Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Bầu 3 tháng đầu hay bị đau bụng có nguy hiểm không?

Ngày 07/09/2024
Kích thước chữ

Bầu 3 tháng đầu hay bị đau bụng có nguy hiểm không là thắc mắc của nhiều mẹ bầu, đặc biệt với những chị em lần đầu làm mẹ. Để hiểu rõ hơn về tình trạng này, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây nhé!

Nhiều mẹ bầu gặp phải tình trạng đau bụng lâm râm trong giai đoạn đầu của thai kỳ và không khỏi cảm thấy lo lắng. Vậy bầu 3 tháng đầu hay bị đau bụng có nguy hiểm không và cần lưu ý những gì? Bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp các mẹ hiểu rõ hơn về hiện tượng này nhé!

Nguyên nhân gây đau bụng khi mang thai 3 tháng đầu

Một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng hay bị đau bụng khi mang thai 3 tháng đầu có thể kể đến như:

Bầu 3 tháng đầu hay bị đau bụng do thay đổi sinh lý

Trong những tháng đầu của thai kỳ, tình trạng đau lưng và đau bụng dưới thường xuất hiện khá phổ biến, nguyên nhân thường do:

  • Thai nhi làm tổ trong buồng tử cung: Khi phôi thai bắt đầu làm tổ trong tử cung, mẹ bầu có thể cảm thấy những cơn đau râm ran khó chịu ở vùng bụng. Tình trạng này thường kéo dài khoảng 2 - 3 ngày và dần biến mất sau đó.
  • Căng cơ và dây chằng: Khi thai nhi phát triển, tử cung giãn dần ra sẽ gây áp lực lên các cơ và dây chằng xung quanh. Điều này có thể dẫn đến cảm giác đau và căng tức ở vùng bụng. Cơn đau sẽ rõ hơn khi đứng lên, ngồi xổm, cử động mạnh hắt hơi hoặc ho.
  • Ốm nghén: Sự gia tăng các hormone estrogen và progesterone có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, khiến mẹ bầu buồn nôn và nôn. Quá trình này có thể gây co thắt vùng bụng, dẫn đến cảm giác căng tức.
  • Táo bón: Sự thay đổi hormone và sự phát triển của tử cung cũng làm chậm quá trình tiêu hóa, dẫn đến tình trạng táo bón, khó tiêu, đầy hơi và căng tức bụng.
Bầu 3 tháng đầu hay bị đau bụng có nguy hiểm không? 1
Bầu 3 tháng đầu hay bị đau bụng có thể là dấu hiệu thai nhi đang làm tổ trong tử cung

Bầu 3 tháng đầu hay bị đau bụng do bệnh lý

Mặc dù đau bụng trong thời gian đầu mang thai có thể là dấu hiệu bình thường. Nhưng nếu kèm theo các triệu chứng khác thì mẹ bầu nên cẩn thận vì có thể là dấu hiệu cảnh báo của các vấn đề nghiêm trọng như:

  • Thai ngoài tử cung: Các triệu chứng ban đầu thường không rõ ràng và dễ bị nhầm lẫn với tình trạng trễ kinh hoặc khi hành kinh. Cơn đau bụng dữ dội thường tập trung ở một bên bụng dưới, kèm theo khó chịu khi đi vệ sinh. Nếu cơn đau lan đến vai và trở nên dữ dội, có thể thai ngoài tử cung đã vỡ.
  • Dọa sảy thai: Những cơn đau bụng quặn thắt, ngày càng dồn dập, đi kèm với việc ra máu tươi hoặc máu đông cục có thể là dấu hiệu của việc dọa sảy thai. Theo thống kê, có khoảng 25% phụ nữ bị đau bụng khi mang thai trong tháng đầu và khoảng 10% có nguy cơ sảy thai.
  • Viêm ruột thừa: Bệnh này có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, với các triệu chứng như đau ở vùng hố chậu phải, sốt, mạch đập nhanh và nôn mửa.
Bầu 3 tháng đầu hay bị đau bụng có nguy hiểm không? 2
Bầu 3 tháng đầu hay bị đau bụng có thể là dấu hiệu mang thai ngoài tử cung

Bầu 3 tháng đầu hay bị đau bụng có nguy hiểm không?

Trong 3 tháng đầu mang thai, nếu mẹ bầu chỉ cảm thấy căng tức hoặc đau lâm râm ở bụng dưới thì không cần quá lo lắng bởi đó là hiện tượng bình thường và không gây nguy hiểm. Triệu chứng này có thể là dấu hiệu cho thấy trứng đã thụ tinh và làm tổ thành công trong tử cung, cũng như hệ quả của việc nôn ói thường xuyên do ốm nghén.

Tuy nhiên, nếu xuất hiện các triệu chứng dưới đây thì mẹ bầu nên đến bệnh viện kiểm tra ngay:

  • Đau dữ dội khắp vùng bụng kèm theo xuất huyết, buồn nôn và chóng mặt: Đây có thể là dấu hiệu thai ngoài tử cung, khối thai đã vỡ do không được phát hiện sớm.
  • Đau bụng từng cơn không thuyên giảm, xuất hiện kèm máu đỏ tươi hoặc vón cục từ âm đạo: Đây có thể là dấu hiệu của dọa sảy thai hoặc sảy thai.
  • Đau bụng trên (vùng dưới xương sườn phải) kèm theo tiêu chảy và buồn nôn: Dấu hiệu cảnh báo tiền sản giật. Nếu thấy xuất hiện kèm dịch nâu thì có thể thai đã chết lưu và mẹ cần đến bệnh viện ngay.
  • Ra máu đỏ tươi kèm theo buồn nôn nghiêm trọng: Có thể là biểu hiện của bệnh lý tế bào nuôi (chửa trứng), khi mô trong tử cung phát triển bất thường hoặc tạo thành khối u thay vì phát triển thành nhau thai. Tình trạng đau bụng dưới kèm ra máu màu nâu, lượng máu nhiều là dấu hiệu cảnh báo cần được lưu ý.
Bầu 3 tháng đầu hay bị đau bụng có nguy hiểm không? 4
Bầu 3 tháng đầu hay bị đau bụng có thể là hệ quả của việc nôn ói do ốm nghén

Nhìn chung, những triệu chứng này có thể là biểu hiện của các vấn đề nghiêm trọng như thai ngoài tử cung, dọa sảy thai, thai chết lưu,... có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Vì vậy, mẹ bầu cần theo dõi cẩn thận và nhanh chóng xử lý nếu có dấu hiệu bất thường xuất hiện.

Đau bụng khi mang thai 3 tháng đầu phải làm sao?

Làm thế nào để giảm triệu chứng đau bụng khi mang thai 3 tháng đầu? Nếu bạn chỉ gặp những cơn đau nhẹ ở bụng mà không kèm theo bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác thì cũng không cần quá lo lắng, bởi các cơn đau này thường sẽ tự hết.

Tuy nhiên, để đảm bảo thai kỳ diễn ra an toàn và khỏe mạnh, bạn nên chú ý một số điều sau:

  • Duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối, ăn nhiều rau xanh và trái cây, đặc biệt khi bạn đang mang thai ở tuần thứ 4 và gặp phải tình trạng đau bụng dưới.
  • Bổ sung khoáng chất đúng liều lượng cũng sẽ góp phần hỗ trợ làm giảm đau bụng trong giai đoạn đầu thai kỳ. Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Thực hiện các bài tập yoga dành riêng cho bà bầu để ngăn ngừa các cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Khi cảm thấy đau bụng dưới ở tuần thứ 4, có thể áp dụng xoa bóp nhẹ nhàng, tắm nước ấm và tránh mặc quần áo bó sát.
  • Để giảm cảm giác đau nhói ở bụng dưới khi mới mang thai, cần uống nhiều nước hơn mỗi ngày và hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn cũng như những thực phẩm giàu tinh bột.
  • Khi ngồi, mẹ bầu có thể sử dụng một chiếc ghế thấp để kê chân nhằm giảm bớt áp lực lên bụng dưới.
  • Tránh đứng quá lâu và hãy cố gắng nghỉ ngơi, ngủ nhiều hơn để cơ thể hồi phục.
  • Việc ăn chuối hoặc nho khô cũng có thể bổ sung kali, canxi và nước, giúp giảm các cơn đau bụng trong tháng đầu mang thai.
Bầu 3 tháng đầu hay bị đau bụng có nguy hiểm không? 3
Duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối để giảm thiểu tình trạng bầu 3 tháng đầu hay bị đau bụng

Bạn có thể kết hợp các phương pháp trên để giảm thiểu tình trạng đau bụng trong giai đoạn đầu thai kỳ. Tuy nhiên, nếu cơn đau trở nên nghiêm trọng, hãy nằm nghỉ ngay và đừng ngần ngại đi khám sớm. Một số triệu chứng đau bụng khi mới mang thai có thể là dấu hiệu của các biến chứng tiềm ẩn nguy hiểm.

Bầu 3 tháng đầu hay bị đau bụng khi nào nên đi khám?

Bầu 3 tháng đầu hay bị đau bụng có thể là hiện tượng sinh lý bình thường. Tuy nhiên, nếu cơn đau xuất hiện kèm các biểu hiện dưới đây thì mẹ bầu cần được thăm khám bác sĩ ngay:

  • Xuất hiện đốm máu hoặc chảy máu âm đạo.
  • Cảm giác mệt mỏi, thường xuyên cảm thấy không khỏe.
  • Các dấu hiệu thai kỳ trở nên bất thường.

Hy vọng thông tin trên đã giúp bạn phần nào hiểu rõ và giải đáp được cho thắc mắc bầu 3 tháng đầu hay bị đau bụng có gây nguy hiểm không. Để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé, mẹ bầu nên tuân thủ lịch khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ và áp dụng chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin