Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược chất/
  3. Loxapine

Loxapine: Thuốc trị rối loạn tâm thần

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Loxapine (Loxapine Succinate).

Loại thuốc

Thuốc chống loạn thần, nhóm Dibenzoxazepine

Dạng thuốc và hàm lượng

Thuốc bột dùng đường hít: 10 mg

Viên nang: 5 mg, 10 mg, 25 mg, 50 mg

Chỉ định

Loxapine được chỉ định ở người lớn và trẻ em từ 15 tuổi trở lên để điều trị:

  • Điều trị tâm thần phân liệt (dùng đường uống).
  • Tình trạng kích động cấp tính liên quan đến tâm thần phân liệt hoặc rối loạn lưỡng cực I (loại trầm cảm) (dùng đường hít).

Dược lực học

Loxapine là một thuốc chống loạn thần thuộc nhóm Dibenzoxazepine, nó có cơ chế tác động bằng cách ức chế thụ thể Mesolimbic D1 và D2 tại vị trí hậu synap ở trong não, đồng thời cũng có tác dụng ức chế thụ thể serotonin 5-HT2.

Tác động của Loxapine trên thần kinh trrung ương: Làm tăng nồng độ DopamineSerotonin - những chất hóa học giúp điều hòa trạng thái kích động, điều trị trong tâm thần phân liệt và trầm cảm.

Sự đối kháng của thụ thể α1-adrenergic và thụ thể Cholinergic có thể góp phần gây ra các tác dụng phụ (ví dụ, hạ huyết áp thế đứng, khô miệng, mờ mắt).

Động lực học

Hấp thu

Hấp thu nhanh chóng và gần như hoàn toàn qua đường tiêu hóa sau khi uống. Nồng độ tối đa trong huyết thanh thường đạt được trong vòng 1 - 3 giờ sau khi uống.

Thời gian an thần sau khi uống một liều duy nhất là khoảng 12 giờ.

Phân bố

Thuốc phân bố rộng rãi vào các mô cơ thể, bao gồm phổi, dịch não tủy, lá lách, tim, gan, tuyến tụy và thận.

Loxapine đi qua được hàng rào máu não.

Thuốc dạng hít có liên kết protein tới 97%.

Chuyển hóa

Thuốc chuyển hóa ở gan bằng các phản ứng hydroxyl hóa, N-demethyl hóa, N-oxy hóa và liên hợp với glucuronid.

Tương tác thuốc

Tương tác Loxapine với các thuốc khác

Loxapine làm tăng tác dụng của rượu và các thuốc ức chế thần kinh trung ương như thuốc kháng histamine, thuốc an thần gây ngủ, thuốc trị động kinh, các opioid, thuốc gây mê bao gồm một số loại thuốc gây mê trong nha khoa, do có thể gây ra các tác dụng không mong muốn như buồn ngủ, chậm nhịp thở, có thể tiến triển nặng đe dọa tới tính mạng.

Loxapine làm giảm tác dụng điều trị của thuốc kháng cholinergic, làm tăng cường tác động gây độc trên thần kinh trung ương.

Thuốc điều trị Parkinson theo cơ chế chủ vận dopamine có thể làm giảm tác dụng điều trị của Loxapine. Ngoài ra còn có sự đối kháng qua lại giữa levodopa và thuốc an thần. Ở những bệnh nhân bị bệnh Parkinson, nên sử dụng liều tối thiểu có hiệu quả của mỗi loại thuốc.

Thuốc chẹn beta trong điều trị suy tim (Carvedilol, Metoprolol, Bisoprolol) sử dụng phối hợp làm tăng tác dụng giãn mạch và nguy cơ hạ huyết áp, đặc biệt là huyết áp thế đứng.

Tương tác với thực phẩm

Rượu có thể làm tăng tác dụng phụ trên hệ thần kinh của Loxapine như chóng mặt, buồn ngủ và khó tập trung. Một số người cũng có thể bị suy giảm khả năng suy nghĩ và phán đoán.

Cần sa góp phần làm tăng cường tác dụng ức chế thần kinh trung ương.

Dùng đồng thời với vitamin và các sản phẩm thảo dược như trầu cũng có thể gây ảnh hưởng.

Chống chỉ định

Thuốc Loxapine chống chỉ định trong các trường hợp sau:

Bệnh nhân dị ứng với Dibenzoxazepine, hoặc bất kỳ thành phần tá dược có trong sản phẩm thuốc.

Bệnh nhân hôn mê hoặc có các tình trạng nghiêm trọng (giảm tỉnh táo) do rượu hoặc một số loại thuốc barbiturate.

Bệnh nhi dưới 15 tuổi.

Điều trị các vấn đề tâm thần do sa sút trí tuệ ở người cao tuổi.

Bệnh nhân đang hoặc có tiền sử bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc các bệnh phổi khác gây co thắt phế quản hoặc có triệu chứng hô hấp cấp tính (như thở khò khè).

Bệnh nhân bị suy nhược thần kinh trung ương nghiêm trọng, mắc hội chứng ác tính do thuốc an.

Bệnh nhân mắc bệnh gan hoặc bệnh tim nặng, bị ức chế tủy xương hoặc có tăng nhãn áp góc hẹp.

Dùng phối hợp với thuốc chủ vận dopamine ngoại trừ levodopa (Amantadine, Bromocriptine, Lisuride, Pergolide, Piribedil, Ropinirole, Cabergoline, Pramipexole, Apomorphine) trừ trường hợp bệnh nhân bị bệnh Parkinson.

Liều lượng & cách dùng

Người lớn

Bệnh tâm thần phân liệt

Điều trị với Loxapine theo đường uống, có thể dùng theo một liều duy nhất vào buổi tối hoặc được chia nhỏ liều trong ngày.

Liều khởi đầu với 10 mg hai lần một ngày, có thể bắt đầu điều trị với liều 50 mg/ngày nếu cần ở những bệnh nhân bị rối loạn nặng. Điều chỉnh liều nhanh chóng trong khoảng từ 7 đến 10 ngày đầu tiên, đến khi các triệu chứng được kiểm soát hiệu quả.

Liều duy trì khoảng từ 60 mg đến 100 mg/ngày, dùng 2 đến 4 lần mỗi ngày, thông thường đa số bệnh nhân đáp ứng hiệu quả với mức liều từ 20 đến 60 mg/ngày.

Liều tối đa không quá 250 mg/ngày.

Khuyến cáo dùng Loxapine cùng với thức ăn để hạn chế sự kích ứng, vào cùng một khoảng thời gian nhất định trong ngày.

Có thể điều trị theo con đường tiêm bắp (sản phẩm của Canada, không còn được điều trị ở Mỹ): Liều thông thường từ 12,5 đến 50 mg mỗi 4 đến 6 giờ hoặc lâu hơn.

Trạng thái kích động cấp tính liên quan đến tâm thần phân liệt hoặc rối loạn lưỡng cực:

Điều trị với Loxapine theo đường hít: Liều thông thường là 10 mg, dùng duy nhất một lần trong 24 giờ.

Trẻ em

Điều trị Loxapine cho trẻ em từ 15 tuổi trở lên, liều lượng giống như ở người lớn.

Đối tượng khác

Giảm một nửa liều đối với người cao tuổi khi có các nguy cơ xảy ra tác dụng phụ với liều điều trị liều cao.

Tác dụng phụ

Thường gặp

Buồn ngủ, chóng mặt, mệt mỏi, suy nhược, ngất, tụt huyết áp.

Căng thẳng, co giật, rối loạn vận động, nói lắp, tê và trạng thái nhầm lẫn.

Ít gặp

Phản ứng ngoại tháp (run, cứng đơ, tiết nhiều nước bọt).

Bồn chồn, rối loạn trương lực cơ, rối loạn vận động (khó nuốt, khó thở).

Suy giảm thị lực, co thắt phế quản.

Hiếm gặp

Vàng da, viêm gan.

Mất bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu.

Không xác định tần suất

Táo bón, tiết nhiều nước bọt, liệt ruột, buồn nôn, nôn mửa.

Tăng thân nhiệt ác tính, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, hạ huyết áp thế đứng, ngất, thay đổi điện tâm đồ, mặt đỏ bừng.

Tổn thương tế bào gan, tăng transaminase gan.

Viêm da, phù mặt, ngứa, phát ban, rụng tóc, tăng tiết bã nhờn.

Tăng cân, giảm cân, bí tiểu, mờ mắt, khô mắt, mất ngủ.

Xuất huyết, vô kinh, nữ hóa tuyến vú, kinh nguyệt không đều.

Lưu ý

Lưu ý chung

Khi quyết định tiến hành điều trị, những rủi ro của việc dùng thuốc phải được cân nhắc với những lợi ích mà nó mang lại.

Liều cao hoặc liều kéo dài có thể gây rối loạn vận động nghiêm trọng, không thể hồi phục, đặc biệt đối với phụ nữ hoặc người lớn tuổi.

Bệnh nhân có số lượng bạch cầu, bạch cầu trung tính thấp hoặc có tiền sử giảm bạch cầu do thuốc, nên thường xuyên làm các xét nghiệm máu trong vài tháng đầu.

Đối với bệnh nhân sử dụng ống hít, phải theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng co thắt phế quản, ít nhất 15 phút đầu tiên khi bắt đầu sử dụng điều trị và ít nhất 1 giờ sau khi sử dụng.

Những người lớn tuổi bị chứng mất trí nhớ khi sử dụng sẽ có nguy cơ đột quỵ cao hơn.

Một vấn đề sức khỏe rất tồi tệ và đôi khi gây chết người được gọi là hội chứng ác tính do thuốc an thần (NMS) có thể xảy ra. Các biểu hiện lâm sàng của NMS là tăng oxy máu, cứng cơ, thay đổi trạng thái tâm thần và mất ổn định thần kinh thực vật (mạch hoặc huyết áp không đều, nhịp tim nhanh và rối loạn nhịp tim).

Một số người có thể gặp vấn đề nghiêm trọng về cơ được gọi là rối loạn vận động muộn, có thể thuyên giảm sau khi ngừng thuốc, nhưng có thể không biến mất.

Chóng mặt, choáng váng hoặc ngất xỉu có thể xảy ra, đặc biệt là khi đột ngột chuyển tư thế, , nhất là ở người cao tuổi.

Loxapine nên được sử dụng thận trọng đối với những người bị rối loạn chức năng gan, thận vì nguy cơ quá liều.

Bệnh nhân có chứng động kinh hoặc có tiền sử co giật cũng nên phải được lưu ý do do khả năng làm giảm tác dụng của thuốc chống động kinh.

Lưu ý trong điều trị trên những đối tượng bị bệnh tăng nhãn áp và bệnh nhân dễ bị bí tiểu do đặc tính kháng cholinergic của Loxapine, việc kiểm tra nhãn khoa phải được thực hiện định kỳ ở những bệnh nhân điều trị thời gian kéo dài.

Không nên uống rượu khi điều trị với Loxapine.

Dùng đồng thời thuốc làm giảm nhu động ruột có nguy cơ cao bị liệt ruột, do đó thận trọgn khi sử dụng.

Khuyến cáo dừng Loxapine trước khi ngừng điều trị với benzodiazepine trong hai tuần để tránh khả năng ức chế hô hấp.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Sử dụng thuốc chống loạn thần trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể gây ra các vấn đề về hô hấp, khó bú hoặc các triệu chứng cai nghiện ở trẻ sơ sinh. Cân nhắc lợi ích và nguy cơ khi sử dụng.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Cân nhắc lợi ích tiềm năng so với những rủi ro có thể xảy ra trước khi dùng thuốc này khi cho con bú. Khuyến cáo không nên cho con bú khi đang sử dụng Loxapine.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Loxapine có thể gây mờ mắt, chóng mặt, buồn ngủ, khó suy nghĩ, khó kiểm soát chuyển động của cơ thể hoặc các vấn đề khác trên thị lực, có thể dẫn đến ngã, gãy xương hoặc các chấn thương khác. Không sử dụng thuốc khi đang lái xe và vận hành máy móc.

Quá liều

Quên liều và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch.

Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Các dấu hiệu và triệu chứng của quá liều sẽ phụ thuộc vào lượng uống vào và khả năng dung nạp của từng bệnh nhân.

Các triệu chứng quá liều bao gồm buồn ngủ, hôn mê, hạ huyết áp nghiêm trọng và ức chế hô hấp như khó thở, thở không đều, thở yếu hoặc nông, có thể xảy ra ngất xỉu hoặc co giật.

Cách xử lý khi quá liều thuốc Loxapine

Liên hệ ngay với nhân viên y tế.

Không có thuốc giải độc cụ thể, chủ yếu điều trị triệu chứng và hỗ trợ.

Rửa dạ dày nếu phát hiện sớm, đảm bảo thông khí, nên kết hợp truyền dịch.

Lọc máu có thể có lợi, chú ý không sử dụng các thuốc gây nôn, thuốc an thần.

Các phản ứng ngoại tháp nghiêm trọng nên được điều trị bằng thuốc kháng Cholinergic Antiparkinson hoặc Diphenhydramine Hydrochloride và điều trị chống co giật. Các biện pháp bổ sung bao gồm cung cấp oxy.

Nguồn tham khảo