Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tiêu xương sọ: Bệnh lý hiếm gặp và khó phát hiện

Ngày 23/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tiêu xương sọ là tình trạng suy giảm mật độ xương sọ người. Bệnh thường diễn tiến thầm lặng cho đến khi có biểu hiện triệu chứng. Có nhiều nguyên nhân khiến bạn mắc bệnh tiêu xương sọ và tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra, bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị cụ thể. Bệnh nếu không được điều trị có thể gây nhiều biến chứng như mất thẩm mỹ, nặng hơn là khuyết xương sọ khiến não bộ có thể bị tổn thương.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tiêu xương sọ là gì?

Chức năng chính của hộp sọ:

  • Bảo vệ não bộ và những thành phần khác như mắt, thần kinh và mạch máu.
  • Là bệ đỡ giúp nâng đỡ khuôn mặt.
  • Giúp các cấu trúc được tách biệt và thực hiện được chức năng của mình.

Tiêu xương sọ là tình trạng suy giảm mật độ xương sọ người. Xương sọ của chúng ta được cấu tạo bởi nhiều xương gồm xương trán, xương sàng, xương đỉnh, xương chẩm, xương bướm và xương thái dương và các xương này nối với nhau bởi khớp sọ. Xương sọ tạo thành hộp sọ là phần xương quan trọng trong cơ thể người.

Biểu hiện của tình trạng này là sự sụt giảm xương về cấu trúc, mật độ, số lượng và thể tích xương sọ. Tình trạng này có thể xảy ra ở một xương bất kỳ hoặc toàn bộ tất cả các xương của hộp sọ. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của tiêu xương sọ

Bệnh tiêu xương sọ là một bệnh lý thầm lặng, bạn có thể đã mắc bệnh từ trước nhưng không phát hiện ra cho đến khi biểu hiện triệu chứng, lúc này tình trạng bệnh có thể đã diễn tiến nặng. Các triệu chứng có thể gặp:

  • Sốt;
  • Đau đầu;
  • Mệt mỏi;
  • Chóng mặt;
  • Buồn nôn, nôn;
  • Biến dạng vùng đầu;
  • Suy giảm nhận thức, trí nhớ;
  • Giảm khả năng tập trung và suy nghĩ.
Tiêu xương sọ: Bệnh lý hiếm gặp và khó phát hiện 1.jpg
Bệnh làm giảm khả năng tập trung của bạn

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh tiêu xương sọ

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh tiêu xương sọ có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng là khuyết hộp sọ. Việc khuyết hộp sọ có thể khiến não bộ thiếu sự bảo vệ, do đó dễ bị tác động từ bên ngoài và chấn thương dù nhẹ cũng có thể làm tổn thương não bộ nặng nề. Mất thẩm mỹ có thể khiến bạn dễ bị xa lánh, trầm cảm. Động kinh và chậm phát triển tâm thần cũng có thể xảy ra.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nêu trên, hãy đến khám ngay bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được chẩn đoán và điều trị sớm tránh diễn tiến nặng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến tiêu xương sọ

Xương được duy trì nhờ hoạt động cân bằng giữa tạo cốt bào và hủy cốt bào. Những nguyên nhân gây tiêu xương sọ sẽ làm giảm chức năng của tạo cốt bào hoặc làm tăng hoạt động hủy cốt bào hoặc cả hai. Một số nguyên nhân có thể gây bệnh tiêu xương sọ:

  • Phẫu thuật thay thế hộp sọ bằng mảnh ghép giả, chúng có thể quay ra tấn công ngược lại xương sọ của bạn do những mảnh ghép giả này được cơ thể xem như vật lạ. Từ đó kích hoạt hệ thống miễn dịch làm hệ thống miễn dịch cơ thể quay ra tấn công chính mô của cơ thể.
  • Khối u não di căn xương sọ.
  • Khối u hoặc u nang tại xương sọ.
  • Viêm xương sọ mạn tính.
  • Nhiễm trùng.
  • Tiêu xương sọ sau chấn thương sọ não.
  • Đa u tủy, viêm tủy xương.
  • Lao xương.
  • Hội chứng Gorham-Stout (gây tiêu xương, bệnh hiếm gặp).
Tiêu xương sọ: Bệnh lý hiếm gặp và khó phát hiện 2.jpg
U não di căn xương sọ có thể là một nguyên nhân khiến bạn mắc bệnh

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải tiêu xương sọ?

Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc phải tiêu xương sọ là:

  • Những người có tiền sử phẫu thuật ghép xương sọ bằng mảnh ghép giả.
  • Làm những công việc nguy cơ cao chấn thương sọ não.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải tiêu xương sọ

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải tiêu xương sọ:

  • Người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Đang mắc bệnh ung thư.

 

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm tiêu xương sọ

Để chẩn đoán bệnh tiêu xương sọ, bác sĩ sẽ khai thác diễn tiến triệu chứng, tiền sử chấn thương và phẫu thuật xương sọ trong quá khứ của bạn. Vì bệnh tiêu xương sọ là bệnh lý thầm lặng nên việc chẩn đoán có thể gặp nhiều khó khăn.

Tiêu xương sọ: Bệnh lý hiếm gặp và khó phát hiện 5
Bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh lý của người bệnh

Các xét nghiệm được chỉ định hỗ trợ chẩn đoán:

  • X-quang hộp sọ: Có thể nhìn thấy sự mòn hoặc vết nứt trên xương sọ.
  • CT-scan hộp sọ: Tạo hình ảnh 3 chiều, cho thấy xương sọ của bạn có bị bào mỏng đi hay không hoặc liệu có khối u đang tồn tại hay không.
  • MRI (chụp cộng hưởng từ): Cho thấy hình ảnh chi tiết về xương sọ cũng như các cấu trúc xung quanh hộp sọ. Xét nghiệm này có thể gợi ý nguyên nhân gây ra tình trạng tiêu xương sọ.
  • Xét nghiệm máu: Phát hiện tình trạng tăng bạch cầu gợi ý viêm, nhiễm trùng.

Điều trị tiêu xương sọ

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh tiêu xương sọ mà bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị phù hợp.

Nếu do mảnh ghép thay thế hộp sọ gây ra, bạn cần lựa chọn phương pháp điều trị khác để thay thế một phần hoặc toàn bộ mảnh ghép giả bằng mô cấy tự thân.

Nếu do những nguyên nhân khác thì điều trị nguyên nhân là phương pháp điều trị chính. Ví dụ, nếu do tình trạng viêm hay nhiễm trùng và tình trạng khuyết sọ chưa xảy ra, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh để điều trị chấm dứt tình trạng viêm nhiễm. Nếu nguyên nhân do lao, thuốc kháng lao sẽ được kê đơn.

Nếu như bệnh tiêu xương sọ gây ra tình trạng khuyết xương sọ thì bạn có thể sẽ cần đến phẫu thuật tạo hình phần sọ đã bị khuyết như ghép sọ tự thân, ghép sọ bằng mảnh ghép nhân tạo.

Ngoài ra, tùy vào các triệu chứng của bạn mà bác sĩ có thể chỉ định thêm một số phương pháp nhằm quản lý các triệu chứng kèm theo như bài tập trí nhớ, bài tập tăng cường nhận thức.

Tiêu xương sọ: Bệnh lý hiếm gặp và khó phát hiện 4.jpg
Phẫu thuật ghép sọ là một phương pháp điều trị bệnh

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của tiêu xương sọ

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ phương pháp điều trị của bác sĩ.
  • Điều trị tốt các bệnh lý đang mắc có thể gây tiêu xương sọ.
  • Ngủ đủ giấc, không thức khuya.
  • Vận động và tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức khỏe.
  • Hạn chế các môn thể thao dễ gây chấn thương cho bạn như đá banh, bóng chuyền…

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng.
  • Chế độ ăn lành mạnh, ưu tiên rau củ quả, trái cây.
  • Không cần kiêng cữ bất kỳ thức ăn gì.

Phòng ngừa tiêu xương sọ

Bạn không thể phòng ngừa bệnh tiêu xương sọ. Bệnh thường diễn tiến thầm lặng do đó hãy chú ý một số điều sau:

  • Khám bác sĩ khi có bất cứ triệu chứng nào kể trên.
  • Thực hành lối sống lành mạnh, tập luyện thể thao thường xuyên.
  • Điều trị tốt các bệnh lý có thể khiến bạn mắc bệnh tiêu xương sọ.

Các câu hỏi thường gặp về tiêu xương sọ

Suy giảm nhận thức có phải là triệu chứng của bệnh tiêu xương sọ?

Đúng, tuy nhiên triệu chứng suy giảm nhận thức cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác gây ra. Do đó, nếu có triệu chứng này, hãy đi khám bác sĩ thần kinh ngay.

Tôi có bắt buộc phải phẫu thuật nếu mắc bệnh này?

Nếu bạn mắc bệnh tiêu xương sọ, bạn sẽ cần phải phẫu thuật nếu nguyên nhân gây ra bệnh là do bạn đã từng có tiền sử phẫu thuật cấy ghép mảnh ghép nhân tạo vào hộp sọ và mảnh ghép này gây kích thích hệ miễn dịch khiến chúng tấn công chính cơ thể bạn hoặc bệnh tiêu xương sọ của bạn đã diễn tiến đến biến chứng khuyết hộp sọ.

Tôi có thể phòng ngừa bệnh tiêu xương sọ hay không?

Không, bệnh thường diễn tiến thầm lặng cho đến khi đã tổn thương nhiều mới biểu hiện triệu chứng. Do đó, hãy luôn chú ý đến sức khỏe của bản thân để khám và phát hiện sớm bệnh.

Tôi có được ăn thịt nếu mắc bệnh?

Bạn không bắt buộc phải kiêng cữ bất kỳ thực phẩm nào. Do đó, hãy bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho bản thân mình.

Bệnh này có di truyền hay không?

Hiện nay vẫn chưa có báo cáo nào cho thấy bệnh này sẽ di truyền cho con cái của người mắc bệnh.

Nguồn tham khảo
  1. Jeong SH, Hong N, Lee HS, Han S, Lee YG, Lee Y, Rhee Y, Sohn YH, Lee PH. Low skull bone density is associated with poor motor prognosis in women with Parkinson's disease. Front Aging Neurosci. 2022 Nov 15;14:1053786. doi: 10.3389/fnagi.2022.1053786
  2. Jin F, Song J, Luo Y, Wang B, Ding M, Hu J, Chen Z. Association between skull bone mineral density and periodontitis: Using the National Health and Nutrition Examination Survey (2011-2014). PLoS One. 2022 Dec 30;17(12):e0271475. doi: 10.1371/journal.pone.0271475.
  3. Schoch RR. Amphibian skull evolution: the developmental and functional context of simplification, bone loss and heterotopy. J Exp Zool B Mol Dev Evol. 2014 Dec;322(8):619-30. doi: 10.1002/jez.b.22599.
  4. Kohan E, Roostaeian J, Yuan JT, Fan KL, Federico C, Kawamoto H, Bradley JP. Customized bilaminar resorbable mesh with BMP-2 promotes cranial bone defect healing. Ann Plast Surg. 2015 May;74(5):603-8. doi: 10.1097/01.sap.0000465206.62522.af.
  5. Lin C, Zhang Y, Dong S, Wu J, Zhang C, Wan X, Zhang S. Application of mixed reality-based surgical navigation system in craniomaxillofacial trauma bone reconstruction. Hua Xi Kou Qiang Yi Xue Za Zhi. 2022 Dec 1;40(6):676-684. English, Chinese. doi: 10.7518/hxkq.2022.06.008. 

Các bệnh liên quan

  1. Đứt dây chằng

  2. Viêm gân bánh chè

  3. Biến dạng cổ thiên nga

  4. Hội chứng Sudeck

  5. Viêm khớp mắt cá chân

  6. Lõm ngực bẩm sinh

  7. Đau lưng dưới

  8. Đau bả vai

  9. Rách sụn chêm khớp gối

  10. U xương