Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nhịp nhanh nhĩ: Phòng ngừa và điều trị như thế nào?

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhịp nhanh nhĩ là tình trạng rối loạn nhịp tim với nhịp tim lớn hơn 100 lần mỗi phút (ở người lớn) xuất phát từ tâm nhĩ. Bệnh có thể gặp cả ở những người không có bệnh tim. Đa số nhịp nhanh nhĩ là lành tính nhưng theo thời gian nếu không được điều trị, có thể làm tổn thương cơ tim. Hãy đến khám bác sĩ tim mạch nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nhịp nhanh nhĩ là gì?

Nhịp nhanh nhĩ là tình trạng nhịp tim nhanh bất thường, xuất phát từ tâm nhĩ hay từ buồng trên của tim. Đây là một loại nhịp tim nhanh trên thất, nghĩa là nhịp tim nhanh này bắt đầu ở phía trên tâm thất (hay buồng dưới của tim).

Thông thường, nhịp tim được tạo ra do sự dẫn truyền điện trong tim và được phát nhịp từ nút xoang nằm ở nhĩ phải. Nhịp nhanh nhĩ là khi nhịp tim nhanh hơn 100 lần mỗi phút và được phát nhịp từ tâm nhĩ đối với người trường thành.

Nhịp nhanh nhĩ là một tình trạng nhịp tim không đều hay còn gọi là rối loạn nhịp tim. Một số rối loạn nhịp tim khác cũng xuất phát từ tâm nhĩ gồm rung nhĩ và cuồng nhĩ. Loại rối loạn nhịp này thường không nguy hiểm nhưng đây thường là dấu hiệu báo động cho một bệnh lý tim mạch tiềm ẩn cần điều trị. 

Có 3 loại nhịp nhanh nhĩ gồm:

  • Nhịp nhanh nhĩ đơn ổ là nhịp nhanh trên thất đều với 1 ổ phát nhịp duy nhất ở tâm nhĩ.
  • Nhịp nhanh nhĩ đa ổ là nhịp nhanh trên thất không đều và có nhiều ổ cùng phát nhịp.
  • Nhịp nhanh vào lại nhĩ thất: Thường gặp sau phẫu thuật tim và có thể dẫn đến bệnh cơ tim.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhịp nhanh nhĩ

Triệu chứng chính của nhịp nhanh nhĩ là cảm giác tim đập nhanh hơn bình thường. Nếu bạn bắt mạch của mình, bạn có thể thấy tim đập nhanh hơn 100 lần mỗi phút. Các nhịp nhanh này xuất hiện từng đợt hoặc đột ngột, có thể kéo dài liên tục hoặc lặp đi lặp lại.

Một số triệu chứng khác bạn có thể nhận thấy gồm:

  • Chóng mặt;
  • Ngất;
  • Cảm thấy thường xuyên hụt hơi hoặc cảm giác không đủ không khí để thở;
  • Mệt mỏi;
  • Đau ngực hoặc cảm thấy khó chịu ở vùng ngực, đánh trống ngực.

Tuy nhiên, một số người có nhịp nhanh nhĩ nhưng vẫn không biểu hiện triệu chứng.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh nhịp nhanh nhĩ

Theo thời gian, nhịp nhanh nhĩ có thể làm tổn thương tim làm cơ tim bị suy yếu gây ra bệnh cơ tim. Ngoài ra, nhịp nhanh nhĩ có thể gây biến chứng trầm trọng nếu không được được điều trị như ngừng tim hoặc ngất.

Một số biến chứng khác có thể gặp:

  • Huyết khối tâm nhĩ dẫn đến thuyên tắc tĩnh mạch và đột quỵ;
  • Nhồi máu cơ tim;
  • Thuyên tắc phổi.

Cơn đau tim có thể xảy ra khi lượng máu cung cấp cho tim không đủ. Các triệu chứng gồm:

  • Đau ngực, cảm giác ép chặt hoặc bóp nghẹt;
  • Đau có thể lan đến cánh tay, cổ, hàm hoặc sau lưng;
  • Buồn nôn và nôn;
  • Dễ đổ mồ hôi hoặc da ẩm ướt;
  • Ợ nóng hoặc khó tiêu;
  • Hụt hơi;
  • Ho hoặc khò khè;
  • Chóng mặt hoặc mê sảng;
  • Lo lắng, hoảng loạn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn có một triệu chứng bất kỳ dưới đây, hãy đi đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn:

  • Nhịp tim nhanh khi không tập thể dục hoặc căng thẳng;
  • Cảm thấy khó thở hoặc chóng mặt khi nhịp tim tăng;
  • Đau ngực.

Hãy gọi cấp cứu ngay lập tức khi bạn hoặc người thân hoặc người qua đường có dấu hiệu:

  • Ngưng tim;
  • Bất tỉnh, không phản ứng;
  • Cơn đau tim.

Nếu trước khi xe cấp cứu đến mà người bệnh ngưng tim ngưng thở, hãy tiến hành ép tim ngoài lồng ngực bằng tay:

  • Người bệnh nằm ngửa trên mặt phẳng, ở nơi an toàn.
  • Quỳ bên cạnh người bệnh.
  • Gót bàn tay đặt giữa ngực của người bệnh, khoảng giữa 2 núm vú, bàn tay còn lại đặt lên trên tay kia.
  • Giữ cho khuỷu tay thẳng, ấn thẳng xuống sao cho ngực lõm xuống ít nhất 5cm và không quá 6cm với tốc độ 100 - 120 lần mỗi phút.
Nhịp nhanh nhĩ: Phòng ngừa và điều trị như thế nào? 7
Ép tim ngoài lồng ngực đúng cách giúp cứu sống người bệnh ngưng tim ngưng thở

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nhịp nhanh nhĩ

Những người chưa từng được chẩn đoán mắc bệnh tim mạch vẫn có thể gặp tình trạng nhịp nhanh nhĩ. Thông thường, đây là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn như bệnh mạch vành hoặc bất thường cấu trúc của tim, có thể xuất hiện từ khi sinh ra nhưng chưa được phát hiện hoặc mới xuất hiện gần đây.

Nhịp nhanh nhĩ có xu hướng xuất hiện ở những người có bệnh tim cấu trúc, có hoặc không suy tim và bệnh mạch vành. Tuy nhiên, nhịp nhanh nhĩ đơn ổ thường xuất hiện ở người khỏe mạnh không có bệnh tim cấu trúc. Các nguyên nhân khác:

  • Thiếu oxy như thiếu máu nặng, tập thể dục,...
  • Bệnh đường hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
  • Bệnh mạch vành, bệnh tim thiếu máu cục bộ.
  • Sử dụng chất kích thích: Cocain, caffeine, sô cô la,....
  • Rượu bia.
  • Rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, hạ kali máu….
  • Ngộ độc digoxin (một loại thuốc giúp tăng co bóp cơ tim).

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc nhịp nhanh nhĩ

Nhịp nhanh nhĩ là một rối loạn nhịp trên thất, những người có nguy cơ xuất hiện tình trạng này gồm:

  • Xuất hiện ở mọi độ tuổi nhưng phổ biến hơn ở trẻ em và người lớn mắc bệnh tim bẩm sinh.
  • Những người trẻ tuổi mắc rối loạn lo âu.
  • Tiền sử phẫu thuật tim như thông liên nhĩ hoặc mắc bệnh tim cấu trúc như thiếu máu cục bộ, bệnh van tim.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải nhịp nhanh nhĩ

Một số yếu tố có thể gây ra các cơn nhịp nhanh nhĩ, bao gồm:

  • Nồng độ oxy trong máu thấp như sau khi chạy bộ, tập thể dục hoặc vận động mạnh.
  • Sử dụng chất kích thích như caffeine hoặc cocaine.
  • Sử dụng rượu.
  • Bệnh đường hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), thuyên tắc phổi.
  • Rối loạn chuyển hóa như mất cân bằng dinh dưỡng, đái tháo đường, hạ kali máu, hạ magie máu, tăng nito máu.
  • Một số loại thuốc như digoxin.
Nhịp nhanh nhĩ: Phòng ngừa và điều trị như thế nào? 6
Các chất kích thích có thể làm tăng nguy cơ nhịp nhanh nhĩ

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhịp nhanh nhĩ

Kiểm tra sức khỏe

Bệnh sử và tiền sử bệnh lý, phẫu thuật cũng như các loại thuốc đang sử dụng tại nhà cần được báo cho bác sĩ. Tiền sử sử dụng thuốc lá, rượu bia, ma túy bất hợp pháp hoặc các chất kích thích hay không.

Bất thường trong tần số tim là dấu hiệu nghi ngờ rối loạn nhịp, tần số tim có thể đều hoặc không đều. Huyết áp có thể bình thường hoặc thấp ở những người có biểu hiện mệt mỏi, chóng mặt.

Xét nghiệm máu

Một số xét nghiệm máu giúp loại trừ các nguyên nhân do nội tiết, chuyển hóa:

  • Điện giải đồ giúp loại trừ nguyên nhân do rối loạn điện giải;
  • Công thức máu toàn phần giúp loại trừ nguyên nhân thiếu máu;
  • Khí máu động mạch để loại trừ nguyên nhân từ hô hấp.

Điện tâm đồ 12 chuyển đạo (ECG)

ECG giúp chẩn đoán xác định và phân biệt các rối loạn nhịp tim, trong đó có nhịp nhanh nhĩ. Đôi khi điện tâm đồ có thể không phát hiện ra vì lúc này bạn đang không có tình trạng rối loạn nhịp. Theo dõi liên tục có thể giúp phát hiện bệnh lý rối loạn nhịp tim.

Nhịp nhanh nhĩ: Phòng ngừa và điều trị như thế nào? 5
Điện tâm đồ là phương pháp giúp chẩn đoán nhanh chóng

Nếu ECG không ghi nhận được bất thường, bác sĩ có thể đề nghị bạn đeo máy holter trong 24 giờ để ghi lại các thời điểm xuất hiện triệu chứng bất thường. Hoặc bạn sẽ được chỉ định nhập viện để bác sĩ theo dõi. Hoặc bạn sẽ được tiến hành đo điện tâm đồ khi gắng sức, tức là bác sĩ sẽ đánh giá nhịp tim của bạn khi bạn tập thể dục hay chạy bộ.

Các phương pháp khác

Một số xét nghiệm khác giúp chẩn đoán xác định nguyên nhân gây nhịp nhanh nhĩ:

  • X-quang ngực: Đánh giá nguyên nhân do bệnh phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc đánh giá kích thước và cấu trúc tim như người bệnh có bệnh cơ tim do nhịp nhanh hay bệnh tim bẩm sinh.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan): Đánh giá cấu trúc giải phẫu tim, nhất là tĩnh mạch phổi nhằm loại trừ nguyên nhân tắc mạch phổi; cung cấp hình ảnh trước khi thực hiện thủ thuật trên tim.
  • Siêu âm tim: Đánh giá bệnh tim cấu trúc, kích thước nhĩ trái, áp lực động mạch phổi, chức năng tâm thất trái và bệnh lý màng ngoài tim.

Phương pháp điều trị nhịp nhanh nhĩ hiệu quả

Nếu bạn có nguy cơ thấp hoặc không có bệnh tim tiềm ẩn và các triệu chứng hiếm khi xảy ra hoặc không ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn, bác sĩ có thể đề nghị tiếp tục theo dõi.

Bước đầu của điều trị là kiểm soát nguyên nhân gây nhịp nhanh nhĩ. Ví dụ như giảm lượng caffeine, kiểm soát căng thẳng hoặc điều trị bệnh tim.

Dùng thuốc

Là phương pháp điều trị chính của nhịp nhanh nhĩ giúp kiểm soát tần số tim. Bác sĩ sẽ chỉ định những loại thuốc giúp làm chậm nhịp tim như chẹn kênh canxi hoặc thuốc chẹn beta. Thuốc có thể sử dụng hàng ngày hoặc chỉ khi có triệu chứng và cần được sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ.

  • Thuốc chẹn beta: Ức chế các chất dẫn truyền thần kinh, từ đó làm chậm nhịp tim.
  • Thuốc chẹn kênh canxi: Làm giảm tính nhạy cảm của tế bào cơ tim với tín hiệu điện, cản trở quá trình co cơ, từ đó làm giảm nhịp tim.
  • Các loại thuốc điều trị rối loạn nhịp khác như adenosine hoặc amiodarone.

Không dùng thuốc

Khi người bệnh không đáp ứng với thuốc, bác sĩ có thể lựa chọn một trong những phương pháp dưới đây:

  • Sốc điện chuyển nhịp: Được chỉ định cho những người bệnh có huyết động không ổn định hoặc những người bệnh có chống chỉ định/không đáp ứng với thuốc kiểm soát nhịp.
  • Triệt phá qua catheter: Được chỉ định khi người bệnh không đáp ứng những phương pháp điều trị khác.
  • Phẫu thuật cắt đốt: Khi triệt phá qua catheter không hiệu quả và thường được chỉ định trên người bệnh có bệnh tim bẩm sinh.
Nhịp nhanh nhĩ: Phòng ngừa và điều trị như thế nào? 3
Sốc điện chuyển nhịp khi người bệnh nhịp nhanh nhĩ có huyết động không ổn định

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nhịp nhanh nhĩ

Chế độ sinh hoạt:

Một lối sống lành mạnh giúp bạn hạn chế tiến triển nặng của bệnh cũng như xuất hiện các biến chứng của nhịp nhanh nhĩ:

  • Điều trị các bệnh lý đang mắc.
  • Ngưng sử dụng các sản phẩm chứa caffeine hoặc các chất kích thích khác.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Ngưng hút thuốc lá cả thụ động và chủ động.
  • Hạn chế sử dụng rượu bia vì nó sẽ gây hại cho tim.
  • Không tự ý mua thuốc theo toa mà không hỏi ý kiến của bác sĩ.

Chế độ dinh dưỡng: Chế độ ăn uống cân bằng.

Phương pháp phòng ngừa nhịp nhanh nhĩ hiệu quả

Nhịp nhanh nhĩ không thể đoán trước và không thể phòng ngừa. Bạn có thể giảm nguy cơ xuất hiện và tiến triển của bệnh hoặc ngăn ngừa phát triển các bệnh mạn tính như bệnh mạch vành:

  • Điều trị tốt các bệnh lý đường hô hấp và tim mạch.
  • Tránh các chất kích thích như caffeine và sô cô la, cocain,....
  • Hạn chế uống nhiều rượu.
  • Bỏ hút thuốc lá.
  • Xây dựng chế độ ăn uống và tập thể dục hợp lý giúp tim khỏe mạnh.
Nguồn tham khảo
  1. What to know about atrial tachycardia: https://www.medicalnewstoday.com/articles/atrial-tachycardia
  2. Atrial Tachycardia: https://emedicine.medscape.com/article/151456-overview#a1
  3. Atrial Tachycardia: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK542235/
  4. Atrial Tachycardia: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/atrial-tachycardia
  5. Atrial Tachycardia: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21800-atrial-tachycardia 

Các bệnh liên quan

  1. Thông liên nhĩ

  2. Phình động mạch chủ bụng

  3. huyết áp tâm trương cao

  4. Đau tim

  5. Viêm động mạch thái dương

  6. Hở van ba lá

  7. Nhịp tim chậm

  8. Giãn tĩnh mạch

  9. Viêm đa vi mạch

  10. Hạ thân nhiệt