Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Áp xe thành sau họng và những thông tin người bệnh cần biết

Ngày 06/11/2023
Kích thước chữ

Tình trạng viêm nhiễm và hình thành những ổ mủ khu trú trong thành sau họng được gọi là áp xe thành sau họng. Bệnh phổ biến hơn ở trẻ nhỏ. Nếu được điều trị sớm và đúng cách, bệnh không gây biến chứng. Vì vậy, bất cứ ai trong chúng ta cũng nên biết về tình trạng áp xe này.

Tổn thương ở họng thường ảnh hưởng đến chức năng ăn uống và hô hấp. Một trong những tổn thương được đánh giá là nghiêm trọng hàng đầu ở họng là áp xe thành sau họng. Nếu biết được nguyên nhân, triệu chứng, chúng ta có thể chủ động phòng ngừa và điều trị áp xe ở thành sau họng.

Áp xe thành sau họng là gì?

Áp xe tại vị trí thành sau họng là tình trạng viêm nhiễm, hình thành ổ mủ ở thành sau họng. Áp xe phát triển trong các hạch bạch huyết nằm phía sau của họng và giáp với các đốt sống. Các ổ áp xe này có thể hình thành do viêm nhiễm ở xoang, mũi, họng hoặc amidan. Tình trạng áp xe này thường gặp ở trẻ em trong độ tuổi từ 1 - 8. Lý do là sau khoảng 4 - 5 tuổi, các hạch bạch huyết nằm ở sau họng của trẻ bắt đầu lặn vào trong. Tuy nhiên, người lớn vẫn có thể bị áp xe ở thành sau họng vì những lý do khác nhau.

Áp xe thành sau họng được xếp vào nhóm bệnh nhiễm khuẩn ở vùng cổ sâu, là bệnh nặng và không thể tự khỏi. Tuy không phải bệnh gặp thường xuyên nhưng theo thống kê, tỷ lệ tử vong khá cao. Con số có thể chiếm đến 15% nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi trong số các bệnh lý cấp cứu tai - mũi - họng.

Nhiều người sẽ nghi ngờ về việc chỉ một ổ áp xe ở thành sau họng sao có thể ảnh hưởng đến tính mạng? Nhưng cơ chế gây tử vong của bệnh là khi nhiễm khuẩn nặng mà không kịp thời cấp cứu, ổ áp xe sẽ lan theo khoang sau tạng để đi vào trung thất. Khi mủ vỡ ra ở trung thất sẽ chèn ép đường thở và đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, áp xe được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh sẽ được kiểm soát tốt sau 7 - 10 ngày điều trị.

Áp xe thành sau họng và những thông tin người bệnh cần biết 1
Áp xe ở thành sau họng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng trẻ em có nguy cơ cao hơn

Áp xe thành sau họng xuất phát từ nguyên nhân nào?

Tùy từng đối tượng mắc bệnh, nguyên nhân gây bệnh sẽ khác nhau. Cụ thể là:

Nguyên nhân gây áp xe thành sau họng ở trẻ em: Ở trẻ em, khối áp xe trong hầu hết các trường hợp đều khu trú tại hạch Gillette (hạch này sẽ thoái triển dần khi trẻ trên 2 tuổi). Nguyên nhân gây áp xe là biến chứng của tình trạng nhiễm khuẩn ở vùng xoang, mũi, viêm họng, viêm nhiễm amidan,… Khi tình trạng viêm nhiễm tại các vị trí này không được điều trị kịp thời hoặc vi khuẩn gây viêm nhiễm có độc tính quá cao, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào các hạch bạch huyết ở khoang sau họng. Các tế bào bạch cầu (tế bào miễn dịch) của cơ thể “chiến đấu” chống lại vi khuẩn và sinh mủ. Màu sắc của mủ chính là do chứa xác của tế bào bạch cầu.

Người lớn bị áp xe ở vị trí thành sau họng nguyên nhân chủ yếu do các chấn thương vùng họng. Chấn thương có thể đến từ việc dị vật đâm vào thành sau họng (mảnh xương, kim loại,…). Đặc biệt, chấn thương vùng họng ở người lớn có thể gây ra bởi các loại vi khuẩn đặc hiệu, tiêu biểu như vi khuẩn lao.

Triệu chứng áp xe thành sau họng

Triệu chứng điển hình ở trẻ dưới 2 tuổi bị bệnh áp xe thành sau họng:

  • Ban đầu, trẻ xuất hiện triệu chứng ngạt mũi, khó thở, chảy dịch mũi màu vàng xanh.
  • Trẻ cũng xuất hiện triệu chứng đau họng, khó nuốt kèm ho có đờm.
  • Khi ổ áp xe hình thành, trẻ sốt cao có thể lên đến 39 - 40 độ kèm theo tình trạng rét run. Môi trẻ khô là dấu hiệu của sốt cao, mất nước. Lưỡi bẩn và hơi thở hôi do vi khuẩn trong ổ áp xe gây ra.
  • Ở trẻ sơ sinh, da toàn thân tái xanh, trẻ bỏ bú, quấy khóc, cử động của cổ khó khăn.
  • Khối áp xe ở thành sau họng quá lớn và lan sâu xuống hạ họng, thanh quản, trẻ có biểu hiện thở rít, miệng tiết nhiều nước dãi, hơi thở và nước bọt mùi hôi nặng. Khi trẻ khóc cảm giác cổ họng bị tắc nghẹn và tiếng khóc của trẻ bị đổi giọng.
  • Một số trẻ bị sưng cổ hoặc sưng hạch ở cổ có thể nhìn hoặc sờ thấy rõ. Trẻ cũng có biểu hiện cứng hàm, khó cử động hàm. Cổ có xu hướng gập lại để giảm cảm giác đau.
  • Áp xe lan rộng đến trung thất còn khiến trẻ bị đau ngực, suy hô hấp với biểu hiện thở gấp, thở rít.
Áp xe thành sau họng và những thông tin người bệnh cần biết 2
Trẻ đau họng, khó ăn uống, quấy khóc nhiều

Người lớn khi bị áp xe thành sau họng cũng có nhiều triệu chứng tương tự như trẻ em. Điển hình nhất là đau họng, khó nuốt, ngạt mũi, ho có đờm, chảy dịch mũi vàng xanh. Miệng tiết nhiều nước bọt hơn bình thường, hơi thở có mùi hôi khó chịu, giọng nói thay đổi,…

Điều trị áp xe thành sau họng

Hầu hết các trường hợp được chẩn đoán bị áp xe ở thành sau họng đều cần nhập viện để điều trị bằng kháng sinh đường tĩnh mạch. Với bệnh nhân chưa có biểu hiện tổn thương đường thở hoặc suy hô hấp nặng, một số loại kháng sinh phổ rộng sẽ được chỉ định như: Các Cephalosporin thế hệ 3, Clindamycin.

Cùng với đó, hầu hết bệnh nhân cần dẫn lưu dịch mủ ra ngoài kết hợp điều trị bằng kháng sinh. Các bác sĩ sẽ thực hiện một vết rạch ở thành sau họng để dẫn lưu dịch mủ sau khoảng 24 - 48 giờ điều trị kháng sinh. Trước khi mổ, bác sĩ sẽ đặt nội khí quản và duy trì việc này trong 24 - 48 giờ sau mổ.Mọi bệnh nhân đều cần được theo dõi đường thở hết sức cẩn thận trong khoảng 2 ngày đầu chữa áp xe vùng hầu họng.

Áp xe thành sau họng và những thông tin người bệnh cần biết 3
Điều trị áp xe thành sau họng sớm sẽ phòng ngừa được biến chứng nguy hiểm

Chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ bị áp xe ở thành sau họng. Nhưng việc giảm nguy cơ áp xe là hoàn toàn khả quan khi chúng ta áp dụng những cách sau:

  • Vệ sinh răng miệng hàng ngày đúng cách và sạch sẽ.
  • Các đợt viêm cấp của VA, viêm họng, viêm amidan, viêm xoang nên được điều trị sớm và triệt để, tránh dẫn đến biến chứng áp xe.
  • Áp xe ở vùng hầu họng có thể diễn biến rất nhanh, vì vậy cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Việc dẫn lưu dịch mủ được thực hiện sớm sẽ tránh nhiễm độc nặng hay nhiễm khuẩn huyết.
  • Nếu không may bị tổn thương cổ họng hay mắc bệnh lao, người bệnh nên chủ động thăm khám để được bác sĩ hướng dẫn chăm sóc đúng cách. Việc này giúp hạn chế đáng kể nguy cơ viêm nhiễm, áp xe vùng cổ sâu.

Áp xe thành sau họng ở trẻ em thường là biến chứng của bệnh viêm amidan hoặc viêm mũi không được điều trị kịp thời hay không được điều trị dứt điểm. Ở người lớn, nguyên nhân chính là do bệnh lao hoặc tổn thương do dị vật ở cổ họng. Vì vậy, mọi tổn thương và vấn đề bất thường ở vùng mũi họng đều cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin