Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

U xương hàm: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2020, tại Việt Nam có tỷ lệ lưu hành các bệnh lý ung thư khoang miệng là 5,21/100 000. Trong đó, u xương hàm là bệnh khá hiếm gặp và nguy hiểm nếu không được điều trị sớm. Có nhiều phương pháp điều trị đối với u xương hàm, tùy vào tình trạng người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ phù hợp.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

U xương hàm là gì?

U xương là sự phân chia không kiểm soát của các tế bào trong xương. U xương có thể là ung thư (u ác tính) hoặc không phải ung thư (u lành tính). Các khối u lành tính thường không nguy hiểm đến tính mạng và hầu hết các trường hợp sẽ không có sự lan tỏa sang các bộ phận khác của cơ thể, tuy nhiên loại u này vẫn có thể làm tổn thương xương và khiến xương dễ gãy. Nếu khối u ác tính, các tế bào ung thư có thể phá hủy cấu trúc xương, di căn và gây tử vong.

U xương hàm là một bệnh lý tương đối hiếm gặp phát triển ở xương hàm trên hoặc xương hàm dưới. Có 3 loại u xương hàm thường gặp bao gồm:

Nang xương hàm

Là loại nang biểu mô xương hàm liên quan phần lớn đến nhiễm trùng chân răng. Đây là loại nang thường gặp ở hàm trên nhiều gấp 4 lần so với ở hàm dưới. Nang xương hàm được phân thành 2 nhóm chính:

  • Nang răng do viêm: Nang chân răng (chiếm 60%), nang bên răng viêm.
  • Nang phát triển do răng: Nang lợi, nang thân răng, nang sừng hoàn toàn do răng, nang bên quanh răng, nang do răng dạng chùm, nang do răng calci hóa, nang tuyến do răng, nang sừng do răng.
  • Nang phát triển không do răng: Nang ống mũi khẩu cái (chiếm 80%), nang phẫu thuật.

U lành tính

Là những khối u liên quan đến xương hàm, xâm lấn chậm, có giới hạn rõ, bờ đều, phần niêm mạc phủ lên nhẵn và không gây đau. Khối u lành tính thường phát triển khu trú và rất hiếm khi di căn. U xương hàm lành tính ít hoặc không ảnh hưởng sức khỏe tổng thể, tuy nhiên nếu u phát triển lớn vẫn có thể gây hủy xương và gãy xương hàm. Các loại u lành tính được phân loại thành:

  • Các u biểu mô răng lành tính: U răng dạng u tuyến, u tế bào vảy, u có calci hóa, u nguyên bào men đơn nang, u nguyên bào men ngoại vi, u nguyên bào men thông thường, u nguyên bào men dạng tuyến, u nguyên bào men di căn.
  • Các u hỗn hợp biểu mô và trung mô răng lành tính: U mô thừa răng, u do răng nguyên thủy, u xơ nguyên bào men, u tế bào bóng ma dạng ngà.
  • Các u trung mô răng lành tính: U xơ do răng, u nguyên bào xi măng, u xơ sinh xi măng - xương, u nhầy do răng.

U ác tính

Hay còn gọi là ung thư xương hàm, gồm các loại như sau:

  • Ung thư biểu mô do răng xơ cứng;
  • Ung thư biểu mô nguyên bào men;
  • Ung thư biểu mô tế bào sáng do răng;
  • Ung thư biểu mô tế bào bóng ma do răng;
  • Ung thư biểu mô trong xương nguyên phát;
  • Carcinosarcoma do răng (là u ác tính cực hiếm gặp, gồm cả biểu mô và trung mô ác tính);
  • Sarcoma do răng: Sarcoma xơ nguyên bào men, sarcoma xơ ngà nguyên bào men, sarcoma xơ - răng nguyên bào men.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của u xương hàm

Hầu hết các loại u xương hàm với kích thước nhỏ có triệu chứng không rõ ràng và khó quan sát ngoài da. Một số triệu chứng có thể xuất hiện gồm:

  • Đau hàm;
  • Sưng nề lợi hoặc hàm;
  • Biến dạng khuôn mặt;
  • Răng lung lay, ê buốt, đau khi nhai;
  • Chảy máu chân răng;
  • Loét miệng lâu lành;
  • Vùng niêm mạc của khối u thay đổi màu sắc so với vùng niêm lành;
  • Niêm mạc hàm có mảng đỏ hoặc trắng bất thường;
  • Khối u phát triển tạo lỗ dò và thủng.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh u xương hàm

Nhiều người thắc mắc u xương hàm có nguy hiểm không. Khối u xương hàm phát triển theo từng giai đoạn, có thể gây ảnh hưởng đến cấu trúc xương, cấu trúc khuôn mặt và ảnh hưởng đến các cơ quan khác.

  • Nang xương hàm và u xương hàm lành tính: Gây biến dạng xương hàm, phá vỡ bề mặt xương hàm, tạo đường dò xương, chèn ép thần kinh, mạch máu nuôi gây hoại tử xương hàm và răng.
  • Ung thư xương hàm: Gây biến dạng hàm mặt, loét, nhiễm trùng, hoại tử u, di căn hạch bạch huyết hoặc các cơ quan khác trong cơ thể. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của ung thư xương hàm nếu có điều trị vào khoảng 53%, tỷ lệ này còn phụ thuộc vào loại khối u và giai đoạn của ung thư.
U xương hàm: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 4
Hình ảnh u xương hàm gây đau

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có thể có bất kỳ dấu hiệu u xương hàm nào kể trên, bạn nên đến gặp bác sĩ. Chẩn đoán và điều trị sớm làm giảm mức độ nguy hiểm của bệnh đối với sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến u xương hàm

Các u xương hàm có nguồn gốc chủ yếu từ tế bào biểu mô hoặc trung mô liên quan đến sự phát triển của răng. Một số loại u khác ảnh hưởng đến hàm có nguồn gốc không do răng mà từ các mô khác trong khoang miệng. Nguyên nhân gây ra u xương hàm cho đến nay vẫn chưa được biết rõ, tuy nhiên một số nhà khoa học chứng minh rằng sự phát triển bất thường này có liên quan đến đột biến gen hoặc các hội chứng di truyền.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải u xương hàm?

Những đối tượng sau có nguy cơ cao mắc phải u xương hàm:

  • Nhiễm virus HPV.
  • Tiền căn bệnh lý mắc một số bệnh có thể dẫn đến biến chứng u xương hàm như bệnh hồng sản, bệnh bạch sản, nhiễm trùng răng miệng, từng xạ trị vùng đầu mặt, bệnh Paget.
  • Tiền căn gia đình có các hội chứng di truyền: Hội chứng Gorlin-Goltz (hay còn gọi là hội chứng ung thư biểu mô tế bào đáy, hội chứng nevoid tế bào đáy) do đột biến gen ức chế khối u PTCH hoặc gen SUFU; hội chứng Li-Fraumeni do đột biến gen TP53 hoặc gen CHEK2 gây ung thư sarcoma xương và nhiều loại ung thư khác.
  • Tuổi: Độ tuổi phổ biến của nang xương hàm từ 20 đến 30 tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải u xương hàm

Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến u xương hàm bao gồm:

  • Sử dụng thuốc lá chủ động hoặc thụ động.
  • Sử dụng các loại đồ uống có cồn.
  • Chế độ dinh dưỡng kém.
  • Vệ sinh răng miệng không đúng cách.
U xương hàm: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 5
Sử dụng thuốc lá - yếu tố nguy cơ cao gây u xương hàm

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán u xương hàm

Để chẩn đoán xác định u xương hàm, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng, hỏi bệnh sử, tiền căn bản thân và gia đình của người bệnh. Các triệu chứng thực thể bác sĩ có thể xác định qua thăm khám gồm:

  • Quan sát bên ngoài mặt: Thường ít triệu chứng đặc hiệu, nếu u phát triển to có thể có các đặc điểm của viêm xương như sưng, nóng, đỏ, đau, thậm chí có đường dò mủ thủng ra ngoài mặt và má.
  • Quan sát bên trong khoang miệng: Khi kích thước u nhỏ, khả năng phát hiện thấp. Nếu u phát triển lớn, có thể thấy khối phồng xương, giới hạn rõ, bờ có thể đều hoặc lồi lõm, có thể có đường dò mủ vào trong khoang miệng. Người bệnh có thể kèm theo chảy máu chân răng, loét miệng và xuất hiện các mảng trắng hoặc đỏ trên niêm mạc vùng hàm. Nếu bệnh lý có nguồn gốc từ răng, thử tủy thường dương tính.

Bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt hoặc tai mũi họng có thể đề nghị một số xét nghiệm cận lâm sàng giúp chẩn đoán xác định bệnh. Nếu nghi ngờ khối u ác tính, bác sĩ sẽ đồng thời tìm và theo dõi tình trạng di căn của ung thư. Các xét nghiệm thường được chỉ định như sau:

  • Nội soi tai mũi họng: Theo dõi cấu trúc của tai mũi họng vì đây là các bộ phận có sự liên quan trong tổng thể vùng đầu mặt. Bác sĩ nội soi đặc biệt chú ý vùng miệng - họng để tìm ra các bất thường giải phẫu của vị trí này có liên quan đến khối u xương hàm hay không.
  • Chụp X-quang toàn cảnh: Phương pháp chẩn đoán hình ảnh này cho hình ảnh hai chiều của toàn bộ vùng mặt gồm xương hàm trên, hàm dưới, các xoang và các xương mặt khác.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Khảo sát kích thước của khối u, sự hủy xương và mức độ di căn của khối u đến các cơ quan lân cận cũng như các cơ quan khác của cơ thể.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Khảo sát rõ ràng hơn về khối u, hình ảnh mô mềm và một số vấn đề khác liên quan.
  • Sinh thiết: Bác sĩ tiến hành lấy mẫu mô bệnh phẩm tại vị trí khối u và các vị trí có nghi ngờ bất thường lân cận khối u, sau đó làm giải phẫu bệnh mô bệnh học để xác định đặc điểm của u là lành tính hay ác tính, phân loại và nguồn gốc của khối u mà người bệnh mắc phải.
U xương hàm: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 6
CT scan là phương pháp giúp chẩn đoán u xương hàm

Phương pháp điều trị u xương hàm hiệu quả

Nguyên tắc của điều trị là phẫu thuật để loại bỏ khối u, răng và các vùng liên quan. Việc lựa chọn điều trị cho u xương hàm tùy thuộc vào loại tổn thương mà người bệnh mắc phải, giai đoạn phát triển của tổn thương và các triệu chứng cũng như biến chứng của bệnh. Tùy vào mục tiêu điều trị và quyết định của người bệnh, bác sĩ có thể đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp và cá thể hóa.

Điều trị u xương hàm trong một số trường hợp cần kết hợp giữa điều trị nội khoa và ngoại khoa. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật đầu cổ sẽ loại bỏ khối u hoặc nang xương hàm của bạn. Ngoài ra, trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành khám sát và có thể loại bỏ răng bệnh, các mô bệnh xung quanh, một phần hoặc toàn bộ xương hàm. Các mẫu bệnh phẩm sau khi được cắt bỏ đồng thời sẽ được gửi đến phòng giải phẫu bệnh để quan sát và nếu có bất thường trong bất kỳ mẫu bệnh phẩm nào, bác sĩ phẫu thuật sẽ nhận được báo cáo và có can thiệp phù hợp ngay lập tức.

Các phương pháp điều trị có thể được kết hợp gồm:

  • Tái tạo xương hàm hoặc các cấu trúc hàm mặt khác.
  • Điều trị nội khoa sau phẫu thuật như giảm đau, kháng viêm, kháng sinh dự phòng,...
  • Chăm sóc hậu phẫu duy trì chất lượng cuộc sống như dinh dưỡng, ngôn ngữ, dự phòng nuốt sặc,...
  • Hóa trị, xạ trị có thể thực hiện trước hoặc sau phẫu thuật trong trường hợp các khối u cho kết quả là u ác tính (ung thư xương hàm).

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp bạn hạn chế diễn tiến của u xương hàm

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ chỉ định của bác sĩ điều trị trong quá trình chữa bệnh.
  • Duy trì lối sống lạc quan, giữ tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng.
  • Thăm khám theo lịch của bác sĩ đưa ra để theo dõi diễn tiến của bệnh và đánh giá độ hiệu quả của các phương pháp điều trị.

Chế độ dinh dưỡng: Ăn uống đủ chất và khoa học. Tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể.

U xương hàm: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 7
Chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp bạn xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp

Phương pháp phòng ngừa u xương hàm hiệu quả

Mặc dù nguyên nhân gây ra u xương hàm vẫn chưa được biết rõ nhưng với một số phương pháp phòng ngừa chủ động đối với sức khỏe răng miệng có thể giúp bạn giảm nguy cơ xuất hiện u xương hàm. Dưới đây là một số thói quen sinh hoạt bạn cần áp dụng:

  • Vệ sinh răng miệng đúng cách: Bao gồm đánh răng, dùng chỉ nha khoa để loại bỏ thức ăn thừa và khám răng định kỳ, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng răng và các nguy cơ khác có thể góp phần vào sự hạn chế phát triển u xương hàm.
  • Chế độ dinh dưỡng tốt: Một chế độ ăn uống cân bằng và giàu chất dinh dưỡng sẽ hỗ trợ sức khỏe răng miệng tổng thể. Hấp thụ đầy đủ các vitamin và khoáng chất, đặc biệt là calci và vitamin D giúp răng và xương chắc khỏe, làm giảm nguy cơ nang và khối u xương hàm.
  • Tránh các độc tố từ môi trường: Giảm thiểu tiếp xúc với bức xạ từ ánh nắng mặt trời và một số hóa chất, có thể giúp giảm nguy cơ phát triển u xương hàm.
  • Tư vấn di truyền: Nếu bạn có tiền sử gia đình mắc các khối u hàm, nang hoặc hội chứng di truyền liên quan đến u xương hàm, việc nhận được các thông tin tư vấn di truyền có thể cung cấp những hiểu biết có giá trị về nguy cơ của bạn và các biện pháp phòng ngừa thích hợp.
  • Tránh thuốc lá và đồ uống có cồn: Tránh xa thuốc lá và hạn chế uống rượu bia có thể góp phần cải thiện sức khỏe răng miệng tổng thể.
Nguồn tham khảo
  • Odontogenic Tumors of the Jaws: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK572116/
  • Jaw Tumors: https://www.msdmanuals.com/professional/ear,-nose,-and-throat-disorders/tumors-of-the-head-and-neck/jaw-tumors
  • What to Know About Jaw Tumors and Cysts: https://www.healthline.com/health/cancer/tumors-on-jaw
  • What Is Jaw Cancer?: https://www.verywellhealth.com/jaw-cancer-overview-and-more-5201871
  • Benign jaw tumors: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3449977/

Các bệnh liên quan

  1. Ung thư da

  2. Ung thư dạ dày

  3. Ung thư hầu họng

  4. Ung thư dương vật

  5. Ung thư gan di căn

  6. Ung thư não

  7. U xơ tử cung

  8. Ung thư xoang

  9. Ung thư miệng

  10. Hội chứng Lynch