Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đau cơ mông là gì? Tìm hiểu các phương pháp điều trị đau cơ mông do căng cơ

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đau cơ mông là tình trạng đau ở nhóm cơ mông, bao gồm cơ mông lớn, cơ mông nhỡ và cơ mông bé. Nguyên nhân chủ yếu là do chấn thương hay việc tập luyện gây căng cơ vùng mông. Hầu hết tình trạng đau cơ mông là không nghiêm trọng, tuy nhiên bạn cũng cần chú ý bởi có thể đau vùng mông là dấu hiệu của một bệnh lý khác.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Đau cơ mông là gì?

Cơ mông là một nhóm gồm ba cơ tạo nên vùng mông, bao gồm:

  • Cơ mông lớn;
  • Cơ mông nhỡ;
  • Cơ mông bé.

Cơ mông lớn là cơ nông nhất và lớn nhất trong ba cơ, chiếm phần lớn hình dáng của mông và vùng hông. Cơ mông lớn cũng đảm bảo chức năng chính đó là chống trọng lực khi ngồi, hỗ trợ xương chậu và thân mình khi đứng, giúp giữ vững xương đùi và thực hiện các động tác kéo và xoay đùi ra ngoài.

Đau ở cơ mông chủ yếu là do chấn thương, khi bạn té hoặc trượt ngã, hoặc do việc tập luyện quá mức làm căng cơ vùng mông. Điều quan trọng là có thể bạn sẽ không phân biệt được đau cơ mông hay đau vùng mông do các nguyên nhân khác. Do đó, nếu cơn đau của bạn nghiêm trọng và không thuyên giảm, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác tình trạng của mình.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của đau cơ mông

Triệu chứng chính của đau cơ mông là cảm giác đau ở vùng mông, thông thường xuất hiện sau chấn thương như té hay trượt ngã. Hoặc xuất hiện sau khi bạn vận động và tập cơ vùng mông quá nhiều dẫn đến căng cơ. Đau thường ở mức độ có thể chịu đựng được và tự hạn chế nếu bạn nghỉ ngơi, có thể kèm theo các triệu chứng khác như:

  • Bầm tím ở mông;
  • Sưng;
  • Cảm giác đau nhức;
  • Hạn chế vận động (như động tác ngồi) do đau.

Biến chứng có thể gặp khi mắc đau cơ mông

Đau cơ mông hầu hết là không nghiêm trọng, có thể kiểm soát bằng việc sử dụng thuốc giảm đau, các liệu pháp nhiệt hoặc lạnh và thực hiện các bài tập thư giãn nhẹ mà không để lại các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu các chấn thương vùng mông là nghiêm trọng, hoặc tình trạng đau không thuyên giảm, bạn cần đến gặp bác sĩ để đánh giá các biến chứng kèm theo như: Gãy xương, hội chứng chèn ép khoang, đứt rách cơ mông.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hầu hết đau cơ mông chủ yếu là do căng cơ hay chấn thương và các tình trạng này là không nghiêm trọng. Tuy nhiên, bạn nên đến gặp bác sĩ vì đau vùng mông có thể là dấu hiệu của các bệnh lý khác nghiêm trọng hơn. Hãy liên hệ đến khám nếu cơn đau ở mông của bạn không biến mất, ngày càng trầm trọng hơn hay có các dấu hiệu kèm theo như:

  • Tê hoặc yếu ở chân;
  • Rối loạn trong việc tiêu tiểu;
  • Một vết thương ở vùng mông không lành;
  • Cảm giác đau nhói hoặc đau như đâm;
  • Đau kèm sốt (từ 40 độ);
  • Cơn đau xảy ra khi bạn đi bộ và hạn chế vận động của bạn.
Đau cơ mông là gì? Tìm hiểu các phương pháp điều trị đau cơ mông do căng cơ 4
Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn bị đau cơ mông kèm theo triệu chứng khác như rối loạn tiêu tiểu

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến đau cơ mông

Nguyên nhân phổ biến của đau cơ mông là tình trạng chấn thương, ví dụ như bạn trượt ngã khi chơi thể thao. Tình trạng này gây bầm tím và gây đau cơ mông của bạn.

Tình trạng căng cơ ở vùng mông, bao gồm cơ mông lớn, cơ mông nhỡ và cơ mông bé cũng gây đau vùng mông. Nguyên nhân phổ biến gây căng cơ mông là do tập luyện quá nhiều, không khởi động trước khi tập luyện hoặc chuyển động đột ngột.

Tuy nhiên, đôi khi sẽ khó khăn cho bạn để phân biệt được đau cơ mông hay đau vùng mông do các bệnh lý khác, bao gồm các nguyên nhân như:

Đây có thể không phải là các nguyên nhân trực tiếp gây đau cơ mông. Tuy nhiên, nếu bạn đến khám vì đau vùng mông, khi không có các yếu tố chấn thương hay tập luyện quá mức, thì đau mông có thể là dấu hiệu của các bệnh lý này.

Đau cơ mông là gì? Tìm hiểu các phương pháp điều trị đau cơ mông do căng cơ 5
Đau vùng mông có thể là dấu hiệu của bệnh lý thần kinh tọa

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc đau cơ mông?

Ai cũng có thể có nguy cơ mắc đau cơ mông. Đặc biệt khi bạn có các hoạt động, bài tập thể dục hay nâng tạ có thể gây căng cơ mông và gây đau.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đau cơ mông

Các yếu tố nguy cơ làm tăng đau cơ mông chủ yếu tập trung vào nguy cơ té ngã hay chấn thương của bạn, có thể bao gồm:

  • Chơi các môn thể thao;
  • Tập luyện quá mức;
  • Sống trong khu vực dễ té ngã (nhiều vật cản, không đủ ánh sáng);
  • Các vi chấn thương liên tục ở mông như ngồi trên mặt phẳng cứng quá lâu.
Đau cơ mông là gì? Tìm hiểu các phương pháp điều trị đau cơ mông do căng cơ 6
Việc ngồi trên ghế cứng quá lâu có thể dẫn đến đau cơ mông

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán đau cơ mông

Chẩn đoán đau cơ mông chủ yếu dựa vào hỏi bệnh sử, tiền sử và khám lâm sàng. Điều quan trọng là phải loại trừ các bệnh lý khác gây đau vùng mông có thể nhầm lẫn. Do đó, bác sĩ sẽ thực hiện hỏi bệnh, khám bệnh và đưa ra các xét nghiệm cần thiết. Có thể bao gồm:

  • Hỏi bệnh: Bác sĩ sẽ hỏi về đặc điểm đau của bạn, hoàn cảnh khởi phát đau như chấn thương, té ngã hay tập luyện quá mức. Bác sĩ cũng sẽ hỏi các triệu chứng kèm theo quan trọng như sốt, rối loạn tiêu tiểu, tê yếu chân, cảm giác nóng rát hậu môn hay có các tổn thương ở hậu môn hay không.
  • Khám bệnh: Bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám ở mông, có thể bảo gồm khám quanh hậu môn và thực hiện các nghiệm pháp nếu cần thiết.
  • Xét nghiệm: Để loại trừ các nguyên nhân khác nếu nghi ngờ, bác sĩ có thể cho chụp X-quang để đánh giá gãy xương, xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng của bạn.

Phương pháp điều trị đau cơ mông

Những lựa chọn điều trị đau cơ mông gồm có:

  • Sử dụng các thuốc không kê đơn như acetaminophen hay NSAIDs;
  • Liệu pháp chườm nóng hoặc lạnh;
  • Các bài tập cho vùng cơ mông.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo các biện pháp giúp giải quyết tình trạng căng cơ dẫn đến đau cơ mông như sau:

Phương pháp RICE

Đây là phương pháp điều trị căng cơ phổ biến và hiệu quả nhất, bao gồm:

  • Nghỉ ngơi (Rest);
  • Chườm lạnh (Ice);
  • Băng ép (Compression);
  • Nâng cao (Elevation).

Phương pháp PEACE

Một phương pháp mới hơn là PEACE cũng được khuyên sử dụng khi bị căng cơ, các chữ cái trong PEACE gồm:

  • Bảo vệ (Protect): Bằng cách giảm sử dụng vùng bị căng cơ.
  • Nâng cao (Elevate): Nâng cao vùng tổn thương để tránh sưng.
  • Tránh (Avoid): Bằng cách tránh sử dụng thuốc chống viêm như NSAIDs, một số người tin rằng quá trình viêm cần cho sự chữa lành tổn thương.
  • Băng ép (Compress): Giúp hạn chế sưng.
  • Giáo dục (Educate): Bạn cần nói chuyện với bác sĩ để hiểu rõ tình trạng của mình và quá trình hồi phục kéo dài trong bao lâu.

Phương pháp LOVE

Sau vài ngày nghỉ ngơi đầu tiên, phương pháp LOVE có thể được áp dụng, bao gồm:

  • Tải (Load): Từ từ sử dụng lại cơ bắp, miễn là các động tác không gây đau.
  • Lạc quan (Optimism): Giữ thái độ tích cực trong quá trình chữa lành của bạn.
  • Mạch máu (Vascularization): Có thể cần thiết liên hệ với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tim mạch của bạn.
  • Tập thể dục (Exercise): Tham khảo ý kiến bác sĩ để có các bài tập thể dục phù hợp.
Đau cơ mông là gì? Tìm hiểu các phương pháp điều trị đau cơ mông do căng cơ 7
PEACE và LOVE là hai phương pháp giúp điều trị các tình trạng đau do căng cơ

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đau cơ mông

Chế độ sinh hoạt:

Việc điều chỉnh lối sống có thể giúp hạn chế đau cơ mông bao gồm:

  • Điều chỉnh tư thế xấu khi phải ngồi lâu;
  • Hạn chế ngồi quá lâu, đứng dậy và thư giãn cơ khi có thể;
  • Khi phải ngồi, tránh ngồi trên các mặt phẳng cứng hoặc không bằng phẳng;
  • Thực hiện các động tác duỗi nhẹ nhàng chân, hông và mông;
  • Nghỉ ngơi nếu bạn bị chấn thương cơ vùng mông.

Chế độ dinh dưỡng:

Một chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng là cần thiết trong quá trình hồi phục sau chấn thương. Không có một chế độ ăn cụ thể cho người đau cơ mông, nhưng bạn có thể hạn chế các thực phẩm không lành mạnh như đồ ăn chế biến sẵn, thực phẩm chiên nướng và chất béo không lành mạnh. Chế độ ăn giàu rau củ quả, đạm từ thực vật, cá béo có thể giúp giảm viêm và giảm đau.

Phương pháp phòng ngừa đau cơ mông hiệu quả

Để hạn chế tình trạng đau cơ mông, bạn nên tránh các chấn thương ở vùng mông. Nếu có tập luyện, bạn nên khởi động trước khi tập, tránh các thay đổi tư thế đột ngột và tránh tập luyện quá sức. Bạn cũng có thể tham khảo một số biện pháp để có thể hạn chế té ngã như:

  • Loại bỏ nguy hiểm tại nhà: Bạn hãy quan sát và loại bỏ các nguy cơ tiềm ẩn gây té ngã tại nhà. Ví dụ như loại bỏ các hộp, dây điện khỏi lối đi, di chuyển bàn hay vật dụng cản trở, cố định các tấm thảm dễ trơn trượt và giữ sàn nhà khô ráo.
  • Ánh sáng: Hãy chú ý không gian sống của bạn đủ ánh sáng, trang bị đèn trong phòng ngủ, phòng tắm, hành lang. Nên bật đèn trước khi lên xuống cầu thang và để đèn pin ở nơi dễ tìm phòng trường hợp mất điện.
  • Sử dụng thiết bị hỗ trợ: Các thiết bị hỗ trợ có thể giúp ích như tay vịn hai bên cầu thang, các thanh vị trong nhà tắm. Chú ý sử dụng khi bạn di chuyển để tránh té ngã.
Nguồn tham khảo
  1. What’s Causing This Pain in My Buttocks?: https://www.healthline.com/health/pain-in-buttocks
  2. Muscle Strain Treatment: https://www.healthline.com/health/muscle-strain-treatment
  3. What Causes Buttock Muscle Pain and How to Relieve It: https://www.spine-health.com/blog/what-causes-buttock-muscle-pain-and-how-to-relieve-it
  4. Anatomy, Bony Pelvis and Lower Limb, Gluteus Maximus Muscle: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK538193/
  5. Fall prevention: Simple tips to prevent falls: https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/healthy-aging/in-depth/fall-prevention/art-20047358

Các bệnh liên quan

  1. Ung thư vú giai đoạn 4

  2. Rối loạn sàn chậu

  3. tiểu đường không phụ thuộc insulin

  4. Hội chứng mông chết

  5. Gù lưng

  6. Viêm niêm mạc dạ dày

  7. Hội chứng Mallory-Weiss

  8. U nang biểu bì

  9. Phì đại tuyến vú

  10. Suy tủy xương