Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

U hốc mũi: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Ngày 23/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Khối u trong hốc mũi là một bệnh lý không quá phổ biến. Những khối u này có thể là ung thư hoặc không phải ung thư. Tùy thuộc vào bản chất của khối u là lành hay ác, bác sĩ điều trị sẽ đưa ra các chiến lược can thiệp khác nhau. 

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

U hốc mũi là gì?

U hốc mũi là sự phát triển bất thường của các tế bào bên trong hoặc xung quanh khoang mũi. Một số khối u hốc mũi không phải là ung thư, được gọi là khối u lành tính. Các khối u này phát triển có thể chặn luồng thông khí đi qua mũi. Đối với các khối u hốc mũi là có bản chất ung thư, chúng được gọi là khối u ác tính. Loại khối u này có thể phát triển, xâm lấn và phá hủy các mô khỏe mạnh. Theo thời gian, các tế bào ung thư có thể di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.

U hốc mũi là một bệnh quá không quá phổ biến. Các khối u hốc mũi và xoang cạnh mũi chiếm khoảng 3% đến 5% tổng số ca ung thư vùng đầu mặt cổ ở Hoa Kỳ.

Một số loại khối u hốc mũi không phải ung thư bao gồm:

  • Polyp mũi;
  • U nhú đảo ngược mũi xoang;
  • U máu.

Một số loại khối u hốc mũi ác tính (ung thư) bao gồm:

  • Ung thư tế bào vảy;
  • Ung thư biểu mô tuyến;
  • U nguyên bào thần kinh;
  • Ung thư biểu mô thể nang dạng tuyến;
  • Sarcoma (loại ung thư bắt nguồn từ các mô xương hoặc mô mềm).

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của u hốc mũi

Các triệu chứng khối u mũi có thể bao gồm:

  • Khó hít thở qua đường mũi;
  • Giảm hoặc mất khứu giác;
  • Chảy máu cam;
  • Thường xuyên đau vùng đầu mặt;
  • Chảy dịch mũi xuống hầu họng;
  • Chảy dịch mủ đục;
  • Chảy nước mắt;
  • Rối loạn giọng nói (thay đổi giọng nói);
  • Đau quanh mũi, mắt, tai, má hoặc trán;
  • Quan sát được khối u trong hốc mũi, vòm miệng;
  • Viêm tai mạn tính;
  • Nghe kém;
  • Mắt lồi, mờ mắt hoặc nhìn đôi;
  • Khó mở miệng.
U hốc mũi: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 1
Đau nhức tại mũi

Biến chứng của u hốc mũi

Nếu u hốc mũi là ung thư, khối u này có thể phát triển và di căn đến các khu vực khác trên cơ thể. Nếu khối u được phát hiện ở giai đoạn đầu và được điều trị đúng cách sẽ làm giảm nguy cơ di căn.

Các nhà khoa học hiện nay sử dụng hệ thống phân loại gồm bốn giai đoạn của u hốc mũi ác tính:

  • Giai đoạn I: Khối u vẫn còn nằm trong hốc mũi hoặc xoang cạnh mũi.
  • Giai đoạn II: Khối u đã lan sang các vị trí khác ở gần hốc mũi.
  • Giai đoạn III: Khối u đã lan vào xương xoang hoặc hốc mắt, cũng có thể lan đến một hạch bạch huyết gần đó.
  • Giai đoạn IV. Khối u đã lan sâu hơn vào các cấu trúc xung quanh như não hoặc các bộ phận khác ở vùng đầu mặt cổ. Nó cũng có thể di căn đến các vùng xa của cơ thể và bao gồm cả các hạch bạch huyết.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn phát hiện bất kỳ một khối u nào trong hốc mũi, hoặc có các triệu chứng bất thường nêu trên, hãy đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán tình trạng bệnh của mình. Tuy tỉ lệ ung thư hốc mũi rất ít nhưng bạn vẫn cần được chẩn đoán và theo dõi tình trạng bệnh để được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến u hốc mũi

Các khối u hốc mũi phát triển khi các tế bào trong hốc mũi có những thay đổi bất thường trong gen. Trong các tế bào khỏe mạnh, các gen đưa ra các hướng dẫn để tế bào có thể phát triển và nhân lên ở một tốc độ nhất định. Ngoài ra, có một số gen chịu trách nhiệm đưa các tế bào chết vào một thời điểm nhất định, hiện tượng này được gọi là chết theo chu trình. Trong các tế bào khối u, những thay đổi về gen khiến việc kiểm soát sự nhân lên và chết đi của tế bào bất thường. Những thay đổi khiến các tế bào khối u tạo ra nhiều hơn một cách nhanh chóng. Các tế bào khối u có thể tiếp tục sống trong khi các tế bào khỏe mạnh chết đi. Điều này khiến cho khối u phát triển không kiểm soát.

Đôi khi đột biến trong gen khiến tế bào trở thành tế bào ung thư. Tế bào ung thư có thể xâm lấn và phá hủy các mô cơ thể khỏe mạnh. Theo thời gian, các tế bào ung thư có thể di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải u hốc mũi

Bất cứ ai cũng có thể mắc u hốc mũi. Tuy nhiên, u hốc mũi ác tính (ung thư) đa phần được ghi nhận nhiều hơn ở những người từ 55 tuổi trở lên.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, người da trắng ở Mỹ có nhiều khả năng phát triển khối u ở hốc mũi hơn người da đen. Ngoài ra, nam giới có nguy cơ mắc u hốc mũi cao gấp hai lần so với phụ nữ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải u hốc mũi

Một số yếu tố được biết là làm tăng nguy cơ phát triển u hốc mũi, bao gồm:

  • Tiếp xúc kéo dài với một số chất có hại trong quá trình làm việc như bụi gỗ, bụi da, sợi vải, niken, crom và formaldehyde.
  • Tiếp xúc với không khí ô nhiễm.
  • Hút thuốc lá: Khi bạn càng hút thuốc, nguy cơ phát triển một số loại ung thư càng cao, bao gồm ung thư hốc mũi và xoang cạnh hốc mũi.
  • Nhiễm Human papillomavirus (HPV): Đây là một nhóm virus ảnh hưởng đến da và niêm mạc ở mũi, miệng và vòm họng.
U hốc mũi: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 2
Human papillomavirus 

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm u hốc mũi

Bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng sẽ tiến hành hỏi chi tiết về các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, tiền căn bệnh lý cá nhân và các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh. Tiếp theo, bác sĩ sẽ khám tổng quát và khám tại vùng mũi để quan sát cấu trúc bên ngoài. Một số chỉ định cận lâm sàng bác sĩ có thể đề xuất dựa trên tình trạng cụ thể của bạn, bao gồm:

  • Nội soi mũi họng: Quan sát cấu trúc và kiểm tra những bất thường của hốc mũi, vòm và hầu họng của người bệnh.
  • Xét nghiệm máu: Tìm các chỉ dấu của ung thư.
  • Hình ảnh học: Các cận lâm sàng đánh giá cấu trúc hình ảnh có thể bao gồm chụp X-quang, MRI (chụp cộng hưởng từ) hoặc chụp CT scan (chụp cắt lớp vi tính).
  • Sinh thiết khối u: Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ từ khối u, sau đó sẽ gửi mẫu mô đến phòng giải phẫu bệnh để phân tích bản chất của các tế bào này.
U hốc mũi: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 3
Hình ảnh khối u hốc mũi qua nội soi

Điều trị u hốc mũi

Việc điều trị u hốc mũi phụ thuộc vào một số yếu tố bao gồm tiền căn bệnh lý, bản chất khối u có phải là ung thư hay không và nhu cầu điều trị của người bệnh. Đối với các loại u hốc mũi lành tính, các bác sĩ thường khuyên bạn nên phẫu thuật loại bỏ để cải thiện sự thông khí ở mũi và các triệu chứng khó chịu. Đối với các khối u là ung thư ở hốc mũi, phương pháp phổ biến nhất bao gồm phẫu thuật kết hợp với xạ trị.

Phẫu thuật

Mục tiêu chính của phẫu thuật là loại bỏ tối đa khối u. Nếu ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết gần đó, bác sĩ phẫu thuật cũng sẽ loại bỏ các hạch bạch huyết này. Tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh, ê kíp phẫu thuật sẽ bao gồm bác sĩ Răng hàm mặt, bác sĩ Ngoại Thần kinh và bác sĩ Tai - Mũi - Họng.

Xạ trị

Bác sĩ có thể đề nghị xạ trị như một phương pháp điều trị độc lập hoặc kết hợp với phẫu thuật. Người bệnh có thể được xạ trị trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u hoặc xạ trị sau phẫu thuật để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại. Những người có chống chỉ định hoặc không muốn trải qua phẫu thuật, có thể được xạ trị mà không cần phẫu thuật.

Hóa trị

Hóa trị bao gồm các loại thuốc tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc hóa trị có thể được dùng bằng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Hóa trị không được sử dụng thường xuyên như phẫu thuật hoặc xạ trị trong điều trị ung thư hốc mũi. Nhưng trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị hóa trị hoặc hóa - xạ trị.

U hốc mũi: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 4
Xạ trị

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của u hốc mũi

Chế độ sinh hoạt:

Trong quá trình điều trị bệnh, có một số điều người bệnh cần thực hiện để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu:

  • Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ;
  • Tái khám theo lịch hẹn để được bác sĩ theo dõi quá trình điều trị và phát hiện sớm các biến chứng của bệnh;
  • Giữ tinh thần lạc quan và kiên trì trong suốt quá trình điều trị;
  • Luyện tập các bài tập thể thao nhẹ nhàng, vừa sức giúp cơ thể và tinh thần được thư giãn;
  • Nghỉ ngơi hợp lý.

Chế độ dinh dưỡng:

Tìm hiểu một chế độ dinh dưỡng hợp lý đối với việc điều trị u hốc mũi khá quan trọng, bạn có thể tham khảo các nguyên tắc sau:

  • Ăn uống đa dạng các nhóm chất: Người bệnh cần được đảm bảo bổ sung đầy đủ 4 nhóm thực phẩm chính trong mỗi bữa ăn gồm chất đường bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Không nên bồi bổ quá mức, ưu tiên các phương pháp luộc, hấp, hầm, nấu để người bệnh dễ hấp thu.
  • Ăn nhiều bữa nhỏ: Người bệnh u hốc mũi thường chán ăn, giảm vị giác. Vì thế, cần chia nhỏ bữa ăn, điều này giúp người bệnh dễ tiếp nhận thức ăn hơn và đảm bảo việc nạp đủ lượng dưỡng chất cần thiết.
  • Không ăn kiêng bất kỳ nhóm thực phẩm nào: Chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định rằng loại thực phẩm nào có thể khiến khối u phát triển nhiều hơn. Mỗi nhóm thực phẩm sẽ bổ sung lượng dưỡng chất khác nhau. Việc kiêng khem thức ăn khiến người bệnh dễ mắc tình trạng suy nhược cơ thể và ảnh hưởng điều trị.
  • Phương pháp hỗ trợ ăn uống: Nếu người bệnh không thể ăn qua đường miệng, nhân viên y tế có thể hướng dẫn người nhà nuôi ăn cho người bệnh qua ống thông mũi dạ dày.

Phòng ngừa u hốc mũi

Cho đến nay, chưa có phương pháp nào có thể ngăn ngừa hoàn toàn u hốc mũi. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng một số phương pháp sau:

  • Không hút thuốc lá;
  • Tránh hít các loại khói bụi độc hại;
  • Mang khẩu trang khi đi ra ngoài;
  • Nếu bạn làm việc trong môi trường có hóa chất hoặc chất độc hại, hãy đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng hộ và đeo thiết bị bảo hộ thích hợp;
  • Tiêm vắc xin phòng ngừa virus HPV.
U hốc mũi: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 5
Tiêm vắc xin phòng ngừa HPV
Nguồn tham khảo
  • Thompson LDR, Bishop JA. Update from the 5th Edition of the World Health Organization Classification of Head and Neck Tumors: Nasal Cavity, Paranasal Sinuses and Skull Base. Head Neck Pathol. 2022 Mar;16(1):1-18. doi: 10.1007/s12105-021-01406-5. Epub 2022 Mar 21.
  • Kim SJ, Byun SW, Lee SS. Various tumors in the nasal vestibule. Int J Clin Exp Pathol. 2013 Nov 15;6(12):2713-8. PMID: 24294358; PMCID: PMC3843252.
  • Ortega CA, Stevens MN, Lewis JS, Topf MC. Nasal Mucosal Desmoplastic Melanoma: A Case Report with Review of the Literature. Head Neck Pathol. 2022 Sep;16(3):942-946. doi: 10.1007/s12105-022-01429-6.
  • Gilain L, Houette A, Montalban A, Mom T, Saroul N. Mucosal melanoma of the nasal cavity and paranasal sinuses. Eur Ann Otorhinolaryngol Head Neck Dis. 2014 Dec;131(6):365-369. doi: 10.1016/j.anorl.2013.11.004.
  • Nasal and paranasal tumors: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/nasal-paranasal-tumors/diagnosis-treatment/drc-20354137

Các bệnh liên quan

  1. Ung thư âm hộ

  2. U nang buồng trứng

  3. Ung thư bàng quang

  4. Ung thư tim

  5. Ung thư buồng trứng

  6. Ung thư đại tràng giai đoạn đầu

  7. U xơ tuyến tiền liệt

  8. Ung thư

  9. Ung thư trực tràng

  10. U nguyên bào thần kinh