Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Chảy nước mắt khi ngủ là tình trạng gì? Nguyên nhân và cách khắc phục

Ngày 28/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Một số người bị chảy nước mắt khi ngủ không thể kiểm soát được. Vậy tình trạng này có nguy hiểm không? Chảy nước mắt là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe nào và cách khắc phục ra sao?

Chảy nước mắt khi ngủ là tình trạng không phổ biến nhưng cũng không ít người đang gặp phải. Ở những người này, nước mắt tự chảy ra, thậm chí chảy giàn giụa như khóc mà không thể kiềm chế được mỗi khi họ ngáp hay nằm xuống ngủ. Bài viết này của Long Châu sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân cũng như cách khắc phục hiện tượng lạ này.

Chảy nước mắt khi ngủ là gì?

Trong cấu tạo của mắt có tuyến lệ - tuyến được hình thành từ hệ xương của mắt. Tuyến này bắt đầu chạy từ rãnh mũi, nằm giữa mầm mũi ngoài và mầm của hàm trên.

Nước mắt chính là thứ được tuyến lệ sản xuất từ một số thành phần được chọn lọc trong huyết tương. Nước mắt được tiết ra liên tục để duy trì độ ẩm cho mắt, bảo vệ mắt khỏi các tác nhân gây hại.

Vì giác mạc không có mạch máu nên nước mắt cũng là “phương tiện” mang dinh dưỡng đến các tế bào ở đây. Loại nước mắt tự nhiên này được gọi là nước mắt cơ bản. Nước mắt cơ bản có chứa các thành phần như: Nước, natri, kali, clorua, cacbonat, magie, canxi, kháng sinh tự nhiên lysozyme, lactoferrin, lipocalin, IgA, lipid, mucins (dịch nhầy).

Tình trạng đau mắt chảy nước mắt hay khô mắt chảy nước mắt gọi là chảy nước mắt kích thích, không phải loại nước mắt cơ bản. Nhưng chảy nước mắt khi ngủ lại là chảy nước mắt cơ bản.

Hiện tượng nước mắt chảy ra khi ngủ còn được gọi là chảy nước mắt sống mà không ít người đang gặp phải. Ở những người này, nước mắt tiết ra quá mức và liên tục mỗi khi họ nằm xuống hay khi đang ngủ. Khi nước mắt chảy quá nhiều có thể gây sưng mắt, giảm thị lực, ảnh hưởng đến cuộc sống theo những cách khác nhau.

Chảy nước mắt khi ngủ là tình trạng gì? Nguyên nhân và cách khắc phục 1
Có người chỉ cần nằm xuống là nước mắt giàn giụa

Nguyên nhân dẫn đến chảy nước mắt khi ngủ

Có thể kể đến một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng chảy nước mắt sống như:

  • Tắc tuyến lệ một phần hay toàn bộ khiến nước mắt không được dẫn lưu theo cách bình thường.
  • Mắt bị nhiễm trùng cũng có thể tăng tiết nước mắt, ngay cả trong khi ngủ. Trong nước mắt có kháng sinh tự nhiên nên chảy nước mắt được coi là phản xạ để mắt chống lại nhiễm trùng.
  • Một số người bị dị ứng ở xoang, mũi, họng do các tác nhân như phấn hoa, bụi mịn, lông động vật, nấm mốc,… Cơ thể phản ứng với các tác nhân gây dị ứng này nên kích thích mắt, gây ngứa mắt và chảy nước mắt.
  • Một số trường hợp chảy nước mắt khi ngủ do hội chứng thị giác màn hình khi mắt tiếp xúc thường xuyên, liên tục với ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử. Người mắc hội chứng này còn có các triệu chứng khác như khô mắt, nhức mắt, nhìn mờ, song thị,…
  • Khi các tuyến Meibomian ở mí mắt bị rối loạn chức năng cũng gây triệu chứng chảy nước mắt bất thường. Các tuyến này có nhiệm vụ giải phóng các chất nhờn để giảm sự bay hơi của nước mắt. Khi tuyến Meibomian bị rối loạn chức năng, chất nhờn sản xuất ra không đủ gây khô mắt. Khi đó, mắt sẽ kích hoạt cơ chế tăng tiết nước mắt để bù đắp lại lượng nước mắt bị bốc hơi.
  • Quặm mi hay mi mắt mọc ngược cuộn vào trong nhãn cầu, lên lẹo, lên chắp ở mắt cũng có thể là nguyên nhân khiến nước mắt chảy trong khi ngủ.
Chảy nước mắt khi ngủ là tình trạng gì? Nguyên nhân và cách khắc phục 2
Chảy nước mắt khi ngủ có thể xuất phát từ các bệnh về mắt

Chảy nước mắt khi ngủ có nguy hiểm không?

Chảy nước mắt trong khi ngủ không phải một bệnh mà thường là triệu chứng của nhiều vấn đề về mắt khác nhau. Nếu các vấn đề này không sớm được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh. Khi chảy nước mắt quá nhiều, bạn có thể bị khô mắt, mỏi mắt, nhức mắt, mắt sưng đỏ, khó mở mắt sau khi thức dậy. Điều này sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến học tập, công việc hay sinh hoạt hàng ngày.

Điều đáng nói là tình trạng chảy nước mắt sống có thể xảy ra với bất cứ ai trong chúng ta, từ trẻ em đến người già. Vì vậy, thay vì chủ quan xem đây như triệu chứng bình thường, chúng ta cần theo dõi sát sao và đi khám nhãn khoa khi cần thiết. Bởi các bệnh lý hay vấn đề về mắt cũng giống các bệnh lý khác xảy ra trên cơ thể, càng được phát hiện sớm càng hạn chế biến chứng và điều trị càng dễ dàng.

Chảy nước mắt khi ngủ là tình trạng gì? Nguyên nhân và cách khắc phục 3
Chảy nhiều nước mắt khi ngủ có thể ảnh hưởng đến thị lực

Cách cải thiện tình trạng chảy nước mắt khi ngủ

Tùy từng nguyên nhân khác nhau, chúng ta sẽ có những cách khắc phục khác nhau với hiện tượng chảy nước mắt khi ngủ. Một số cách chăm sóc mắt trong giai đoạn này bạn có thể áp dụng như:

  • Day ấn massage vùng tuyến lệ trong trường hợp xác định nguyên nhân do tắc hoặc rối loạn chức năng tuyến lệ.
  • Dùng nước muối sinh lý rửa mắt nếu xác định nguyên nhân chảy nước mắt do mắt tiếp xúc với các tác nhân dị ứng.
  • Hạn chế tối đa việc dùng các thiết bị điện tử. Khi bắt buộc phải dùng điện thoại hay máy tính, bạn cần đảm bảo nguyên tắc 20:20:20 (20 phút mắt tập trung vào màn hình - 20 phút nhìn xa khoảng 6m trong 20 giây). Ngoài ra, bạn nên điều chỉnh màn hình các thiết bị điện tử đến vị trí cách mắt từ 10 - 20cm.
  • Sử dụng các sản phẩm dưỡng mắt, tăng cường tiêu thụ các thực phẩm tốt cho mắt như thực phẩm giàu vitamin A, C, E, B, omega-3,…

Nếu sau khi áp dụng các biện pháp chăm sóc trên đây, tình trạng chảy nước mắt khi ngủ không thuyên giảm, bạn cần đến gặp bác sĩ nhãn khoa. Qua thăm khám, bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân chính xác và chỉ định hướng điều trị phù hợp. Người bệnh có thể được tư vấn dùng thuốc nhỏ mắt phù hợp, thông tắc tuyến lệ, phẫu thuật tuyến lệ hay các biện pháp điều trị bệnh về mắt khác.

Chảy nước mắt khi ngủ là tình trạng gì? Nguyên nhân và cách khắc phục 4
Khám nhãn khoa để biết nguyên nhân chảy nước mắt sống

Tóm lại, chảy nước mắt khi ngủ không phải tình trạng nguy hiểm nhưng vẫn mang đến một số rắc rối nhất định. Đôi khi, đây còn là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về mắt rất cần được phát hiện và điều trị sớm. Vì vậy, ngay từ khi mới gặp tình trạng này, bạn nên theo dõi sát sao. Nếu chảy nước mắt kèm theo các triệu chứng bất thường khác như song thị, giảm tầm nhìn, nhức mắt,… bạn cần đi khám nhãn khoa sớm nhất có thể.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm