Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Nhồi máu cơ tim là một bệnh lý tim mạch nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao và khá phổ biến tại Việt Nam với hàng trăm nghìn ca mắc mỗi năm. Tuy nhiên, nhờ sự tiến bộ của y học hiện đại, việc chẩn đoán và điều trị kịp thời đã giúp cứu sống được nhiều bệnh nhân. Do đó, nếu bạn hiểu rõ nguyên nhân nhồi máu cơ tim để phòng ngừa, nhận biết sớm các dấu hiệu và thăm khám từ sớm sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.
Nhồi máu cơ tim là một bệnh lý thuộc hội chứng động mạch vành cấp, xảy ra khi một phần hoặc toàn bộ động mạch vành (có nhiệm vụ cung cấp và lưu thông máu cũng như chất dinh dưỡng nuôi dưỡng các tế bào cơ tim) bị tắc nghẽn vì bất kỳ nguyên nhân nào.
Nguyên nhân nhồi máu cơ tim thường xuất phát từ các bệnh lý tim mạch hoặc một số nguyên nhân nhiễm trùng, dẫn đến tình trạng nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh.
Ở những bệnh nhân bị tắc nghẽn động mạch vành do mảng bám tích tụ trong thành động mạch, lưu thông máu bị cản trở, gây ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho các cơ quan trong cơ thể. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng tắc nghẽn này có thể dẫn đến các biến chứng như:
Bóc tách động mạch vành tự phát (SCAD) là một tình trạng cấp cứu hiếm gặp nhưng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng đây cũng là nguyên nhân nhồi máu cơ tim mà bạn cần chú ý. Tình trạng này xảy ra khi xuất hiện một vết rách trong thành động mạch vành, làm giảm hoặc ngăn chặn lưu lượng máu đến tim. Kết quả của việc này có thể gây ra cơn đau tim, rối loạn nhịp tim, hoặc thậm chí là đột tử. SCAD có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở phụ nữ từ 40 đến 50 tuổi.
Co thắt động mạch vành là hiện tượng động mạch dẫn máu đến tim bị thắt chặt đột ngột. Các cơn co thắt này thường xuất hiện nhanh chóng và có thể không gây đau. Tuy nhiên, nếu kéo dài, nó có thể gây đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim. Co thắt động mạch vành thường xảy ra khi nghỉ ngơi, đặc biệt vào ban đêm hoặc sáng sớm, còn gọi là đau thắt ngực Prinzmetal.
Chấn thương có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến động mạch vành, đặc biệt khi làm rách thành động mạch. Tình trạng chấn thương tim xảy ra khi cơ tim bị tổn thương trực tiếp do va đập mạnh vào vùng ngực hoặc do tác động trực tiếp lên tim trong các trường hợp tai nạn hoặc va chạm. Mặc dù các chấn thương trực tiếp đến tim ít phổ biến, nhưng chúng mang nguy cơ tử vong cao. Những tổn thương này có thể từ các vết tụ máu nhỏ ở màng tim, tổn thương cơ tim, đến rách buồng tim hoặc các cấu trúc bên trong, và trường hợp nghiêm trọng nhất có thể là đứt cuống tim.
Một số bệnh nhiễm trùng cũng có thể là nguyên nhân nhồi máu cơ tim. Viêm phổi cấp là một ví dụ điển hình, khi nhiễm trùng gây viêm nhiễm toàn thân, kích thích hệ miễn dịch phản ứng mạnh mẽ. Tình trạng viêm này có thể làm vỡ các mảng xơ vữa trong động mạch, gây tắc nghẽn và dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Khi tim bị thiếu máu cục bộ sẽ gây ra tình trạng nhồi máu cơ tim, dẫn đến hoại tử do một hoặc nhiều động mạch vành bị tắc nghẽn đột ngột. Sự tắc nghẽn này làm giảm lưu lượng máu đến tim có thể kéo theo những biến chứng nghiêm trọng như: Rối loạn nhịp tim, suy tim và thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Dưới đây là những yếu tố nguy cơ gây nhồi máu cơ tim:
Tuổi tác là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Càng lớn tuổi, nguy cơ này càng cao. Ở nam giới từ 45 tuổi và phụ nữ từ 55 tuổi trở lên, việc bơm máu và cung cấp oxy cho các cơ quan trong cơ thể trở nên khó khăn hơn, khiến hoạt động của tim dần suy yếu.
Nghiên cứu cho thấy các hormone như: Estradiol, estrone, testosterone và androstenedione đóng vai trò quan trọng trong việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Những hormone này có thể góp phần gây ra các vấn đề như: Cholesterol cao, huyết áp tăng và béo phì,… Tất cả đều là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh tim mạch.
Nếu gia đình có người mắc bệnh tim sớm, cụ thể là trước 65 tuổi ở nữ và trước 55 tuổi ở nam, bạn có nguy cơ cao mắc bệnh tim do yếu tố di truyền. Do đó, việc áp dụng các biện pháp bảo vệ sức khỏe tim mạch từ sớm là rất quan trọng để phòng ngừa những cơn đau tim trong tương lai.
Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân chính gây nhồi máu cơ tim, do áp lực máu tác động lên thành mạch tăng cao. Điều này buộc cơ tim phải dày lên và hoạt động nhiều hơn để vượt qua lực cản trong động mạch. Những thay đổi này dẫn đến các triệu chứng như: Đau tức ngực trái, khó thở, cảm giác nặng ngực, và mệt mỏi khi gắng sức. Những dấu hiệu này cho thấy tim và hệ tuần hoàn bị rối loạn, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim và suy tim.
Cholesterol cao ở trong máu có thể kéo theo nhiều vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe. Khi nồng độ cholesterol tăng, các mảng lipid và cholesterol tích tụ, hình thành mảng xơ vữa khiến thành mạch dày và cứng hơn. Các mảng xơ vữa có thể vỡ ra, tạo cục máu đông gây tắc nghẽn động mạch, dẫn đến thiếu máu cho các cơ quan như: Tim, não và động mạch chủ. Hậu quả có thể bao gồm nhồi máu cơ tim, cao huyết áp, bệnh mạch vành, đột quỵ, và trong nhiều trường hợp, có thể gây tử vong.
Thuốc lá ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tim mạch. Người hút thuốc thường có nồng độ HDL cholesterol (loại bảo vệ tim) giảm và LDL cholesterol (loại gây hại) tăng cao. Khi kết hợp với độc tố nicotine và carbon monoxide (CO), tình trạng này gây thiếu máu cơ tim và co thắt mạch vành, dẫn đến tổn thương tim. Điều này làm tăng nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim, đột quỵ, ung thư, cũng như các bệnh về gan và phổi.
Béo phì là một trong những yếu tố nguyên nhân nhồi máu cơ tim nói riêng và gây ra nhiều bệnh tim mạch nói chung khác. Người béo phì thường có nguy cơ cao bị huyết áp cao, tiểu đường, cholesterol tốt (HDL) thấp, và cholesterol xấu (LDL) cao. Khi cơ thể tích tụ nhiều chất béo, thể tích máu tăng, buộc tim phải đập nhanh hơn, tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến suy tim. Hơn nữa, sự gia tăng mỡ còn thúc đẩy viêm nhiễm và kháng insulin, đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch, gây ra nhồi máu cơ tim sau thời gian dài. Để phòng ngừa bệnh tim mạch, người bệnh cần kiểm soát cân nặng, duy trì chỉ số BMI dưới 23.
Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị bệnh động mạch vành cao gấp 2-4 lần so với người bình thường, làm gia tăng biến chứng nhồi máu cơ tim và thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Ở bệnh nhân tiểu đường, nhồi máu cơ tim thường xuất hiện đột ngột, âm thầm và ít có dấu hiệu cảnh báo trước.
Cocaine và amphetamine, các chất kích thích trong ma túy, có thể gây nhồi máu cơ tim do co thắt động mạch vành, dẫn đến cơn đau tim. Những chất này làm nhịp tim tăng đột ngột, gây đau thắt ngực và có nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Nghiên cứu của Đại học Keele (Anh Quốc) cho thấy phụ nữ bị tiền sản giật trong thai kỳ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp 4 lần so với người bình thường. Huyết áp cao và lượng protein trong nước tiểu tăng ở phụ nữ mang thai bị tiền sản giật có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như: Rối loạn nhịp tim, đột quỵ và tiểu đường trong tương lai.
Căng thẳng quá mức có thể làm tăng huyết áp, một trong những nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim. Lo lắng, mất ngủ, và những cảm xúc tiêu cực kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần mà còn gây suy giảm sức khỏe tổng thể, đặc biệt là làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch.
Tim mạch là cơ quan vô cùng quan trọng trong cơ thể, vì vậy nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao, ngoài năm được nguyên nhân nhồi máu cơ tim, điều quan trọng tiếp theo là bạn phải có biện pháp phòng ngừa hiệu quả để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh.
Bước đầu tiên để có trái tim khỏe mạnh là điều chỉnh lối sống từ những thói quen nhỏ hàng ngày:
Để giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, việc kiểm soát và điều trị các bệnh lý tiềm ẩn như cao huyết áp và tiểu đường là rất quan trọng. Những bệnh này có thể tăng nguy cơ đau tim, nên điều trị đúng cách sẽ giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Bạn nên tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ, sử dụng thuốc theo đúng liều lượng và thời gian. Điều này giúp kiểm soát các yếu tố rủi ro và duy trì hoạt động ổn định của hệ tim mạch.
Khám sức khỏe định kỳ là cách tốt nhất để theo dõi và đánh giá tình trạng tim mạch. Bác sĩ sẽ giúp phát hiện sớm các vấn đề bất thường và có biện pháp can thiệp kịp thời nhằm phòng ngừa nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Việc phòng ngừa nhồi máu cơ tim rất quan trọng để duy trì sức khỏe tim mạch. Bạn có thể áp dụng một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả theo hướng dẫn dưới đây:
Thừa cân và béo phì có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, trong đó có bệnh tim mạch và nhồi máu cơ tim. Do đó, cần duy trì cân nặng hợp lý thông qua chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất phù hợp để tránh béo phì.
Lối sống ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và diễn biến của bệnh tim mạch, bao gồm nhồi máu cơ tim. Để phòng bệnh, hãy thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, giàu dinh dưỡng với nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, cá, gia cầm và protein không béo.
Tập thể dục không chỉ tốt cho sức khỏe tim mạch mà còn mang lại nhiều lợi ích khác. Các bác sĩ khuyến khích mọi người dành thời gian cho hoạt động thể chất hàng ngày. Tập thể dục thường xuyên giúp nâng cao sức đề kháng và cải thiện sức khỏe tim mạch. Nên thực hiện ít nhất 150 phút hoạt động thể chất mỗi tuần, bao gồm đi bộ, chạy bộ, bơi lội hoặc aerobic, hoặc điều chỉnh mức vận động theo tình trạng sức khỏe của bạn dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Stress cũng là một yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch. Nhiều trường hợp đột quỵ đã xảy ra sau những cú sốc tâm lý lớn. Cần quản lý căng thẳng bằng cách thư giãn, tập yoga, thiền, và luyện tập thể dục nhẹ để cân bằng cảm xúc và cuộc sống hàng ngày.
Cần điều chỉnh huyết áp và kiểm soát đường huyết nếu bạn có tình trạng tăng huyết áp hoặc tiểu đường. Hãy theo dõi chế độ ăn uống và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề tim mạch và nhận được sự chăm sóc y tế kịp thời. Nếu có các bệnh lý về tim mạch như: Cao huyết áp, đau thắt ngực... hoặc bệnh lý về nội tiết như tiểu đường cần tuân thủ phác đồ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Nhồi máu cơ tim là một bệnh lý có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hy vọng với những thông tin về nguyên nhân nhồi máu cơ tim mà nhà thuốc Long Châu đã chia sẻ bạn sẽ có cái nhìn tổng quát hơn về căn bệnh này. Với những thay đổi tích cực trong lối sống và việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên, bạn hoàn toàn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và bảo vệ tim mạch của mình.
Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung
Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.