Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Dị ứng mắt: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nếu mắt bạn ngứa, đỏ, chảy nước mắt hoặc nóng rát, bạn có thể bị dị ứng mắt (viêm kết mạc dị ứng). Đây là một tình trạng khá phổ biến hiện nay do ảnh hưởng của thói quen sinh hoạt và môi trường ô nhiễm. Dị ứng mắt không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây nhiều khó chịu trong sinh hoạt và công việc của bạn.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Dị ứng mắt là gì?

Dị ứng mắt hay còn gọi là viêm kết mạc dị ứng, là tình trạng mắt khá phổ biến. Mô lót bên trong mí mắt và bên ngoài nhãn cầu được gọi là kết mạc. Kết mạc bảo vệ và bôi trơn mắt của bạn. Dị ứng mắt xảy ra khi mắt phản ứng với thứ gì đó gây kích ứng kết mạc (gọi là chất gây dị ứng). Chất gây dị ứng có thể là lông thú cưng, bụi, phấn hoa, khói, nước hoa hoặc thậm chí là thức ăn.

Mắt sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể gọi là Immunoglobulin E (IgE), IgE kích hoạt tế bào Mast sản xuất ra một chất gọi là Histamin để chống lại chất gây dị ứng. Kết quả là mí mắt và kết mạc trở nên đỏ, sưng và ngứa. Mắt có thể chảy nước mắt và nóng rát. 

Khi bị dị ứng mắt, bạn thường thấy đỏ và ngứa ở cả hai mắt, thay vì chỉ ở một mắt. Nếu bạn không thể tránh được nguyên nhân, tình trạng dị ứng của bạn có thể trầm trọng hơn. Bạn có thể bị đỏ và ngứa nặng hơn và thậm chí nhạy cảm với ánh sáng.

Không giống như các bệnh viêm kết mạc khác, dị ứng mắt không lây từ người này sang người khác. Dị ứng mắt có thể xảy ra riêng lẻ hoặc kèm theo viêm mũi dị ứng, bệnh chàm hay hen phế quản.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng mắt

Các triệu chứng của dị ứng mắt thường gặp bao gồm:

  • Ngứa;
  • Nóng rát;
  • Sưng mí mắt;
  • Chảy nước mắt;
  • Cảm giác cộm xốn;
  • Nhạy cảm với ánh sáng.

Những triệu chứng này thường xảy ra ở cả hai mắt. Nếu chỉ một bên mắt của bạn bị kích ứng, bạn có thể đang mắc một tình trạng khác, chẳng hạn như đau mắt đỏ.

Các triệu chứng khác thường đi kèm với dị ứng mắt bao gồm:

  • Đau đầu;
  • Nghẹt mũi;
  • Hắt xì;
  • Ho;
  • Ngứa hoặc chảy nước mũi;
  • Quầng thâm dưới mắt;
  • Mệt mỏi;
  • Thiếu tập trung.
Dị ứng mắt: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 4
Đỏ mắt là triệu chứng thường gặp của dị ứng mắt

Biến chứng có thể gặp phải khi bị dị ứng mắt

Không có biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, một số người vì không tìm ra nguyên nhân nên sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sinh hoạt hằng ngày.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ nhãn khoa ngay lập tức nếu bạn gặp phải:

  • Đau mắt dữ dội, khô, sưng, rát hoặc ngứa;
  • Suy giảm thị lực;
  • Chảy nước mắt, có thể có nhầy, mủ;
  • Cảm giác có vật gì đó mắc kẹt trong mắt bạn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến dị ứng mắt

Dị ứng là khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với một chất gây dị ứng. Khi chất gây dị ứng tiếp xúc với mắt của bạn, một số tế bào nhất định trong mắt bạn (được gọi là tế bào Mast) sẽ giải phóng Histamin và các chất khác để chống lại chất gây dị ứng. Phản ứng này khiến mắt bạn đỏ, ngứa và chảy nước mắt.

Các chất gây dị ứng trong không khí, cả trong nhà và ngoài trời sẽ gây ra bệnh dị ứng mắt. Những chất gây dị ứng này bao gồm:

  • Phấn hoa;
  • Bụi;
  • Lông thú cưng;
  • Nấm mốc;
  • Khói.
Dị ứng mắt: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 5
Phấn hoa là nguyên nhân thường gặp nhất gây dị ứng mắt

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải dị ứng mắt?

Những đối tượng có nguy cơ bị dị ứng mắt bao gồm:

  • Có người trong gia đình có dị ứng mắt;
  • Môi trường xung quanh có nhiều phấn hoa, khói bụi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải dị ứng mắt

Các yếu tố làm tăng nguy cơ dị ứng mắt bao gồm:

  • Dị ứng nước hoa, mỹ phẩm hoặc thuốc;
  • Côn trùng cắn;
  • Dị ứng thức ăn;
  • Môi trường xung quanh ô nhiễm.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán dị ứng mắt

Bác sĩ nhãn khoa sẽ chẩn đoán bạn bị dị ứng mắt thông qua việc xem xét các triệu chứng và khám mắt. Họ sẽ kiểm tra xem bạn có bị nhiễm trùng mắt hay chỉ dị ứng mắt hay không. Bác sĩ nhãn khoa sẽ sử dụng kính hiển vi đèn khe để kiểm tra các dấu hiệu dị ứng mắt, chẳng hạn như sung huyết mạch máu trên bề mặt mắt, kết hợp với hỏi bệnh sử, tiền sử gia đình có người thân bị dị ứng mắt, có tiếp xúc với các yếu tố gây kích ứng hay không để xác nhận chẩn đoán.

Các xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm da có thể được yêu cầu để chẩn đoán hoặc xác định chất gây dị ứng cụ thể gây ra phản ứng của bạn.

Phương pháp điều trị dị ứng mắt hiệu quả

Để điều trị dị ứng mắt hiệu quả, cần tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với chất gây ra dị ứng. Nhưng bạn phải biết những chất gây dị ứng. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm da hoặc máu để giúp xác định chất gây dị ứng cụ thể. Các phương pháp điều trị dị ứng mắt bao gồm:

Tránh các chất gây dị ứng

Nếu bạn bị dị ứng với phấn hoa, hãy tránh ra ngoài trời càng nhiều càng tốt khi lượng phấn hoa cao nhất. Số lượng phấn hoa thường cao nhất vào giữa buổi sáng và đầu buổi tối. Ngoài ra, tránh ở ngoài trời khi gió thổi phấn hoa xung quanh. Khi bạn ở ngoài trời, mang kính râm có thể giúp ngăn phấn hoa bay vào mắt bạn.

Khi bạn dị ứng với lông thú cưng, hãy để thú cưng ra khỏi phòng ngủ của bạn. Thay quần áo ngay khi về nhà. Hãy cân nhắc sử dụng sàn gỗ cứng hoặc gạch thay vì trải thảm để tránh lông thú cưng. Luôn rửa tay sau khi chạm vào thú cưng và giặt quần áo bạn đã mặc khi ở gần thú cưng.

Nếu mạt bụi hoặc nấm mốc khiến bạn bị viêm kết mạc dị ứng, hãy giặt bộ trải giường của bạn thường xuyên bằng nước nóng ít nhất 100ᵒC và sử dụng vỏ nệm và vỏ gối chống mạt bụi. Sử dụng máy hút ẩm và giữ độ ẩm trong nhà ở mức 30 - 50% để hạn chế tiếp xúc với nấm mốc. Khi lau sàn nhà, hãy sử dụng cây lau nhà hoặc giẻ ẩm thay vì cây lau nhà hoặc chổi khô.

Nước mắt nhân tạo

Nước mắt nhân tạo giúp giảm dị ứng mắt tạm thời bằng cách rửa sạch chất gây dị ứng khỏi mắt. Chúng cũng làm giảm khô mắt, kích ứng bằng cách bổ sung độ ẩm. Bạn có thể sử dụng tối đa sáu lần một ngày.

Thuốc kháng Histamin đường uống

Thuốc kháng Histamin đường uống như Loratadin, Cetirizin, Fexofenadin có thể phần nào hữu ích trong việc giảm ngứa mắt. Nhưng chúng có thể làm khô mắt và thậm chí làm trầm trọng thêm các triệu chứng dị ứng mắt.

Thuốc nhỏ mắt ổn định tế bào Mast

Thuốc nhỏ mắt ổn định tế bào Mast làm giảm ngứa và kích ứng bằng cách ngăn chặn sự giải phóng Histamin.

Corticosteroid

Thuốc nhỏ mắt steroid có thể giúp điều trị các triệu chứng dị ứng mắt mãn tính và nghiêm trọng. Chúng không bao giờ nên được sử dụng mà không có sự theo dõi sát của bác sĩ nhãn kho, do có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng.

Liệu pháp miễn dịch

Nếu các triệu chứng không được kiểm soát bằng cách tránh chất gây dị ứng, thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc uống, liệu pháp miễn dịch có thể là một lựa chọn. Với liệu pháp miễn dịch, bạn sẽ được tiêm một lượng nhỏ chất gây dị ứng. Liều tăng dần theo thời gian để giúp cơ thể bạn miễn dịch với các chất gây dị ứng.

Dị ứng mắt: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 7
Các loại nước nhỏ mắt có thể làm giảm triệu chứng của dị ứng mắt

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của dị ứng mắt

Chế độ sinh hoạt:

  • Đóng cửa sổ vào ban đêm, hãy sử dụng máy điều hòa nhiệt độ để làm sạch, làm mát và làm khô không khí.
  • Cố gắng ở trong nhà khi số lượng phấn hoa hoặc nấm mốc cao. Khi trở vào trong nhà, hãy tắm, gội đầu và thay quần áo.
  • Tránh phơi khô khăn trải giường hoặc quần áo bên ngoài nơi có nhiều phấn hoa.
  • Khi di chuyển bằng ô tô, hãy đóng cửa sổ lại.
  • Rửa tay sau khi vuốt ve bất kỳ động vật nào.
  • Đội mũ rộng vành, mang kính râm để tránh chất gây dị ứng bay vào mắt.
  • Nhỏ nước muối sinh lý sau khi ra ngoài trời để rửa sạch chất gây dị ứng khỏi niêm mạc mắt.
  • Chườm mát lên mắt khi có triệu chứng.
  • Không hút thuốc và tránh khói thuốc thụ động.

Chế độ dinh dưỡng:

Những thực phẩm sau đây cho thấy giúp giảm bớt các triệu chứng dị ứng:

  • Thực phẩm có vitamin C: Cam, kiwi, chanh, bưởi, ớt chuông, dâu tây, cà chua…
  • Thực phẩm có ALA omega-3: Dầu canola, quả óc chó, hạt chia…
  • Nghệ.

Mặc dù các loại thực phẩm sau đây không trực tiếp làm trầm trọng thêm tình trạng dị ứng của bạn nhưng chúng có thể gây tăng phản ứng viêm, từ đó làm nặng hơn tình trạng dị ứng của bạn. Các thực phẩm cần tránh bao gồm:

  • Carbohydrate tinh chế, chẳng hạn như bánh mì trắng và bánh ngọt.
  • Đồ ăn chiên xào, chẳng hạn như khoai tây chiên, gà rán.
  • Đồ uống có đường, chẳng hạn như soda hoặc nước tăng lực.
  • Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn (xúc xích, thịt nguội).
  • Bơ, phô mai.

Phương pháp phòng ngừa dị ứng mắt hiệu quả

Lý tưởng nhất là xác định và loại bỏ nguyên nhân gây dị ứng mắt. Nước nhỏ mắt cũng có thể giúp loại bỏ các chất gây dị ứng khỏi kết mạc. Nếu con bạn có các triệu chứng, đừng bao giờ cho bé dụi mắt vì điều này sẽ chỉ làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn. Điều quan trọng là phải đi khám, làm các xét nghiệm tìm các tác nhân gây dị ứng và nghe lời khuyên từ bác sĩ nhãn khoa để có thể phòng ngừa hiệu quả nhất.

Dị ứng mắt: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 6
Bác sĩ nhãn khoa sẽ hỗ trợ bạn tìm ra tác nhân gây dị ứng mắt
Nguồn tham khảo
  1. Eye Allergies: https://www.healthline.com/health/allergies/eye-allergies
  2. What Are Eye Allergies?: https://www.aao.org/eye-health/diseases/allergies
  3. Allergic Conjunctivitis: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/allergic-conjunctivitis
  4. Relief for Eye Allergy Symptoms: https://www.verywellhealth.com/eye-allergy-symptoms-7566246
  5. Tips to Help You Tackle Eye Allergies: https://www.webmd.com/eye-health/ss/slideshow-eye-allergies

Các bệnh liên quan

  1. Viêm kết mạc dị ứng

  2. Viễn thị

  3. Viêm màng bồ đào

  4. Tật không nhãn cầu

  5. Sụp mi

  6. Mộng thịt

  7. Khô mắt

  8. Bọng mắt

  9. Xuất huyết dưới kết mạc

  10. Viêm mống mắt thể mi