Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Bật mí các cách trị ho bằng tỏi và những điều cần lưu ý khi điều trị

Ngày 18/03/2023
Kích thước chữ

Tỏi xuất hiện trong các căn bếp Việt như một loại gia vị cổ truyền, làm tăng sự hấp dẫn và hương vị của các món ăn. Tuy nhiên, tỏi còn được sử dụng như một loại thuốc chữa bệnh hiệu quả được nhiều người áp dụng. Cùng tham khảo cách trị ho bằng tỏi ngay sau đây nhé.

Trong tỏi có vị cay nồng và tính ấm giúp đào thải độc tố, tăng cường hệ miễn dịch, giúp thân nhiệt tăng nên được sử dụng để chữa bệnh cảm cúm, sổ mũi, ho, viêm phế quản. Với những công dụng trên tỏi được dùng để trị ho an toàn và hiệu quả. Vậy trị ho bằng tỏi như thế nào và cần lưu ý những gì? Mời các bạn tìm hiểu những thông tin về cách trị ho bằng tỏi trong bài viết này! 

Nguyên nhân gây ho do đâu?

Bạn đã bao giờ tự hỏi ho là gì chưa? Ho là một phản xạ thông thường giúp làm sạch cổ họng khi có các tác nhân lạ tấn công đường hô hấp. Ho có thể là một phản xạ tự nhiên của cơ thể hoặc là dấu hiệu của một căn bệnh nào đó, do đó cần phân biệt rõ giữa ho phản xạ và ho do bị bệnh lý.

Ho có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, một số nguyên nhân điển hình như:

  • Do virus và vi khuẩn: Nhiễm trùng đường hô hấp, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc cúm, là nguyên nhân phổ biến gây ho. Thường kéo dài từ vài ngày đến một tuần và có thể cần sử dụng thuốc kháng sinh.
  • Hút thuốc: Thói quen hút thuốc lá được xem là nguyên nhân phổ biến khác gây ra ho mạn tính.
  • Hen suyễn: Trẻ em bị ho có thể do hen suyễn, được nhận biết bởi tiếng khò khè đặc biệt trong cơn ho.
  • Sử dụng thuốc: Việc sử dụng một số loại thuốc, như thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) để điều trị tăng huyết áp và bệnh tim, cũng có thể gây ra ho.

Xác định đúng nguyên nhân sẽ giúp điều trị nhanh chóng, dứt điểm tình trạng ho. Bạn có thể tham khảo các cách trị ho bằng tỏi dưới đây để làm dịu cổ họng đồng thời tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Bật mí các cách trị ho bằng tỏi và những điều cần lưu ý khi điều trị 1

Ho có thể do phản xạ tự nhiên hoặc do bệnh lý

Công dụng của tỏi trong điều trị ho

Tỏi là một loại thảo dược được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh lý khác nhau như cảm lạnh, cảm cúm, thấp khớp, các bệnh lý về đường tiêu hóa và đặc biệt là ho, viêm họng.

Theo y học cổ truyền, tỏi có tính ấm, vị cay và tác dụng giải độc, sát trùng, giải độc, làm ấm tỳ vị. Do đó, nó đã được sử dụng từ lâu để chữa nhiều bệnh về đường hô hấp và đường ruột. Nghiên cứu hiện đại cũng đã chứng minh rằng củ tỏi có chứa các thành phần hóa học như allicin, ajoene, được xem như các loại thuốc kháng sinh tự nhiên, giúp tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, tăng cường sức đề kháng và nâng cao hệ miễn dịch. Ngoài ra, các thành phần này còn có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ, hỗ trợ điều trị và phòng chống nhiều bệnh ung thư khác nhau và đẩy lùi tác nhân gây bệnh tim mạch

Ngoài ra trong tỏi còn có vitamin A, C, B, PP, D và các thành phần khác như fitoxterin, polisaccarit, idrad carbon có công dụng giúp giảm viêm, làm dịu cổ họng và cải thiện ho. 

Vì những lý do này, chữa viêm họng bằng tỏi là một phương pháp an toàn và hiệu quả, ít gây ra tác dụng phụ cho bệnh nhân. Nếu bạn đang bị ho đừng bỏ qua các cách trị ho bằng tỏi dưới đây.

Bật mí các cách trị ho bằng tỏi và những điều cần lưu ý khi điều trị 2Tỏi là loại gia vị chữa ho hiệu quả

Các cách trị ho bằng tỏi phổ biến

Tỏi kết hợp mật ong

Mật ong là một nguyên liệu tự nhiên có tính kháng khuẩn và kháng viêm mạnh mẽ, giúp tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh trong vòm họng và giảm các triệu chứng ho. Khi kết hợp tỏi và mật ong sẽ tạo thành một bộ đôi hoàn hảo giúp cải thiện bệnh ho một cách hiệu quả.

Bạn có thể chế biến mật ong và tỏi theo các cách dưới đây:

Cách 1: Dùng tỏi ngâm mật ong

  • Bóc vỏ tỏi, rửa sạch và để ráo nước.
  • Cho tỏi vào bình thủy tinh và đổ mật ong vào cho đủ để ngập lượng tỏi.
  • Đậy kín nắp và ngâm trong khoảng 3 tháng là có thể dùng được.

Cách 2: Dùng tỏi hấp với mật ong

  • Tỏi được bóc rửa sạch để ráo nước, cắt nhỏ đặt vào bát.
  • Thêm mật ong vào bát sao cho tỏi được ngập đầy, sau đó đậy kín và chưng cách thủy trong khoản 20 phút.
  • Sau khi chưng, để nguội và có thể dùng cả xác lẫn nước. Sử dụng bài thuốc này 3 lần trong ngày để giảm tình trạng ho.

Tỏi nướng trị ho

Tỏi nướng không chỉ có tác dụng trị ho cho người lớn mà còn rất hiệu quả cho trẻ nhỏ.

Nguyên liệu: Vài tép tỏi, giấy bạc.

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị 2 - 3 tép tỏi (giữ nguyên vỏ) và cuộn vào giấy bạc.
  • Nướng trong lò vi sóng hoặc trên bếp than khoảng 2 phút cho đến khi tỏi tỏa ra mùi thơm.
  • Lấy ra để nguội, bóc vỏ bên ngoài và ăn tỏi trực tiếp.

Trẻ nên ăn khoảng 3 - 4 tép tỏi mỗi ngày để giảm các triệu chứng ho và đau họng một cách hiệu quả.

Sử dụng rượu tỏi

Rượu tỏi được biết đến như là một biện pháp chữa trị hiệu quả cho tình trạng ho. Dưới đây là cách pha chế và sử dụng rượu tỏi:

Nguyên liệu: 40g tỏi khô đã bóc vỏ, 100ml rượu trắng 45 độ

Cách thực hiện:

  • Thái nhỏ tỏi đã chuẩn bị và cho vào một bình hoặc lọ thủy tinh
  • Đổ đầy rượu vào để ngâm.

Trong những ngày đầu tiên, chúng ta sẽ thấy tỏi chuyển từ màu trắng hoặc hơi đục sang màu vàng. Cho đến ngày thứ 10, tỏi hoàn toàn chuyển thành màu vàng như nghệ. Lúc này, rượu tỏi đã sẵn sàng để sử dụng.

Cách dùng: Uống rượu tỏi 2 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 5ml/lần. Khi sử dụng, bạn nên pha với chút nước ấm cho dễ uống và cũng để làm giảm bớt mùi khó chịu của nó. Nên dùng vào buổi sáng trước khi ăn và tối trước khi đi ngủ để mang đến tác dụng tốt nhất.

Bật mí các cách trị ho bằng tỏi và những điều cần lưu ý khi điều trị 3Rượu tỏi tốt cho sức khỏe và trị ho hiệu quả

Sử dụng tỏi kết hợp với sữa

Sữa tỏi là một thức uống tự nhiên có tác dụng cải thiện nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó có triệu chứng ho. 

Cách thực hiện:

  • Bóc vỏ và thái 5 củ tỏi thành từng lát mỏng hoặc đập dập để giải phóng các hoạt chất kháng sinh tự nhiên có trong tỏi.
  • Cho tỏi và 250ml sữa tươi vào nồi, đun sôi cho chín tỏi.
  • Lọc lấy phần sữa và bỏ phần tỏi.
  • Thêm 2 muỗng mật ong vào sữa và uống khi còn ấm.

Cách dùng: Để đạt được hiệu quả tốt, người bệnh nên uống khoảng 200 - 250ml sữa tỏi mỗi ngày, có thể uống một lần hoặc chia làm 2 - 3 lần trong ngày. Nên uống liên tục cho đến khi triệu chứng bệnh giảm dần.

Ngoài ra, nếu không muốn nấu tỏi trong sữa tươi, người bệnh có thể ngâm tỏi đã đập dập trong sữa khoảng 2 tiếng để hoạt chất trong tỏi giải phóng và hòa tan vào sữa. Sau đó, lọc lấy sữa có thể thêm một ít tinh bột nghệ vào uống, giúp điều trị ho.

Sử dụng giấm tỏi

Giấm tỏi có tác dụng sát trùng và giảm ngứa rát cổ họng. 

Cách thực hiện: Bóc vỏ 10g tỏi và ngâm trong giấm khoảng 1 tuần trước khi sử dụng. Khi cảm thấy họng nóng rát, ngứa ngáy và ho, người bệnh có thể lấy 1 tép tỏi ngâm giấm, thái lát mỏng và ngậm trong miệng 15 phút để giảm cảm giác đau rát.

Lưu ý khi sử dụng tỏi để trị ho

Mặc dù phương pháp chữa bệnh bằng tỏi được coi là an toàn, nhưng trong một số trường hợp, nó không thể áp dụng được. 

  • Người bị nội nhiệt, âm hư, đau mũi, đau răng, viêm thận... không nên sử dụng tỏi để chữa viêm họng. 
  • Nếu bạn bị kiêng rượu hoặc không thể uống được rượu, bạn không nên sử dụng rượu tỏi để chữa bệnh, hoặc chỉ nên sử dụng một lượng nhỏ thôi. 

Khi sử dụng các bài thuốc từ tỏi, bạn cần kiên trì và sử dụng trong thời gian dài để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Nếu bạn sử dụng một thời gian mà không thấy triệu chứng bệnh giảm, hãy đi khám để được điều trị bằng cách khác có hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, bạn cần chú ý đến chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Bạn nên bổ sung nhiều rau xanh, trái cây tươi và các thực phẩm có tác dụng kháng viêm. Đồng thời, tránh ăn các thực phẩm cay nóng, dầu mỡ và các chất kích thích.

Trên đây là toàn bộ những thông tin hữu ích về công dụng, các cách trị ho bằng tỏi và những lưu ý khi sử dụng tỏi trị ho. Hy vọng bài viết sẽ giúp cho bạn đọc có thể áp dụng trị ho bằng tỏi an toàn và hiệu quả.

Xem thêm: 

Ngọc Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin