Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Đau xương cụt khi ngồi xe máy cần phải làm gì?

Ngày 29/07/2023
Kích thước chữ

Đau xương cụt khi ngồi xe máy có thể là một vấn đề phổ biến đối với người đi xe máy ở Việt Nam, đặc biệt là khi nước ta sử dụng xe máy làm phương tiện đi lại phổ biến. Việc ngồi trên xe lâu ngày khiến các triệu chứng đau càng trở nên rõ rệt. Hiểu rõ về nguyên nhân gây đau và cách làm giảm tình trạng này sẽ vô cùng hữu ích.

Xương cụt là xương nhỏ hình tam giác ở dưới cùng của cột sống. Việc lái xe thường xuyên khiến không ít người gặp phải tình trạng đau xương cụt do ngồi lâu. Cơn đau này gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Vây đau xương cụt khi ngồi xe máy cần phải làm gì? Mời bạn theo dõi bài viết sau để có thể đưa ra phương pháp điều trị hoặc làm giảm tình trạng này.

Xương cụt và bệnh đau xương cụt là gì?

Xương cụt (tiếng anh là tailbone hoặc coccyx) là một xương nhỏ hình tam giác nằm ở dưới cùng của cột sống. Nó được tạo thành từ ba đến năm đốt sống được hợp nhất với nhau và nằm bên dưới xương cùng, là xương lớn tạo thành phần sau của xương chậu.

Đau xương cụt là tình trạng phổ biến xảy ra khi bị đau ở trong hoặc xung quanh xương cụt. Cơn đau có thể từ nhẹ đến nặng và có thể cấp tính hoặc mãn tính.

Đau xương cụt khi ngồi xe máy thì sao? 1
Đau xương cụt là gì? 

Các triệu chứng của đau xương cụt có thể bao gồm: Đau nhức, khó chịu hoặc đau ở khu vực xung quanh xương cụt, cơn đau trở nên nặng hơn khi ngồi hoặc thay đổi tư thế, khi đi tiểu hay vận động mạnh. Trong một số trường hợp, cơn đau có thể lan xuống lưng dưới hoặc đùi.

Nguyên nhân gây đau xương cụt

Đau xương cụt có thể do nhiều yếu tố gây ra, bao gồm:

  • Chấn thương: Chấn thương xương cụt là nguyên nhân hàng đầu khiến cho vùng xương này bị đau. Bị ngã từ trên cao, tai nạn giao thông hay va chạm khi chơi thể thao có thể khiến xương cụt bị sưng, bầm tím, gãy hoặc trật khớp xung quanh khu vực này, từ đó gây ra đau đớn.
  • Thoái hóa khớp: Theo thời gian, xương cụt có thể trải qua quá trình thoái hóa. Người bệnh sẽ có triệu chứng đau ở mông hoặc hông, sau đó cơn đau sẽ dần lan xuống háng, hai chân, đầu gối và nhiều vị trí trên cơ thể. Viêm khớp cũng có thể gây đau và căng cứng khớp xương cụt.
  • Ngồi nhiều đau xương cụt: Ngồi một chỗ trong thời gian dài, đặc biệt là trên bề mặt cứng, có thể gây áp lực lên xương cụt và dẫn đến đau. Do đó, người làm việc văn phòng là đối tượng cần đặc biệt chú ý tình trạng này.
  • Đau xương cụt khi mang thai: Khi mang thai, trọng lượng cơ thể của người phụ nữ sẽ tăng lên đáng kể. Từ đó khiến phần xương cụt phải chịu một áp lực khá lớn và có thể lệch ra khỏi vị trí vốn có dẫn đến tình trạng đau xương cụt khi mang thai.
  • Nhiễm trùng hoặc có khối u: Trong một số ít trường hợp, nhiễm trùng hoặc khối u ở vùng xương cụt có thể gây đau xương cụt.
  • Thừa cân, béo phì: Thừa cân, béo phì có thể gây thêm áp lực lên xương cụt và làm tăng nguy cơ đau xương cụt.
  • Các bệnh lý gây đau xương cụt khác: Nhiễm trùng, khối u, gai xương, tăng sinh xương, tổn thương hoặc kích thích các dây thần kinh xung quanh xương cụt có thể gây đau hoặc khó chịu.

Ngoài ra, cũng có rất nhiều người cảm thấy đau xương cụt khi ngồi xe máy. Hầu hết những người mắc phải căn bệnh này là do ngồi quá lâu một chỗ khi lái xe máy, ô tô, làm việc văn phòng,… Khi mắc bệnh đau xương cụt sẽ người bệnh vô cùng khó chịu bởi cơn đau ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, khi tình trạng bệnh chuyển biến nặng, cơn đau bắt đầu lan rộng ở nhiều cơ quan khác như háng, đầu gối, mông,…

Đau xương cụt khi ngồi xe máy thì sao? 2
Đau xương cụt có nhiều nguyên nhân

Tại sao lại đau xương cụt khi ngồi xe máy?

Đi xe máy thường xuyên có thể là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau xương cụt. Điều này là do ngồi trên ghế xe máy trong thời gian dài có thể gây áp lực lên xương cụt, dẫn đến khó chịu và đau nhức. Ngoài ra, khi đi xe máy sẽ không tránh khỏi việc rung lắc trên đường đi, việc này có thể ảnh hưởng đến xương cụt.

Tư thế khi ngồi trên xe cũng có thể gây đau xương cụt. Nghiêng về phía trước tay lái trong thời gian dài có thể gây thêm áp lực lên xương cụt và lưng dưới. Cơn đau nhức ở vùng xương cụt, mông diễn ra thường xuyên khiến nhiều người rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, khiến sức khỏe suy giảm,...

Để ngăn ngừa hoặc giảm đau xương cụt khi ngồi xe máy, điều quan trọng là phải ngồi đúng tư thế khi tham gia giao thông. Điều chỉnh chiều từ thế ngồi chếch về phía trước một chút có thể giúp giảm mức độ rung của xương cụt.

Đối với trường hợp bị đau xương cụt khi ngồi xe máy, người bệnh cần nhanh chóng tiến hành thăm khám và điều trị sớm để kiểm soát cơn đau và ngăn ngừa các biến chứng nặng hơn. Song song với việc tuân thủ đúng các chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, bệnh nhân cần phải thay đổi tư thế khi lái xe để bệnh nhanh chóng khỏi, nhất là những người thường xuyên lái xe đường dài.

Phương pháp điều trị bệnh đau xương cụt

Một số phương pháp điều trị tình trạng đau xương cụt phổ biến như sau:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Các loại thuốc NSAID phổ biến như ibuprofen, naproxen hoặc chất ức chế COX-2 (Celebrex), giúp giảm viêm quanh xương cụt. Tuy nhiên phương pháp này không được khuyến khích sử dụng lâu dài vì không trị dứt điểm nguyên nhân gây đau và ảnh hưởng không tốt đến dạ dày, thận, gan,…
  • Chườm đá: Chườm đá hoặc túi lạnh vào khu vực xương cụt khi cơn đau bắt đầu có thể giúp giảm viêm, nên sử dụng với các trường hợp đau xương cụt do bị thương, bạn có thể chườm đá vào vết thương.
  • Sử dụng đệm sưởi: Chườm nóng ở vị trí dưới cùng của cột sống có thể giúp giảm căng cơ. Bạn có thể dùng một chai nước nóng, túi tản nhiệt, hoặc miếng dán nhiệt,...
  • Thay đổi hoạt động hàng ngày: Thay đổi các hoạt động hàng ngày có thể giúp loại bỏ áp lực tích tụ lên xương cụt và giảm đau. Những điều chỉnh hoạt động này có thể bao gồm sử dụng bàn đứng để tránh ngồi lâu, sử dụng gối kê để giảm áp lực lên xương cụt khi ngồi.
  • Gối hỗ trợ: Có thể sử dụng một chiếc gối để giúp giảm áp lực lên xương cụt khi ngồi. Một số loại gối có thể dùng như gối chữ U, gối chữ V,...
  • Thay đổi chế độ ăn uống: Nếu cơn đau xương cụt xuất hiện và trở nên trầm trọng hơn khi đi tiểu hay khi bạn bị táo bón, bạn nên tăng cường bổ sung chất xơ và nước để cải tình trạng này.
  • Phương pháp phẫu thuật cắt bỏ xương cụt: Có thể được áp dụng đối với những người bị đau xương cụt mãn tính. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng cần áp dụng phương pháp này.

Nếu các phương pháp điều trị trên không giúp kiểm soát và giảm bớt cơn đau xương cụt, bạn nên tìm đến đến bác sĩ để có các phương pháp điều trị bổ sung do bác sĩ chỉnh hình hoặc chuyên gia y tế thực hiện.

Cách phòng ngừa đau xương cụt

Để phòng ngừa đau xương cụt, bạn cần lưu ý:

  • Nên vận động thường xuyên. Đặc biệt nếu là người làm việc văn phòng, bạn cần có thời gian nghỉ ngơi để tránh tạo áp lực cho xương cụt.
  • Kiểm soát cân nặng và giữ ở mức ổn định, tránh tình trạng tăng cân quá mức gây áp lực lên vùng xương cụt.
  • Bạn nên bổ sung những thực phẩm tốt cho xương để hạn chế tình trạng thoái hóa xương khớp.
  • Bạn nên bổ sung đủ đủ nước và rau xanh để tránh bị táo bón.
Đau xương cụt khi ngồi xe máy thì sao? 3
Các phương pháp làm giảm đau xương cụt

Trên đây là thông tin về nguyên nhân cũng như cách điều trị bệnh đau xương cụt. Đặc biệt với tình trạng đau xương cụt khi ngồi xe máy, cần chú ý về tư thế khi ngồi trên xe. Điều quan trọng là phải tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ để xác định cách điều trị tốt nhất cho tình huống cụ thể của bạn. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị bệnh mà không có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin