Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 23/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh là tình trạng xảy ra khi thai nhi bị nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma gondii. Bệnh xảy ra khi mẹ bị nhiễm Toxoplasma trong hoặc trước khi mang thai, khi đó, mẹ có thể truyền bệnh cho thai nhi (lây truyền bẩm sinh). Nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh thường không có triệu chứng khi trẻ được sinh ra, nhưng có thể phát triển các triệu chứng sau này và để lại di chứng nặng nề.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh là gì?

Nhiễm Toxoplasmosis là một bệnh nhiễm ký sinh trùng ở người và động vật. Nhiễm trùng ở người lớn có hệ miễn dịch khỏe mạnh thường sẽ không có triệu chứng trong 50% trường hợp. Ở các đối tượng này, nhiễm trùng Toxoplasmosis cũng có thể gây ra bệnh nhẹ không đặc hiệu và tự giới hạn với các triệu chứng như sốt, khó chịu, phát ban dát sẩn, nhức đầu, mệt mỏi và nổi hạch. Ở những người có suy giảm miễn dịch và trẻ sơ sinh, nhiễm trùng Toxoplasmosis gây ra bệnh nặng với những di chứng nặng nề.

Nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh, là tình trạng nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma gondii ở thai nhi, do lây truyền dọc từ mẹ nhiễm bệnh. Đây là một nguyên nhân quan trọng gây bệnh tật và tử vong ở bào thai, trẻ sơ sinh và trẻ em khi bước vào tuổi trưởng thành.

Vì nhiễm trùng Toxoplasmosis không có triệu chứng phổ biến hơn nên cần có mức độ nghi ngờ cao và chẩn đoán đơn giản bằng xét nghiệm huyết thanh học.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của Nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh

Nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh có biểu hiện rất đa dạng, từ hoàn toàn không có triệu chứng khi sinh, cho đến bệnh nặng về thần kinh và mắt. Phần lớn trẻ sơ sinh (chiếm khoảng 75%) nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng khi sinh. Ở một số ít trường hợp, nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh có thể dẫn đến sảy thai tự nhiên, sinh non hoặc thai chết lưu.

Nếu không được điều trị, hầu hết trẻ em nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh sẽ phát triển các vấn đề ở tuổi thiếu niên, trong đó các vấn đề về mắt là phổ biến. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Gan và lách to;
  • Nôn ói;
  • Tổn thương mắt do viêm võng mạc hoặc các bộ phận khác của mắt;
  • Vấn đề về cho ăn;
  • Vàng da;
  • Cân nặng khi sinh thấp;
  • Phát ban da khi sinh;
  • Vấn đề về thị lực.

Tổn thương não và hệ thần kinh có mức độ từ rất nhẹ đến nặng, có thể bao gồm co giật và khuyết tật trí tuệ.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh

Các biến chứng của nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh không được điều trị bao gồm:

  • Mất thị lực;
  • Điếc;
  • Khuyết tật trí tuệ;
  • Não úng thuỷ;
  • Chậm phát triển nghiêm trọng.
Nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh không được điều trị có thể dẫn đến biến chứng điếc ở trẻ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Liên hệ với bác sĩ nếu bạn đang mang thai và nghĩ rằng mình có nguy cơ nhiễm trùng (Ví dụ như bạn có thể nhiễm Toxoplasmosis từ mèo nhiễm bệnh nếu bạn dọn dẹp chuồng của chúng). Hoặc hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn đang mang thai mà chưa được chăm sóc trước sinh.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến Nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh

Nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh là kết quả của nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma gondii, một loại ký sinh trùng nội bào có thể xuất hiện ở khắp nơi.

Vật chủ chính của Toxoplasma gondii là mèo với nhiều loại vật chủ trung gian. Ở mèo, Toxoplasma gondii có thể có hai chu kỳ ruột và ngoài ruột. Trong khi các vật chủ khác chỉ có giai đoạn ngoài ruột. Toxoplasma gondii có ba giai đoạn lây nhiễm trong vòng đời của chúng.

Quá trình lây truyền ở phụ nữ mang thai có thể qua hai con đường:

  • Nhiễm trùng sơ cấp ở mẹ do ăn phải thịt chưa chín hoặc thức ăn, nước bị nhiễm bệnh.
  • Kích hoạt lại nhiễm trùng tiềm ẩn ở các tình trạng suy giảm miễn dịch nghiêm trọng như đồng nhiễm với virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV).

Các ký sinh trùng được truyền qua nhau thai đến thai nhi đang phát triển. Thời gian ủ bệnh là 4 đến 21 ngày đối với các bệnh nhiễm trùng mắc phải. Thời điểm chính xác khi quá trình lây truyền xảy ra không được ghi chép lại rõ ràng.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải Nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh?

Trẻ em có nguy cơ nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh khi có mẹ nhiễm ký sinh trùng trước hoặc trong khi mang thai. Tỷ lệ lây nhiễm ký sinh trùng này thường cao hơn ở những khu vực có khí hậu nóng ẩm. Tỷ lệ nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh còn phụ thuộc vào thời điểm phụ nữ mang thai bị nhiễm Toxoplasma và tình trạng nhiễm trùng trước đó tại thời điểm tiếp xúc.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh

Nhiễm trùng Toxoplasmosis không lây từ người sang người trong hầu hết trường hợp, ngoại trừ lây truyền từ mẹ sang con và truyền máu hoặc ghép tạng. Những con đường nguy cơ có thể lây nhiễm Toxoplasmosis chính bao gồm:

  • Thực phẩm: Ăn thịt chưa chín, bị ô nhiễm, hoặc vô tình ăn phải thịt động vật chưa được xử lý kỹ. Ăn thực phẩm bị nhiễm bẩn bởi vật dụng như dao, thớt hoặc uống sữa chưa tiệt trùng.
  • Từ động vật sang người: Mèo đóng một vai trò quan trọng trong con đường lây truyền bệnh Toxoplasmosis.
  • Từ mẹ sang con: Mẹ nhiễm trùng ngay trước hoặc trong khi mang thai có thể lây truyền cho thai nhi.
  • Trường hợp hiếm: Lây truyền hiếm gặp cũng có thể xảy ra, như thông qua nhận tạng hiến từ người nhiễm bệnh hoặc nhận máu nhiễm bệnh.
Nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Mèo đóng một vai trò quan trọng trong con đường lây truyền bệnh Toxoplasmosis 

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm Nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh

Bác sĩ có thể kiểm tra sức khoẻ của trẻ sơ sinh, bao gồm các vấn đề như:

  • Gan và lách to;
  • Vàng da;
  • Viêm mắt;
  • Não úng thuỷ;
  • Sưng hạch bạch huyết;
  • Kích thước đầu to hoặc nhỏ hơn bình thường.

Các xét nghiệm có thể thực hiện trong thai kỳ để chẩn đoán, bao gồm:

  • Xét nghiệm nước ối và xét nghiệm máu thai nhi;
  • Hiệu giá kháng thể;
  • Siêu âm.

Sau khi sinh, các xét nghiệm và khám có thể làm để chẩn đoán nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh bao gồm:

  • Kháng thể trên máu dây rốn và dịch não tuỷ;
  • Chụp CT-scan não;
  • Chụp MRI não;
  • Khám thần kinh;
  • Khám mắt;
  • Xét nghiệm bệnh Toxoplasmosis.
Nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
Xét nghiệm nhiễm Toxoplasma có thể được thực hiện để chẩn đoán nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh.

Điều trị Nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh

Ở mẹ mang thai, có thể điều trị bằng spiramycin trong trường hợp nhiễm trùng Toxoplasmosis. Ở thai nhi được chẩn đoán trong thai kỳ, pyrimethamine và sulfadiazine có thể giúp điều trị nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh.

Điều trị ở trẻ sơ sinh mắc Toxoplasmosis bẩm sinh thường bao gồm pyrimethamine, sulfadiazine và leucovorin trong một năm. Trẻ sơ sinh đôi khi cũng được dùng steroid nếu thị lực bị đe doạ hoặc hàm lượng protein trong dịch não tuỷ quá cao.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của Nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh

Chế độ sinh hoạt:

Để hạn chế diễn tiến của nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh ở trẻ, điều quan trọng là bạn phải tuân thủ theo điều trị của bác sĩ, các việc có thể thực hiện bao gồm:

  • Tuân thủ điều trị nhiễm Toxoplasmosis ở mẹ đang mang thai và thai nhi trong bụng mẹ.
  • Khi trẻ được sinh và và đã điều trị nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh, cần đưa trẻ đến tái khám đúng hẹn. Vì trẻ sơ sinh phải được theo dõi thường xuyên về phát triển thần kinh, nhãn khoa và thính giác để đánh giá đáp ứng điều trị và xác định bất kỳ di chứng muộn nào.
  • Thời gian điều trị kéo dài có liên quan đến các tác dụng phụ của thuốc như ức chế tủy xương nghiêm trọng dẫn đến giảm bạch cầu, suy giảm chức năng thận và phản ứng dị ứng. Hãy nói chuyện với bác sĩ về việc theo dõi các triệu chứng cho trẻ và đưa trẻ đến cơ sở y tế khi cần.
  • Bên cạnh đó, những trẻ mắc Toxoplasmosis bẩm sinh đang được điều trị kéo dài cần theo dõi công thức máu thường xuyên, xét nghiệm chức năng gan và thận định kỳ.

Chế độ dinh dưỡng:

Bổ sung đầy đủ dưỡng chất thiết yếu theo hướng dẫn từ chuyên gia y tế.

Phòng ngừa Nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh

Phụ nữ mang thai nên được giáo dục để ngăn ngừa bệnh Toxoplasmosis, các điều nên làm bao gồm:

  • Đeo găng tay hoặc rửa tay khi xử lý chuồng, lồng vệ sinh của thú cưng và không nhận nuôi hoặc cưng nựng mèo đi lạc.
  • Tránh ăn thịt chưa nấu chín khi mang thai.
  • Gọt vỏ và rửa sạch trái cây, rau quả trước khi ăn.
  • Tránh tiếp xúc với đất hoặc đeo găng tay khi làm vườn.
  • Tránh uống nước chưa lọc.
Nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Đeo găng tay hoặc rửa tay sạch khi xử lý chuồng mèo để phòng ngừa nhiễm bệnh Toxoplasmosis

Các câu hỏi thường gặp về Nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh

Khi mang thai tôi có được ăn thịt tái không?

Bạn có thể bị nhiễm Toxoplasmosis nếu ăn thịt chưa nấu chín (đặc biệt là thịt lợn, thịt cừu và thịt nai), hoặc động vật có vỏ (như hàu, nghêu, trai). Do đó, để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh, bạn nên ăn thịt chín, được chế biến kỹ khi mang thai.

Tôi dọn dẹp chuồng mèo khi đang mang thai thì có nguy cơ nhiễm Toxoplasmosis không?

Mèo đóng một vai trò quan trọng trong việc lây lan bệnh Toxoplasmosis, chúng có thể nhiễm bệnh do ăn phải các loại động vật nhỏ nhiễm bệnh khác. Do đó, nếu bạn dọn dẹp hộp vệ sinh cho mèo, bạn có thể có nguy cơ bị lây nhiễm Toxoplasmosis và lây truyền cho thai nhi của bạn.

Tôi nên làm gì khi dọn chuồng cho mèo của mình để hạn chế lây nhiễm bệnh Toxoplasmosis?

Bạn nên đeo găng tay hoặc rửa tay sạch sau khi dọn chuồng cho mèo cưng của bạn để có thể hạn chế nhiễm Toxoplasmosis.

Có cần phải điều trị nếu trẻ nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh nhưng không có triệu chứng hay không?

Có, mặc dù đa số trường hợp nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh hầu như không có triệu chứng khi trẻ được sinh ra. Tuy nhiên, chúng sẽ phát triển các biến chứng nghiêm trọng khi trẻ bước vào tuổi thiếu niên. Do đó, nếu trẻ nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh, việc điều trị nên bắt đầu ngay lập tức để đảm bảo tình trạng này ảnh hưởng tối thiểu đến sức khỏe của trẻ.

Tôi có cần phải đuổi mèo đi nếu đang mang thai hay không?

Mặc dù mèo là con đường lây truyền bệnh Toxoplasmosis, tuy nhiên, không có mối tương quan nào được ghi nhận về việc sở hữu mèo (đặc biệt là mèo nuôi trong nhà) và bệnh Toxoplasmosis. Do đó, bạn chỉ cần chắc chắn tuân thủ theo các bước vệ sinh, tránh tiếp xúc với phân mèo, thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh nguy cơ nhiễm bệnh.

Nguồn tham khảo
  1. Congenital Toxoplasmosis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK545228/
  2. Congenital toxoplasmosis: https://medlineplus.gov/ency/article/001360.htm
  3. Parasites - Toxoplasmosis (Toxoplasma infection): https://www.cdc.gov/parasites/toxoplasmosis/disease.html
  4. Congenital Toxoplasmosis: https://www.childrenshospital.org/conditions/congenital-toxoplasmosis
  5. Congenital Toxoplasmosis: https://www.msdmanuals.com/professional/pediatrics/infections-in-neonates/congenital-toxoplasmosis 
Chủ đề:Ký sinh trùng