Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh quai bị là gì? Cách điều trị và chăm sóc ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm

Ngày 09/03/2023
Kích thước chữ

Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Bệnh lây truyền trực tiếp bằng đường hô hấp hoặc tạo thành dịch ở trẻ em và thanh thiếu niên. Tuy bệnh lành tính nhưng nếu không được nhận biết và điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như vô sinh, tổn thương hệ thần kinh trung ương,… Bài viết dưới đây giúp bạn nhận biết triệu chứng bệnh quai bị để điều trị và tránh những hậu quả nghiêm trọng.

Quai bị là bệnh do virus gây ra, bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng trong cộng đồng và có thể gây ra những biến chứng lâu dài cho sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản của nam giới. Hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh, nên cần phát hiện triệu chứng càng sớm càng tốt.

Những thông tin cần biết về bệnh quai bị

Bệnh quai bị là gì?

Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus quai bị (Mumps virus) gây ra. Virus này thường được truyền từ người sang người khi ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc khác với nước bọt của người bị nhiễm bệnh.

Theo thống kê, đây là căn bệnh phổ biến trên toàn thế giới, tỷ lệ mắc bệnh quai bị thường cao ở những khu vực đông dân cư, nơi có khí hậu mát mẻ hoặc lạnh và khu vực đời sống chưa cao.

Bệnh quai bị là gì? Cách điều trị và chăm sóc ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm 1
Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra

 Nguyên nhân mắc bệnh quai bị

Bệnh quai bị do virus gây ra, là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Bệnh có đặc điểm là tuyến nước bọt bị viêm sưng đau không có mủ, đôi khi kèm theo viêm ở một số tuyến khác như tụy, sinh dục, màng não,… Do khả năng của các tuyến này tạo ra miễn dịch ổn định và lâu dài nên người đã từng mắc bệnh quai bị một lần thường rất ít bị lại.

Ngoài đường hô hấp, bệnh quai bị còn lây qua giọt nước bọt của người bệnh. Khi hắt hơi, nói, ho hoặc lây lan qua thực phẩm. Mặc dù virus quai bị có khả năng tồn tại trong nước tiểu từ 2 đến 3 tuần, nhưng chưa có khẳng định khả năng lây truyền bệnh này qua phân và nước tiểu.

Sau khi nhiễm bệnh, virus phát triển nhanh chóng ở vòm họng và hạch bạch huyết, đặc biệt tăng cao trong huyết thanh sau đó lây lan sang các cơ quan khác. Bệnh lây lan trong 6 ngày trước khi tuyến mang tai sưng và có thể xuất hiện đầy đủ các triệu chứng quai bị.

Triệu chứng bệnh quai bị

Sau 2 - 3 tuần kể từ khi nhiễm virus, các triệu chứng của bệnh quai bị thường xuất hiện hoàn toàn và giảm dần trong tuần tiếp theo. Sưng đau một hoặc cả hai tuyến mang tai là triệu chứng đặc trưng của bệnh quai bị. Nhiều trường hợp nặng còn sưng đau đến góc hàm dưới của mang tai. Bệnh trải qua 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn ủ bệnh: Thường kéo dài khoảng 14 - 24 ngày, bệnh nhân hầu như không có triệu chứng lâm sàng. 
  • Giai đoạn đầu: Bệnh nhân thường đau đầu, chán ăn, suy nhược, sốt nhẹ, không gây ớn lạnh, đau họng và góc hàm, tuyến mang tai sưng to, đau khi nhai.
  • Giai đoạn toàn phát: Sưng và đau tuyến mang tai và các tuyến nước bọt khác, sốt cao 39 - 40oC, chán ăn, nhức đầu, nói ngọng, khó nuốt.
  • Giai đoạn hồi phục: Một tuần sau khi khởi phát các triệu chứng ở giai đoạn toàn phát, tuyến mang tai sưng đau giảm dần, các triệu chứng đau họng, nhức đầu, khó nuốt cũng giảm dần cho đến khi khỏi hẳn.

Trường hợp dấu hiệu của bệnh quai bị biểu hiện ra ngoài tuyến nước bọt sẽ khiến hệ thần kinh bị tổn thương và có hiện tượng như:

  • Viêm não: Người bệnh ớn lạnh, sốt cao, nôn, đau đầu, đau bụng, tinh hoàn sưng đau, cứng.
  • Viêm màng não: Các biểu hiện như nhức đầu, sốt cao, nôn, rối loạn hành vi, cứng cổ, co giật. 
  • Viêm tụy cấp: Thường không có triệu chứng, trường hợp nặng hình thành nang giả kèm nôn, sốt cao, đau bụng,...

Một số trường hợp quai bị chỉ có một số triệu chứng không đặc hiệu hoặc hoàn toàn không có triệu chứng.

Bệnh quai bị là gì? Cách điều trị và chăm sóc ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm 2
Tuyến mang tai sưng to có thể chườm nóng để giảm đau

Biến chứng nguy hiểm của quai bị

Bệnh quai bị nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Một số biến chứng của bệnh quai bị là: 

  • Viêm tinh hoàn thậm chí là teo tinh hoàn có thể dẫn đến vô sinh. 
  • Viêm buồng trứng: Bệnh nhân có dấu hiệu đau bụng dưới, rong kinh. 
  • Nhồi máu phổi.
  • Viêm tụy cấp. 
  • Viêm cơ tim. 
  • Viêm não, viêm màng não. 

Người lớn mắc bệnh quai bị thường diễn biến nặng và có nhiều biến chứng nguy hiểm hơn so với trẻ em. 

Cách điều trị và chăm sóc người quai bị

Phương pháp điều trị

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh quai bị, chủ yếu vẫn điều trị các triệu chứng kết hợp chăm sóc và phòng ngừa các biến chứng:

  • Khi người bệnh có dấu hiệu sưng đau ở vùng mang tai thì cần đến bệnh viện để được bác sĩ khám và chẩn đoán. Một số bệnh gây viêm tuyến nước bọt không hẳn do virus quai bị mà còn do các loại vi khuẩn, virus khác.
  • Nếu có triệu chứng sốt, đau vùng mang tai, người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau, hạ sốt. 
  • Uống nhiều nước để bù nước và điện giải, có thể uống Oresol.
  • Để giảm sưng và đau ở tuyến nước bọt, bạn có thể chườm lạnh.
  • Không ăn thức ăn quá cứng, cay, chua. 
  • Ưu tiên thức ăn ở dạng lỏng, mềm, dễ nuốt như cháo hoặc súp.
  • Không tự ý dùng kháng sinh.
  • Người bệnh hạn chế vận động mạnh, nghỉ ngơi, tránh tiếp xúc với người nhà và những người xung quanh để hạn chế lây nhiễm.
  • Bệnh nhân nam có dấu hiệu viêm tinh hoàn hay bệnh nhân nữ có dấu hiệu viêm buồng trứng phải được theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện để không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Bệnh quai bị là gì? Cách điều trị và chăm sóc ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm 3
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh quai bị, chủ yếu vẫn điều trị các triệu chứng

Cách chăm sóc khi bị bệnh

Bên cạnh điều trị y tế, người bệnh nên có chế độ chăm sóc, nghỉ ngơi hợp lý như:

  • Nằm nghỉ nếu sốt cao.
  • Tuyến mang tai sưng to có thể chườm nóng để giảm đau.
  • Khi sốt cao có thể dùng khăn lạnh để hạ sốt.
  • Đối với nam giới, nên mặc quần lót để nâng cao tinh hoàn, giảm căng và đau.
  • Chăm sóc răng miệng cẩn thận để tránh bội nhiễm và tăng cảm giác thèm ăn. 
  • Người bệnh nên được ăn thức ăn lỏng, mềm, tránh thức ăn quá cay, chua, dầu mỡ. 
  • Tránh tiếp xúc với người bệnh, đeo khẩu trang khi tiếp xúc và rửa tay bằng xà phòng.

Bệnh quai bị là bệnh lành tính nhưng có nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Đặc biệt, bệnh không có thuốc đặc trị nên phòng bệnh được coi là phương án tốt nhất để bảo vệ sức khỏe. Biện pháp phòng bệnh quai bị hiệu quả nhất là sử dụng vắc-xin, có thể được tiêm vắc-xin quai bị sớm cho trẻ từ 12 tháng tuổi.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin