Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Interferon beta-1b - Trị các dạng tái phát của đa xơ cứng

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Interferon beta-1b

Loại thuốc

Interferon

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Dung dịch để tiêm dưới da 9,6 triệu đvqt (0,3 mg).
  • Bột để pha tiêm dưới da: Lọ 300 microgam (9,6 triệu đơn vị) kèm dung môi.

Chỉ định

Bệnh xơ cứng rải rác tái phát – thuyên giảm (relapse-remitting multiple sclerosis): Bệnh có 2 đợt cấp hoặc hơn trong 3 năm trước mà không có biểu hiện bệnh tiến triển giữa các đợt.

Bệnh xơ cứng rải rác tiến triển thứ phát (có đặc điểm giảm tần xuất các đợt tổn thương thần kinh kèm tàn phế bền vững không liên quan đến các đợt tổn thương thần kinh mới).

Bệnh nhân bị thoái hóa bao myelin với quá trình viêm đang hoạt động (nếu bệnh đủ nặng để cần tiêm tĩnh mạch corticosteroid và bệnh nhân có nguy cơ phát triển bệnh đa xơ cứng).

Dược lực học

Interferon là những protein có tính chất đặc hiệu đối với loài và đôi khi là những glycoprotein, có hoạt tính kháng virus, kháng tăng sinh, và có hoạt tính điều biến miễn dịch.

Interferon beta khi gắn vào các thụ thể đặc hiệu trên bề mặt tế bào bắt đầu khởi động một chuỗi phức tạp sự kiện nội bào làm bộc lộ một số lớn các sản phẩm và gen đánh dấu do nhiều interferon gây ra, bao gồm 2’,5’oligoadenylat synthetase (một enzym tham gia vào ức chế virus), beta 2-microglobulin, và neopterin (một sản phẩm của đại thực bào và tế bào T được hoạt hóa).

Cơ chế tác dụng của interferon beta trong điều trị bệnh xơ cứng rải rác còn chưa biết đầy đủ, nhưng có thể liên quan đến tác dụng điều biến miễn dịch, bao gồm cả tác dụng chống viêm. Interferon beta ức chế sản xuất interferon gamma là interferon đã tham gia làm nặng bệnh xơ cứng rải rác.

Cơ chế tác dụng của thuốc cũng liên quan đến ức chế giải phóng các cytokin khác như yếu tố hoại tử u (TNF) và lymphotoxin (cả hai làm tổn hại đến tế bào thần kinh đệm ít gai [oligodendrocytes]); ức chế tăng sinh tế bào T là các tế bào giải phóng interferon gamma và lymphotoxin; và tăng chức năng các tế bào T ức chế là các tế bào bị suy giảm trong bệnh xơ cứng rải rác.

Động lực học

Hấp thu

Các interferon không hấp thu qua đường tiêu hóa. Khoảng 50% liều tiêm dưới da và khoảng 40% liều tiêm bắp interferon beta được hấp thu. Nồng độ đỉnh interferon beta-1b huyết thanh đạt được từ 1 đến 8 giờ sau khi tiêm dưới da. Sinh khả dụng tuyệt đối của interferon beta-1b tiêm dưới da là khoảng 50%

Phân bố

Chưa có thông tin về phân bố interferon beta-1b.

Thải trừ

Tốc độ thanh thải được ước tính tối đa là 30 ml/min.kg và thời gian bán ước tính tối đa là 5 giờ

Tương tác thuốc

  • Interferon beta-1b dùng cùng với corticosteroid, ACTH, thuốc chống trầm cảm, và/hoặc thuốc tránh thai uống mà không có ADR nào xảy ra.
  • Sử dụng cùng với các thuốc điều hòa miễn dịch không phải là corticosteroid hoặc ACTH không được khuyến cáo
  • Thận trọng khi dùng interferon beta-1b phối hợp với thuốc khác cũng có tiềm năng gây độc cho gan (như rượu).
  • Interferon beta-1b có tiềm năng ức chế tủy xương, phải theo dõi chặt các thông số huyết học khi phối hợp với các thuốc ức chế tủy xương.
  • Cladribine có thể làm tăng độc tính của Interferon beta. Cụ thể, nguy cơ giảm bạch cầu có thể tăng lên. Tránh kết hợp.
  • Zidovudine: Interferon có thể làm tăng độc tính của Zidovudine. Interferon có thể làm giảm chuyển hóa của Zidovudine. Cần theo dõi điều trị.

Chống chỉ định

  • Quá mẫn với các loại interferon tự nhiên và tái tổ hợp; quá mẫn với albumin huyết thanh người hoặc các thành phần khác của chế phẩm.
  • Người mang thai.
  • Người bệnh trầm cảm nặng và/hoặc có ý định tự vẫn
  • Người bệnh có tiền sử động kinh mà không thể điều trị và kiểm soát được một cách chặt chẽ.
  • Người bị bệnh gan mất bù

Liều lượng & cách dùng

Điều trị nên được bắt đầu dưới sự giám sát của bác sĩ có kinh nghiệm trong điều trị bệnh

Cách dùng: Cần đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất trước khi dùng. Interferon beta-1b tiêm dưới da. Dùng interferon beta-1b vào buổi chiều có thể làm một số phản ứng có hại (ADR) dễ dung nạp hơn (như hội chứng giống cúm) vì tránh được nồng độ thuốc cao nhất ban ngày. Kỹ thuật tiêm đặc biệt quan trọng khi tiêm dưới da interferon beta vì nguy cơ phản ứng tại chỗ như viêm, đau, hoại tử.

Người lớn

Liều lượng: Liều lượng và hiệu lực của interferon beta được tính theo đvqt hoặc mg.

Liệu pháp điều trị này nên bắt đầu bằng liều thấp (như 2 triệu đv [0,0625 mg]) tiêm dưới da cách 2 ngày 1 lần và liều tăng dần trong thời gian 6 tuần tới 8 triệu đv (0,25 mg) cách 2 ngày 1 lần, cụ thể như sau:

 

Liều interferon beta-1b tiêm dưới da

Tuần 1 - 2

2 triệu đv (0,0625 mg), 2 ngày 1 lần

Tuần 3 - 4

4 triệu đv (0,125 mg), 2 ngày 1 lần

Tuần 5 - 6

6 triệu đv (0,1875 mg), 2 ngày 1 lần

Tuần 7 +

8 triệu đv (0,25 mg), 2 ngày 1 lần

Không khuyến cáo điều trị ở những bệnh nhân bị bệnh đa xơ cứng tái phát đã trải qua ít hơn 2 lần tái phát trong 2 năm trước đó hoặc ở những bệnh nhân bị bệnh đa xơ cứng tiến triển thứ phát không có bệnh hoạt động trong 2 năm trước đó.

Nếu bệnh nhân đã điều trị bằng interferon beta-1b và không đáp ứng (ví dụ như Thang trạng thái khuyết tật mở rộng (EDSS) ổn định trong 6 tháng hoặc điều trị với ít nhất 3 đợt ACTH hoặc corticosteroid trong thời gian một năm là bắt buộc), thì nên ngừng điều trị bằng interferon beta-1b.

Trẻ em

Không có thông tin về việc sử dụng interferon beta-1b ở trẻ em dưới 12 tuổi. Do đó không nên sử dụng cho đối tượng này.

Tác dụng phụ

Thường gặp

  • Vã mồ hôi, hói đầu, rụng tóc, hội chứng giống cúm, sốt, ớn lạnh
  • Đau đầu, khó ngủ, trầm cảm, lo âu, suy nhược, tăng trương lực, mất phối hợp, mất ngủ, chóng mặt, trạng thái kích động, co giật, ngủ gà
  • Tiêu chảy, đau bụng, táo bón, khô miệng, nôn
  • Tăng tạm thời transaminase
  • Đau khớp, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ
  • Viêm đường hô hấp trên
  • Đa kinh, băng huyết
  • Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, thiếu máu
  • Đau ngực, tăng huyết áp, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh
  • Rối loạn thị giác, khô mắt
  • Phù ngoại biên, ban da

Ít gặp

  • Chán ăn, phản ứng quá mẫn
  • Giãn mạch, đánh trống ngực, bệnh cơ tim và suy tim mạn
  • Buồn nôn
  • Phát ban, phản ứng tại chỗ tiêm

Hiếm gặp

  • Phản ứng dị ứng nghiêm trọng, kể cả phản vệ
  • Cảm giác như ngất ngay sau mũi tiêm interferon beta đầu tiên, hiếm khi có các cơn co giật và co cứng (chuột rút), loạn nhịp
  • Những cơn co cứng thoáng qua và/hoặc yếu cơ nghiêm trọng, thậm chí có thể làm hạn chế vận động
  • Số lượng tế bào lymphô, tiểu cầu, bạch cầu trung tính và hồng cầu bị giảm; cũng như có sự tăng nồng độ creatinin huyết thanh, kali huyết thanh, urat huyết thanh và nồng độ transaminase. Cũng có thể tăng calci niệu thoáng qua.

Không xác định tần suất

  • Thiếu máu tan huyết
  • Hội chứng rò rỉ mao mạch trong bệnh gammopathy đơn dòng có từ trước
  • Tăng huyết áp động mạch phổi
  • Bệnh lupus ban đỏ do thuốc

Lưu ý

Lưu ý chung

  • Phải theo dõi chặt chẽ người bệnh để đề phòng những ADR. Các ADR trong khi điều trị, kể cả các triệu chứng giống cúm, thường rõ nhất khi bắt đầu điều trị và giảm dần trong quá trình điều trị.
  • Người có tiền sử bệnh thần kinh, đặc biệt là có co giật và bệnh động kinh, thì cần phải theo dõi rất chặt chẽ và có thể cần phải có biện pháp điều trị để điều chỉnh cho được bệnh động kinh trong thời gian thực hiện điều trị bằng interferon.
  • Interferon có thể thúc đẩy trầm cảm và thậm chí cả ý định tự tử ở người bệnh có xu hướng phát triển trầm cảm. Bác sỹ điều trị phải khám xét cẩn thận triệu chứng trầm cảm, nếu có thì phải điều trị một cách thích hợp, kể cả việc ngừng sử dụng interferon.
  • Người bệnh suy giảm nặng chức năng thận và/hoặc gan và người bệnh có tiền sử suy tủy cần được chú ý đặc biệt về liều lượng và các nguy cơ ADR trong quá trình điều trị.
  • Cần theo dõi các dấu hiệu của tổn thương gan và thận trọng khi sử dụng đồng thời interferon beta với các sản phẩm thuốc khác có liên quan đến tổn thương gan
  • Người bệnh có bệnh tim mạch như cơn đau thắt ngực, suy tim mạn hoặc loạn nhịp tim phải được theo dõi chặt chẽ chức năng tim.
  • Người bệnh tạo kháng thể chống lại interferon (kháng thể trung hòa), nên ở một số người bệnh được điều trị hoạt lực của interferon beta có thể bị giảm.

Lưu ý với phụ nữ có thai

  • Chống chỉ định interferon beta cho người mang thai vì nguy cơ tiềm tàng cho thai nhi. Chưa có nghiên cứu về điều trị interferon beta cho người mang thai. Phụ nữ ở tuổi sinh đẻ nên kiểm tra để xác định không có thai trước khi bắt đầu sử dụng interferon beta và phải uống thuốc ngừa thai trong thời gian điều trị.
  • Nếu cần thiết về mặt lâm sàng, việc sử dụng interferon beta có thể được xem xét trong thời kỳ mang thai

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Còn thiếu thông tin về nồng độ interferon trong sữa.

Do có tiềm năng gây các ADR nặng ở trẻ em, nên khuyến cáo hoặc phải ngừng cho con bú, hoặc phải ngừng điều trị bằng interferon beta cho đến khi thôi cho con bú.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Không có nghiên cứu nào về ảnh hưởng của interferon beta-1a đối với khả năng lái xe và vận hành máy móc. Các phản ứng có hại liên quan đến hệ thần kinh trung ương có thể ảnh hưởng nhỏ đến khả năng lái xe và sử dụng máy móc ở những bệnh nhân mẫn cảm.

Quá liều

Quên liều và xử trí

Sử dụng liều quên ngay khi nhớ ra. Sau đó, đợi ít nhất 48 giờ (2 ngày) trước khi sử dụng một liều khác và bắt đầu lại lịch dùng thuốc tại thời điểm đó. Không sử dụng nhiều hơn một lần tiêm mỗi 48 giờ.

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Chưa có thông tin về quá liều. Interferon beta-1b đã được sử dụng với liều lượng cao tới 5500 microgram (176 triệu IU) tiêm tĩnh mạch ba lần một tuần ở bệnh nhân người lớn ung thư mà không có tác dụng phụ nghiêm trọng ảnh hưởng đến các chức năng sống.

Cách xử lý khi quá liều

Khi quá liều cần điều trị hỗ trợ, dựa vào triệu chứng.

Nguồn tham khảo

Tên thuốc: Interferon beta-1b

Dược thư quốc gia Việt Nam 2015

EMC: https://www.medicines.org.uk/emc/product/1121/smpc

Drugs.com: https://www.drugs.com/mtm/interferon-beta-1b.html

https://www.drugs.com/ppa/interferon-beta-1b.html

BNF80

Ngày cập nhật: 19/6/2021