Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Bé hay bị vết bầm tím ở chân: Nguyên nhân và cách xử trí phù hợp

Ngày 15/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hiện tượng bé hay bị vết bầm tím ở chân có thể khiến cho nhiều ba mẹ lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Tuy nhiên nếu chúng ta trang bị đủ những kiến thức cơ bản thì chắc chắn sẽ bình tĩnh và xử lý tốt hơn nhiều khi đối diện với vấn đề nói trên.

Bé hay bị vết bầm tím ở chân là do nguyên nhân nào, có nguy hiểm hay không? Đây là những câu hỏi dấy lên trong đầu nhiều ba mẹ khi trẻ gặp phải tình trạng nói trên. Bài viết ngay sau đây sẽ giúp họ làm rõ những nghi vấn đặc biệt này.

Nguyên nhân khiến bé hay bị vết bầm tím ở chân

Vết bầm tím là những tổn thương trên da có màu sắc như hoa cà, có thể đi kèm hiện tượng xuất huyết. Chúng xuất hiện do một trong các nguyên nhân dưới đây:

Va chạm cơ học

Trẻ con vốn thích chạy nhảy, lại không chú ý quan sát nên có thể đập chân vào bàn ghế, sàn nhà, bậc cửa,... Ngoài ra khi chơi với bạn bè, trẻ cũng có thể làm đau nhau theo cách vô tình hoặc cố ý. Khi đó, những mạch máu dưới da sẽ bị vỡ và để lại vết thâm trên bề mặt.

Bé hay bị vết bầm tím ở chân: Nguyên nhân và cách xử trí phù hợp 1
Va chạm cơ học là nguyên nhân chủ yếu khiến bé hay bị vết bầm tím ở chân

Mắc bệnh Von Willebrand

Von Wilebrand là một bệnh lý di truyền, sinh ra đã có nhưng không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Người bệnh bị rối loạn cầm máu, rất dễ sinh bầm tím kể cả khi có va chạm nhẹ. Cùng với điều này còn có thêm nhiều triệu chứng khác như chảy máu cam thường xuyên, lượng máu trong kỳ kinh nhiều hơn người bình thường, dễ xuất huyết sau phẫu thuật.

Bạo hành

Đây là lý do ít được đề cập đến nhưng không thể loại trừ hoàn toàn. Thực trạng trên có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh - đối tượng không biết nói và không có khả năng chống đỡ. Ngoài ra trong gia đình, trường học và ngoài xã hội, trẻ cũng có thể bị bạo hành bởi bạn bè, người lớn tuổi. Khi bị đánh đập, cắn hoặc cấu véo thì trên chân bé rất dễ xuất hiện vết bầm. Do đó nếu trẻ bị bầm tím ở chân, bạn cũng cần xét đến trường hợp này.

Mắc bệnh bạch cầu

Đây là bệnh lý ác tính, đe doa nghiêm trọng đến tính mạng của trẻ. Bệnh nhân có số lượng tiểu cầu thấp, vết bầm tím xuất hiện thường xuyên, khó phục hồi. Bên cạnh đó, lượng hồng cầu cũng sụt giảm trầm trọng, trẻ sút cân nhanh và liên tục bị sốt.

Bé hay bị vết bầm tím ở chân: Nguyên nhân và cách xử trí phù hợp 4
Bệnh bạch cầu là nguyên nhân ác tính làm xuất hiện những vết bầm tím trên da của trẻ

Thiếu vitamin K

Vitamin K là nhân tố “cầm trịch” trong phản ứng đông máu. Sự hiện diện của vi chất này giúp hỗ trợ việc sản xuất prothrombin - nhân tố tạo mạng lưới bao bọc lấy các tế bào máu và hình thành nên cục máu đông.

Khi vitamin K thiếu hụt, tiến trình đông máu bị cản trở. Do đó hiện tượng chảy máu dưới da sẽ không được kiểm soát triệt để. Hệ quả là vết bầm dễ phát sinh và lâu biến mất.

Mắc bệnh Hemophilia

Việc sống chung với bệnh Hemophilia cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ bị bầm tím trên da. Đây là bệnh lý rối loạn đông máu phát sinh do các yếu tố đông máu VIII/IX bị thiếu hoặc bất thường về mặt chức năng. Hemophilia chịu sự chi phối bởi gen lặn nằm trên NST X. Để ngăn ngừa, giảm thiểu sự phát triển của bệnh, trẻ cần được điều trị dự phòng, dùng thuốc cầm máu và theo dõi sức khỏe sát sao.

Giảm tiểu cầu

Giảm tiểu cầu có thể liên quan đến rối loạn tự miễn hoặc quá trình sản xuất tiểu cầu của cơ thể găp nhiều cản trở, bị hạn chế do sự xâm nhiễm của virus. Trong khi đó, tiểu cầu lại là nhân tố trung tâm của quá trình đông máu. Vậy nên nếu thực trạng này xảy ra thì trên chân bé rất dễ hình thành những chấm nhỏ, những vết bầm màu tím dưới da.

Dấu hiệu vết bầm tím bất thường

Như đã nhắc qua ở trên, hiện tượng bé hay bị vết bầm tím ở chân có thể xuất phát do nguyên nhân lành tính hoặc ác tính. Trong đó nguyên nhân lành tính là chủ yếu, tỷ lệ ác tính rất hi hữu. Tuy nhiên ba mẹ cần phải phân biệt tốt hai tình trạng này để có cách ứng phó phù hợp.

Những vết bầm tím thông thường ban đầu sẽ có màu đốm đỏ, sau đó chuyển sang sắc tím hoặc xanh vào ngày hôm sau. Tiếp theo, vết bầm sẽ đổi trạng thái sang màu xanh lục, nâu vàng, vàng nghệ rồi biến mất trong vòng 2 tuần. Đây được coi là tín hiệu tốt, không tiềm ẩn yếu tố nguy cơ nên ba mẹ không cần phải lo lắng.

Trong trường hợp liên quan đến bệnh lý nguy hiểm thì bạn có thể nhận diện yếu tố bất thường thông qua một số dấu hiệu sau:

  • Vết bầm không tương thích với vết thương khi va chạm, kích thước có phần khuếch đại hơn.
  • Phát sinh không rõ nguyên nhân (trẻ không bị va đập, chấn thương), đặc biệt là xuất hiện ở những nơi ít có khả năng va chạm (mặt sau chân/ góc gập đầu gối).
  • Tình trạng bầm tím trên da không mờ dần hoặc mất đi sau 14 ngày hoặc chuyển màu khác lạ.
  • Trẻ đau nhiều và không có dấu hiệu thuyên giảm đồng thời xuất hiện thêm các triệu chứng toàn thân (sốt, mệt mỏi,...).
  • Ngoài vết bầm ở chân, trẻ còn xuất hiện thêm nhiều vết bầm ở khu vực khác như ngực, bụng, mông,...
Bé hay bị vết bầm tím ở chân: Nguyên nhân và cách xử trí phù hợp 2
Hãy lưu lại những dấu hiệu bất thường nói trên để đối chiếu khi cần

Cần làm gì khi trẻ có vết bầm tím ở chân?

Khi bé hay bị vết bầm tím ở chân thì đầu tiên bạn cần đánh giá nguyên nhân của vấn đề. Nếu xác định được do va chạm hoặc bệnh lý bẩm sinh (đã biết) thì ba mẹ hãy:

  • Động viên, giúp bé lấy lại bình tĩnh, giữ ổn định về tâm lý.
  • Lấy khăn xô mềm, bọc đá để chườm lên vết bầm 3 - 5 lần trong ngày đầu tiên. Mục đích là để chống sưng tấy, giảm nhẹ cơn đau.
  • Sau 2 ngày, bạn hãy cho bé ngâm chân vào nước ấm để đẩy nhanh quá trình phục hồi.
  • Không đẻ trẻ vận động mạnh trong khoảng thời gian này.
  • Dùng thuốc, chăm sóc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa (nếu liên quan đến bệnh lý bẩm sinh, mạn tính).
  • Theo dõi sự thay đổi màu sắc, trạng thái vết bẩm trong 2 tuần. Nếu chúng mờ đi, biến mất dần dần thì không có gì phải lo lắng.
Bé hay bị vết bầm tím ở chân: Nguyên nhân và cách xử trí phù hợp 3
Trẻ cần được chăm sóc, theo dõi trong 2 tuần để đánh giá mức độ nghiêm trọng của vết bầm tím trên da

Nếu vết bầm vẫn “cố thủ” trên da sau 14 ngày, không nhạt màu đi, thậm chí còn nặng hơn. Vết bầm xuất hiện ngày càng nhiều, không phải do va chạm sinh ra. Đặc biệt là đau nhức âm ỉ đi kèm tổn thương cơ, xương, khớp thì ba mẹ cần đưa trẻ đi thăm khám ngay tức thì.

Trên đây là những thông tin quan trọng xoay quanh chủ đề bé hay bị vết bầm tím ở chân. Mong rằng qua bài viết này, bạn đã học được cách phân biệt vết bầm thông thường và những tổn thương dưới da tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ. Từ đó giảm bớt những lo lắng không đáng có đồng thời đưa ra biện pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả! Trân trọng!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin