hình ảnh đặc biệt khác: Đánh giá những bất thường tim, phổi và trung thất.
  • Xét nghiệm máu: Khảo sát tình trạng viêm nhiễm, thiếu máu hoặc các bệnh lý khác.
  • Hô hấp ký: Phương pháp này dùng để đo dung tích sống, thể tích thở ra, thông khí mỗi phút, thể tích khí cặn, dung tích phổi toàn phần,...
  • Khí máu động mạch: Đánh giá áp suất của oxy, carbon dioxide (CO2), độ pH, chất điện giải,... của máu trong động mạch.
Khó thở, hụt hơi: Nguyên nhân, điều trị, chế độ sinh hoạt và phòng ngừa 6
Bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân khó thở

Phương pháp điều trị khó thở, hụt hơi hiệu quả

Điều trị khó thở, hụt hơi sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra triệu chứng này. Một số phương pháp điều trị có thể cải thiện chức năng thở của bạn gồm:

  • Nếu khó thở do gắng sức: Có thể dừng hoạt động đang thực hiện lại và thư giãn. Cần tập luyện thể dục thường xuyên giúp duy trì cân nặng hợp lý, đồng thời tăng cường hiệu quả làm việc của tim và phổi.
  • Luyện tập các kỹ thuật thư giãn: Luyện tập các phương pháp thở giúp phổi cải thiện dung tích và thải bỏ khí cặn. Các vấn đề về hô hấp do COPD có thể cải thiện bằng các kỹ thuật tập thở đặc biệt, chẳng hạn như thở mím môi và các bài tập tăng cường các nhóm cơ liên quan đến hít thở. Các bài tập thư giãn và luyện thở rất quan trọng đặc biệt trên người bệnh hậu COVID-19.
  • Thuốc: Những người mắc hen phế quản hoặc COPD có thể dùng thuốc giãn phế quản cấp dạng hít để sử dụng khi có cơn khó thở cấp tính. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào bị khó thở cũng có nồng độ oxy trong máu thấp, cần biết được nguyên nhân gây ra khó thở trước khi sử dụng bất kì phương pháp dùng thuốc nào. Nếu khó thở do nhiễm trùng như viêm phổi do vi khuẩn, thuốc kháng sinh sẽ được kê toa. Các loại thuốc khác như thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) và thuốc chống trầm cảm cũng có thể có hiệu quả.
  • Liệu pháp oxy: Nếu nồng độ oxy trong máu quá thấp, bạn cần được nhập viện và khởi động liệu pháp oxy phù hợp với tình trạng bệnh.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Chế độ sinh hoạt giúp bạn hạn chế diễn tiến của khó thở, hụt hơi

Chế độ sinh hoạt:

  • Thói quen sinh hoạt lành mạnh, tránh xa rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác.
  • Ngủ đủ giấc và đảm bảo chất lượng giấc ngủ.
  • Xây dựng thời gian biểu, sắp xếp các hoạt động trong ngày hợp lý để tránh căng thẳng, stress.
  • Dành thời gian để đọc sách, nghe nhạc, trồng cây hoặc nuôi thú cưng để giúp tinh thần thoải mái hơn.
  • Duy trì thói quen tập luyện thể dục thể thao đều đặn để tăng cường sức khỏe.
  • Giảm cân nếu bạn đang bị béo phì, cố gắng duy trì cân nặng lý tưởng.
  • Nếu bạn có bệnh nền, cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị bệnh nền.
  • Thăm khám bác sĩ định kỳ để theo dõi sức khỏe.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu của cơ thể.
  • Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ, các vitamin và khoáng chất như rau xanh, trái cây.
  • Tránh xa các loại thức ăn nhanh, chứa nhiều chất béo bão hòa có hại cho sức khỏe, ưu tiên các thực phẩm chứa các chất béo có lợi như quả bơ, cá hồi, dầu ô liu, trứng, sữa, các loại hạt như hạnh nhân, óc chó, quả hạch,...

Cách phòng ngừa khó thở, hụt hơi

Để phòng ngừa khó thở, hụt hơi, bạn cần có chế độ sinh hoạt hợp lý và kiểm soát những nguyên nhân có thể gây ra triệu chứng này.

  • Tránh hút thuốc lá (thụ động hoặc chủ động): Nếu bạn đang hút thuốc, hãy tiến hành cai thuốc lá để bảo vệ sức khỏe của bản thân.
  • Điều trị và kiểm soát tốt bệnh lý nền: Những bệnh lý về tim và phổi có thể gây khó thở. Kiên trì và tuân thủ kế hoạch điều trị để quản lý các bệnh lý này có thể giúp bạn ngăn ngừa các cơn khó thở.
  • Tránh ô nhiễm không khí: Ô nhiễm không khí và hóa chất trong không khí có thể dẫn đến các bệnh lý hô hấp. Nếu bạn làm việc trong môi trường có chất lượng không khí ô nhiễm, hãy cân nhắc sử dụng khẩu trang để lọc các chất gây kích ứng phổi và đảm bảo nơi làm việc của bạn được thông thoáng.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Giúp bạn tránh được một số vấn đề về sức khỏe tổng thể. Lên kế hoạch cho bữa ăn và thay đổi thức ăn thành các nguồn thực phẩm dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe.
  • Tránh gắng sức quá mức: Hoạt động thể chất cường độ cao có thể gây khó thở trong thời gian ngắn. Việc điều chỉnh các bài tập thể dục phù hợp khả năng và tránh làm việc gắng sức có thể giúp phòng tránh việc khó thở, hụt hơi.
Khó thở, hụt hơi: Nguyên nhân, điều trị, chế độ sinh hoạt và phòng ngừa 7
Mang khẩu trang giúp phòng tránh các bệnh đường hô hấp
Nguồn tham khảo
  1. Coccia CB, Palkowski GH, Schweitzer B, Motsohi T, Ntusi NA. Dyspnoea: Pathophysiology and a clinical approach. S Afr Med J. 2016;106(1):32-6. doi: 10.7196/samj.2016.v106i1.10324.
  2. Boulding R, Stacey R, Niven R, Fowler SJ. Dysfunctional breathing: A review of the literature and proposal for classification. Eur Respir Rev. 2016;25(141):287-94. doi: 10.1183/16000617.0088-2015.
  3. Pearce JM. Breathlessness/dyspnoea. Eur Neurol. 2005;54(4):242. doi: 10.1159/000090722.
  4. Muhammad F. Hashmi, Pranav Modi, Hajira Basit, Sandeep Sharma. Dyspnea. StatPearls [Internet]. 2013.
  5. Dyspnea: https://www.msdmanuals.com/professional/pulmonary-disorders/symptoms-of-pulmonary-disorders/dyspnea