Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nang đơn thận có nguy hiểm hay không? Những điều cần lưu ý

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nang đơn thận hay nang thận đơn độc là một hoặc nhiều nang hình thành tại thận, thường gặp ở vỏ thận. Bệnh thường phát hiện tình cờ và không gây triệu chứng, do đó nhiều người sẽ không biết mình mắc bệnh cho đến khi khám vì bệnh khác. Bạn không cần phải điều trị trừ khi nang vỡ và chảy máu hoặc phát triển lớn chèn ép các cơ quan khác. Khi phát hiện nang ở thận đừng vội lo lắng mà hãy lắng nghe và trao đổi với bác sĩ để có kế hoạch theo dõi và điều trị phù hợp.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nang đơn thận là gì?

Thận là cơ quan có hình giống hạt đậu nằm ở phía sau các cơ quan trong ổ bụng và dưới xương sườn. Thận có nhiệm vụ loại bỏ các chất thải trong cơ thể bằng cách lọc máu từ đó tạo ra nước tiểu. Ngoài ra, thận còn có vai trò quan trọng trong việc điều hòa huyết áp và tham gia vào nhiều chức năng khác của cơ thể như kiểm soát tình trạng cân bằng dịch và nồng độ các chất điện giải.

Nang đơn thận là một loại nang có thành mỏng chứa dịch hình thành ở trên bề mặt hoặc bên trong thận, đây là loại nang thận khá phổ biến. Một hoặc nhiều nang đơn lẻ có thể hình thành trong cùng một quả thận. Nang thường có dạng hình tròn hoặc bầu dục, kích thước từ hạt đậu đến quả bóng chơi golf và chúng có thể phát triển lớn dần theo thời gian.

Cần phân biệt nang đơn thận với bệnh thận đa nang là một bệnh lý di truyền gây nhiều nang thận to và ảnh hưởng đến chức năng thận.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của nang đơn thận

Nang đơn thận là bệnh lành tính và thường không ảnh hưởng đến chức năng thận do đó người mắc bệnh hầu hết không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Các triệu chứng thường biểu hiện khi nang phát triển lớn hơn hoặc xuất hiện nhiều trên cùng một thận hoặc vỡ do chấn thương:

  • Sốt và ớn lạnh: Do nang thận bị nhiễm trùng.
  • Đau hoặc khó chịu ở vùng hông lưng, bụng trên hoặc lưng; thường đau âm ỉ nhưng nếu nang bị vỡ thì sẽ gây đau dữ dội.
  • Chướng bụng.
  • Đi tiểu nhiều lần.
  • Gây tăng huyết áp: Nếu nang thận làm giảm chức năng lọc máu của thận hoặc do chèn ép mạch máu làm tăng huyết áp thứ phát.
  • Tiểu máu hoặc nước tiểu màu xá xị.
  • Bí tiểu, tiểu lắt nhắt nếu nang thận chèn ép niệu quản - ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh nang đơn thận

Nang thận đơn độc hầu như không gây tác động gì đến sức khỏe và tính mạng của bạn. Tuy hiếm gặp nhưng các biến chứng sau cũng có thể xảy ra:

  • Nang đơn thận vỡ gây nhiễm trùng, sốt, đau bụng hoặc tiểu máu.
  • Phát triển lớn chèn ép lên xương hoặc các cơ quan lân cận gây hoặc khó chịu và đau.
  • Nang gây tắc nghẽn niệu quản khiến nước tiểu không thể xuống bàng quang mà ứ lại ở thận có thể làm huyết áp tăng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn hãy gặp bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng nào dưới đây vì đây có thể báo hiệu cho việc nang thận của bạn đã vỡ hoặc nhiễm trùng:

  • Sốt cao và ớn lạnh;
  • Đi tiểu nhiều lần;
  • Tiểu ra máu hoặc nước tiểu màu xá xị;
  • Đau lưng hoặc bụng trên hoặc bên hông.
NANG ĐƠN THẬN 4.jpg
Tiểu máu là triệu chứng có thể gặp ở người bệnh mà cần đi khám ngay lập tức

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nang đơn thận

Nang đơn thận là bệnh mắc phải chứ không phải do di truyền. Nguyên nhân chính xác gây ra nang đơn thận vẫn chưa được biết đến. Một số nghiên cứu cho rằng tổn thương thận như viêm nhiễm, nhiễm độc hoặc tắc nghẽn ống thận có thể là nguyên nhân dẫn đến hình thành nang đơn thận.

Nang thận phát triển khi ống thận bị tắc nghẽn, chúng sẽ lớn lên chứa dịch bên trong hoặc do các túi thừa xuất hiện ở những nơi ống thận bị suy yếu chứa dịch bên trong. 

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc nang đơn thận?

Một số bệnh lý có thể gây nang đơn thận gồm:

  • Bệnh thận mạn;
  • Những người chạy thận nhân tạo;
  • Bệnh nang tủy thận;
  • Bệnh thận đa nang di truyền trội;
  • Bệnh Von Hippel-Lindau;
  • Bệnh xơ cứng củ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải nang đơn thận

Các yếu tố nguy cơ khiến bạn dễ bạn dễ xuất hiện nang đơn thận:

  • Tuổi cao: Người ta nhận thấy các nang đơn thận tăng lên sau 40 tuổi. Khoảng 25% người trên 40 tuổi và khoảng 50% người trên 50 tuổi có nang đơn thận.
  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc nang đơn thận gấp gôi nữ giới.

Chế độ ăn uống và lối sống không ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nang đơn thận

Nang đơn thận thường được phát hiện tình cờ trên xét nghiệm hình ảnh như siêu âm hoặc CT-scan khi bạn đi khám bệnh vì những nguyên nhân khác. Bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm để loại trừ nguyên nhân nguy hiểm khác như ung thư thận.

  • CT-scan hệ niệu: Hiển thị được hình ảnh 3 chiều các nang thận khi bạn cần hình ảnh chi tiết của nang. Ngoài ra CT-scan còn giúp đánh giá hệ tiết niệu, phát hiện các bệnh lý khác như sỏi thậnviêm đài bể thận, u hệ tiết niệu hoặc ung thư.
  • MRI: Ưu thế hơn khi bạn muốn quan sát các mô mềm và cơ quan khác bên trong.
  • Siêu âm: Tạo ra hình ảnh của thận giúp phát hiện nang thận. Đây là xét nghiệm hình ảnh học chi phí rẻ. Bạn có thể cần siêu âm thường xuyên để theo dõi sự phát triển của nang đơn thận nhằm phát hiện kịp thời các dấu hiệu thay đổi bất thường của nang.
  • Xét nghiệm máu: Dùng để kiểm tra chức năng thận xem hoạt động của thận còn tốt hay không. Nang đơn thận thường không tác động đến chức năng của thận và không ảnh hưởng đến kết quả của xét nghiệm chức năng thận. Trong rất ít trường hợp nang đơn thận sẽ gây suy giảm chức năng thận.
  • Phân tích nước tiểu: Có thể phát hiện tổn thương hệ thống thận - tiết niệu tiềm ẩn.

Phương pháp điều trị nang đơn thận

Phần lớn nang đơn thận không cần can thiệp nếu nang này nhỏ dưới 3cm và không gây ra triệu chứng trên cơ thể. Bạn nên đi lặp lại xét nghiệm hình ảnh sau 6 đến 12 tháng để theo dõi sự phát triển của nang.

Thuốc

Tùy vào triệu chứng và tình trạng bệnh của bạn mà bác sĩ sẽ kê đơn cho bạn thuốc uống.

  • Nếu nang bị vỡ gây nhiễm trùng, bác sĩ sẽ cho bạn điều trị kháng sinh trước khi lựa chọn phương pháp phẫu thuật.
  • Thuốc giảm đau như acetaminophen hoặc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như Ibuprofen nếu bạn đau nhẹ - trung bình.
  • Thuốc hạ áp như amlodipin, losartan nếu bạn có tình trạng huyết áp cao.

Phẫu thuật

Nếu nang đơn thận phát triển lớn gây chèn ép lên các cơ quan lân cận thì bác sĩ có thể khuyến cáo điều trị bằng phẫu thuật. Hai phương pháp phẫu thuật hiện nay gồm chọc hút nang thận có tiêm chất gây xơ hóa và phẫu thuật nội soi để loại bỏ nang.

Chọc hút nang thận có tiêm chất gây xơ hóa

Bác sĩ sẽ sử dụng cây kim dài châm xuyên qua da để chọc thủng nang và dẫn lưu dịch bên trong nang ra ngoài dưới sự hướng dẫn của siêu âm. Sau đó một chất gây xơ hóa mạnh như sẽ được tiêm vào trong nang để thu nhỏ lại. Nếu chọc hút mà không tiêm chất gây xơ hóa thì tỷ lệ tái phát cao từ 20% đến 80%.

Phương pháp này được ưu tiên khi nang đơn thận gây ra triệu chứng cần phải điều trị như chèn ép đường đi của niệu quản khiến nước tiểu không lưu thông hoặc chặn đường dẫn máu đến thận.

Phẫu thuật nội soi

Đây là phương pháp nhằm cắt bỏ nang thận thông qua nội soi. Bác sĩ sẽ dẫn lưu dịch trong nang sau đó cắt bỏ hoặc đốt nang thận. Phương pháp này được ưu tiên khi nang quá lớn không thể sử dụng phương pháp phía trên hoặc cần phải cắt bỏ nang. 

NANG ĐƠN THẬN 6.jpg
Chọc hút nang thận có tiêm chất gây xơ hóa là phương pháp thường được chỉ định điều trị khi nang đơn thận gây triệu chứng

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nang đơn thận

Thay đổi chế độ sinh hoạt không làm cho nang thận nhỏ đi nhưng sẽ giúp hạn chế biến chứng cũng như hạn chế bạn mắc các bệnh lý khác ảnh hưởng đến bệnh nang đơn thận:

  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân, tránh viêm nhiễm sinh dục.
  • Khám sức khỏe định kỳ và theo dõi tình trạng của nang thận.
  • Sống vui vẻ, hạn chế căng thẳng.
  • Xây dựng chế độ ăn nhiều thực phẩm tốt như rau củ, trái cây, thịt, cá, ngũ cốc, các loại hạt…
  • Hạn chế thức ăn chế biến sẵn, đồ ăn dầu mỡ.
  • Không ăn mặn, hạn chế tương, chao, mắm.
  • Không sử dụng chất kích thích như thuốc lá, rượu bia,...
  • Ngủ đủ giấc, không thức khuya.
  • Tập thể dục và chơi thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 ngày mỗi tuần hoặc chọn những bộ môn nhẹ nhàng giúp thư giãn cơ thể như yoga hay thiền.
  • Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su khi quan hệ để ngăn ngừa các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục.
NANG ĐƠN THẬN 3.jpg
Luôn sống khỏe mỗi ngày

Phương pháp phòng ngừa nang đơn thận hiệu quả

Bạn không thể ngăn ngừa được việc bạn mắc nang đơn thận. Nang này thường lành tính và không gây nguy hiểm đến tính mạng của bạn, điều quan trọng là cần theo dõi tình trạng tiến triển của nang để kịp thời phát hiện và cấp cứu điều trị các biến chứng. 

Hãy khám sức khỏe để phát hiện sớm hoặc siêu âm thận định kỳ nếu bạn được chẩn đoán nang đơn thận.

NANG ĐƠN THẬN 7.jpg
Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh
Nguồn tham khảo
  1. Simple Renal Cyst: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK499900/
  2. Simple Kidney Cysts: https://www.niddk.nih.gov/health-information/kidney-disease/simple-kidney-cysts
  3. Kidney Cysts: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14884-kidney-cysts
  4. Kidney Cyst: https://www.healthline.com/health/kidney-cyst
  5. Simple Kidney Cysts: https://www.saintlukeskc.org/health-library/simple-kidney-cysts-0 

Các bệnh liên quan

  1. Trụy tim

  2. Loét dạ dày tá tràng

  3. Sốt siêu vi

  4. Viêm lưỡi bản đồ

  5. Suy nhược cơ thể

  6. Say nắng

  7. Lỵ trực khuẩn

  8. Sốt

  9. Hội chứng tăng tiết ADH không thích hợp

  10. Ung thư hạch