Chế độ ăn nhiều muối không chỉ gây ra nhiều rủi ro cho sức khỏe mà còn có thể dẫn đến tình trạng thiếu canxi trong cơ thể. Khi tiêu thụ quá nhiều muối, thận sẽ phải làm việc nhiều hơn để đào thải lượng natri dư thừa, và điều này có thể khiến canxi cũng bị đào thải theo. Kết quả là, trong thời gian dài, cơ thể sẽ thiếu hụt canxi, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến xương. Vậy, vì sao ăn mặn lại khiến cơ thể thiếu canxi? Để tìm hiểu câu trả lời, mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết sau đây.
Việc tiêu thụ quá nhiều muối trong chế độ ăn hàng ngày có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, bao gồm nguy cơ đột quỵ, bệnh thận, cao huyết áp và đặc biệt là có thể gây thiếu hụt canxi. Vậy, chính xác thì tại sao ăn mặn lại ảnh hưởng đến mức canxi trong cơ thể? Hãy cùng tìm hiểu những mối liên hệ giữa lượng muối tiêu thụ hàng ngày và sức khỏe xương để nhận thức rõ hơn về vấn đề này.
Vì sao ăn mặn lại khiến cơ thể thiếu canxi?
Muối là gia vị cơ bản trong ẩm thực, thường được dùng để tăng hương vị và bảo quản thực phẩm. Phần lớn lượng muối trong khẩu phần hàng ngày đến từ muối và gia vị thêm vào trong quá trình chế biến, cũng như từ các món chấm, trộn và thực phẩm chế biến sẵn. Nhiều người có thói quen ăn mặn thường cảm thấy món ăn ngon hơn khi nêm thêm muối. Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều muối có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như tăng huyết áp, bệnh tim và đột quỵ.
Ngoài ra, việc ăn mặn kéo dài còn làm giảm khối lượng và tính toàn vẹn của xương. Nghiên cứu cho thấy, khi tiêu thụ muối quá nhiều, thận phải hoạt động nhiều hơn để thải muối ra ngoài, dẫn đến việc đi tiểu nhiều và thải canxi nhiều hơn. Thiếu canxi sẽ khiến xương yếu dần, dễ mắc bệnh loãng xương, trở nên giòn và dễ gãy.
Các nghiên cứu về cấu trúc xương cho thấy rằng, tiêu thụ muối làm tăng số lượng hủy cốt bào và giảm số lượng nguyên bào xương, gây ra sự mất cân bằng trong quá trình tái tạo xương. Điều này có thể làm tăng tốc độ mất xương và thay đổi cấu trúc xương. Hơn nữa, lượng canxi trong nước tiểu tăng cao cũng có thể dẫn đến hình thành sỏi thận. Càng nhiều canxi trong nước tiểu, nguy cơ hình thành sỏi càng lớn. Khi sỏi bị mắc kẹt trong đường tiết niệu, chúng có thể gây đau dữ dội và ảnh hưởng đến chức năng của thận.
Cách để cơ thể cải thiện khả năng hấp thụ canxi tốt hơn
Theo bác sĩ Trần Thị Bích Nga, chuyên gia về dinh dưỡng cho biết, để đảm bảo cung cấp đủ canxi cho cơ thể, điều quan trọng là thực hiện chế độ ăn đa dạng với nhiều loại thực phẩm, đặc biệt là các thực phẩm giàu canxi trong bữa ăn hàng ngày. Nguồn thực phẩm giàu canxi rất phong phú, bao gồm cả thực phẩm động vật và thực vật như sữa và các sản phẩm từ sữa, tôm, cua, cá, trứng, ốc, cũng như các loại đậu, vừng, mộc nhĩ, rau muống, rau ngót, rau dền, cải thìa và cải bó xôi,...
Để tối ưu hóa khả năng hấp thụ canxi, cần bổ sung thực phẩm giàu vitamin D, vì vitamin D giúp điều hòa hàm lượng canxi trong máu và xương. Ngoài ra, cần đảm bảo cung cấp đủ protein và hạn chế tiêu thụ cà phê, rượu và muối, vì những chất này có thể làm giảm khả năng hấp thụ canxi của cơ thể.
Mách bạn những cách để giảm thiểu tình trạng ăn mặn
Để bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa tình trạng giảm hấp thụ canxi do tiêu thụ quá nhiều muối, chúng ta cần chú ý chỉ tiêu thụ lượng muối theo khuyến nghị hàng ngày. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên mỗi người trưởng thành chỉ nên sử dụng dưới 5g muối/ngày, tương đương một thìa cà phê. Đối với những người có thói quen ăn mặn, có thể thực hiện một số biện pháp giảm muối đơn giản như sau:
Hạn chế nêm muối khi chế biến món ăn, ưu tiên phương pháp hấp hoặc luộc thay vì kho, xào hay nướng.
Giảm sử dụng gia vị, nước mắm và nước chấm khi ăn.
Lựa chọn thực phẩm tự nhiên có hàm lượng muối thấp, như rau xanh, trái cây và thịt nạc.
Hạn chế các sản phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối, như xúc xích, giăm bông, thịt xông khói, thịt hộp, thức ăn nhanh và dưa muối.
Khi mua thực phẩm chế biến sẵn, hãy chú ý đọc nhãn để kiểm tra thành phần và lượng muối.
Tự chế biến thực phẩm tại nhà là cách hiệu quả để kiểm soát lượng muối đưa vào cơ thể.
Những thay đổi này không chỉ giúp cải thiện sức khỏe mà còn góp phần bảo vệ hệ xương của chúng ta một cách bền vững.
Hy vọng qua bài viết trên có thể giúp bạn đọc hiểu được vì sao ăn mặn lại khiến cơ thể thiếu canxi. Tóm lại, việc ăn mặn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể mà còn dẫn đến tình trạng thiếu canxi, gây ra các vấn đề về xương như loãng xương. Khi thận phải loại bỏ lượng muối dư thừa, cơ thể cũng mất đi canxi cần thiết. Do đó, điều chỉnh chế độ ăn uống, hạn chế muối và bổ sung thực phẩm giàu canxi cùng vitamin D là rất quan trọng để duy trì sức khỏe xương.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.