Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hội chứng đường hầm xương quay là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 30/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hội chứng đường hầm xương quay (Radial tunnel syndrome) đề cập đến bệnh lý thần kinh gian cốt sau bị chèn ép trong đường hầm quay. Các triệu chứng bao gồm đau mà không có rối loạn vận động hay cảm giác. Thường được điều trị nội khoa bảo tồn, và chỉ định phẫu thuật tùy vào tình huống.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hội chứng đường hầm xương quay là gì?

Hội chứng đường hầm xương quay (Radial tunnel syndrome) đề cập đến một tình trạng hiếm gặp đó là thần kinh gian cốt sau bị chèn ép khi đi qua đường hầm quay.

Hội chứng đường hầm xương quay sẽ dẫn đến triệu chứng đau mà không có rối loạn cảm giác hay vận động kèm theo. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, thần kinh gian cốt bị nén, gây tổn thương các sợi myelin của thần kinh gian cốt sau dẫn đến yếu các nhóm cơ duỗi cổ tay. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng đường hầm xương quay

Bạn có thể cảm giác đau nhức khuỷu tay ở mặt ngoài hoặc đau ở khu vực cẳng tay. Cơn đau có thể dai dẳng khiến bạn mệt mỏi, tình trạng đau có thể nặng hơn trong một vài hoạt động như:

  • Các vận động đòi hỏi phải sử dụng nhiều cổ tay và cánh tay;
  • Nâng hoặc xách vật nặng;
  • Duỗi khuỷu quá mức;
  • Uốn cong cổ tay, xoay cổ tay.

Biến chứng có thể gặp khi mắc hội chứng đường hầm xương quay

Theo thời gian, hội chứng đường hầm xương quay nặng lên có thể làm yếu các cơ cẳng tay và sức mạnh của cổ tay, ảnh hưởng đến việc cầm hoặc nâng đồ vật trở nên khó khăn. Cơn đau cẳng tay kéo dài cũng có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn.

Hội chứng đường hầm xương quay là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Tình trạng đau kéo dài có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ

Việc điều trị với phẫu thuật cũng có thể dẫn đến các biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng và tổn thương dây thần kinh do điều trị.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn gặp triệu chứng đau ở vùng mặt ngoài khuỷu, cẳng tay không thuyên giảm, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Các triệu chứng của hội chứng đường hầm xương quay có thể tương tự với hội chứng khuỷu tay quần vợt (tennis elbow), vì vậy quan trọng là bạn phải mô tả rõ các triệu chứng của mình với bác sĩ.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng đường hầm xương quay

Dây thần kinh quay (bắt nguồn từ đám rối cánh tay), khi chạy đến rãnh nhị đầu ngoài sẽ phân làm hai nhánh nông và sâu, nhánh sâu là dây thần kinh gian cốt sau. Đường hầm xương quay được định nghĩa là một khoảng trống kích thước 5cm ở mặt sau cẳng tay, kéo dài từ khớp lồi cầu quay đến đầu gần của cơ ngửa. Khi dây thần kinh quay đi ở khu vực đường hầm quay, được bao quanh bởi cơ và dây chằng, bất cứ yếu tố nào gây áp lực sẽ dẫn đến tình trạng chèn ép dẫn đến hội chứng đường hầm xương quay.

Các hoạt động có thể gây ảnh hưởng bao gồm:

  • Lặp đi lặp lại một số chuyển động nhất định như đánh máy, sử dụng tua vít.
  • Liên tục đưa tay thực hiện động tác kéo và đẩy.
  • Chấn thương trực tiếp mạnh vào mặt ngoài khuỷu và cẳng tay.
  • Uốn cong cẳng tay quá mức.
Hội chứng đường hầm xương quay là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Chuyển động lặp đi lặp lại như đánh máy tính có thể dẫn đến hội chứng đường hầm xương quay

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc hội chứng đường hầm xương quay?

Hội chứng đường hầm xương quay phổ biến nhất ở những người trong độ tuổi từ 30 đến 50. Phụ nữ có khả năng mắc tình trạng này cao hơn nam giới.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đường hầm xương quay

Một số yếu tố nguy cơ khác có thể khiến bạn có nguy cơ mắc hội chứng đường hầm xương quay cao hơn, bao gồm:

  • Cổ tay và cánh tay yếu, kém linh hoạt;
  • Không khởi động trước khi chơi thể thao;
  • Đái tháo đường;
  • Suy chức năng tuyến giáp;
  • Các khối u hoặc nang ở cánh tay;
  • Sưng hoặc chảy dịch ở cách tay;
  • Viêm dây thần kinh quay.
Hội chứng đường hầm xương quay là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
Không khởi động trước khi chơi thể thao là yếu tố nguy cơ của hội chứng đường hầm xương quay

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hội chứng đường hầm xương quay

Không có xét nghiệm hình ảnh chính thức nào có thể chẩn đoán hội chứng đường hầm xương quay, điều này khiến việc chẩn đoán tình trạng này trở nên khó khăn. Mặc dù vậy, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm như X-quang, MRI hoặc đo điện cơ để có thể loại trừ các chẩn đoán khác.

MRI cũng rất hữu ích trong việc đánh giá vị trí thường gặp của hội chứng đường hầm xương quay, xác định các nguyên nhân khác có thể gây chèn ép như khối u, u nang, hoặc cal xương bất thường.

Tuy nhiên như đã đề cập, các xét nghiệm chủ yếu là để loại trừ các chẩn đoán khác. Vì trong hầu hết trường hợp hội chứng đường hầm xương quay, hình ảnh học tiên tiến như MRI thường có kết quả âm tính.

Phương pháp điều trị hội chứng đường hầm xương quay hiệu quả

Việc điều trị hội chứng đường hầm xương quay ban đầu không cần phẫu thuật, bao gồm thay đổi lối sống, dùng thuốc chống viêm và nẹp có thể tháo rời. Các điều trị có thể bao gồm:

  • Dùng thuốc chống viêm không kê đơn.
  • Tiêm steroid để giảm viêm và giảm áp lực lên thần kinh nếu cần thiết.
  • Đẹp nẹp cổ tay và/hoặc khuỷu tay để giảm cử động và kích thích thần kinh quay.

Bạn cũng có thể tham khảo các bài tập vật lý trị liệu có thể giúp ích bao gồm:

  • Kéo giãn cổ tay;
  • Căng giãn cơ cổ tay;
  • Ngửa cổ tay.

Nếu việc điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả, phẫu thuật giải nén và giảm áp lực có thể được chỉ định.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng đường hầm xương quay

Chế độ sinh hoạt:

  • Tránh các hoạt động đòi hỏi duỗi khuỷu tay liên tục.
  • Tránh các hoạt động gập cổ tay, sấp cổ tay liên tục.
  • Tránh nâng, kéo, đẩy vật nặng.
  • Nghỉ ngơi nhiều hơn giữa thời gian làm việc, đặc biệt là các công việc đòi hỏi hoạt động liên tục ở cổ tay.
  • Giãn cơ trước khi tham gia thể thao.
Hội chứng đường hầm xương quay là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Tránh nâng, kéo hay đẩy vật nặng để hạn chế diễn tiến của hội chứng đường hầm xương quay

Bên cạnh đó, khi có chỉ định phẫu thuật và hoàn thành điều trị với phẫu thuật, bạn cần tham khảo một số bài tập nhẹ nhàng, kết hợp xoa bóp, giãn cơ để có thể cải thiện phạm vi chuyển động của tay.

Trong giai đoạn phục hồi bạn cũng cần tránh khiêng, nâng vật nặng, việc tập các bài tập tăng cường sức mạnh cho cẳng tay nên dưới sự hướng dẫn và quan sát của bác sĩ.

Chế độ dinh dưỡng: Không có một chế độ dinh dưỡng cụ thể cho tình trạng hội chứng đường hầm xương quay. Bạn có thể tuân thủ theo chế độ ăn theo các bệnh lý nền (nếu có). Hoặc bạn cũng có thể tham khảo việc tuân theo chế độ ăn chống viêm, có thể giúp giảm viêm và giảm đau. Chế độ ăn này bao gồm việc tập trung vào nguồn thực phẩm từ thực vật như rau củ quả, đạm động vật từ các loại cá. Đồng thời, nên hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm chiên nướng, chế độ ăn quá nhiều muối và đường.

Phương pháp phòng ngừa hội chứng đường hầm xương quay hiệu quả

Để phòng ngừa hội chứng đường hầm xương quay, bạn nên:

  • Hạn chế các hoạt động liên tục của vùng cổ tay, cẳng tay.
  • Hạn chế khiêng, kéo, đẩy các vật nặng.
  • Nếu thời gian làm việc (như với máy tính) kéo dài, bạn nên nghỉ ngơi giữa các khoảng làm việc.
  • Tránh chấn thương vùng khuỷu và cẳng tay.
  • Tránh uốn cong cẳng tay quá mức.

Các câu hỏi thường gặp về hội chứng đường hầm xương quay

Hội chứng đường hầm xương quay điều trị bao lâu thì hết?

Nếu tích cực điều trị thay đổi lối sống, vật lý trị liệu và sử dụng thuốc, thông thường hầu hết mọi người sẽ cải thiện triệu chứng trong vòng 3 tuần đến 6 tuần điều trị.

Phẫu thuật có giúp điều trị khỏi hội chứng đường hầm xương quay không?

Nếu không đáp ứng với điều trị bảo tồn, bạn có thể được chỉ định phẫu thuật. Việc phẫu thuật có thể giúp cải thiện các triệu chứng, nhưng với thời gian hồi phục có thể kéo dài từ 9 tháng đến 18 tháng. Tuy nhiên, một số người vẫn có thể còn đau ngay cả khi phẫu thuật.

Tôi có được chơi tennis nếu bị hội chứng đường hầm xương quay không?

Không nên, nếu đang được điều trị hội chứng đường hầm xương quay, bạn cần hạn chế các hoạt động gây duỗi khuỷu liên tục. Sau khi điều trị khỏi triệu chứng, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về các hoạt động và tần suất thực hiện để có thể hạn chế tái phát.

Nhân viên văn phòng nên hoạt động như thế nào nếu mắc hội chứng đường hầm xương quay?

Vì tính chất công việc phải làm việc với máy tính (đánh máy) liên tục, là một yếu tố nguy cơ của hội chứng đường hầm xương quay. Bạn nên nghỉ ngơi giữa các khoảng làm việc, tránh làm việc liên tục, tập các bài tập giúp giãn cổ tay cũng có thể giúp giảm đau.

Người chơi thể thao làm sao để ngăn ngừa được hội chứng đường hầm xương quay?

Đối với việc chơi thể thao, đặc biệt là các môn sử dụng cổ tay, cẳng tay liên tục (bóng chày, tennis), để hạn chế hội chứng đường hầm xương quay, bạn nên khởi động kỹ trước khi chơi, để tránh các tình trạng căng giãn đột ngột vùng cẳng tay.

Nguồn tham khảo
  1. Radial Tunnel Syndrome: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK555937/
  2. Radial Tunnel Syndrome: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15658-radial-tunnel-syndrome
  3. Radial Tunnel Syndrome: https://www.assh.org/handcare/condition/radial-tunnel-syndrome
  4. Radial Tunnel Syndrome (Posterior Interosseous Nerve Syndrome): https://www.msdmanuals.com/home/bone,-joint,-and-muscle-disorders/hand-disorders/radial-tunnel-syndrome
  5. Radial Tunnel Syndrome: What Is It, and How Is It Treated?: https://www.healthline.com/health/radial-tunnel-syndrome

Các bệnh liên quan

  1. Gai khớp gối

  2. Viêm khớp tay

  3. Hẹp khe khớp gối

  4. Viêm khớp háng

  5. Rách sụn viền khớp vai

  6. Viêm gân nhị đầu vai

  7. Đứt dây chằng

  8. Run vô căn

  9. Viêm đa dây thần kinh

  10. Đau lưng