Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nhức đầu chóng mặt: Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 27/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhức đầu và chóng mặt xảy ra cùng lúc là một tình trạng báo động. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của hai triệu chứng này. Phát hiện sớm nguyên nhân và điều trị tích cực giúp ngăn ngừa bệnh diễn tiến nguy hiểm.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nhức đầu chóng mặt là gì?

Chóng mặt là tình trạng rối loạn thăng bằng tạo ra cảm giác bản thân thấy chính mình hay ngoại cảnh xung quanh đang vận động hoặc đang xoay tròn dù thực tế không có sự vận động nào. Chóng mặt gồm hai loại bao gồm chóng mặt ngoại biên và chóng mặt trung ương.

Đau đầu (hay nhức đầu) là tình trạng đau xảy ra tại vùng đầu, mặt, có thể là vùng cổ cao. Cơn đau có thể xảy ra ở đỉnh đầu, vùng chẩm, nửa đầu hoặc cả vùng đầu. Tùy vào nguyên nhân dẫn đến đau đầu mà mức độ và tính chất đau khác nhau. Người bệnh có thể cảm thấy đau âm ỉ hoặc dữ dội, đau từng cơn hoặc đau liên tục.

Có rất nhiều nguyên nhân gây đau đầu và chóng mặt. Nhưng nếu hai triệu chứng này xảy ra cùng lúc, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý cấp tính cần phải cấp cứu y tế. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhức đầu chóng mặt

Ngoài nhức đầu kèm chóng mặt, một số triệu chứng dưới đây có thể xuất hiện kèm theo tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Cần chú ý các triệu chứng này để xử trí kịp thời cấp cứu y tế:

  • Đau đầu dữ dội, liên tục, không đáp ứng với thuốc giảm đau;
  • Chóng mặt kèm buồn nôn hoặc nôn;
  • Lú lẫn, lơ mơ, ngủ gà, hôn mê;
  • Cứng cổ gáy;
  • Tê hoặc yếu tay chân, méo miệng, nói ngọng;
  • Sốt cao;
  • Co giật;
  • Nhìn mờ, nhìn đôi.
Nhức đầu chóng mặt: Nguyên nhân và cách điều trị 2
Buồn nôn có thể xuất hiện kèm theo nhức đầu chóng mặt

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nhức đầu chóng mặt

Những nguyên nhân gây ra đau đầu kèm chóng mặt. Hãy lưu ý những tình trạng cấp cứu y tế để có thể xử trí cấp cứu kịp thời.

Phình động mạch não

Phình động mạch não là tình trạng mạch máu trong não có hiện tượng phồng lồi, như hình ảnh một quả táo treo trên cành cây. Đây là một bệnh lý nguy hiểm, có thể gây rò rỉ hoặc vỡ mạch máu trong nhu mô não. Vị trí thường gặp của túi phình động mạch não là ở động mạch thông trước, động mạch cảnh trong và động mạch thông sau. Túi phình động mạch não vỡ gây ra những vấn đề nguy hiểm tính mạng như xuất huyết khoang dưới nhện, đột quỵ xuất huyết não,...

Đột quỵ

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là tình trạng lưu lượng máu lưu thông lên não bị gián đoạn, khiến cho các tế bào não bị thiếu oxy và các chất dinh dưỡng khác và bắt đầu chết đi. Đột quỵ là một bệnh lý thần kinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ cơ thể, cần được điều trị nhanh chóng để tránh tử vong hoặc để lại các di chứng tàn tật. Các dấu hiệu để nhận biết sớm đột quỵ gồm: Tê hoặc yếu liệt tay chân nửa người, méo miệng, nói ngọng,...

Nhức đầu chóng mặt: Nguyên nhân và cách điều trị 3
Đột quỵ nhồi máu não là một nguyên nhân gây nhức đầu chóng mặt

Chấn thương đầu

Chấn thương sọ não

Là tình trạng vùng đầu bị vật cứng tác động mạnh vào hoặc bị va chạm mạnh vào một vật cứng nào đó. Những loại vết thương không xuyên thấu như va đập khi bị tai nạn giao thông, khi chơi thể thao hoặc vết thương xuyên thấu như bị trúng đạn hoặc dao đâm đều có thể dẫn đến chấn thương sọ não.

Nếu bị chấn động, người bệnh có thể có một số triệu chứng như mất ý thức tạm thời, buồn nôn và ói mửa, lú lẫn,... kèm theo đau đầu và chóng mặt. Nếu tình trạng chấn thương nghiêm trọng hơn dẫn đến nứt sọ có thể có các triệu chứng như co giật, rỉ dịch não tủy ra mũi hoặc tai, mất ý thức, thay đổi hành vi,...

Hội chứng sau chấn động não

Đây là tình trạng xảy ra sau một chấn động mạnh vùng đầu, gây ra một loạt các triệu chứng trong đó bao gồm nhức đầu kèm chóng mặt, diễn ra trong nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng sau chấn thương ban đầu. Các triệu chứng có trong hội chứng như mệt mỏi, khó tập trung, mất ngủ, cáu gắt, thờ ơ, nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn,...

Nhiễm trùng

Nếu bạn có tình trạng nhức đầu, chóng mặt kèm theo sốt cao, lạnh run, có thể bạn đang nhiễm virus hoặc vi khuẩn tại một vị trí nào đó trong cơ thể. Một số bệnh lý viêm nhiễm có thể gây đau đầu kèm chóng mặt gồm cảm lạnh, cúm, viêm xoang, nhiễm trùng tai, viêm họng, viêm phổi,... Các dấu hiệu như cứng cổ gáy, nôn vọt, sợ ánh sáng, nhìn đôi có thể cảnh báo tình trạng viêm màng não.

Mất nước và điện giải

Những trường hợp tiêu chảy, nôn mửa, sốt, ra mồ hôi nhiều, dùng các loại thuốc tăng thải nước như thuốc lợi tiểu, thuốc nhuận tràng đều có thể gây mất nước và điện giải. Nhức đầu kèm chóng mặt là một trong những dấu hiệu chính của tình trạng mất nước và điện giải. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như lú lẫn, lơ mơ, co giật hoặc hôn mê, nước tiểu sậm màu, thiểu niệu hoặc vô niệu,...

Hạ đường huyết

Là tình trạng lượng đường trong máu bạn giảm hơn so với mức bình thường. Khi không có đủ đường, cơ thể bạn không thể hoạt động bình thường, đặc biệt là não bộ. Ngoài đau đầu kèm chóng mặt, khi hạ đường huyết bạn có thể gặp một số triệu chứng như đói, buồn nôn hoặc nôn, vã mồ hôi, kém tập trung, ngất,...

Thiếu máu

Tình trạng này xảy ra khi bạn không có đủ tế bào hồng cầu hoặc chất lượng tế bào hồng cầu không đủ tốt để vận chuyển oxy đến các tế bào trong cơ thể. Khi không đủ oxy cung cấp cho hoạt động tế bào, cơ thể sẽ trở nên mệt mỏi, kèm theo xuất hiện các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, rối loạn nhịp tim, đau ngực, tay chân lạnh, khó thở,...

Đau nửa đầu (đau đầu migraine)

Đau đầu Migraine là tình trạng đau nửa đầu từng cơn, đau theo mạch đập. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây đau đầu tái diễn theo chu kỳ với mức độ đau từ vừa đến nặng.

Chứng đau nửa đầu thường gồm một số triệu chứng kèm theo khác. Đôi khi các triệu chứng này đến trước nên còn được gọi là aura. Những triệu chứng này có thể là rối loạn thị giác (ánh sáng lấp lóe hai mắt, quầng sáng hồ quang) hoặc cảm giác dị cảm và tê ngứa râm ran ở tay chân của bạn.

Lo âu

Các triệu chứng trong rối loạn lo âu khác nhau ở mỗi người bệnh gồm những triệu chứng tâm lý và thể chất. Người bệnh rối loạn lo âu thường cảm thấy nhức đầu, chóng mặt, cáu gắt, khó tập trung, dễ tổn thương, giảm ăn uống, rối loạn hành vi và thái độ,...

Nhức đầu chóng mặt: Nguyên nhân và cách điều trị 4
Người căng thẳng lo âu dễ bị nhức đầu chóng mặt

Viêm mê đạo

Viêm mê đạo là một bệnh nhiễm trùng tai trong. Nguyên nhân gây bệnh do nhiễm trùng từ virus hoặc vi khuẩn. Ngoài chóng mặt là triệu chứng chính, người bệnh có thể kèm theo nhức đầu, giảm thính lực, ù tai, đau tai, sốt, buồn nôn hoặc nôn,... Viêm mê đạo thường tự biến mất trong một hoặc hai tuần.

Suy giảm thị lực

Đôi khi triệu chứng nhức đầu kèm chóng mặt trên người có tật khúc xạ mắt là dấu hiệu cho thấy bạn cần thay kính mới. Hãy tái khám bác sĩ chuyên khoa mắt nếu bạn xuất hiện hai triệu chứng này khi mắt bạn làm việc như đọc sách hoặc dùng máy tính.

Tác dụng phụ của thuốc

Nhức đầu và chóng mặt có thể là tác dụng phụ phổ biến của nhiều loại thuốc, đặc biệt với những người mới bắt đầu sử dụng một loại thuốc nào đó.

Một số loại thuốc có thể gây nhức đầu và chóng mặt bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc hạ huyết áp, thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc tránh thai, thuốc điều trị rối loạn cương dương,...

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải nhức đầu chóng mặt?

Dựa trên các nguyên nhân gây bệnh, một số đối tượng sau có thể có nguy cơ nhức đầu kèm chóng mặt:

  • Chấn thương đầu hoặc sau chấn thương.
  • Người có tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường, dị dạng mạch máu não, tật khúc xạ mắt, thiếu máu,...
  • Người đang sử dụng các thuốc có tác dụng phụ gây nhức đầu, chóng mặt, đặc biệt là người bệnh mới bắt đầu dùng thuốc.
  • Người bệnh đang mắc bệnh lý viêm nhiễm trong cơ thể.
Nhức đầu chóng mặt: Nguyên nhân và cách điều trị 5
Người bị đái tháo đường có nguy cơ bị nhức đầu kèm chóng mặt

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhức đầu chóng mặt

Phương pháp chẩn đoán

Bác sĩ có thể chẩn đoán nguyên nhân của nhức đầu kèm chóng mặt thông qua khám lâm sàng và hỏi bệnh sử về các triệu chứng, cũng như tiền sử bệnh lý của bạn và gia đình.

Một số xét nghiệm và đánh giá trong quá trình khám có thể giúp ích cho chẩn đoán của bác sĩ. Trong một số trường hợp, có thể cần các đánh giá bổ sung để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh như các xét nghiệm hình ảnh học, xét nghiệm sinh hóa máu, công thức máu.

Các xét nghiệm chẩn đoán

Các xét nghiệm được bác sĩ chỉ định để tìm nguyên nhân gây ra nhức đầu chóng mặt gồm:

  • Xét nghiệm máu: Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, bilan lipid (cholesterol toàn phần, LDL-c, triglyceride), ion đồ, đường huyết đói hoặc HbA1c, CRP,...
  • Xét nghiệm hình ảnh học: Điện tâm đồ, X-quang ngực thẳng, CT scan não, MRI não, siêu âm tim,...
Nhức đầu chóng mặt: Nguyên nhân và cách điều trị 6
Chụp cắt lớp vi tính não (CT scan não)

Điều trị nhức đầu chóng mặt hiệu quả

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây nhức đầu chóng mặt, bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra chiến lược điều trị phù hợp với tình trạng của từng người bệnh. Một số loại thuốc điều trị triệu chứng bác sĩ có thể kê toa cho bạn gồm:

  • Thuốc giảm đau;
  • Thuốc an thần;
  • Thuốc chống trầm cảm;
  • Thuốc tăng cường tuần hoàn máu não.

Bên cạnh đó bạn cần có một chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi khoa học dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Một số biện pháp không dùng thuốc có thể cải thiện triệu chứng nhức đầu chóng mặt của bạn hiệu quả bao gồm:

  • Thiền;
  • Hương trị liệu;
  • Âm nhạc trị liệu;
  • Xoa bóp, bấm huyệt;
  • Châm cứu, cấy chỉ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nhức đầu chóng mặt

Chế độ sinh hoạt:

  • Duy trì lối sống lành mạnh để đẩy lùi sự xuất hiện của triệu chứng đau đầu kèm chóng mặt.
  • Ngủ đủ giấc, không thức khuya.
  • Hạn chế căng thẳng, lo âu.
  • Không hút thuốc, uống nhiều bia rượu và không sử dụng các chất kích thích có hại.
  • Duy trì thói quen tập luyện thể dục hợp lý.
  • Tránh thay đổi tư thế đột ngột khi đang đứng, ngồi hoặc nằm.
  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong điều trị.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe.
  • Liên hệ với bác sĩ ngay khi có những dấu hiệu bất thường.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn đúng bữa mỗi ngày.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.
  • Đa dạng khẩu phần ăn, bổ sung nhiều trái cây, rau xanh, uống nhiều nước.

Phương pháp phòng ngừa nhức đầu chóng mặt hiệu quả

Ngoài việc khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý có thể dẫn đến nhức đầu kèm chóng mặt, bạn cần xây dựng cho mình một chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt thật khoa học.

Việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng từ các nhóm chất đường bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất, uống đủ nước với nhu cầu cơ thể, tập luyện thể dục thể thao kiên trì và đều đặn giúp cải thiện chất lượng sức khỏe tổng thể, ngăn ngừa nguy cơ dẫn đến các bệnh lý cấp và mạn tính.

Nhức đầu chóng mặt: Nguyên nhân và cách điều trị 8
Tập luyện thể dục để cải thiện sức khỏe
Nguồn tham khảo
  1. Lifting the Burden. Information available for people affected by tension-type headache: https://www.l-t-b.org/assets/32/25B3203E-87D6-4730-AB5330BA462BD7DC_document/What_is_tension-type_headache.pdf
  2. Tension headache: https://medlineplus.gov/ency/article/000797.htm
  3. What’s Causing My Headache and Dizziness?: https://www.healthline.com/health/headache-and-dizziness
  4. What might cause head pressure and dizziness?: https://www.medicalnewstoday.com/articles/head-pressure-and-dizziness
  5. What’s the Connection Between Headaches and Dizziness?: https://www.everydayhealth.com/pain-management/headache/headache-dizziness.aspx

Các bệnh liên quan

  1. Xốp xơ tai

  2. Ái kỷ

  3. Bại liệt

  4. Loạn sản vách thị giác

  5. Xuất huyết dưới nhện

  6. Đau đầu Arnold

  7. Câm

  8. Rối loạn tuần hoàn não

  9. Viêm dây thần kinh tiền đình

  10. Ung thư khoang miệng