Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Liệt dây thần kinh số III: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tỷ lệ người bệnh mắc tình trạng liệt dây thần kinh số III được ước tính khoảng 4/100.000. Đây là một bệnh lý ảnh hưởng đến khả năng vận động của nhãn cầu. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do các tổn thương tại não. Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời rất quan trọng trong việc phục hồi vận động của dây thần kinh số III.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Liệt dây thần kinh số III là gì?

Dây thần kinh số III, còn được gọi là dây thần kinh vận nhãn, là một trong 12 đôi dây thần kinh sọ. Dây thần kinh số III chi phối cho tất cả các cơ vận nhãn ngoại trừ cơ thẳng ngoài và cơ chéo trên, cùng với các dây thần kinh sọ khác kiểm soát các chuyển động (dây IV, dây VI). Ngoài ra, dây thần kinh số III cũng điều khiển cơ nâng mi và cung cấp hệ phó giao cảm cho cơ co đồng tử và cơ thể mi, hỗ trợ chức năng cảm giác của mắt.

Một số hoạt động của mắt do dây thần kinh số III kiểm soát gồm:

  • Nâng mí mắt trên.
  • Phản xạ ánh sáng bằng cách co đồng tử.
  • Điều khiển tiêu cự khi nhìn xa gần, cho phép bạn theo dõi trực quan một vật thể chuyển động.
  • Phản xạ tiền đình - mắt, giúp bạn điều chỉnh vị trí của mắt phù hợp khi đầu di chuyển.
  • Cố định thị giác bằng cách giữ mắt nhìn vào một vật không di chuyển.

Liệt dây thần kinh số III hay còn gọi là liệt vận nhãn, xảy ra khi dây thần kinh sọ này bị tổn thương hoặc do các bệnh lý khác ảnh hưởng đến sự dẫn truyền thần kinh của nó. Trên thực tế, có một số trường hợp liệt dây thần kinh số III không hoàn toàn và gây ra những triệu chứng mơ hồ, khó có thể phát hiện và dễ bị bỏ qua.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của liệt dây thần kinh số III

Một số triệu chứng điển hình của liệt dây thần kinh số III bao gồm:

  • Song thị hay còn gọi là nhìn đôi: Khi bạn nhìn thấy một vật thành hai, có thể xảy ra khi nhìn bằng một mắt hoặc bằng cả hai mắt.
  • Mắt lác: Một hoặc cả hai mắt bị nhìn lệch, có thể lác ra ngoài hoặc xuống dưới.
  • Sụp mí mắt: Khiến người bệnh không thể nhìn thấy, phải dùng tay hỗ trợ nâng mí mắt.
  • Đồng tử giãn: Đồng tử to hơn so với kích thước bình thường (dao động từ 2 - 4mm trong điều kiện sáng) hoặc không có sự phản xạ đồng tử khi có ánh sáng chiếu vào.
  • Vận nhãn không tốt khiến người bệnh thường xuyên nghiêng hoặc xoay đầu để hỗ trợ tầm nhìn.
  • Đau đầu hoặc đau mắt.
  • Mờ mắt.
  • Có thể kèm theo yếu nửa người bên đối diện (hội chứng Weber), mất điều hòa nửa người đối bên và run (hội chứng Claude).
Liệt dây thần kinh số III: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 2
Mắt lác và sụp mi là biểu hiện của liệt dây thần kinh số III

Biến chứng có thể gặp phải khi mắc liệt dây thần kinh số III

Liệt dây thần kinh số III là một dấu chứng thần kinh khu trú quan trọng khi đánh giá các tổn thương não bộ, đặc biệt là vùng thân não. Khi xuất hiện các triệu chứng của liệt dây thần kinh số III, cần đặc biệt lưu ý đến tình trạng tri giác của người bệnh vì có thể bệnh đang tiến triển:

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Vẫn còn nhiều người bệnh chủ quan với những triệu chứng của liệt dây thần kinh số 3 như mắt lác, nhìn đôi hoặc sụp mi, nghĩ rằng chúng khá quen thuộc và sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, bạn cần được bác sĩ đánh giá sớm mức độ tổn thương và các vấn đề thần kinh liên quan vì có thể đây là một trong những dấu hiệu khởi đầu của các bệnh lý thần kinh nghiêm trọng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến liệt dây thần kinh số III

Liệt dây thần kinh số III có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải. Nguyên nhân của liệt dây thần kinh số III do bẩm sinh cho đến nay vẫn chưa xác định được. Tuy nhiên, các nguyên nhân mắc phải dẫn đến liệt dây thần kinh số III đã được biết đến bao gồm:

  • Trẻ bị chấn thương vùng đầu trong khi sinh;
  • Chấn thương đầu;
  • Viêm não;
  • U não, u màng não chèn ép;
  • Phình động mạch nội sọ dọa vỡ;
  • Đột quỵ não: Nhồi máu não hoặc xuất huyết não;
  • Thiếu máu cục bộ vi mạch;
  • Viêm dây thần kinh;
  • Tiền căn phẫu thuật vùng đầu;
  • Bệnh đa xơ cứng, bệnh nhược cơ;
  • Hội chứng Tolosa-Hunt (viêm u hạt vô căn);
  • Một số thuốc: Thuốc ức chế miễn dịch, bisphosphonates và vắc-xin (gây viêm dây thần kinh), thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u (gây khử myelin).
Liệt dây thần kinh số III: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 3
U tuyến yên gây liệt vận nhãn

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc liệt dây thần kinh số III?

Những người có nguy cơ mắc liệt dây thần kinh số III là:

  • Người bệnh đang có các bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu;
  • Viêm mạch máu, viêm não;
  • Chấn thương đầu, đặc biệt là vùng cổ gáy;
  • Nhiễm trùng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải liệt dây thần kinh số III

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ liệt dây thần kinh số III đã được chứng minh bao gồm:

  • Đang trong quá trình hóa trị hoặc sử dụng một số thuốc có thể dẫn đến liệt dây thần kinh.
  • Tiền căn gia đình hoặc bản thân có dị dạng mạch máu não.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán liệt dây thần kinh số III

Bạn có thể phát hiện các triệu chứng bất thường ở mắt và tìm đến bác sĩ chuyên khoa Mắt. Tuy nhiên, để chẩn đoán xác định liệt dây thần kinh số III, cần có sự hội chẩn từ bác sĩ chuyên khoa Nội Thần kinh. Chẩn đoán liệt dây thần kinh số III là một chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ sẽ tiến hành hỏi về bệnh sử, tiền căn bệnh lý bản thân và gia đình, sau đó thăm khám toàn diện các chức năng thần kinh nói chung và chức năng dây thần kinh số III nói riêng. Từ đó, bác sĩ sẽ định vị vị trí tổn thương của người bệnh.

Để định vị vị trí tổn thương, bác sĩ sẽ yêu cầu một số xét nghiệm chẩn đoán phù hợp với tình trạng của mỗi người bệnh. Các xét nghiệm được chỉ định bao gồm:

  • Công thức máu, tốc độ máu lắng (VS), protein phản ứng C (CRP) đánh giá tình trạng viêm.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) đánh giá cấu trúc hệ thần kinh trung ương.
  • Chụp động mạch cộng hưởng từ (MRA) hoặc chụp cắt lớp mạch máu (CTA) giúp chẩn đoán các tình trạng dị dạng mạch máu não, phình mạch máu não, tắc hoặc hẹp mạch máu não, huyết khối xoang tĩnh mạch, dò động mạch cảnh xoang,...
Liệt dây thần kinh số III: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 5
Bệnh sarcoidosis thần kinh gây liệt dây thần kinh số III trên MRI và MRA

Phương pháp điều trị liệt dây thần kinh số III hiệu quả

Phương pháp điều trị liệt dây thần kinh số III đến nay vẫn chưa được phát hiện. Đối với liệt dây thần kinh số III mắc phải, việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Cụ thể như sau:

Phẫu thuật

Đối với khối u hoặc phình động mạch não chèn ép lên dây thần kinh, phẫu thuật loại bỏ khối u và túi phình được khuyến cáo giúp giảm áp lực lên dây thần kinh và thúc đẩy quá trình phục hồi tổn thương.

Phẫu thuật cắt mí mắt giúp khắc phục tình trạng sụp mi.

Phẫu thuật cơ vận nhãn giúp khắc phục tình trạng mắt lác, điều chỉnh lại hướng nhìn của mắt. Phẫu thuật lác có hiệu quả từ 80 - 90%, tùy thuộc vào độ tuổi và loại lác

Liệu pháp thị giác

Đây là một liệu pháp vật lý trị liệu cho hệ thống liên hệ thị giác - não và mắt. Bằng các bài tập về mắt, người bệnh sẽ phục hồi và phát triển các kỹ năng thị giác về bình thường. Các bài trị liệu được thiết kế cá nhân hóa, thường được kết hợp với các phương pháp khác như đeo kính mắt hoặc phẫu thuật.

Sử dụng kính lăng trụ

Phương pháp này để điều chỉnh các rối loạn về thị giác (nhìn đôi), mắt lác, thiếu hội tụ nhãn cầu. Lăng kính mang tính chất đặc biệt, giúp “đánh lừa” mắt rằng một vật thể đang ở một vị trí khác nhằm cải thiện khả năng căn chỉnh của mắt.

Châm cứu kết hợp xoa bóp

Châm cứu và xoa bóp được chứng minh qua nhiều nghiên cứu rằng có tác dụng hoạt huyết thông kinh lạc quanh mắt, nuôi dưỡng cơ nhục và cải thiện chức năng của mắt. Các huyệt được sử dụng phổ biến trong bệnh lý liệt vận nhãn là Toán trúc (BL2), Tình minh (BL1), Thừa khấp (ST1), Tứ bạch (ST2), Thái dương (EX-HN5). Ngoài ra, nhĩ châm cũng được áp dụng đối với liệt vận nhãn với các huyệt Mắt (LO5), Thận (CO10), Gan (CO12) để cải thiện chức năng của mắt.

Sử dụng các vitamin nhóm B

Các vitamin nhóm B hướng thần kinh như thiamine (vitamin B1), pyridoxine (vitamin B6) và cobalamin (vitamin B12) là những hoạt chất đóng vai trò quan trọng. Vitamin B1 hoạt động như một chất chống oxy hóa, vitamin B6 cân bằng quá trình chuyển hóa thần kinh và vitamin B12 làm bền bao myelin. Các vitamin hỗ trợ quá trình tái tạo của các tế bào thần kinh, giúp hồi phục sự dẫn truyền và hoạt động của dây thần kinh.

Liệt dây thần kinh số III: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 6
Bổ sung vitamin nhóm B là một trong các phương pháp điều trị liệt dây thần kinh số III

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp bạn hạn chế diễn tiến của liệt dây thần kinh số III

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ chỉ định của bác sĩ điều trị trong quá trình điều trị.
  • Duy trì lối sống lạc quan, giữ tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng.
  • Thăm khám theo lịch của bác sĩ đưa ra để theo dõi diễn tiến của bệnh và đánh giá độ hiệu quả của các phương pháp điều trị.

Chế độ dinh dưỡng: Ăn uống đủ chất và khoa học. Tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể.

Phương pháp phòng ngừa liệt dây thần kinh số III hiệu quả

Nếu bạn đang mắc tình trạng liệt dây thần kinh số 3 hoặc đang mong muốn phòng ngừa hiệu quả bệnh lý này, bạn cần thực hiện một số phương pháp sau:

  • Kiểm soát tốt các bệnh lý nền: Tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu.
  • Thường xuyên kiểm tra sức khỏe mắt bao gồm thị lực, chuyển động mắt, chức năng nâng mi mắt, phản xạ ánh sáng của đồng tử nếu bạn có tiền sử mắc các bệnh lý trên hoặc dị dạng mạch máu não.
  • Chế độ ăn uống khoa học và được bác sĩ tư vấn phù hợp với các bệnh lý nền.
  • Tập luyện thể dục thể thao tối thiểu 150 phút mỗi tuần (30 phút mỗi ngày, 5 - 7 ngày một tuần), cường độ trung bình.
  • Xây dựng thời gian biểu cân bằng giữa lao động và nghỉ ngơi.
Liệt dây thần kinh số III: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 7
Khám mắt định kỳ giúp dự phòng liệt dây thần kinh số 3
Nguồn tham khảo
  • Acquired Oculomotor Nerve Palsy: https://eyewiki.aao.org/Acquired_Oculomotor_Nerve_Palsy#Management
  • Third Nerve Palsy (Oculomotor Nerve Palsy): https://emedicine.medscape.com/article/1198462-overview
  • Bruce BB, Biousse V, Newman NJ. Third nerve palsies. Semin Neurol. 2007;27(3):257-68. doi: 10.1055/s-2007-979681.
  • Zhang X, Cui H, Liu Y, Zhang L, Du R, Yuan H, Achakzai R, Zheng S. Acupuncture for oculomotor nerve palsy:A systematic review and meta-analysis. Complement Ther Med. 2022;71:102888. doi: 10.1016/j.ctim.2022.102888.
  • Baltrusch S. The Role of Neurotropic B Vitamins in Nerve Regeneration. Biomed Res Int. 2021;2021:9968228. doi: 10.1155/2021/9968228.

Các bệnh liên quan

  1. Rối loạn lo âu lan tỏa

  2. Bệnh virus Nipah

  3. Tê chân

  4. Nhiễm trùng thần kinh

  5. Bệnh Pompe

  6. Bệnh Tay-Sachs

  7. Loạn trương lực cơ

  8. Động kinh thùy thái dương

  9. Rối loạn trí nhớ

  10. Mnemophobia