Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hẹp khe khớp gối là gì? Những vấn đề cần biết về hẹp khe khớp gối

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hẹp khe khớp (Joint space narrowing - JSN) xảy ra khi sụn khớp bắt đầu mòn đi và khoảng cách giữa các xương trở nên nhỏ hơn. Hẹp khe khớp làm các xương gần nhau khiến nó khó di chuyển, gây đau, cứng và mất khả năng vận động ở khớp. Cuối cùng, sụn bị mài mòn hoàn toàn, gây ra áp lực và ma sát giữa xương nên hình thành gai xương và cầu xương. Hẹp khe khớp là một dấu hiệu của thoái hóa khớp. Bài viết này cung cấp một số thông tin về hẹp khe khớp gối cho bạn đọc quan tâm đến vấn đề này.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hẹp khe khớp gối là gì?

Trong một khớp khỏe mạnh thường có khoảng trống giữa các xương, tạo nên sự chuyển động linh hoạt của khớp. Không gian khớp được duy trì bởi sụn khớp bao phủ các bề mặt xương. Sụn ​​khớp dẻo dai, mịn màng này hoạt động như một vật liệu đệm và hấp thụ sốc, cho phép các xương trượt qua nhau mà không bị ma sát trong quá trình di chuyển.

Trong nhiều trường hợp, mất sụn khớp và thu hẹp khoảng khớp là dấu hiệu sớm của bệnh viêm khớp. Thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp là hai loại viêm khớp phổ biến nhất. Phát hiện hẹp khe khớp gối thường là một trong những dấu hiệu trong chẩn đoán thoái hóa khớp gối, viêm khớp dạng thấp hoặc một dạng viêm khớp khác,... trong đó khớp gối thường là khớp hay gặp tổn thương nhất.

Thoái hóa khớp là một tình trạng thoái hóa phát triển khi sự hao mòn dần dần gây ra sự phá hủy sụn và xương trong khớp.

Viêm khớp dạng thấp là một tình trạng viêm phát triển khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các mô trong khớp, màng hoạt dịch gây tổn thương sụn và xương. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hẹp khe khớp gối

Đối với một số người, các triệu chứng có thể xuất hiện với mức độ nhẹ nhàng trong thời gian ngắn. Trong khi những trường hợp khác có thể gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn, gây khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày.

Các triệu chứng chính của hẹp khe khớp gối là đau khớp tại khớp, cứng khớp buổi sáng và mất phạm vi chuyển động ở khớp bị ảnh hưởng, thỉnh thoảng khớp gối có thể sưng nóng nhẹ, khi co duỗi khớp gối bạn có thể nghe tiếng lạo xạo trong khớp. Hẹp khe khớp là kết quả của quá trình viêm khớp, những triệu chứng này sẽ tiếp tục trầm trọng hơn khi sụn mất đi hoàn toàn, có gai xương hay cầu xương xuất hiện.

Hẹp khe khớp gối là gì? Những vấn đề cần biết về hẹp khe khớp gối 4
Đau khớp và cứng khớp buổi sáng là dấu hiệu xuất hiện đồng thời khi có hẹp khe khớp gối

Tác động của hẹp khe khớp gối đối với sức khỏe

Hẹp khe khớp gối thường ít gây ảnh hưởng trừ khi chúng quá nặng nề hoặc có trình trạng khác kèm theo như viêm khớp,... Khi đó, bạn có thể cảm thấy đau, hạn chế vận động khớp, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, công việc và mất ngủ,...

Biến chứng có thể gặp khi mắc hẹp khe khớp gối

Dính khớp, mất khả năng đi lại là những biến chứng nghiêm trọng của hẹp khe khớp gối.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu triệu chứng đau khớp mới xuất hiện gần đây, trầm trọng hơn hoặc tiếp tục diễn tiến nặng dần, hãy đến gặp bác sĩ để được đánh giá càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ chụp X-quang và các xét nghiệm khác để kiểm tra tình trạng hẹp khe khớp và các tổn thương liên quan nhằm xác định nguyên nhân gây ra cơn đau của bạn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hẹp khe khớp gối

Tham gia hầu hết các hoạt động hằng ngày, khớp gối dường như hoạt động liên tục với áp lực lớn từ cơ thể. Hẹp khe khớp gối có thể xảy ra trong bệnh thoái hóa khớp gối do hoạt động quá mức của các khớp hoặc xảy ra cùng với sự lão hóa chung khi bạn già đi.

Hẹp khe khớp gối là gì? Những vấn đề cần biết về hẹp khe khớp gối 5
Thoái hóa khớp là bệnh lý phổ biến nhất của triệu chứng hẹp khe khớp gối

Hẹp khe khớp gối cũng có thể là một dấu hiệu của viêm khớp. Viêm khớp thường ảnh hưởng đến đầu gối hoặc khớp ngón tay của bạn. Theo Tổ chức Viêm khớp, khoảng 80% người trưởng thành từ 65 tuổi trở lên ở các nước có thu nhập cao có một số dấu hiệu của viêm khớp.

Ở gối, việc thu hẹp không gian khớp có liên quan đến việc mất sụn khớp. Tuy nhiên, tổn thương sụn chêm trong các hoạt động thể thao cũng góp phần làm hẹp khe khớp.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải hẹp khe khớp gối?

Những người có nguy cơ mắc phải hẹp khe khớp gối là:

  • Tuổi cao: Khi tuổi tác càng cao, sụn xương bị bào mòn nhiều hơn và dễ hẹp khe khớp hơn.
  • Giới: Nữ giới thường mắc các bệnh lý viêm khớp nhiều hơn, nhưng nam giới lại dễ tổn thương khớp gối trong thể thao nhiều hơn nữ giới.
  • Nghề nghiệp: Những nghề nghiệp lao động tay chân thường mắc bệnh lý thoái hóa khớp nhiều hơn nhân viên văn phòng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hẹp khe khớp gối

Các yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn như béo phì và yếu cơ,... có thể góp phần làm thu hẹp không gian giữa các xương trong khớp.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hẹp khe khớp gối

Bác sĩ của bạn có thể yêu cầu một số hình ảnh chi tiết về tình trạng hẹp khe khớp và sự tổn thương các cấu trúc xung quanh khớp. Một số cận lâm sàng sau sẽ được chỉ định:

X-quang

Những hình ảnh trên phim X-quang có thể giúp họ nhìn thấy các dấu hiệu tổn thương hoặc thu hẹp khớp một cách chi tiết hơn. X-quang thường cho kết quả nhanh chóng sau vài phút, lại là một cận lâm sàng không xâm lấn nên nó trở thành một trong những cận lâm sàng được sử dụng phổ biến nhất để kiểm tra tình trạng xương khớp.

Hẹp khe khớp gối là gì? Những vấn đề cần biết về hẹp khe khớp gối 6
X-quang giúp nhìn rõ mức độ hẹp khe khớp gối

Chụp cộng hưởng từ (MRI)

MRI có thể tạo ra hình ảnh có độ chi tiết cao, dễ dàng phát hiện các tổn thương phần mềm khác quanh khớp như cơ, dây chằng, bao hoạt dịch,… mà X-quang khó đánh giá được. Tuy nhiên, chi phí cho cận lâm sàng này khá đắt.

Siêu âm

Đầu dò siêu âm sẽ gửi sóng âm thanh vào cấu trúc khớp và những sóng âm thanh này bật ra khỏi các cấu trúc trong khớp được thu lại tạo ra hình ảnh. Siêu âm giúp phát hiện các tổn thương màng hoạt dịch khớp.

Chọc dò dịch khớp

Dịch khớp được lấy ra và kiểm tra nhằm xác định nguyên nhân gây nên triệu chứng đau khớp mà bạn đang mắc phải.

Phương pháp điều trị hẹp khe khớp gối hiệu quả

Thật không may, hẹp khe khớp là một triệu chứng không thể đảo ngược. Nếu bạn đã được chẩn đoán có hẹp khe khớp, bác sĩ có thể sẽ có các phương pháp điều trị không phẫu thuật với thuốc và các bài tập vật lý trị liệu với mục tiêu giảm đau và duy trì độ linh hoạt của khớp nhiều nhất có thể. Các triệu chứng nhẹ đôi khi có thể được kiểm soát bằng các biện pháp đơn giản như tập vật lý trị liệu và dùng thuốc uống, trong khi các trường hợp tổn thương nặng nề cần dùng đến phẫu thuật thay khớp.

Thuốc uống

Nếu nguyên nhân của hẹp khe khớp gối là do thoái hóa khớp thì thuốc chống viêm giảm đau như ibuprofen, naproxen,… có thể làm giảm đau, sưng và viêm khớp từ nhẹ đến trung bình. Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, DMARD là thuốc có thể làm chậm quá trình tổn thương khớp.

Thuốc tiêm

Tiêm corticoid vào khớp mang lại tác dụng giảm đau, sưng tấy và viêm trong thời gian ngắn cho các khớp bị đau nhức quá nhiều và không đáp ứng với thuốc uống. Tuy nhiên, bạn chỉ được phép tiêm một số lượng mũi nhất định mỗi năm tại cơ sở y tế uy tín để giảm các tác dụng phụ của phương pháp này. 

Ngoài ra, tiêm axit hyaluronic có thể giúp giảm đau trong thời gian ngắn bằng cách bôi trơn khớp bị đau và giúp cử động dễ dàng hơn.

Bài tập

Các bài tập ít tác động đến khớp như bơi lội, yoga, đạp xe đạp trên không,… là điều cần thiết để duy trì sức mạnh các cơ quanh khớp, tính linh hoạt về phạm vi chuyển động của các khớp bị hẹp.

Hẹp khe khớp gối là gì? Những vấn đề cần biết về hẹp khe khớp gối 7
Các bài tập vật lý trị liệu giúp duy trì khả năng vận động khớp gối rất hiệu quả

Giảm cân

Nếu bạn đang thừa cân, việc giảm cân thừa sẽ làm giảm áp lực lên khớp của bạn, đặc biệt ở khớp gối, từ đó làm chậm diễn tiến xấu của bệnh.

Thay khớp

Mặc dù các phương pháp điều trị được liệt kê ở trên có thể giảm bớt các triệu chứng nhưng chúng không thể đảo ngược tình trạng thu hẹp khe khớp hoặc ngăn ngừa tình trạng thoái hóa khớp tiếp tục diễn ra.

Nếu bạn bị tổn thương khớp nghiêm trọng, đau liên tục hằng ngày và khả năng vận động hạn chế, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật thay khớp. Một thủ thuật như thay khớp đầu gối là một cuộc phẫu thuật lớn có nhiều rủi ro nhiễm trùng, huyết khối, chấn thương dây thần kinh,... Ngoài ra, phẫu thuật thay khớp khá tốn kém và cần thời gian phục hồi lâu dài.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến hẹp khe khớp gối

Chế độ sinh hoạt: 

  • Tránh tổn thương khớp gối.
  • Tập các bài tập vật lý trị liệu cho vùng gối.
  • Tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ giúp bệnh lý chậm diễn tiến xấu đi.

Chế độ dinh dưỡng: Chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau xanh và hoa quả.

Phương pháp phòng ngừa hẹp khe khớp gối hiệu quả

Không thể ngăn ngừa thoái hóa khớp gối nói chung và hẹp khe khớp gối nói riêng một cách hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ phát triển tình trạng này bằng cách tránh chấn thương khớp gối và duy trì một lối sống lành mạnh.

Tập thể dục: Tập thể dục đều đặn ít nhất 150 phút mỗi tuần, cộng với các bài tập tăng cường sức mạnh trong 2 ngày trở lên mỗi tuần để giữ cho bản thân luôn khỏe mạnh và tăng cường sức mạnh các cơ quanh khớp giúp bảo vệ khớp tốt hơn.

Tư thế đúng trong sinh hoạt: Tránh ngồi xổm hay đứng quá lâu trong sinh hoạt hằng ngày giúp giảm áp lực lên khớp gối.

Giảm cân: Thừa cân hoặc béo phì làm tăng tải trọng cho khớp gối và làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp. Vì thế, nếu bạn thừa cân, việc giảm cân có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh này.

Nguồn tham khảo
  • Everything You Should Know About Joint Space Narrowing: https://www.healthline.com/health/joint-space-narrowing
  • What is joint space narrowing?: https://www.medicalnewstoday.com/articles/319480
  • What Is Joint Space Narrowing?: https://www.verywellhealth.com/joint-space-narrowing-whats-the-significance-2552231
  • Osteoarthritis: https://www.niams.nih.gov/health-topics/osteoarthritis
  • Osteoarthritis (OA): https://www.cdc.gov/arthritis/basics/osteoarthritis.htm

Các bệnh liên quan

  1. Cứng khớp

  2. Khô khớp

  3. Còi xương

  4. Đau lưng dưới

  5. Thoái hóa khớp khuỷu tay

  6. Biến dạng cổ thiên nga

  7. Bệnh Still ở người lớn

  8. Viêm khớp nhiễm khuẩn sinh mủ

  9. Đứt dây chằng

  10. Viêm xương sọ