Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nalbuphine: Thuốc giảm đau gây mê, kiểm soát cơn đau nghiêm trọng

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Nalbuphine.

Loại thuốc

Thuốc giảm đau gây mê opioid.

Dạng thuốc và hàm lượng

Thuốc tiêm: 10 mg/mL; 20 mg/mL

Chỉ định

Thuốc được chỉ định để kiểm soát cơn đau nghiêm trọng cần sử dụng đến thuốc giảm đau opioid và khi các phương pháp điều trị thay thế không phù hợp.

Nalbuphine cũng có thể được sử dụng như một chất bổ sung trong liệu pháp gây mê phối hợp.

Giảm đau trước và sau phẫu thuật, giảm đau sản khoa trong quá trình chuyển dạ và sinh nở.

Dược lực học

Nalbuphine là một chất chủ vận tại các thụ thể opioid kappa và một chất đối kháng tại các thụ thể opioid mu.

Hiệu lực giảm đau của nalbuphine về cơ bản tương đương với morphin ở ngưỡng liều miligam. Hoạt tính đối kháng opioid của nalbuphine bằng 1/4 so với nalorphine và 10 lần so với pentazocine. Nalbuphine có hoạt tính đối kháng opioid mạnh với liều bằng hoặc thấp hơn liều giảm đau của nó. Khi dùng sau hoặc đồng thời với thuốc giảm đau opioid chủ vận trên receptor mu (ví dụ, morphine, oxymorphone, fentanyl), nalbuphine có thể đảo ngược một phần hoặc ngăn chặn một phần tác dụng ức chế hô hấp do opioid gây ra từ thuốc giảm đau đồng vận tại các thụ thể mu. Nalbuphine có thể dẫn đến hội chứng cai thuốc ở những bệnh nhân phụ thuộc vào thuốc opioid. Nalbuphine nên được sử dụng thận trọng cho những bệnh nhân đã được sử dụng thuốc giảm đau opioid thường xuyên.

Động lực học

Hấp thu

Sau khi tiêm tĩnh mạch, tác dụng của thuốc Nalbuphine bắt đầu xảy ra trong vòng 2-3 phút; đạt nồng độ đỉnh trong khoảng 30 phút. Sau khi tiêm bắp hoặc tiêm dưới da, thuốc bắt đầu có tác dụng trong vòng 15 phút.

Thời gian tác động: Sau khi tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp hoặc tiêm dưới da, thời gian giảm đau thường là 3–6 giờ.

Phân bố

Đi qua nhau thai; nồng độ trong huyết tương của thai nhi gần như tương đương hoặc cao hơn nồng độ trong huyết tương của mẹ.

Phân phối vào sữa với lượng nhỏ (< 1% liều dùng).

Khả năng liên kết protein huyết tương: Gắn kết không đáng kể.

Chuyển hóa

Chuyển hóa ở gan.

Thải trừ

Nalbuphine và các chất chuyển hóa thải trừ chủ yếu qua đường phân và một phần nhỏ thông qua nước tiểu.

Tương tác thuốc

Tương tác Nalbuphine với các thuốc khác

Benzodiazepine và các thuốc tác dụng lên thần kinh trung ương khác: Tăng tác dụng của nalbuphine.

Thuốc serotonergic: Dùng đồng thời opioid với các thuốc khác ảnh hưởng đến hệ thống dẫn truyền thần kinh serotonergic, chẳng hạn như chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI), thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCAs), thuốc nhóm triptan, thuốc đối kháng thụ thể 5-HT3 ảnh hưởng đến hệ thống dẫn truyền thần kinh serotonin (ví dụ: mirtazapine, trazodone, tramadol), một số thuốc giãn cơ (ví dụ, cyclobenzaprine, metaxalone) và chất ức chế monoamine oxidase (MAOI) (linezolid và methylene tiêm tĩnh mạch), có thể dẫn đến hội chứng serotonin.

Thuốc giãn cơ: nalbuphine có thể tăng cường tác dụng ức chế thần kinh cơ của thuốc giãn cơ và làm tăng mức độ ức chế hô hấp.

Thuốc lợi tiểu: opioid có thể làm giảm hiệu quả của thuốc lợi tiểu bằng cách giải phóng hormone chống bài niệu.

Thuốc kháng cholinergic: sử dụng đồng thời với các thuốc kháng cholinergic có thể làm tăng nguy cơ bí tiểu và/hoặc táo bón nặng, có thể dẫn đến liệt ruột.

Chất ức chế monoamine oxidase (MAOI): tương tác giữa MAOI (ví dụ: phenelzine, tranylcypromine, linezolid) với opioid có thể biểu hiện dưới dạng hội chứng serotonin hoặc ngộ độc opioid (ví dụ: suy hô hấp, hôn mê).

Chống chỉ định

Không dùng thuốc Nalbuphine trong các trường hợp:

  • Suy hô hấp. 
  • Hen phế quản cấp tính hoặc nghiêm trọng trong điều kiện không được giám sát hoặc không có thiết bị hồi sức. 
  • Tình trạng tắc nghẽn đường tiêu hoá nghi ngờ hoặc đã biết, bao gồm liệt ruột. 
  • Quá mẫn với nalbuphine hoặc với bất kỳ thành phần nào khác của thuốc.

Liều lượng & cách dùng

Cách dùng 

Điều chỉnh liều Nalbuphine theo mức độ đau, tình trạng thể chất của bệnh nhân và các loại thuốc khác mà bệnh nhân đang sử dụng.

Sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian điều trị ngắn nhất phù hợp với mục tiêu điều trị của bệnh nhân.

Người lớn

Bệnh nhân không dung nạp với opioid: Tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da liều 10 mg ở bệnh nhân 70 kg (khoảng 0,14 mg/kg). Lặp lại sau mỗi 3–6 giờ nếu cần thiết.

Bệnh nhân dung nạp với opioid: Tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da. Ban đầu, dùng 25% liều nalbuphine thông thường ở những bệnh nhân đang dùng morphine, meperidine, codeine, hoặc các chất chủ vận opiate khác với thời gian tác dụng tương tự.

Quan sát bệnh nhân để biết các dấu hiệu hoặc triệu chứng cai thuốc (ví dụ đau quặn bụng, buồn nôn, nôn, chảy nước mắt, đau bụng kinh, lo lắng, bồn chồn, tăng nhiệt độ, rối loạn nhịp tim). Nếu các triệu chứng gây khó chịu, tiêm tĩnh mạch morphin từ từ với liều lượng nhỏ cho đến khi các triệu chứng cai thuốc thuyên giảm. Nếu các triệu chứng cai thuốc không xảy ra, hãy tăng dần liều lượng cho đến khi đạt được mức độ giảm đau mong muốn.

Bổ sung cho liệu pháp gây mê phối hợp: Tiêm tĩnh mạch 0,3–3 mg/kg để khởi mê và tiếp tục với liều duy trì 0,25–0,5 mg/kg khi cần thiết.

Đối với cơn đau cấp tính không liên quan đến chấn thương hoặc phẫu thuật:

Giới hạn số lượng thuốc giảm đau opioid ở mức cần thiết trong thời gian dự kiến (thường ≤ 3 ngày và hiếm khi > 7 ngày). Liều tối đa cho bệnh nhân không dung nạp với opioid là 20 mg/lần; tối đa 160 mg/ngày.

Trẻ em  

Chưa xác định được tính an toàn và hiệu quả ở trẻ em < 18 tuổi.

Đối tượng khác 

Người suy gan và suy thận: Cân nhắc giảm liều.

Tác dụng phụ

Thường gặp 

An thần, đổ mồ hôi nhễ nhại, buồn nôn, nôn, chóng mặt hoa mắt, khô miệng, đau đầu.

Ít gặp 

Lo lắng, trầm cảm, bồn chồn, khóc, hưng phấn, lơ lửng, thù địch, mơ bất thường, lú lẫn, ngất xỉu, ảo giác, khó chịu, cảm giác nặng nề, tê, ngứa ran, tăng/hạ huyết áp, nhịp tim nhanh/chậm, chuột rút, khó tiêu, đắng miệng, suy nhược, khó thở, hen suyễn, ngứa, rát, mày đay, nói khó, tiểu gắt, nhìn mờ, đỏ bừng và nóng, phản ứng phản vệ và các phản ứng quá mẫn nghiêm trọng khác bao gồm sốc, suy hô hấp, ngừng hô hấp, nhịp tim chậm, ngừng tim, hạ huyết áp hoặc phù nề thanh quản. Các phản ứng dạng dị ứng khác bao gồm choáng váng, co thắt phế quản, thở khò khè, phù nề, phát ban, ngứa, buồn nôn, nôn mửa, đổ mồ hôi, suy nhược và run rẩy.

Lưu ý

Lưu ý chung

Suy hô hấp đe dọa tính mạng: Suy hô hấp nghiêm trọng, đe dọa tính mạng hoặc tử vong đã được báo cáo khi sử dụng opioid.

Rủi ro do sử dụng đồng thời với benzodiazepine hoặc các thuốc ức chế thần kinh trung ương khác: Có thể gây ra an thần sâu, ức chế hô hấp, hôn mê và tử vong.

Suy hô hấp đe dọa tính mạng ở bệnh nhân mắc bệnh phổi mạn tính hoặc ở bệnh nhân cao tuổi, người bị suy kiệt.

Rủi ro khi sử dụng ở bệnh nhân bị tăng áp lực nội sọ, khối u não, chấn thương đầu, suy giảm ý thức hoặc có vấn đề về tiêu hóa.

Hội chứng cai thuốc: Việc sử dụng nalbuphine, một thuốc giảm đau hỗn hợp opioid chủ vận/đối kháng, ở những bệnh nhân đang dùng thuốc giảm đau đồng vận opioid có thể làm giảm tác dụng giảm đau và/hoặc dẫn đến các triệu chứng cai thuốc.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Thông tin về việc sử dụng an toàn trong khi mang thai (trừ khi chuyển dạ và sinh nở) chưa được thiết lập.

Dùng thuốc trong quá trình chuyển dạ và sinh nở có thể dẫn đến nhịp tim chậm, ức chế hô hấp, ngưng thở, tím tái và giảm trương lực ở trẻ khi sinh. Các tác dụng ngoại ý có thể khắc phục trong một vài trường hợp khi người mẹ dùng naloxone trong khi chuyển dạ. Tình trạng nhịp tim chậm của thai nhi có thể nghiêm trọng và kéo dài dẫn đến tổn thương thần kinh vĩnh viễn. Ngoài ra, nhịp tim thai nhi hình sin có thể liên quan đến việc mẹ sử dụng nalbuphine.

Thận trọng khi sử dụng cho phụ nữ trong quá trình chuyển dạ và sinh nở, đặc biệt là ở những phụ nữ sinh non; theo dõi các nguy cơ về ức chế hô hấp, ngừng thở, nhịp tim chậm và rối loạn nhịp tim trên trẻ sơ sinh.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Thuốc phân bố vào sữa. Cẩn trọng khi sử dụng cho phụ nữ đang cho con bú.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Nalbuphine có thể làm giảm năng lực tinh thần hoặc thể chất cần thiết để thực hiện các hoạt động như lái xe ô tô hoặc vận hành máy móc. Cảnh báo bệnh nhân không lái xe hoặc vận hành máy móc nguy hiểm trừ khi họ dung nạp được tác dụng của nalbuphine và biết rõ phản ứng với thuốc như thế nào.

Theo dõi bệnh nhân cho đến khi hồi phục các tác động có thể ảnh hưởng đến việc lái xe hoặc các công việc tiềm ẩn nguy hiểm khác của nalbuphine.

Quá liều

Quên liều và xử trí

Việc sử dụng thuốc được thực hiện bởi nhân viên y tế nên ít có khả năng quên liều.

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Quá liều nalbuphine được biểu hiện bằng triệu chứng ức chế hô hấp và khó thở. Quá liều nalbuphine với các opioid hoặc thuốc ức chế thần kinh trung ương khác có thể được biểu hiện bằng ức chế hô hấp, buồn ngủ tiến triển đến hôn mê, cơ xương run rẩy, da lạnh và sần sùi, co đồng tử, trong một số trường hợp gây phù phổi, nhịp tim chậm, hạ huyết áp, tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn đường thở, ngáy không điển hình và tử vong. 

Tình trạng giãn đồng tử thường đi kèm với tình trạng hạ oxy huyết nhiều hơn là co đồng tử trong các trường hợp quá liều.

Cách xử lý khi quá liều

Trong trường hợp quá liều, ưu tiên tái lập và bảo vệ đường thở cũng như hỗ trợ và kiểm soát thông khí. Sử dụng các biện pháp hỗ trợ khác (bao gồm thở oxy và thuốc vận mạch) trong xử trí sốc tuần hoàn và phù phổi theo chỉ định. Trong các trường hợp ngừng tim hoặc rối loạn nhịp tim sẽ cần đến các kỹ thuật tiên tiến nhằm hỗ trợ sự sống.

Các chất đối kháng opioid, như naloxone hoặc nalmefene, là những thuốc giải độc đặc hiệu đối với tác động ức chế hô hấp do sử dụng quá liều opioid. Đối với suy hô hấp hoặc suy tuần hoàn thứ phát do dùng quá liều nalbuphine, dùng thuốc đối kháng opioid. Không nên dùng thuốc đối kháng opioid trong trường hợp không có suy giảm tuần hoàn hoặc hô hấp do quá liều.

Nguồn tham khảo
  1. Drugs: https://www.drugs.com/monograph/nalbuphine.html
  2. Dailymed:https://dailymed.nlm.nih.gov/dailymed/drugInfo.cfm?setid=a99fe500-f52b-483c-807c-178f1a78a02b#ab6746ef-b70d-4e00-b54b-54849c9473f9
  3. Drugbank: https://go.drugbank.com/drugs/DB00844