Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Viêm gan B là bệnh lý nhiễm trùng gan thường gặp trên toàn thế giới. Bệnh lý này có thể diễn ra trong thời gian ngắn (trong vòng dưới 6 tháng) hay còn gọi là viêm gan cấp tính. Tuy nhiên, ở giai đoạn mạn tính, tình trạng này có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như xơ gan, ung thư gan. Vậy ăn gì tốt cho viêm gan B?
Một chế độ ăn uống phù hợp là điều cần thiết cho những người bệnh viêm gan B. Mục tiêu của việc lựa chọn những thực phẩm lành mạnh cho gan là giảm thiểu áp lực cho lá gan vốn đã bị tổn hại do tình trạng viêm. Vậy ăn gì tốt cho viêm gan B, mời bạn đọc cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây.
Hãy cùng tìm hiểu khái quát về vai trò của gan đối với cơ thể và đặc điểm của bệnh lý này trước khi đến với phần giải đáp cho thắc mắc ăn gì tốt cho viêm gan B.
Gan – một tạng có kích thước lớn nhất trong cơ thể, là nơi diễn ra nhiều quá trình trao đổi chất và thải độc trong cơ thể. Bất kể thức ăn nào chúng ta tiêu thụ, dưỡng chất sau khi tiêu hóa sẽ đi qua gan và được xử lý thành nhiều thành phần khác nhau đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Cụ thể hơn, gan đóng vai trò quan trọng đối với các giai đoạn như chuyển hóa protein thành các axit amin và tổng hợp axit béo cho cơ thể.
Viêm gan B là bệnh nhiễm trùng gan do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Tình trạng này nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, có thể gây ra những tổn thương gan nghiêm trọng hoặc thậm chí gây suy giảm và mất chức năng của gan.
Mặc dù gan có khả năng bù trừ để tiếp tục thực hiện chức năng của mình ngay cả khi bị tổn thương, nhưng nếu tình trạng viêm kéo dài và mức độ tổn thương quá nhiều sẽ làm nguy hại cho lá gan của bạn. Vì thế, thói quen quan tâm đến việc ăn gì tốt cho viêm gan B là điều cần thiết trong quá trình điều trị bệnh.
Ngũ cốc nguyên hạt là nguồn cung cấp tinh bột lành mạnh cùng với chất xơ, giúp duy trì năng lượng bền bỉ và được khuyên nên bổ sung trong chế độ ăn uống của người bệnh viêm gan B. Nguồn thực phẩm này cũng giúp tăng lượng protein nạp vào cơ thể, giúp bạn duy trì khối lượng cơ bắp.
Một số loại sản phẩm thuộc nhóm này có thể kể đến như bánh mì nguyên hạt, ngũ cốc, gạo lứt, yến mạch, hạt kê, quinoa.
Một chế độ ăn giàu protein là điều cần thiết cho sự tái sinh của các tế bào mô gan. Vì gan đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa chất đạm, khi viêm gan người bệnh có thể gặp phải tình trạng suy dinh dưỡng và teo cơ nếu không có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Cung cấp đủ lượng protein là điều quan trọng khi bạn bị viêm gan B, đặc biệt là đối với trường hợp viêm gan mạn tính.
Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều chất đạm có thể dẫn đến các biến chứng như tình trạng gọi là bệnh não gan. Vì vậy, theo các chuyên gia, người bệnh nên tham khảo nhu cầu được khuyến cáo là tiêu thụ từ 1 đến 1,5 gam protein cho mỗi kg trọng lượng cơ thể.
Các nguồn protein lành mạnh thường được lựa chọn như sữa ít béo, thịt nạc, trứng, thịt gia cầm, cá. Đồng thời, cũng có các nguồn protein từ thực vật phù hợp với người ăn chay như các loại đậu nguyên hạt (đậu xanh, đậu đen, đậu trắng, đậu đỏ) và sản phẩm từ đậu nành có thể là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh cho gan.
Các loại dầu có nguồn gốc thực vật như dầu ô liu, dầu hướng dương cung cấp các axit béo không bão hòa tốt cho sức khỏe, được khuyên dùng trong chế độ ăn kiêng cho bệnh nhân viêm gan B.
Ngoài ra, trong một số nghiên cứu, dầu dừa được cho rằng rất giàu axit béo không bão hòa chuỗi trung bình (axit lauric), chúng được hấp thu trực tiếp từ ruột và đến gan để nhanh chóng được sử dụng để sản xuất năng lượng. Hơn nữa, những chuỗi axit béo trong dầu dừa không tham gia vào quá trình sinh tổng hợp và vận chuyển cholesterol, có lợi cho sức khỏe tim mạch người bệnh.
Bổ sung các rau lá xanh có thể mang lại lợi ích cho những người đang kiểm soát bệnh viêm gan B. Trong đó thực phẩm có chứa vitamin C (bắp cải đỏ, cải bó xôi, bông cải xanh, cải Brussels, cải xoăn) và vitamin E (hạnh nhân, hạt hướng dương, quả óc chó, cà chua) là những chất chống oxy hóa để hỗ trợ bảo vệ và điều trị khi gan bị tổn thương.
Trái cây chứa vitamin và chất xơ cao, giúp cải thiện chức năng tiêu hóa cho người bị viêm gan B. Ngoài ra, chúng còn chứa chất chống oxy hóa, có thể bảo vệ tế bào gan khỏi tác nhân gây hại.
Theo nhiều nghiên cứu, resveratrol là một polyphenol được tìm thấy tự nhiên trong một số loại trái cây như nho, mận, táo, việt quất, mâm xôi có thể giúp bảo vệ gan khỏi tổn thương. Resveratrol nổi tiếng vì nhiều lợi ích cho sức khỏe (chống viêm và chống oxy hóa), đồng thời hoạt chất này cũng có hoạt tính kháng lại nhiều loại vi-rút bao gồm cả HBV.
Bên cạnh những gợi ý cho câu hỏi ăn gì tốt cho viêm gan B, phần tiếp theo sau đây của bài viết cũng muốn lưu ý đến bạn đọc những thực phẩm nên hạn chế, để tránh làm cho bệnh tình nặng hơn.
Các món chiên xào và nội tạng động vật chứa rất nhiều cholesterol có thể tạo một áp lực nặng nề cho gan khi phải hoạt động chuyển hóa quá mức. Ngoài ra, thường xuyên ăn những thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ không những gây khó tiêu mà còn làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ. Chính vì thế, hãy cân nhắc lựa chọn những thực phẩm được chế biến bằng phương pháp lành mạnh hơn như luộc, hấp để bảo vệ sức khỏe lá gan của bạn.
Các loại đồ uống có cồn và chất kích thích như rượu, bia có thể gây viêm ở mức nghiêm trọng hơn, thậm chí đối với người nghiện rượu nguy cơ xơ hóa gan càng tăng cao hoặc tăng khả năng xuất hiện các biến chứng nguy hiểm khác.
Việc tiêu thụ quá nhiều đường cho phép, đặc biệt là đường tinh luyện và đồ ăn có hàm lượng fructose cao sẽ gây tăng cân và tích tụ chất béo tại gan. Điều này càng làm cho quá trình chuyển hóa ở gan bị quá tải, ảnh hưởng tới chức năng hấp thu chất dinh dưỡng tại gan. Vì thế, người bị viêm gan B cần lưu ý hạn chế những thức ăn chứa quá nhiều đường.
Bệnh nhân viêm gan bị cổ trướng cần áp dụng chế độ ăn hạn chế muối, vì lượng muối càng thấp thì sự tích tụ chất lỏng tại vùng bụng càng được kiểm soát tốt hơn. Lượng natri nên được hạn chế ở mức 1000mg mỗi ngày và tốt nhất là 500mg mỗi ngày. Đồng thời, người bệnh cũng hạn chế ăn thức ăn nhanh hoặc ăn ngoài hàng quán vì lượng gia vị thường vượt quá mức nhu cầu khuyến cáo.
Các món ăn cay nóng cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình thải độc của gan, gây nóng gan nên cũng cần lưu ý hạn chế tiêu dùng ở người bệnh gan.
Tránh ăn động vật có vỏ sống hoặc nấu chưa chín kỹ (ví dụ như nghêu, trai, hàu, sò điệp) vì chúng có thể bị nhiễm một số loại vi khuẩn gây độc cho tế bào gan.
Vậy là bài viết vừa rồi đã giải đáp cho những ai quan tâm đến việc ăn gì tốt cho viêm gan B. Hy vọng đây là những thông tin hữu ích để bạn đọc có thể hiểu thêm về chế độ ăn cho người bệnh viêm gan B.
Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung
Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.