Long Châu

Những dấu hiệu thiếu canxi của cơ thể mà bạn thường gặp

Ngày 30/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Canxi là một trong những nguyên tố thiết yếu của cơ thể. Khoáng chất này không chỉ cần thiết cho xương mà còn đóng vai trò quan trọng cho những hoạt động khác của cơ thể. Do đó bạn cần phải lưu ý những dấu hiệu thiếu canxi của cơ thể để cung cấp kịp thời.

Canxi là một trong những nguyên tố quan trọng và cần thiết cho cấu trúc xương lẫn hoạt động sống. Nếu cơ thể không cung cấp đủ canxi cung cấp cho hoạt động sống thì lượng canxi bị thiếu sẽ được lấy từ xương. Vì thế nắm được những dấu hiệu thiếu canxi để bổ xung kịp thời là điều cần thiết mà bạn nên biết.

Vai trò của canxi đối với cơ thể người

Nguyên tố canxi chiếm tới 1,5 - 2% tổng trọng lượng toàn cơ thể, chiếm tới 99% thành phần cấu tạo của xương và tồn tại ở nhiều cơ quan khác trong cơ thể như răng, móng tay, móng chân, tổ chức tế bào,... Canxi ngoài có vai trò cấu tạo xương mà còn là chất dẫn truyền thông tin, tham gia hầu hết hoạt động cấp độ cơ thể và cả cấp độ tế bào. Trong cơ thể người có 2 mức độ canxi tồn tại theo tỉ lệ nhất định: 

Nồng độ canxi trong xương : Nồng độ canxi trong máu = 10.000 : 1

Nếu hàm lượng hay tỉ lệ cân bằng này bị phá vỡ cơ thể sẽ khiến cơ thể sinh ra nhiều bệnh tật. Thiếu canxi chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh loãng xương; rối loạn thần kinh vận động; chậm phục hồi sau chấn thương; gây nên các vấn đề về da, tóc và móng tay như da khô, tóc gãy rụng, móng tay dễ gãy và lâu mọc; hội chứng tiền kinh nguyệt và gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng như răng dễ bị sâu, ê buốt, viêm nướu, chảy máu nướu,...

Những dấu hiệu thiếu canxi của cơ thể mà bạn thường gặp - 1
Canxi rất cần cho cơ thể người

Nguyên nhân dẫn đến thiếu canxi ở người

Thiếu canxi có thể do những nguyên nhân nào gây ra? Thông thường, nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này là do người bệnh có chế độ dinh dưỡng thiếu chất, không đáp ứng đủ nhu cầu canxi của cơ thể hoặc do bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa liên quan đến canxi.

Lý do chính thường là do bệnh nhân ăn uống không đủ dưỡng chất nói chung hay không cung cấp đủ lượng canxi cần thiết cho cơ thể nói riêng. Trung bình một người trưởng thành khỏe mạnh cần một lượng tương ứng 1.200 mg canxi mỗi ngày, nhưng đáng tiếc là bình thường chúng ta chỉ đạt khoảng 50 - 60% lượng canxi theo yêu cầu. Một phần lý do vì khẩu phần ăn của người dân vẫn còn thiếu hụt canxi hay thiếu hụt vitamin D.

Nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng thiếu canxi là do bệnh nhân có vấn đề liên quan đến rối loạn chuyển hóa canxi do nội tiết tố không ổn định hoặc do lười vận động thể dục. Trường hợp này mặc dù bệnh nhân được cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết nhưng khả năng hấp thu lại kém.

Ngoài ra thiếu canxi còn có thể do bệnh nhân mắc các bệnh khác như suy tuyến cận giáp, bệnh giả tuyến cận giáp, viêm tụy,...

Những dấu hiệu thiếu canxi của cơ thể mà bạn thường gặp - 2
Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu canxi

Dấu hiệu thiếu canxi bạn nên chú ý

Khi lượng canxi dự trữ của cơ thể quá ít, thì lượng canxi còn thiếu được rút ra từ xương, cơ thể sẽ biểu hiện ra những dấu hiệu thiếu canxi để cảnh báo đến bạn tình trạng hiện tại của bản thân. Những dấu hiệu đó là gì? Hãy cùng theo dõi.

  • Cơ thể bị chuột rút thường xuyên: Hoạt động của xương và cơ bắp liên quan mật thiết đến canxi. Khi bạn có tình trạng như chuột rút, mỏi lưng, đau cơ khi ngồi thì đây chính là những dấu hiệu đầu tiên mách bảo bạn đang thiếu canxi. Vì thế, đừng chủ quan khi có những cơn chuột rút từ 2 - 3 lần/tuần, đặc biệt là sau khi nằm hay ngồi một thời gian rồi đứng dậy.
  • Tê hay ngứa ở các đốt ngón tay: Nồng độ canxi trong cơ thể thấp làm cho các dây thần kinh và cơ bắp trở nên mong manh và dễ bị kích động hơn. Nên những người thiếu canxi thường sẽ bị tê tay, ngứa lòng bàn tay, mỏi tay và có xu hướng bẻ khớp ngón tay.
  • Chóng mặt: Ngoài tê, mỏi tay chân sau một thời gian ngồi lâu, bạn còn bị hoa mắt và chóng mặt ngay khi đứng dậy. Tình trạng này xảy ra do việc thiếu canxi trong đường huyết sẽ gây hoa mắt và chóng mặt. Tình trạng này chỉ thoáng qua và sau đó cơ thể sẽ trở lại bình thường nên nhiều người sẽ bỏ qua khiến tình trạng thiếu canxi thêm nghiêm trọng.
  • Gặp các vấn đề về đại tràng: Canxi có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của Polyp đại tràng. Nên khi lượng canxi trong cơ thể mạng mất đi cũng ít nhiều khiến các vấn đề của đại tràng xuất hiện nhiều hơn, đó như một lời cảnh báo về tình trạng thiếu canxi của cơ thể.
  • Móng tay và móng chân trở nên yếu, dễ gãy: Móng tay và móng chân cũng cần đủ canxi để mọc khỏe và không bị giòn. Vì thế Nếu bạn thấy móng tay, móng chân trở nên dễ gãy thì rất có thể bạn đang thiếu canxi rồi đó.
  • Gia tăng hội chứng tiền kinh nguyệt: Canxi trong cơ thể còn giúp bạn điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt và điều này giúp làm giảm các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (một nhóm các triệu chứng khó chịu về thể chất lẫn tinh thần như dễ cáu gắt, đau lưng, buồn ngủ, nhức đầu, đau bụng kinh, triệu chứng này thường xuất hiện trước khoảng 1 - 2 tuần trước khi bạn có kinh và kết thúc khi bạn có máu kinh). Thiếu canxi có thể là một trong những nguyên nhân gây tăng hội chứng tiền kinh nguyệt này.
  • Gặp các vấn đề thần kinh: Canxi kết hợp với magie và vitamin D có khả năng điều chỉnh xung điện của cơ thể. Các cơn co giật cơ, co thắt có thể xuất hiện khi mức độ canxi trong cơ thể giảm.
  • Tình trạng mất ngủ: Dấu hiệu này hay bị người bệnh bỏ qua vì dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng của nhiều bệnh khác. Người thiếu canxi cản trở việc sản xuất melatonin (chất giúp bạn ngủ ngon), khiến bệnh nhân dễ bị mất ngủ và ngủ không sâu giấc, thức dậy mệt mỏi.
  • Suy giảm trí nhớ: Khi nồng độ canxi trong cơ thể giảm xuống, sẽ làm tăng sản xuất hormone gây lo lắng khiến bạn khó tập trung hay bình ổn cảm xúc. Chứng hay quên ngắn hạn cũng liên quan đến sự suy giảm canxi. Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng liên quan đến thần kinh như chán ăn, hay cáu gắt, lo lắng vô cớ, trầm cảm.
  • Suy giảm hệ miễn dịch: Canxi góp phần giúp duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh. Hệ miễn dịch chính là hàng rào của cơ thể chống lại sự tấn công của virus, vi khuẩn hay nấm men gây bệnh. Vì thế người thiếu canxi dễ mắc các bệnh như cảm lạnh, nhiễm trùng hơn người khác.
Những dấu hiệu thiếu canxi của cơ thể mà bạn thường gặp - 3
Mất ngủ là dấu hiệu thiếu canxi nhưng nhiều người lại bỏ qua

Hậu quả của việc thiếu canxi có thể không đến ngay lập tức, nhưng tình trạng thiếu canxi về lâu dài có thể dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm và khó chữa trị hơn. Bạn nên chú ý đến những dấu hiệu thiếu canxi để phát hiện và bổ sung canxi kịp thời, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bản thân. 

Xem thêm:

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm