Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Ung thư dạ dày giai đoạn 3

Ung thư dạ dày giai đoạn 3 là gì? Triệu chứng và cách điều trị

Ngày 15/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ung thư dạ dày giai đoạn 3 là giai đoạn muộn của ung thư dạ dày. Tại thời điểm này, tế bào ung thư đã xâm lấn sâu vào các lớp cơ dạ dày, lan đến các hạch bạch huyết và có thể tấn công các cơ quan, tổ chức lân cận của dạ dày. Tuy nhiên, chưa di căn đến các vùng khác của cơ thể. Người bị ung thư dạ dày giai đoạn 3 vẫn có thể kiểm soát được bệnh nếu phát hiện và điều trị kịp thời.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Ung thư dạ dày giai đoạn 3 là gì?

Dạ dày nằm ở vị trí trung tâm của phần trên của bụng, ngay dưới xương ức, đóng vai trò quan trọng trong việc chứa đựng và nghiền nát thức ăn. Thành của dạ dày bao gồm 5 lớp: Niêm mạc ở bên trong, tiếp theo là lớp dưới niêm mạc, sau đó là lớp cơ, lớp dưới thanh mạc và nằm ngoài cùng là lớp thanh mạc.

Ung thư dạ dày giai đoạn 3 (III) là khi khối u ung thư bên trong thành dạ dày đã phát triển và xâm chiếm qua lớp cơ hoặc lớp dưới thanh mạc. Khối u có thể lan rộng đến các hạch bạch huyết gần đó hoặc các cơ quan lân cận, nhưng chưa lan sang các cơ quan hoặc bộ phận ở xa hơn.

ung-thu-da-day-giai-doan-3 1.jpg
Ung thư dạ dày giai đoạn 3 khi các tế bào ung thư đã xâm lấn sâu vào các lớp cơ dạ dày

Theo phân loại bệnh học, ung thư dạ dày giai đoạn 3 được chia thành ba nhóm chính: 3A, 3B và 3C.

  • Ung thư dạ dày giai đoạn 3A: Khi này các khối u ung thư đã phát triển đến lớp màng mô liên kết và lan đến các hạch bạch huyết gần đó tuy nhiên chưa lan đến các cơ quan xa.
  • Ung thư dạ dày giai đoạn 3B: Các tế bào ung thư có thể phát triển trong lớp cơ dưới niêm mạc hoặc lớp cơ dưới thanh mạc, lan ra nhiều hạch bạch huyết và có thể xâm chiếm qua thành dạ dày và lan đến các cấu trúc lân cận.
  • Ung thư dạ dày giai đoạn 3C: Các tế bào ung thư đã phát triển đến lớp thanh mạc và nhiều hạch bạch huyết. Các tế bào ác tính có thể đã xâm chiếm một số cơ quan gần dạ dày.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư dạ dày giai đoạn 3

Ung thư dạ dày giai đoạn 3 là giai đoạn tiến triển bệnh, do đó có những biểu hiện rõ ràng và đôi khi gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và cuộc sống hàng ngày của người bệnh, bao gồm:

  • Các cơn đau vùng thượng vị thường xuất hiện thường xuyên và có thể trở nên nghiêm trọng, đôi khi làm cho người bệnh không thể chịu đựng được.
  • Khó nuốt, buồn nôn và nôn sau khi ăn, thậm chí có thể nôn ra máu: Đây là những biểu hiện của sự phát triển ngày càng to của các khối u ung thư, gây ra khó khăn trong việc ăn uống và hấp thụ dưỡng chất, dẫn đến giảm cân nhanh chóng, cơ thể yếu ớt, thiếu sức sống.
  • Triệu chứng đi ngoài ra máu: Các khối u lớn có thể vỡ gây ra chảy máu và máu sẽ xuất hiện trong phân khi đi tiêu.
  • Cảm giác đau khi sờ nắn vùng bụng: Điều này thường xuất hiện khi các khối u ngày càng to lên.
  • Cơ thể người bệnh thường xuyên mệt mỏi.
ung-thu-da-day-giai-doan-3 2.jpg
Đau vùng thượng vị có thể là dấu hiệu của ung thư dạ dày

Biến chứng của ung thư dạ dày giai đoạn 3

Biến chứng của ung thư dạ dày giai đoạn 3 rất nguy hiểm, có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe và thậm chí dẫn đến tử vong. Các biến chứng bao gồm:

  • Rối loạn hấp thụ dưỡng chất: Ung thư dạ dày ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ dưỡng chất từ thức ăn, gây suy dinh dưỡng và suy kiệt nặng.
  • Hẹp môn vị: Khối u trong dạ dày có thể gây ra hẹp môn vị, làm cho việc lưu thông thức ăn từ dạ dày xuống tá tràng gặp khó khăn.
  • Hẹp tâm vị: Ung thư dạ dày vùng tâm vị có thể gây biến chứng hẹp tâm vị, dẫn đến cảm giác nghẹn khi nuốt và khó khăn khi ăn uống.
  • Xuất huyết tiêu hóa: Khối u trong dạ dày có thể gây ra xuất huyết, dẫn đến triệu chứng như da xanh, niêm nhạt, và mệt mỏi.
  • Thủng dạ dày: Biến chứng này thường xuất hiện trên nền ung thư thể loét cần phải cấp cứu ngay lập tức.
  • Tử vong: Ung thư dạ dày là một trong những căn bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
ung-thu-da-day-giai-doan-3 3.jpg
Ung thư dạ dày giai đoạn 3 có thể gây biến chứng xuất huyết tiêu hoá

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào được đề cập ở trên, hãy ngay lập tức liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tiến triển bệnh ung thư dạ dày và giúp bạn phục hồi sức khỏe nhanh chóng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày giai đoạn 3

Ung thư dạ dày có thể do nhiều nguyên nhân gây ra bao gồm: Nhiễm trùng vi khuẩn H. pylori, polyp dạ dày, bệnh viêm loét dạ dày tái phát hoặc tiền sử bệnh lý lành tính ở dạ dày, hút thuốc lá, uống rượu bia, chế độ ăn chứa nhiều chất bảo quản, thực phẩm nướng hoặc xông khói/ngâm muối, thực phẩm đóng hộp, thịt hun khói, tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày hoặc các rối loạn đường tiêu hóa, thói quen ăn uống…Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, ung thư dạ dày sẽ tiến triển tới giai đoạn 3.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải ung thư dạ dày giai đoạn 3?

Những đối tượng có yếu tố nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày giai đoạn 3, bao gồm:

  • U tuyến dạ dày;
  • Thiếu máu ác tính;
  • Chuyển sản ruột của dạ dày;
  • Polyp tuyến gia đình (FAP);
  • Hội chứng Lynch;
  • Hội chứng Peutz-Jeghers;
  • Hội chứng đa polyp.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải ung thư dạ dày giai đoạn 3

Các yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư dạ dày:

  • Giới tính: Ung thư dạ dày thường xảy ra ở nam giới hơn nữ giới.
  • Chế độ ăn: Thường xuyên ăn thịt chế biến, nướng hoặc nướng than cũng làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày ngoài vùng tâm vị. Ngoài ra, ăn ít hoặc không ăn trái cây có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
  • Hút thuốc lá và uống rượu: Rượu và thuốc lá sẽ làm nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
  • Thừa cân và béo phì: Làm tăng nguy cơ mắc ung thư ở phần trên của dạ dày, khu vực gần thực quản.
  • Tiền sử gia đình ung thư dạ dày.
  • Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP).
  • Một số loại polyp dạ dày.
  • Thiếu máu.
ung-thu-da-day-giai-doan-3 4.jpg
Người bị thiếu máu ác tính có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày giai đoạn 3

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm ung thư dạ dày giai đoạn 3

Để chẩn đoán phát hiện ung thư dạ dày, các phương pháp sau được sử dụng:

  • Nội soi đường tiêu hóa trên: Quá trình này cho phép bác sĩ kiểm tra tổn thương trực tiếp trên niêm mạc dạ dày và lấy mẫu mô để xét nghiệm nếu cần thiết.
  • Sinh thiết: Nếu có dấu hiệu hoặc nghi ngờ về ung thư, bác sĩ có thể lấy mẫu mô từ niêm mạc dạ dày để kiểm tra. Phương pháp này được gọi là sinh thiết và thường được thực hiện trong quá trình nội soi.

Sau khi phát hiện ung thư dạ dày, các xét nghiệm khác có thể được thực hiện để xác định mức độ lan rộng và giai đoạn của bệnh. Các phương pháp và quy trình được sử dụng bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể cung cấp thông tin về sức khỏe tổng thể của bệnh nhân, nhưng không đủ để chẩn đoán ung thư dạ dày. Xét nghiệm ADN được sử dụng trong một số trường hợp cụ thể, giúp phát hiện các mảnh tế bào ung thư có thể tồn tại trong máu.
  • Siêu âm dạ dày: Phương pháp này được sử dụng để đánh giá các hạch bạch huyết gần dạ dày. Hình ảnh từ siêu âm có thể hỗ trợ việc xác định vị trí và định hướng kim lấy mẫu mô. Mẫu mô này sau đó sẽ được kiểm tra trong phòng thí nghiệm để tìm kiếm sự có mặt của tế bào ung thư.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Các phương pháp hình ảnh như CT và PET-CT có khả năng phát hiện dấu hiệu lan rộng của ung thư dạ dày nếu có sự xuất hiện của tế bào ung thư trong các hạch bạch huyết gần dạ dày hoặc trong các bộ phận khác của cơ thể.
  • Phẫu thuật: Trong những trường hợp không thể xác định được từ các phương pháp hình ảnh, phẫu thuật có thể được thực hiện để kiểm tra bên trong cơ thể đồng thời tìm kiếm dấu hiệu của ung thư và sự lan rộng của nó, bao gồm cả việc xác định có ung thư di căn vào gan hoặc bộ phận khác.
ung-thu-da-day-giai-doan-3 5.jpg
Phương pháp nội soi có thể kiểm tra các tổn thương trên niêm mạc dạ dày

Điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 3

Trong trường hợp ung thư dạ dày giai đoạn 3, việc điều trị đòi hỏi kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Dựa vào tình trạng sức khỏe, độ tuổi của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ đề xuất phương pháp điều trị phù.

Phương pháp điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 3 thường bao gồm phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Trong những trường hợp không thể thực hiện phẫu thuật do sức khỏe yếu, hóa trị sẽ được áp dụng nhằm kiểm soát sự phát triển của khối u, ngăn chặn sự lan rộng và tiêu diệt chúng. Các loại thuốc hóa trị sẽ được tiêm vào cơ thể qua tĩnh mạch hoặc uống. Mặc dù có thể gây ra các tác dụng phụ như rụng tóc, thiếu máu, mệt mỏi, buồn nôn, nhưng các tác dụng này thường sẽ giảm đi sau mỗi liệu pháp hóa trị.

Ngoài ra, phương pháp xạ trị có thể được sử dụng kết hợp với hóa trị nhằm tăng cường hiệu quả của quá trình điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 3.

Để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, bao gồm chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, hoạt động hợp lý và tiến hành thăm khám định kỳ để đánh giá tình trạng sức khỏe.

ung-thu-da-day-giai-doan-3 6.jpg
Hoá trị, xạ trị có thể kiểm soát sự phát triển của khối u ung thư

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư dạ dày giai đoạn 3

Chế độ sinh hoạt:

  • Duy trì thói quen tập luyện thể dục thể thao.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi thư giãn hợp lý để giảm căng thẳng trong công việc và cuộc sống.
  • Bỏ thuốc lá và hạn chế tiêu thụ rượu bia.
  • Tầm soát ung thư thường xuyên.
  • Duy trì tinh thần lạc quan để kiểm soát bệnh tốt hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Chế độ dinh dưỡng:

Một số lưu ý trong chế độ dinh dưỡng ở người bệnh ung thư dạ dày như sau:

  • Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất để tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ quá trình lành vết thương. Thực đơn nên bao gồm các món canh, súp nhuyễn mịn để dễ tiêu hóa.
  • Khi lựa chọn thực phẩm, nên ưu tiên các loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
  • Bệnh nhân nên ăn từ 6 đến 7 bữa/ngày để duy trì lượng dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
  • Cần bổ sung các nhóm thực phẩm như: Thực phẩm giàu protein như trứng, sữa, pho mát; thực phẩm chứa chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt và rau củ. Hạn chế sử dụng đồ ăn chế biến sẵn và thức ăn nhanh.
ung-thu-da-day-giai-doan-3 7.jpg
Bổ sung dinh dưỡng giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục

Phòng ngừa ung thư dạ dày

Bệnh ung thư dạ dày cũng như các loại ung thư khác, sẽ có hiệu quả điều trị tốt hơn khi được phát hiện sớm. Vì vậy, việc thăm khám sức khỏe định kỳ và thực hiện các biện pháp sàng lọc ung thư là rất quan trọng, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao. Bằng cách này, chúng ta có thể phát hiện ung thư ở giai đoạn ban đầu và kịp thời điều trị căn bệnh nguy hiểm này. Ngược lại, nếu bệnh được phát hiện muộn, tế bào ung thư có thể phát triển nhanh chóng và gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của bệnh nhân.

Ở Việt Nam, khuyến nghị tầm soát ung thư dạ dày bắt đầu từ độ tuổi 40 và đặc biệt cho những người có yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên, do tình hình ung thư dạ dày trẻ hóa, việc tầm soát ở người trưởng thành nên được thực hiện sớm hơn. Người trẻ có yếu tố nguy cơ cao có thể bắt đầu tầm soát từ độ tuổi 30-35 để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và can thiệp kịp thời.

Nguồn tham khảo
  1. Stage 3 stomach cancer: https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/stomach-cancer/stages/stage-3
  2. Stomach Cancer Stages: https://www.cancer.gov/types/stomach/stages
  3. What to know about stage 3 stomach cancer: https://www.medicalnewstoday.com/articles/stage-3-stomach-cancer
  4. Stage III gastric cancer: https://www.cancer.gov/publications/dictionaries/cancer-terms/def/stage-iii-gastric-cancer
  5. 5Stomach cance: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/stomach-cancer/diagnosis-treatment/drc-20352443

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin

Các bệnh liên quan