Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tiểu đường không phụ thuộc insulin là gì? Những điều cần biết về tiểu đường không phụ thuộc insulin

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tiểu đường không phụ thuộc insulin hay còn gọi bệnh đái tháo đường típ 2 là một tình trạng khiến lượng đường trong máu tăng cao. Bệnh gây ra các triệu chứng như khát nước nhiều, đi tiểu nhiều và mệt mỏi. Nó cũng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng về mắt, tim và thần kinh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tiểu đường không phụ thuộc insulin là gì?

Bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin là tình trạng cơ thể không chuyển hóa glucose (đường) một cách bình thường khiến lượng đường trong máu tăng lên, tình trạng này được gọi là tăng đường huyết.

Khi một người không mắc bệnh, tuyến tụy sẽ sản xuất và tiết ra một loại hormone gọi là insulin. Hormon này được các mô của cơ thể sử dụng để chuyển hóa glucose. Thông thường lượng insulin tiết ra tăng lên tương ứng với lượng đường mà một người nạp vào. Ở người mắc bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin, lượng insulin tiết ra từ tuyến tụy thường giảm.

Ngoài ra, các mô cơ thể không hoàn toàn sử dụng lượng insulin sẵn có. Thông thường, các mô sẽ sử dụng insulin để dung nạp glucose và dự trữ dưới dạng năng lượng để cơ thể sử dụng sau này (ví dụ: Khi tập thể dục hoặc bất kỳ hoạt động nào khác liên quan đến tiêu hao năng lượng ). Trong bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin, glucose không được đưa vào tế bào, được gọi là tình trạng đề kháng insulin. Nó làm cho glucose tồn tại dư thừa trong máu và kết quả là tăng đường huyết.

Đái tháo đường típ 2 trước đây được gọi là đái tháo đường không phụ thuộc insulin, nhưng hiện nay tên này không còn được sử dụng trong y học nữa.

Nguyên nhân liên quan đến một hormone có tên là insulin. Bệnh thường đi kèm với tình trạng thừa cân, lười vận động hoặc có tiền căn gia đình mắc bệnh đái tháo đường típ 2.

Tiểu đường không phụ thuộc insulin là một tình trạng bệnh mạn tính có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn. Bạn cần phải thay đổi lối sống, uống thuốc và kiểm tra sức khỏe thường xuyên.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của tiểu đường không phụ thuộc insulin

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin có thể nhẹ đến mức bạn không nhận thấy. Khoảng 9 triệu người mắc bệnh này nhưng không hay biết. Các triệu chứng bao gồm:

  • Rất khát nước;
  • Đi tiểu nhiều;
  • Mờ mắt;
  • Ngứa ran hoặc tê ở tay, chân;
  • Mệt mỏi/cảm giác kiệt sức;
  • Những vết thương khó lành;
  • Nhiễm trùng, nhiễm nấm thường xuyên;
  • Đói nhiều;
  • Giảm cân không chủ ý.

Nếu bạn xuất hiện dấu gai đen (acanthosis nigricans) quanh cổ hoặc nách, hãy đến gặp bác sĩ, chúng có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang đề kháng insulin.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin

Đường huyết cao ở người bệnh đái tháo đường có thể làm tổn thương mạch máu, thần kinh và các cơ quan, dẫn đến hình thành một số biến chứng tiềm ẩn. Các biến chứng do bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin gây ra bao gồm:

Bệnh tim và đột quỵ: 

Mức đường huyết cao liên tục có thể làm tăng nguy cơ mạch máu bị thu hẹp và tắc nghẽn do các mảng xơ vữa. Điều này có thể làm gián đoạn lưu lượng máu đến tim, gây đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim. Nếu các mạch máu não bị ảnh hưởng, có thể dẫn đến nhồi máu não.

Tổn thương hệ thần kinh: 

Lượng glucose dư thừa trong máu có thể làm tổn thương các dây thần kinh, gây ra cảm giác ngứa ran hoặc đau ở ngón tay, ngón chân và tứ chi, được gọi là bệnh thần kinh đái tháo đường. Nếu hệ thần kinh ở đường tiêu hóa bị ảnh hưởng có thể gây buồn nôn và táo bón.

Bệnh võng mạc đái tháo đường: 

Tổn thương võng mạc có thể xảy ra nếu các mạch máu nhỏ trong lớp mô này bị tổn thương, có thể gây giảm thị lực.

Bệnh thận: 

Lượng đường huyết cao có thể ảnh hưởng đến chức năng thận gây bệnh thận đái tháo đường.

Loét bàn chân: 

Tổn thương thần kinh ở bàn chân có thể khiến người bệnh không cảm nhận được các vết thương như đạp phải, va quẹt,… có thể dẫn đến loét bàn chân, hay còn gọi là bàn chân đái tháo đường. Điều này xảy ra với khoảng 10% số người mắc bệnh đái tháo đường.

ĐTĐ2 4.jpeg
Bàn chân đái tháo đường là một biến chứng của bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên, bạn nên hẹn gặp bác sĩ để được tư vấn vì chúng có thể là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường típ 2 chưa được chẩn đoán.

Bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng và yếu tố nguy cơ mắc bệnh của bạn, họ sẽ đưa ra chỉ định xét nghiệm nếu cần.

Ngay cả khi không có triệu chứng, tất cả mọi người nên được sàng lọc bệnh đái tháo đường típ 2 mỗi 3 năm một lần, bắt đầu từ 45 tuổi.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến tiểu đường không phụ thuộc insulin

Bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin được gây ra bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố:

  • Thừa cân hoặc béo phì;
  • Không hoạt động thể chất;
  • Di truyền và tiền căn gia đình.

Bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin thường bắt đầu với tình trạng đề kháng insulin. Đây là tình trạng mà các tế bào của bạn không đáp ứng bình thường với insulin. Do đó, cơ thể bạn cần nhiều insulin hơn để giúp glucose đi vào tế bào. 

Lúc đầu, cơ thể sẽ tạo ra nhiều insulin hơn để cố gắng đưa các tế bào đáp ứng. Nhưng theo thời gian, cơ thể bạn không thể tạo ra đủ insulin và lượng đường huyết của bạn sẽ tăng lên.

ĐTĐ2 5.jpeg
Béo phì là một trong những nguyên nhân thường gặp của bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc tiểu đường không phụ thuộc insulin?

  • Người thừa cân, béo phì.
  • Người mắc bệnh cao huyết áp.
  • Người có chế độ ăn uống không lành mạnh, tiêu thụ nhiều thức ăn nước uống có lượng đường cao.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải tiểu đường không phụ thuộc insulin

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin, bao gồm:

  • Thừa cân hoặc béo phì;
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh;
  • Số đo vòng eo từ 31,5 inch (80cm) trở lên ở phụ nữ;
  • Số đo vòng eo trên 37 inch (94cm) ở nam giới;
  • Ít hoạt động thể chất;
  • Tăng mỡ máu;
  • Huyết áp cao;
  • Người gốc Nam Á;
  • Hút thuốc lá.

Tiền căn gia đình mắc bệnh đái tháo đường cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh này. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người có cha hoặc mẹ mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh này tăng 15% và nếu họ có cả cha và mẹ mắc bệnh đái tháo đường thì nguy cơ này tăng 75%.

ĐTĐ2 6.jpeg
Mỡ máu cao là yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tiểu đường không phụ thuộc insulin

Bác sĩ sẽ sử dụng xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin. Các xét nghiệm máu bao gồm:

  • Xét nghiệm HbA1C: Đo mức đường huyết trung bình của bạn trong 3 tháng qua.
  • Xét nghiệm đường huyết đói: Đo mức đường trong máu hiện tại của bạn. Bạn cần phải nhanh (không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì ngoại trừ nước lọc) trong ít nhất 8 giờ trước khi thực hiện.
  • Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên: Đo mức đường trong máu hiện tại của bạn. Xét nghiệm này được sử dụng khi bạn có các triệu chứng của đái tháo đường và bác sĩ không muốn chờ bạn nhịn ăn trước khi xét nghiệm.

Phương pháp điều trị tiểu đường không phụ thuộc insulin hiệu quả

Điều trị bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin liên quan đến việc quản lý lượng đường trong máu. Người bệnh có thể làm điều này bằng cách sống một lối sống lành mạnh. Một số người cũng có thể cần dùng thuốc:

  • Lối sống lành mạnh: Kế hoạch ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất thường xuyên. Bạn cần học cách cân bằng những gì bạn ăn uống với hoạt động thể chất và thuốc điều trị để kiểm soát tốt và phòng ngừa hạ đường huyết.
  • Thuốc: Bao gồm thuốc uống, insulin và các loại thuốc tiêm khác. Một số người bệnh có thể sẽ cần dùng nhiều hơn một loại thuốc để kiểm soát bệnh đái tháo đường.
  • Kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên: Bác sĩ của bạn sẽ cho bạn biết tần suất kiểm tra.
  • Kiểm soát huyết áp và mỡ máu: Thực hiện kiểm soát huyết áp và mỡ máu về mục tiêu theo hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tiểu đường không phụ thuộc insulin

Chế độ sinh hoạt:

Tuân thủ lối sống lành mạnh là rất quan trọng trong việc quản lý bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin, có thể làm giảm lượng thuốc và giúp ngăn ngừa các biến chứng. Các khuyến cáo là:

  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh;
  • Hoạt động thể chất;
  • Giảm cân nếu bạn thừa cân hoặc béo phì;
  • Bỏ hút thuốc lá;
  • Hạn chế uống rượu bia.

Chế độ dinh dưỡng:

Chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn nên ăn gì để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và kiểm soát lượng đường trong máu.

Ăn thực phẩm lành mạnh có chỉ số đường thấp có thể giúp tối ưu hóa lượng đường trong máu của bạn. Chúng bao gồm bánh mì nguyên hạt, ngũ cốc được chế biến tối thiểu như yến mạch, các loại đậu, trái cây, mì ống và các sản phẩm từ sữa.

Tránh các thực phẩm giàu carbohydrate, ít chất dinh dưỡng như bánh ngọt, kẹo và nước ngọt, đồng thời ăn chế độ ăn ít chất béo bão hòa.

Bạn nên ăn vào đúng bữa trong ngày và cũng có thể có những bữa ăn nhẹ. Cố gắng kết hợp lượng thức ăn với lượng hoạt động thể chất để không bị tăng cân.

Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, giảm 5 – 10% trọng lượng cơ thể có thể cải thiện đáng kể việc kiểm soát lượng đường trong máu.

ĐTĐ2 7.jpeg
 Người bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin nên tuân thủ một lối sống lành mạnh

Phương pháp phòng ngừa tiểu đường không phụ thuộc insulin hiệu quả

Nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin, bạn có thể phòng ngừa bằng cách thay đổi lối sống, bao gồm:

  • Giảm cân nếu bạn thừa cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh;
  • Ăn một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh;
  • Ngừng hút thuốc lá;
  • Uống rượu bia có chừng mực;
  • Tập thể dục thường xuyên.
Nguồn tham khảo
  1. What is Type 2 Diabetes?: https://www.news-medical.net/health/What-is-Type-2-Diabetes.aspx
  2. Diabetes mellitus type 2 (non-insulin dependent, mature age onset): https://healthinfo.healthengine.com.au/diabetes-mellitus-type-2-non-insulin-dependent-mature-age-onset
  3. Type 2 Diabetes: Symptoms, Causes, Treatment: https://www.webmd.com/diabetes/type-2-diabetes
  4. Diabetes Type 2: https://medlineplus.gov/diabetestype2.html
  5. Type 2 diabetes: https://www.healthdirect.gov.au/type-2-diabetes

Các bệnh liên quan

  1. Bệnh xương hóa đá

  2. Suy tim sung huyết

  3. Suy tim mạn tính

  4. Rò động tĩnh mạch

  5. Bệnh mạch máu tinh bột

  6. Teo thùy não

  7. Bệnh Hypophosphatasia (HPP) bẩm sinh

  8. Hội chứng Mallory-Weiss

  9. Hội chứng west

  10. Nhiễm khuẩn Listeria