Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm cơ nhiễm khuẩn là gì? Một số thông tin về viêm cơ nhiễm khuẩn bạn cần biết

Ngày 19/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm cơ nhiễm khuẩn là tình trạng tổn thương cơ do vi khuẩn, một số virus và ký sinh trùng gây nên. Những nguyên nhân gây bệnh thường gặp nhất gồm vi khuẩn tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn, trực khuẩn mủ xanh,… Viêm cơ nhiễm khuẩn cần được phát hiện sớm và điều trị đúng để tránh biến chứng đe dọa tính mạng

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm cơ nhiễm khuẩn là gì?

Viêm cơ nhiễm khuẩn hay còn gọi viêm cơ sinh mủ là tình trạng tổn thương hoặc áp xe tại cơ vân do vi khuẩn, một số virus và ký sinh trùng gây ra. Viêm cơ nhiễm khuẩn xảy ra khi có vi khuẩn gây tổn thương cơ, cơ bị tổn thương sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập sau đó làm tổ và phát triển, gây bệnh.

Để hình thành được viêm cơ nhiễm khuẩn, ngoài việc vi khuẩn xâm nhập vào máu thì cần có tổn thương cơ thông qua các vết thương trên da.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm cơ nhiễm khuẩn

Biểu hiện chính của viêm cơ nhiễm khuẩn là hội chứng nhiễm khuẩn. Bạn thường biểu hiện toàn thân với tình trạng sốt cao liên tục, rét run, hơi thở hôi, mệt mỏi nặng hơn có thể gặp dấu hiệu môi khô, lưỡi bẩn, mắt trũng. Biểu hiện tại chỗ thường là cơ bị viêm. Bất kỳ cơ nào cũng có thể bị viêm, và có thể bị nhiều cơ một lần.

Viêm cơ nhiễm khuẩn thường trải qua 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Xảy ra 2 tuần đầu khi bắt đầu có triệu chứng. Cơ sưng có thể kèm đỏ, đau nhẹ, ấn chắc. Lúc này cơ chưa có mủ. Triệu chứng toàn thân lúc này chưa rõ ràng nên thường bị bỏ qua.
  • Giai đoạn 2: Cơ sẽ to ra, sưng nóng đỏ và đau rõ hơn, có thể có tình trạng phù ấn lõm. Chọc hút lúc này có thể thấy mủ. Giai đoạn các triệu chứng toàn thân khá rõ và thường bạn sẽ được chẩn đoán ở giai đoạn này.
  • Giai đoạn 3: Biểu hiện toàn thân rầm rộ hơn, lúc này có thể đã xuất hiện ổ áp xe, viêm các khớp lân cận, sốc, suy chức năng cơ quan như thận.

Cơ bị viêm sẽ khiến bạn khó cử động động tác do cơ thực hiện trong khi những động tác khác đều bình thường. Khi hình thành khối áp xe, khối này có thể di chuyển đến các cơ quan lân cận.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm cơ nhiễm khuẩn

Viêm cơ nhiễm khuẩn đáp ứng tốt với thuốc nội khoa hoặc dẫn lưu mủ. Nhưng nếu không được điều trị sớm, tình trạng nhiễm khuẩn này có thể diễn tiến xấu đến các biến chứng đe dọa tính mạng:

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán sớm nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào kể trên. Đừng để bệnh diễn tiến nặng gây đe dọa tính mạng của bạn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm cơ nhiễm khuẩn

Nguyên nhân gây viêm cơ nhiễm khuẩn thường gặp nhất là tụ cầu vàng. Ngoài ra một số vi khuẩn khác có thể gây viêm cơ nhiễm khuẩn như liên cầu, lậu cầu, não mô cầu, vi khuẩn Gram âm, các vi khuẩn yếm khí,…

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bệnh viêm cơ nhiễm khuẩn?

  • Viêm cơ nhiễm khuẩn thường gặp ở các nước nhiệt đới.
  • Người có tình trạng suy giảm miễn dịch như đái tháo đường, điều trị corticosteroid trong thời gian dài, ung thư, cơ thể suy kiệt,…
Viêm cơ nhiễm khuẩn là gì? Một số thông tin về viêm cơ nhiễm khuẩn bạn cần biết 4
Những người bị suy kiệt dễ có nguy cơ mắc viêm cơ nhiễm khuẩn hơn

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh viêm cơ nhiễm khuẩn

Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh viêm cơ nhiễm khuẩn gồm:

  • Những người có tình trạng chấn thương hoặc tổn thương da như mụn nhọt, vết thương hở. Là nơi vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và cơ thể để phát triển gây bệnh.
  • Thường xuyên tự nặn mụn không vô khuẩn cũng tăng nguy cơ vi khuẩn xâm nhập.
  • Những người tiêm chích hay thực hiện các thủ thuật hoặc phẫu thuật không đảm bảo vô khuẩn tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh viêm cơ nhiễm khuẩn

Bác sĩ sẽ nghi ngờ đến viêm cơ nhiễm khuẩn dựa vào các triệu chứng tại chỗ và toàn thân mà bạn khai nhận. Để có thể chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm để giúp chẩn đoán xác định và tìm ra nguyên nhân. Bao gồm:

  • Tổng phân tích tế bào máu có thể thấy tăng số lượng bạch cầu, tăng tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính.
  • Tăng tốc độ máu lắng VS, tăng CRP.
  • Tăng procalcitonin nếu bạn bị nhiễm khuẩn nặng.
  • Cấy máu có thể dương tính nếu có tình trạng nhiễm trùng huyết.
  • Cấy mủ từ dịch mủ lấy bằng cách chọc hút dưới hướng dẫn của siêu âm. Cấy vi khuẩn và kháng sinh đồ giúp lựa chọn kháng sinh trong điều trị.
  • Siêu âm cơ: Cho thấy hình ảnh áp xe cơ, cơ tăng thể tích, mất cấu trúc sợi.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan): Được chỉ định khi nghi ngờ viêm cơ thắt lưng chậu cho phép phát hiện tổn thương sớm với độ nhạy cao. Nếu nhìn thấy khí ở cơ thắt lưng chậu có nghĩa là cơ này đang bị áp xe.
  • Cộng hưởng từ (MRI): Là xét nghiệm cho thấy hình ảnh của các tổn thương mô mềm rõ nhất. Nó giúp phân biệt viêm cơ nhiễm khuẩn với viêm tủy xương. Ngoài ra nó cũng đặc biệt hữu ích trong việc phân biệt viêm cơ nhiễm khuẩn sớm.
Viêm cơ nhiễm khuẩn là gì? Một số thông tin về viêm cơ nhiễm khuẩn bạn cần biết 5.
Nuôi cấy vi khuẩn làm kháng sinh đồ

Phương pháp điều trị bệnh viêm cơ nhiễm khuẩn

Viêm cơ nhiễm khuẩn phát hiện sớm có thể chỉ cần điều trị nội khoa đơn thuần với kháng sinh thích hợp trong vòng 6 tuần. Kháng sinh sẽ được chỉ định càng sớm càng sớm bằng đường tĩnh mạch, sau đó có thể chuyển sang đường uống. Việc lựa chọn kháng sinh không cần đợi kết quả cấy vi khuẩn. Bác sĩ sẽ dựa vào kinh nghiệm để lựa chọn dựa trên bệnh sử của bạn. Sau khi có kết quả cấy và kháng sinh đồ, bác sĩ sẽ bổ sung hoặc thay đổi kháng sinh cho phù hợp. 

Viêm cơ nhiễm khuẩn là gì? Một số thông tin về viêm cơ nhiễm khuẩn bạn cần biết 6
Kháng sinh truyền tĩnh mạch là phương pháp điều trị chủ yếu hiện nay

Nếu bạn bị sốt cao và đau nhiều có thể sử dụng thuốc hạ sốt và thuốc giảm đau.

Khi đã hình thành ổ mủ trong cơ thì việc chọc hút dẫn lưu mủ hoặc phẫu thuật để dẫn lưu mủ kèm với cắt bỏ các tổ chức hoại tử có thể giúp ngăn ngừa tái phát bệnh.

Ngoài ra các biến chứng như viêm khớp, dốc, suy thận cũng cần được đánh giá và điều trị tránh đe dọa tính mạng.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm cơ nhiễm khuẩn

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ điều trị của bác sĩ;
  • Đảm bảo vô khuẩn khi thực hiện các thủ thuật như châm cứu, tiêm truyền, tiêm khớp…;
  • Rửa sạch và che chắn tốt các vết loét, trầy xước;
  • Không làm vỡ hoặc cố chích nặn các vết mụn nhọt hoặc mụn ngoài da.
  • Điều trị tốt các bệnh lý làm suy giảm miễn dịch như đái tháo đường, ung thư, HIV…;
  • Tập thể dục thường xuyên;
  • Không hút thuốc lá;
  • Không uống rượu bia hay sử dụng chất kích thích.

Chế độ dinh dưỡng

  • Bổ sung đủ các chất;
  • Hạn chế thức ăn dầu mỡ hay thức ăn chế biến sẵn;
  • Uống đủ nước, ít nhất 2 lít mỗi ngày.

Phương pháp phòng ngừa bệnh viêm cơ nhiễm khuẩn hiệu quả

Bạn có thể phòng ngừa viêm cơ nhiễm khuẩn bằng cách:

  • Đảm bảo vô khuẩn khi thực hiện các thủ thuật như châm cứu, tiêm truyền, tiêm khớp…
  • Điều trị tốt các mụn nhọt trên da;
  • Rửa sạch và che chắn tốt các vết loét, trầy xước;
  • Không làm vỡ hoặc cố chích nặn các vết mụn nhọt hoặc mụn ngoài da.
  • Điều trị tốt các bệnh lý làm suy giảm miễn dịch như đái tháo đường, ung thư, HIV…;
  • Tránh sử dụng corticosteroid kéo dài;
  • Bổ sung đầy đủ các chất;
  • Tăng cường sức khỏe bằng cách tập luyện thể dục thường xuyên;
  • Không hút thuốc lá;
  • Không uống rượu bia hay sử dụng chất kích thích.
Viêm cơ nhiễm khuẩn là gì? Một số thông tin về viêm cơ nhiễm khuẩn bạn cần biết 7
Làm sạch vết thương tránh vi khuẩn xâm nhập

Các câu hỏi thường gặp về bệnh Viêm cơ nhiễm khuẩn

Viêm cơ nhiễm khuẩn có nguy hiểm hay không?

Viêm cơ nhiễm khuẩn là một tình trạng viêm cơ do vi khuẩn và có thể điều trị bằng kháng sinh. Bạn có thể khỏi bệnh nếu đáp ứng tốt với kháng sinh. Tuy nhiên bệnh cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bạn nếu phát hiện bệnh trễ khi đã xảy ra biến chứng như áp xe cơ quan lân cận, sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết,…

Tôi có nguy cơ mắc viêm cơ nhiễm khuẩn hay không?

Ai cũng có thể mắc viêm cơ nhiễm khuẩn. Đặc biệt khi bạn có những yếu tố nguy cơ như mắc bệnh đái tháo đường, ung thư hay sử dụng corticoid kéo dài gây suy giảm miễn dịch. Lúc này nếu có bất kỳ vết thương nào trên da mà không được giữ sạch hoặc khi bạn tiêm chích hay tiến hành các thủ thuật không được vô khuẩn cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh của bạn.

Tôi phải làm gì để phòng ngừa viêm cơ nhiễm khuẩn?

Bạn có thể phòng ngừa viêm cơ nhiễm khuẩn bằng nhiều cách. Đảm bảo vô khuẩn khi thực hiện các thủ thuật như châm cứu, tiêm truyền, tiêm khớp… Không làm vỡ hoặc cố chích nặn các vết mụn nhọt hoặc mụn ngoài da, nếu có thì cần điều trị tốt các mụn nhọt này. Rửa sạch và che chắn tốt các vết loét, trầy xước hay các tổn thương khác trên da. Điều trị tốt các bệnh lý làm suy giảm miễn dịch như đái tháo đường, ung thư, HIV,… Tránh sử dụng corticosteroid trong thời gian dài mà không có sự theo dõi của bác sĩ.

Điều trị bệnh viêm cơ nhiễm khuẩn như thế nào?

Bạn cần đi khám để được chẩn đoán mắc viêm cơ nhiễm khuẩn. Bác sĩ sẽ cho bạn thực hiện cấy nhằm tìm vi khuẩn gây bệnh và tiến hành kháng sinh đồ để xác định kháng sinh nhạy với vi khuẩn đó. Khi chưa có kết quả cấy và kháng sinh đồ, bác sĩ sẽ dựa vào biểu hiện lâm sàng của bạn để chỉ định kháng sinh dựa theo kinh nghiệm cho đến khi có kết quả cấy. Kháng sinh thường được dùng dưới dạng truyền tĩnh mạch và khi tình trạng của bạn đã được kiểm soát bạn sẽ được chuyển sang kháng sinh uống.

Bao lâu thì tôi khỏi bệnh?

Bác sĩ không thể trả lời chính xác thời gian khỏi bệnh của bạn. Việc hồi phục phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe hiện tại, vi khuẩn gây bệnh và đáp ứng của cơ thể bạn với kháng sinh. Do đó, bạn cần nhập viện để có thể được theo dõi và điều trị sát sao nhằm đánh giá đáp ứng với kháng sinh cũng như có thể thay đổi kế hoạch điều trị cho phù hợp với mỗi giai đoạn bệnh.

Nguồn tham khảo
  1. Infectious Myositis: https://emedicine.medscape.com/article/1168167-overview#a6
  2. Everything you need to know about myositis: https://www.medicalnewstoday.com/articles/myositis
  3. Myositis: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24170-myositis
  4. Infective myositis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8412094/
  5. Infectious myositis: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S1521694206001094

Các bệnh liên quan